Thông tin

KHỞI ĐẦU VÀ KẾT THÚC 1 NGÀY BẰNG THIỆN PHÁP

 

TUỆ ÂN

 


 

Một ngày mới của tôi bắt đầu lúc 04h00' sáng. Khi chuông báo thức reo, vẫn còn đang trong tư thế nằm, việc đầu tiên khởi lên trong tâm thức tôi là niệm hồng danh 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng và tụng bài Kệ An Lành.

Sau khi vệ sinh cá nhân xong, tôi chuẩn bị cho việc hành lễ buổi sáng gồm thay nước, xông trầm cúng dường Tam Bảo.

Nghi lễ bắt đầu bằng việc đảnh lễ Tam Bảo, sám hối Okāsa, lễ bái Tam Bảo, xin Tam Quy, ngũ giới/bát giới và tụng kinh gồm những bài như Anekajati, Dhāraṇa, các bài kinh hộ trì Paritta... sau đó rải tâm từ đến các hàng chúng sinh, hồi hướng phát nguyện, chia phước và chúc phúc. Thường thì phần tụng đọc sẽ kéo dài chừng 60', sau đó sẽ đến phần hành thiền. Sau khi làm thủ tục cúng dường phần danh sắc của mình tới đức Phật, tôi dành thời gian chừng 10' vẫy tay để giúp lưu thông khí huyết theo cách kết hợp giữa y đạo, khí công và pháp môn niệm Phật. Sau khi kết thúc phần vẫy tay, thì tôi bắt đầu thiền hành.

Với nhiều người, khái niệm thiền hành là 1 điều lạ lẫm và ít được áp dụng. Tôi đã đưa ra cách giải thích rất dung dị rằng thiền hành chính là sạc pin cho điện thoại, thiền tọa chính là khi ta sử dụng điện thoại. Nếu không có pin, thì ta không thể sử dụng được điện thoại. Nếu ta không thiền hành, thì việc thiền tọa sẽ gặp nhiều chướng ngại và không đạt được kết quả như ý muốn. Tôi thường đi thiền hành trong tư thế tay trái bắt vào cổ tay phải, mắt nhìn xuống phía trước khoảng cách chừng 2m. Với nét mặt thư thái, tôi từ tốn cất bước theo nhịp đi chậm rãi với công thức như sau: 1 bên chân trụ vững, trong đầu thầm niệm "bước", thì chân bên kia nhấc lên nhưng mũi ngón chân vẫn chạm đất, niệm "dở" thì chân bước sẽ dở thẳng ra phía trước như chiến sĩ đi duyệt binh, niệm "đạp" thì hạ gót chân xuống chạm đất ngang với mũi ngón chân của chân trụ, niệm "nhấn" khi chạm phần mu bàn chân còn lại xuống đất. Sau đó, tiếp tục chân đó làm trụ, chân kia lại thực hành theo công thức "bước, dở, đạp, nhấn" như vậy.

Sau một thời gian thực hành thiền hành như vậy, tôi đã có thể cảm nhận được cảm giác an lạc, nhẹ nhàng bao trùm toàn thân trong lúc di chuyển. Khi trú tâm vào bước chân, thì cảm nhận của tôi giống như không phải là có một thân hình nào đang chuyển động, mà chỉ là sự cử động bước đi nhịp nhàng và một sự nhận biết, lặng lẽ theo dõi các bước di chuyển đó.

Trong lúc thiền hành, nếu thấy bị phóng tâm, thì tôi sẽ ghi nhận là mình đang phóng tâm rồi hướng tâm trở lại với đề mục chính là công thức "bước, dở, đạp, nhấn" để đưa tâm về an trú trên bước chân. Khi gặp vật cản như bức tường chắn thì tôi sẽ niệm 'giảm - dừng - xoay" rồi lại tiếp tục thiền hành. Tôi thực tập như thế khi đi vài vòng trong hành lang tầng thiền, việc kinh hành giúp lưu thông khí huyết, hít thở không khí trong lành buổi sớm làm tâm an tịnh và giúp cải thiện cả vấn đề xương khớp cho tôi.

