Thông tin

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ THỜI MINH MẠNG

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ THỜI MINH MẠNG

 

TẠ VĂN TRƯỜNG

 

 

Dưới thời Minh Mạng (1820-1840), nhà nước luôn quan tâm tới việc trùng tu, xây dựng các ngôi chùa. Nhiều ngôi chùa mới được nhà vua cho dựng thêm như chùa Khải Tường (Gia Định), chùa Vĩnh An (Quảng Nam), chùa Thánh Duyên (Huế), chùa Giác Hoàng (Huế)... Một số ngôi chùa đã hoàn toàn biến mất do sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh như các chùa Giác Hoàng, Khải Tường, Vĩnh An… một số ngôi chùa còn lại cũng không còn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, hầu hết đã bị cải biên sau nhiều đợt trùng tu. Tuy nhiên, những ghi chép rải rác trong chính sử nhà Nguyễn và những đoạn miêu tả của giáo sĩ phương Tây ở Việt Nam trong thời gian này có thể giúp cho chúng ta hình dung được kiến trúc cơ bản của những ngôi chùa lúc bấy giờ.

1. Kiến trúc cơ bản của một số ngôi chùa được nhà nước đứng ra xây dựng, trùng tu

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho chúng ta biết kiến trúc cơ bản của một số ngôi chùa công được nhà nước đứng ra sửa sang, tu tạo trong thời gian này nhưng rất tiếc những ngôi chùa này đến nay đã hoàn toàn biến mất dưới tác động khắc nghiệt của thiên tai và chiến tranh. Đó là các chùa như:

- Chùa Vĩnh An (Quảng Nam), một tòa 3 gian 2 chái, gian giữa đặt tòa Phật, gian bên tả bên hữu đặt thần ngự hai làng Vĩnh Diễn, Vĩnh Diên.

- Chùa Từ Tâm, tiền đường và hậu đường hợp làm một tòa, một sơn phòng, một chiên y, một thượng thanh đều một gian, một cửa Tam Quan, một cửa thiên căn nguyệt quật, một khám đá Vu âm, một khám đá Linh Sơn ở núi Ngũ Hành.

- Chùa Khải Tường có tòa nhà chính 3 gian, hai hành lang bên tả bên hữu một bên một gian, một tòa lầu chuông trống 3 gian 2 chái, một phòng sư, một nhà bếp đều 3 gian 2 chái.

- Chùa Giác Hoàng, chính giữa là điện Đại Hùng 3 gian 2 chái, phía trước dựng nhà bên tả, bên hữu, mỗi nhà 3 gian, ba cửa lầu, một lầu Hộ pháp; phía sau đặt hai phòng sư ở hai bên tả hữu, mỗi phòng 5 gian, nhà bếp ở bên tả 3 gian, bốn phía chung quanh tường gạch, phía sau mở 1 cửa, phía sau điện Đại Hùng dựng thêm một tòa điện Đại Bảo 3 gian 2 chái 1.

Từ những ghi chép rải rác trong sử sách và những kiến trúc còn lại hiện nay của một số chùa được xây dựng, trùng tu trong thời Minh Mạng như chùa Thánh Duyên (Huế), chùa Hoằng Phúc (Quảng Bình), các chùa trên núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng),…

