Thông tin

KHÚC HÁT VU LAN

 

MINH NHIÊN

 


 

Đã có biết bao ca từ, bao thi phẩm, hoạ phẩm tôn vinh hình tượng cao quý của cha mẹ. Mỗi câu chuyện là một huyền thoại. Và mỗi người kể lại bằng những tác phẩm xuất phát từ tình yêu mà họ đã được nuôi dưỡng và lớn lên theo cách của riêng mình. Tựu trung, chúng ta có thể cảm nhận được hết thảy những tình cảm yêu thương sâu xa tận đáy lòng họ khiến chúng ta xúc động tận tâm can.

Hàng năm, tháng 7 Vu Lan là dịp để báo hiếu cha mẹ, nhắc chúng ta nhớ và biết ơn công dưỡng dục sinh thành. Dù rằng mỗi người bận với mưu sinh có thể chúng ta đã lơ là bổn phận của mình, nhưng tôi tin chắc tận trong tâm khảm của mỗi người tình phụ tử, mẫu tử là tình yêu thiêng liêng nhất. Xin được thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến mẹ, và chia sẻ nỗi lòng với những ai đang cài hoa hồng trắng. Vắng mẹ yêu ngỡ ngàng/ Đã mấy mùa Vu Lan/ Áo con cài hoa trắng/ Lệ thầm rơi hai hàng. (Tố Thư).

Chắt chiu từng chút nhựa sống cho con để một ngày cuối cùng trong đời cha như cây khô vẫn cố bùng cháy để biến những tro tàn thành niềm tin cho con vững bước: Bỗng một ngày chỉ còn như cây khô/ là cha tôi/ Bốc cháy một lần cuối cùng/ Cho tôi niềm tin cho tôi hy vọng/ Ôi khúc hát của những tro tàn chẳng bao giờ lịm tắt/ thổi bùng cuộc sống trong tôi!... (Phạm Thị Ngọc Liên).

Cha mẹ nơi suối vàng chắc cũng yên vui, vì con trẻ hiểu được ơn sâu nghĩa nặng và lấy đó làm kim chỉ nam trong mỗi bước đường đi: Bốn phương con nguyện một lời/ Tạ ơn cha mẹ một đời khổ đau/ Dù cho nẻ đá bạt lau/ Lòng con một dạ ơn sâu đáp đền. (Bảo Cường). Kể lại một đời tần tảo hy sinh của mẹ, khoác chiếc áo mỏng manh như cánh chuồn chuồn, là những giọt nước mắt cảm thương sâu sắc khóc cho cuộc đời mẹ nổi trôi như đám lục bình: Ánh nắng mỏng đậu trên cánh chuồn chuồn/ Mẹ qua sông một ngày bạc áo/ Giọt mồ hôi khóc tuổi xuân tần tảo/ Lục bình trôi tím cả khúc ca buồn (Thục Linh).

Như cổ tích, chuyện kể về một đêm trong vắt, đôi tay cha đã nâng con lên cao đến tận gần những vì sao sáng bắt đầu cho một mầm sống chứa chan hy vọng: Bắt đầu từ bầu trời đêm sáng trong/ Được cha nâng trên vai bằng đôi tay chai sần vì nhát cuốc/ Những ngôi sao gần với tôi hơn (Ngô Liêm Khoan). Một nỗi nhớ trên tận cùng nỗi nhớ về kỷ niệm một loài hoa trắng, trắng như tấm lòng và mái tóc mẹ bạc phơ: Lớn lên tôi hiểu hoa so đũa/ Kỷ niệm tình yêu của mẹ, ba/ Tôi nhớ trời ơi! Tôi nhớ quá/ Một màu hoa trắng tóc mẹ già (Đoàn Văn Nhơn).

Có những nỗi đau lặng lẽ chảy mềm theo năm tháng bóng mẹ gầy guộc gian nan trên cánh đồng bạt gió: Tôi có những giấc mơ không dịu dàng, bằng phẳng/ Ngã nghiêng tựa luống cày/ Chiều hạ/ Bóng mẹ tôi đâu như hôm trước/ Vừa đôi gang tay (Võ Mạnh Hảo).

Rồi suốt đời những lời ru của mẹ dẫu chỉ còn trong ký ức nhưng mãi mãi êm ả sáng trong như cánh cò trên đồng cỏ mướt xanh đến vô tận những rung động ngọt ngào: Mùa thu này lời ru ấy xa bay Gió thoảng xa chút hương đồng cỏ nội/ Cỏ mướt xanh những gót chân bước vội/ Con đi tìm câu hát ru xa xôi (Hoa Lưu Ly).

Sau cùng, đó là sự thấu hiểu, an ủi, sẻ chia với cha một khi người đã nhìn thấy sự vô thường của cuộc đời: Chiều nay ngun ngút khói nhang/ Riêng con ngồi giữa nghĩa trang nghìn trùng/ Giữa hàng mộ chí mông lung/ Có ai chia sẻ vô cùng với cha? (Dương Xuân Định).

Với tôi, các thi nhân đã để lại cho đời những tuyệt tác về tình yêu quý cha mẹ. Dẫu có đi qua ngàn bể dâu, dẫu có gặp trắc trở hay buồn đau, thì những thi phẩm này là những khúc hát Vu Lan xin hãy cùng nhau gởi tặng như muôn ngàn đóa hoa hồng đỏ cài lên áo những ai đang còn mẹ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6703621