Buổi sáng, tôi thường thiền hành trong khoảng 10', sau đó là thời thiền tọa. Đầu tiên tôi thực hành thiền định theo phương pháp Anapanasatti để an trú tâm vào đề mục thiền. Khi ngồi thiền, tôi thường giữ lưng cho thẳng nhưng thư thả, nhẹ nhàng, tư thế cân bằng. Nhiều người hay ngồi ngay trên sàn nhà, theo tư thế kiết già hay bán già và họ cho rằng đó là tư thế tốt nhất. Riêng phần tôi, vì không thể ngồi kiết già nên tôi thường ngồi theo tư thế chân trước chân sau cùng 1 bên. Tư thế đó cũng tạo được ba điểm tựa vững chắc để nâng đỡ thân thể, với mông và hai đầu gối chạm mặt đất. Với hai tay nhẹ nhàng đặt trên đùi, bàn tay để chồng lên nhau, ngón tay cái bên phải ở trên, chồng lên ngón cái bên trái. Đầu giữ thẳng, cân bằng trên vai, mặt hướng về tượng đức Phật, mắt nhắm hoàn toàn, đóng hết các giác quan trừ việc cảm nhận hơi thở xúc chạm ở đầu lỗ mũi. Khi bắt đầu theo dõi hơi thở thì khoảng 3 phút đầu tôi thường chủ động hít thở mạnh để cảm nhận được sự xúc chạm của hơi thở ở đầu lỗ mũi, sau khi cảm nhận được sự xúc chạm rõ rệt thì tôi đưa hơi thở về tự nhiên bình thường, không cố ý ép thở nhanh hoặc chậm, dài hay ngắn. Chú ý để tâm nơi lỗ mũi, theo dõi hơi thở vào... ra... vào... ra... Chú tâm đến luồng hơi khi nó vừa đến chạm lỗ mũi, và khi luồng hơi khi sắp sửa thoát ra khỏi mũi. Với chánh niệm, tôi thường gắng ghi nhận sự chạm xúc, các cảm giác, sự nóng lạnh, tiếng hơi va chạm ở đầu lỗ mũi. Chỉ đơn thuần là một sự ghi nhận hơi thở như 1 đối tượng khách quan. Dần dần tôi thấy hơi thở trở nên nhu nhuyến, nhẹ nhàng hơn, thậm chí có cảm giác là dường như không còn thở nữa. Nghĩa là hơi thở đã được an tĩnh và cảm giác trở nên rất dễ chịu. Lúc đó, cảm giác ta như tan biến, chỉ có một hơi thở đang xảy ra, và một sự nhận biết, ghi nhận, theo dõi hơi thở đó mà thôi.

Việc bám sát vào đề mục trong thời gian dài có thể giúp cho công phu hành thiền tiến triển tốt đẹp. Với phương pháp hành thiền quán niệm hơi thở Anapanasati, ta có thể quán sát, ghi nhận từng hơi thở, diễn trình của luồng hơi, từ lúc sinh khởi cho đến khi tận diệt từ khi nó đi vào cũng như đi ra. Trong lúc hành thiền, có 1 số các đề mục khác nổi lên, nếu đề mục đó rất mạnh và rõ rệt thì tôi hướng tâm nhận biết chúng, rồi quay về với đề mục hành thiền là quán niệm hơi thở tại điểm xúc chạm ở lỗ mũi.

Tôi thường thực hành thiền định trong vòng 30 - 40' trong 1 tư thế tọa thiền và cố gắng không thay đổi oai nghi ngồi như vậy. Khi tâm đã bám được vào đề mục chính và không còn xuất hiện tạp niệm thì tôi lắng tâm theo dõi, khi thọ khổ khởi lên do ngồi quá lâu trong 1 tư thế, tôi chuyển từ việc quán niệm hơi thở sang chánh niệm quan sát cảm thọ, ghi nhận cảm thọ đó từ khi sinh khởi đến lúc diệt tận. Việc tiến hành thiền vipassana sẽ được tôi thực hiện trong khoảng 30' còn lại của thời thiền.

Trong lúc hành thiền, để giữ được sự an lạc, tôi thường tập cười mỉm, giống như nụ cười hiền hoà như thường thấy ở đức Phật. Khép nhẹ đôi mắt, tôi ghi nhận cảm giác của toàn thân, từ đỉnh đầu xuống đến bàn chân, ghi nhận tư thế ngồi vững vàng, thoải mái. Rồi tự nhủ thầm: "Bây giờ, tôi sẽ bắt đầu hành thiền, chú tâm vào hành thiền, không quan tâm đến việc gì khác".

Trong cuốn Pháp môn niệm ân đức Phật, Ngài Hộ Pháp dạy rằng nếu thấy gặp trở ngại trong việc định tâm, ta có thể quán niệm ân đức Phật như 1 cách dễ dàng đạt sự định tâm. Khi ta chánh niệm niệm thầm ở trong tâm nhiều lần là "Buddho... Buddho... Buddho..." với mong muốn định tâm an trú nơi Ân đức Phật, khi tâm đã tương đối định rồi thì tôi bỏ pháp niệm đó để trở về đề mục chính là quan sát hơi thở vào ra tại lỗ mũi.