Chùa Thánh Duyên (Huế): Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua ra dụ và cho dựng lại trên nền chùa cũ một ngôi chùa, lấy tên là Thánh Duyên, lại mở rộng để xây dựng thêm một gác gọi là gác Đại Từ và một tòa tháp gọi là tháp Điều Ngự. Việc xây dựng toàn bộ quần thể chùa, gác và tháp hoàn tất vào tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837). Chính điện thờ Phật là một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, cũng được kiến trúc hai tầng và mái lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Hai bên đường nóc trên cùng trang trí hai hình rồng chầu ở hai đầu, chính điện là một đám mây hóa thành mặt rồng. Củ giao hai đầu đều được cách điệu hóa. Mặt tiền chùa có 5 cửa vào. Tả hữu mỗi cửa có 2 lá khép; 3 cửa giữa mỗi cửa có 3 lá. Bước vào chùa, phía chính giữa là bức hoành phi “Phật nhật trùng quang” có lạc khoản “Thành Thái thất niên thập nhị nguyệt tạo”. Quanh bức hoành, các hoa văn được chạm theo mô típ “lưỡng long triều nguyệt” truyền thống. Bên trên chính giữa điện còn có bức hoành khác cũng được thếp vàng lộng lẫy đề: “Ngự tạo phụng Thánh Duyên tự” cùng lạc khoan “Minh Mạng thập nhất niên”. Các đố bản bên trên gần sát mái của toàn ngôi chùa là những hình chữ nhật, chạy đường viền, được chạm trổ rất công phu. Giữa lòng khung chạm khắc thơ do vua ngự chế; giữa những khung hình chữ nhật lại chen những khung vuông có khắc hình chữ “Phù” rất đẹp.

Bên hông chùa còn có quả chuông được đúc vào triều Minh Mạng. Chiều cao 0,79m, nếu kể cả hai bồ lao làm quai chuông thì chiều cao tổng thể là 1,28 m. Chuông có đường kính 0,69m, nặng 460 cân xưa. Trên chuông khắc 4 chữ Hán lớn “Thánh Duyên tự chung”, lạc khoản chú tạo là năm Minh Mạng thứ 17.

Chùa Hoằng Phúc (Quảng Bình): Theo các sách Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí hoặc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Quảng Bình thắng tích lục của Trần Kinh và Nguyễn Kim Chi biên soạn cho biết nhiều chi tiết có giá trị về ngôi chùa Hoằng Phúc, đặc biệt là những lần các vị vua, chúa Nguyễn viếng thăm, đề thơ vịnh và nhiều lần cho trùng tu lại chùa này. Đó là vào năm Kỷ Dậu (1609), chúa tiên Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa Kính Thiên trên nền cũ. Năm Bính Thân (1716), chúa hiền Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa cho tu sửa lại, ngự đề hai bức hoành biểu Kính Thiên tự Vô song phúc địa và 5 bức đối liễn treo ở chùa. Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ghé thăm chùa, cho đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc tự”. Năm 1823 và 1826, với ngụ ý danh sơn thắng tích không nên để vùi lấp mất đi, huống chi đây là nơi đức Hoằng tổ ta vì dân cầu phúc nên vua đã xuất hàng trăm ngân lượng để tu sửa lại chùa. Năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, có Đức ông Tùng Thiện quận vương tháp tùng đến thăm chùa Hoằng Phúc đã cấp cho chùa hàng trăm lạng bạc để trùng tu. Qua hai cuộc chiến tranh chùa Hoằng Phúc bị tàn phá, hư hỏng hầu như toàn bộ, chỉ còn lại chiếc cổng Tam quan và một đoạn tường phủ rêu xanh. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ thờ tượng Quan Thế Âm Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc và chạm trỗ rất tinh xảo. Điều đặc biệt là Đại hồng chung (chuông lớn) của chùa được đúc vào thời vua Minh Mạng năm thứ 20 (năm 1839) được bảo vệ cho đến ngày nay. Quả chuông có chiều cao toàn bộ là 1,1 m, đường kính 0,5m. Tai treo chuông được chạm nổi hai con rồng, miệng ngậm ngọc. Thân chuông có khắc tỉ mỉ hoa văn cách điệu và có 4 núm tượng trưng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; đồng thời khắc 4 chữ hán Hoằng Phúc linh chung.

 

 

Các chùa trên núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

Năm 1825, vua Minh Mạng đã đến thăm Ngũ Hành Sơn và cho đại trùng tu các cổ tự trên núi này, bao gồm các chùa Tam Thai, Ứng Chơn, Trang Nghiêm và Từ Tâm. Tam Thai và Từ Tâm thì đã có từ trước, nay tu sửa lại. Chùa Ứng Chơn được xây dựng trên cơ sở Dưỡng Chơn đường đã có từ thời chúa Nguyễn, đến đời Thành Thái năm thứ 3 (1891), chùa được đổi tên là chùa Linh Ứng. Còn Trang Nghiêm tự là hoàn toàn mới được hình thành trong dịp này. Gọi là chùa nhưng thực chất đây không phải là một ngôi chùa theo đúng nghĩa mà là một công trình kiến trúc, một cơ sở thờ tự Phật giáo được hình thành do việc lợi dụng địa thế tự nhiên của vách núi đá trong động Huyền Không ở ngọn Thủy Sơn. Trong các chùa trên thì Tam Thai và Ứng Chơn là hai ngôi chùa được vua Minh Mạng ban biển ngạch sắc tứ, được triều đình liệt vào hạng chùa quan, trở thành quốc tự của triều Nguyễn. Các chùa Tam Thai, Từ Tâm, Trang Nghiêm, Ứng Chân trên núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng là những ngôi chùa do chính vua Minh Mạng cho đại trùng tu. Sau vua Minh Mạng, đến đời Thành Thái thứ 6 (1894), chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng có xây dựng thêm một hạng mục mới nhưng không ảnh hưởng gì nhiều đến những công trình đã có.

Qua kiến trúc một số ngôi chùa trên cho thấy những ngôi chùa được triều đình xây dựng, trùng tu thường có quy mô tương đối lớn, là một quần thể kiến trúc, gồm nhiều hạng mục khác nhau, bao gồm: cổng tam quan, sân, tòa nhà chính thường là 3 gian 2 chái, có hành lang hai bên, lầu chuông trống 3 gian 2 chái hoặc lầu Hộ Pháp, phòng sư và nhà bếp. Bao quanh chùa là tường gạch. Ngoài ra, chùa còn có tháp, gác, khám đá, hồ, ao sen... Ở các chùa, vua thường đến thăm còn có hành cung để vua nghỉ lại như chùa Tam Thai (Đà Nẵng), chùa Khải Tường (Gia Định), chùa Thánh Duyên (Thừa Thiên Huế). Không chỉ bề thế, quy mô, các ngôi chùa này phần lớn có địa thế rất đẹp, hòa lẫn với núi sông cây cỏ nên đó không chỉ là nơi thờ tự mà còn là chốn danh lam thắng tích tô điểm cho vẻ đẹp
của đất nước.

Trong giai đoạn này, chùa nhà nước được quan tâm xây dựng, sửa sang, với các chất liệu quý như đồng, mạ vàng, gỗ. Một trong những chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng có niên đại tạo lập thời Minh Mạng là Quốc tự Thánh Duyên. Qua Bản thống kê tự khí, pháp khí chùa Thánh Duyên đời Thành Thái thứ 15 (1903), chúng ta biết được cả một hệ thống tượng có niên đại Minh Mạng thứ 17 (1835), hiện phần lớn đang được tôn trí tại chính điện chùa. Đó là các bộ tượng Phật Tam Thế, Thập bát La hán, Thập điện Minh Vương và các tượng Bồ tát Địa Tạng; Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Hộ Pháp, Quan Âm tống tử, Bồ Đề Đạt Ma, Quan Công2.

Ngoài ra, có thể hình dung kiến trúc cơ bản của ngôi chùa thời kỳ này qua đoạn miêu tả của giáo sĩ phương Tây ở Việt Nam. Giáo sĩ Masson trong bức thư ông gửi cho Bề trên ở Chủng viện Nancy đề ngày 12–12-1829 đã mô tả những ngôi chùa mà ông quan sát được như sau: “Những ngôi chùa đó xây bằng gạch, mái lợp bằng ngói và thường khá rộng rãi. Người ta vào chùa bằng một cái cửa lớn, hai bên là hai cái cửa nhỏ, cả ba cái cửa này đều được đắp nổi những hình thù kì dị. Tiếp đó là một cái sân rất rộng có thể chứa được tất cả mọi người đến dự lễ và để nấu nướng những đồ cúng; xa hơn chút nữa là ngôi chùa chính mà tôi không thể nào miêu tả cho Ngài biết được phía bên trong của nó, vì tôi không bao giờ có dịp vào xem, nhưng theo người ta nói thì chỉ có một vài pho tượng. Những ngôi chùa thờ Phật này thường được xây dựng trên sườn của một gò đất cao, và xung quanh bao giờ cũng là những rặng cây nhỏ rậm rạp mà mọi người không được phép đụng đến”3.