Vào buổi sáng, vì cả nhà chưa thức dậy nên không gian rất tĩnh lặng, thích hợp với việc hành thiền. Nhưng chính sự yên tĩnh đó đôi khi làm cho tôi bị phóng tâm, suy nghĩ vẩn vơ hay rơi vào trạng thái hôn trầm thụy miên. Tôi hiểu đó là những trở ngại thông thường mà hành giả đều phải đối diện và nhận biết nên không bi quan, nản chí, hay nóng nảy, buồn giận mà tập kiên nhẫn và tỉnh giác để rèn luyện tâm ý. Việc thực tập đều đặn đề mục quán niệm hơi thở đã dần mang lại những tiến bộ không ngờ cho bản thân tôi.

Sau khi quán niệm hơi thở và quán cảm thọ, tôi chuyển sang quán niệm rải tâm từ. Vẫn tư thế ngồi an tịnh, với nụ cười mỉm trên môi, với tâm tỉnh giác và buông xả, tôi thầm nguyện trong tâm: "Xin cho tôi được an lạc". Với niềm vui nhẹ nhàng đó, tôi đưa tâm ghi nhận từng nơi trên thân thể, từ đỉnh đầu đến mặt, hai vai, hai tay, ngực, bụng, bắp đùi, rồi bàn chân. Thông thường, khi làm như thế, tôi thấy có một cảm giác ấm áp, an nhẹ bao trùm toàn thân thể. Với cảm giác an bình như thế, tôi bắt đầu hướng tâm đến những người thân, nguyện cho họ được an lạc. Rồi hướng tâm hoan hỉ cầu an đến các bậc thầy tổ, xuất gia, đến bạn hữu, những người quen và không quen, còn oan trái và không oan trái đang sống tại thành phố này, tại đất nước này, hướng tâm từ đến toàn thể nhân loại, toàn thể chúng sinh đang luân hồi trong tam giới này. Mỗi lần chuyển đối tượng, tôi đều nghĩ đến đối tượng đó với cảm giác nồng ấm, an lạc và nguyện cho họ cũng được an lạc như thế.

Vẫn trong oai nghi ngồi đó, tôi thành kính hướng về tượng Phật và tháp Xá-lợi của đức Phật, tạ ơn Ngài đã dạy bảo cho tôi con đường tu tập giải thoát khổ, sau đó sẽ hồi hướng, chia phần phước thiện tụng kinh, hành thiền tới toàn thể chư Thiên và nhân loại.

Buổi tối, tôi dành nhiều thời gian cho việc tụng kinh hơn là hành thiền. Tôi duy trì việc tụng bài kinh Đại Niệm Xứ Mahāsatipaṭṭhāna, kinh Chuyển Pháp Luân Dhammacakkappavattana và kinh Vô Ngã Tướng Anattalakkhaṅa theo tuần tự từng phần. Sau khi kết thúc thời kinh buổi tối, tôi thường cùng vợ và các con niệm Phật, xin thọ trì Tam Quy Ngũ Giới. Khi cả nhà bắt đầu đã ngủ thì tôi sẽ ngồi thiền tọa đến lúc nào thấy thật sự buồn ngủ, thì sẽ niệm ân đức Tam Bảo trước khi ngủ. Tôi thường kết thúc 1 ngày cũ vào khoảng 12h đêm và bắt đầu 1 ngày mới vào lúc 04h00 sáng.

Xin chia sẻ với đại chúng lời dạy của Ngài Indacanda Chánh Thân rằng "một tuần làm Phật sự 1 lần thì được 1 chút lợi ích, hàng ngày hành Phật sự sẽ được gấp 7 lần lợi ích, hàng ngày hành Phật sự 2 lần sẽ được 14 lần lợi ích" như 1 lời sách tấn cho mỗi người chúng ta trong việc thực hành tu tập hằng ngày.

Xin chúc quý vị siêng năng, tinh tấn trong việc hành trì và thành tựu được những hạnh nguyện tu tập của mình.

Do oai lực của tất cả những thiện pháp mà tôi đã có được, cầu mong cho tất cả chúng sinh hiểu đúng được lời dạy của Đấng Pháp Vương, là Pháp vốn đưa đến hạnh phúc Niết-Bàn, chứng ngộ được Niết-Bàn vô ưu, vô não và tối thượng thông qua con đường Trung Đạo (Bát Chánh Đạo) trong sạch và an vui.

Nguyện cầu cho Chánh Pháp được trường tồn,

Nguyện cho tất cả chúng sinh đều tôn kính Pháp.

Nguyện cho mọi người luôn được an vui,

Nguyện cho nơi nơi mưa thuận gió hòa.

Sādhu! Sādhu! Sādhu lành thay!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6703722