2. Tượng thờ trong các ngôi chùa dưới thời Minh Mạng

Những ghi chép trong Châu bản triều Tự Đức và mô tả của A.Sallet đầu thế kỉ XX về các ngôi chùa này cũng sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn tượng thờ trong các ngôi chùa thời Minh Mạng.

Theo Châu bản năm Tự Đức thứ 36 (1883):

Chùa Tam Thai có 9 án thờ, gồm Tam bảo, Di Lặc, Quan Thánh, Hộ pháp, Phật bi vị, tả La hán, hữu La hán, tả, hữu Phụ bật vị.

Chùa Từ Tâm có 5 án thờ, gồm: Địa Tạng, (mất chữ), tả hữu Phán quan nhân, âm hồn.

Chùa Trang Nghiêm (động Huyền Không) thờ 13 án, gồm: Thích Ca, Di Đà, Di Lặc chung 1 án, Tam bảo, Văn Thù, Phổ Hiền, tả hữu Thập điện 2 án, Hộ pháp, Ngọc Hoàng, Chúa Ngọc, Chúa Xứ, Thiện Hữu, Ác Hữu, Quan Âm.

Chùa Ứng Chân thờ 9 án, gồm: Thích Ca, Di Đà, Di Lặc chung 1 án, Tam bảo, Văn Thù, Phổ Hiền, tả hữu Thập điện 2 án, Thiện Hữu, Ác Hữu, Hộ pháp. Sơn phòng sở thờ 1 án Tổ sư; phương tượng sở thờ 1 án Giám vị.

Ngoài ra, ở chùa Từ Tâm và nhà phương trượng còn có 2 án thờ vị hiệu là Hiển tỷ quốc thích di tặng liệt phu nhân Tống thị và Viên tịch hội chủ tứ triều quốc di Nguyễn thị. Nhưng nguyên ủy sự tích ra sao thì không ai biết rõ, theo bộ Lễ, có thể cũng như các chùa tư, hội chủ đời trước quy y kí vào chùa, vì vậy mà không được liệt vào danh bộ thờ tự của chùa quan 4.

 A.Sallet trong chuyên khảo Núi đá hoa cương nhắc đến với những mô tả cụ thể hơn về ý nghĩa, nguồn gốc cũng như nơi tôn trí các tượng thờ này.

Chùa Linh Ứng: trên bàn thờ trung ương là bộ ba tượng Tam Thế, giữa là tượng Thích Ca bằng đất, bên phải là Di Lặc bằng đá và bên trái là tượng Di Đà cũng bằng đá. Bên cạnh Di Lặc có tượng Phổ Hiền bằng đồng, bên cạnh Di Đà có tượng Văn Thù bằng đá. Tiếp theo, hai bên tả hữu có hai bàn thờ thờ bài vị của 18 vị La hán. Giữa trung tâm chính điện là tượng Ngọc Hoàng bằng đồng, ngồi trên đài sen. Dưới bảng treo tên chùa ở cửa ra vào là bàn thờ và tượng Hộ pháp bằng đồng; ở hai bên có thần Thiện và thần Ác bằng đá. Trước mặt có bàn thờ Tiêu Diện.

Chùa Trang Nghiêm: thờ bộ Tam Thế với Thích Ca ở giữa, bên trái là Di Lặc và bên phải là Di Đà. Bên cạnh Di Lặc là Phổ Hiền và bên cạnh Di Đà là Văn Thù. Tất cả đều bằng đồng. Ở cửa ra vào, hai bên là hai bàn thờ thập điện Diêm vương.

Chùa Tam Thai: chính giữa là bức tượng đồng Di Lặc ngồi, bên trái phật Di Lặc là tượng Quan Thánh bằng gỗ, bên phải là tượng vị Tổ bằng đất. Trước mặt Di Lặc là bàn thờ Hộ pháp bằng đồng.Trước mặt cửa ra vào, hai bên trái phải là các vị thần bảo vệ, tức Tả phụ Hữu bật. Gần vách bên phải có bàn thờ vọng 18 vị La hán.

Chùa Từ Tâm: thờ Địa Tạng, Thập điện Diêm vương, thờ cúng các đời trước đã cai trị đất nước là Đinh, Lý, Trần, Lê. Ngoài ra, cũng có một bàn thờ để thờ cúng chung nhiều vị Phật khác nhau và một bàn thờ để cúng cô hồn5.

Tượng thờ trong các ngôi chùa của nhà nước thời này có nhiều điểm tương đồng, trong đó, phổ biến là tượng các vị Phật với bộ Tam Thế (Phật Thích Ca, A Di Đà, Di Lặc), tượng Bồ tát (Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền) cùng các vị thần Phật giáo khác (Thập bát La hán, Hộ pháp, Thập điện Minh vương), ngoài ra còn có tượng các nhân vật thuộc Đạo giáo, Nho giáo và cả tín ngưỡng dân gian như Ngọc Hoàng thượng đế, Tam Thánh (Quan Công, Quan Bình, Châu Xương), thờ Mẫu (Chúa Ngọc, Chúa Xứ).

3. Về kiến trúc chùa làng dưới thời Minh Mạng

Người Việt thường có câu “đất vua, chùa làng” hàm ý như một lời khẳng định về mối quan hệ gắn kết giữa làng và chùa, nếu đất đai dưới bầu trời này là của vua thì chùa là của làng, do dân làng xây dựng và quản lý. Khác với chùa nhà nước, chùa làng không chỉ là nơi thờ tự của Phật giáo, mà đó còn là trung tâm văn hóa làng, là nơi đáp ứng nhiều nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

So với chùa nhà nước, chùa làng được xây dựng ít kiên cố, vật liệu thô sơ nên độ bền vững của công trình cũng thấp hơn. Trước tác động nghiệt ngã của thời tiết và con người, phần lớn chùa làng đến nay đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, thậm chí nhiều chùa đã không còn tồn tại nên rất khó để nhận biết dấu ấn kiến trúc của thời Minh Mạng trong các ngôi chùa làng hiện nay.

Ở làng, bắt đầu từ ý nguyện của vị trụ trì chùa hoặc từ một gia đình giàu có nào đó trong làng, sau đó những vị chủ công này đứng ra kêu gọi thập phương đóng góp khởi xướng trùng tu chùa hay đúc chuông mới.

Chùa Kim Phong (Quảng Bình) lại được sửa sang từ các chức sắc của làng. “Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829), tại hội Phan Xá, lý trưởng làng Cổ Hiền Trương Thiên Thị, hương mục làng Động Tư Trần Chí Gia bàn bạc với thầy trụ trì quyên góp công của tu bổ đường bậc cấp lên núi”6.

Bia Cải kiến Linh sơn cổ tự bi kí tạo lập năm Minh Mạng thứ 9 (1828) khắc ghi: “Trụ trì chùa, Nguyễn Quý Viêm, pháp tự Chân Không là nguời nho học lại ẩn trong đạo Thiền, nhìn cảnh chùa cổ, sinh lòng hoài niệm, khẳng khái có ý muốn sửa chữa chùa. Mùa xuân năm nay, bàn với các người trong thôn như ông… khuyên hóa các thiện tín, gọi thợ, chuẩn bị gỗ, hưng công xây dựng viện vũ, tên chùa vẫn giữ như xưa”7. Có thể thấy chùa Linh Sơn (Hà Nội) được trùng tu từ chính khởi tâm của trụ trì chùa.

Ngoài góp công sức, cúng dường tiền bạc, vật phẩm của các tín hữu cung tiến cho chùa cũng rất đa dạng, đó có thể là ruộng đất, là pháp tượng, pháp khí. Mọi sự đóng góp cho chùa làng đều tự nguyện. Khả năng đóng góp của mỗi người cho công trình chùa dù nhiều ít khác nhau nhưng đều thể hiện lòng thành và niềm tin của họ đối với đạo Phật.

Chùa Thanh Long và chùa Khánh Linh (Hải Phòng) khi sửa chữa cũng đã có hơn 100 đạo hữu cúng dường, mỗi người từ 1 đến 6 quan tiền, trong đó nhiều nhất là cai tổng xã Bình Càn huyện Tứ Kỳ là Đạo Trọng Phiên cúng 25 quan tiền, Lương Huy Vương người trong họ cúng 7 quan tiền. Chúng tôi cộng toàn bộ danh sách cúng dường cho 2 công trình này là 114 quan, 78 mạch và 5 sào ruộng8. Công trình tu bổ chùa Kim Phong (Quảng Bình) năm Minh Mạng thứ 10 (1829) cũng tốn hơn 2.000 quan tiền9.

Tượng thờ của giai đoạn này đến nay vẫn còn được lưu giữ khá nhiều ở các địa phương. Về cơ bản, đối tượng thờ cúng trong chùa làng cũng giống như chùa nhà nước, nhưng có thêm một số đối tượng khác như thờ Hậu, thờ người được gửi giỗ, thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Bia Kí kị bi kí (chùa Đại Bi, Hà Nội) “Bản thôn dự định tu sửa chùa Đại Bi, vợ chồng ông bà Phạm Tông Môn và Tô Thị Sự cúng 60 quan tiền, 2 sào 5 thước ruộng để làng tu sửa chùa. Dân thôn bầu ông là Hậu Phật”10.

Kết luận

 Dưới thời Minh Mạng, chùa hàng quốc tự được triều đình quan tâm sửa sang, tu bổ trở nên bề thế, khang trang, đặc biệt một số chùa mới dựng có địa thế và kiến trúc đẹp, nhiều pháp tượng, pháp khí có giá trị. Trong khi đó ở các làng quê, hoạt động xây dựng, trùng tu cũng diễn ra hết sức nhộn nhịp với sự tham gia của đông đảo dân chúng. Điều đó không chỉ làm cho các cơ sở thờ tự Phật giáo được khang trang hơn mà còn giúp cho nhiều ngôi cổ tự thoát khỏi nguy cơ biến mất. Tượng thờ thời kì này vẫn là sự tiếp nối truyền thống thờ tự của Phật giáo Việt Nam ở các thời kì trước, không có sự biến đổi đáng kể nào. Tính dung hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống vẫn còn hiện diện phổ biến trong các ngôi chùa lúc bấy giờ. Qua hệ thống kiến trúc chùa, Phật giáo thời Minh Mạng đã thực sự phát triển, phần nào cho thấy vị trí của ngôi chùa trong đời sống văn hóa của Việt Nam.


 1. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 7, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.72.

2. Thích Không Nhiên, Trần Đình Sơn, Võ Vinh Quang (2014), Bản thống kê tự khí, pháp khí chùa Thánh Duyên đời Thành Thái vừa được phát hiện, Tạp chí Liễu Quán, số 3, tr 54.

3. Nguyễn Văn Kiệm (1997), Một vài tư liệu về tín ngưỡng của người Việt Nam ở thế kỉ XIX qua một số thư của giáo sĩ phương Tây, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2, tr 64.

4. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.552-553.

5.  A.Sallet (1924), Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn), BAVH, số 1, tr.87-88, 116, 119, 121.

6. Nguyễn Duy Phương (2014), Công tác tổ chức, quản lý Quốc tự của triều Minh Mạng (1820 - 1840), Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, số 9, tr 67 – 75

7. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2007), Văn bia triều Nguyễn (tuyển chọn), tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. Đỗ Thị Hảo (chủ biên) (2009), Văn bia Tiên Lãng – Hải Phòng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

9. Nguyễn Phúc Vĩnh Ba (2015), Khảo sát một số văn bản Hán Nôm ghi chép về cổ tự Kim Phong ở núi Thần Đinh, Tạp chí Liễu Quán, số 5, tr 76.

10. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2007), Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6784684