Thông tin

KIẾN TRÚC CHÙA PHẬT

XỨ ĐÀNG TRONG - NAM BỘ THỜI NGUYỄN

 

NGUYỄN HỮU THÁI*

 

Đề cập vấn đề văn hóa Nam Bộ nói chung và kiến trúc Phật giáo Nam Bộ nói riêng, thì không thể không nói về sự kiện lịch sử đất nước Việt Nam bị chia cắt thành “Đàng Ngoài” - “Đàng Trong” suốt gần hai thế kỷ và vai trò xuất sắc hoàn tất cuộc “Nam tiến” của các chúa Nguyễn ở phía Nam.

Thật vậy, từ năm 1620 đến năm 1788, đất nước Việt Nam bị tách thành hai lãnh địa qua con sông Gianh ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Cuộc tranh chấp giữa 2 phủ chúa đóng kín ranh giới, cho nên công cuộc “Nam tiến” của dân tộc trở thành một hiện tượng của riêng nhà Nguyễn, từ miền Trung tiến vào miền Nam bao la, tóm thâu các vùng đất còn lại của Chămpa và chinh phục thêm vùng đất mới Thủy Chân Lạp.

Đặc biệt, bước vào thời chúa Nguyễn thứ sáu là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi ở phương Nam hầu như đã hoàn tất khi người lưu dân Việt có mặt ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người Việt về mặt tâm linh tuy vẫn giữ truyền thống Tam giáo Nho-Phật-Đạo, nhưng sự tôn sùng Phật giáo là rõ nét nhất, đặc biệt khi nhà sư Thích Đại Sán nhận chúa Chu làm đệ tử nối pháp đời thứ 30 của tông Tào Động.

Văn hóa của người lưu dân vào miền đất Nam Bộ như vậy được cấu thành bởi nhiều yếu tố văn hóa đan xen vào nhau, vừa mang nét chung của văn hóa truyền thống Việt, vừa mang nhiều nét riêng của vùng văn hóa mới bản địa. Giai đoạn đầu mở nước vào phương Nam đã để lại nhiều di tích và sự kiện, trong đó có các công trình kiến trúc. Loại hình kiến trúc Chùa có thể được xem là đặc trưng tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa, văn minh tại đây.

I- Bối cảnh lịch sử Đàng Trong và văn hóa Nam Bộ

Khi những tốp lưu dân Việt đầu tiên đến Nam Bộ, cùng với hành trang vật chất, hành trang tâm linh họ mang theo là đạo lý nhân-nghĩa, giáo lýbình đẳng-đại đồng và tư tưởngvô vi-nhàn lạc của Nho-Phật-Đạo. Chính từ nhu cầu tâm linh đòi hỏi, bên cạnh những ngôi nhà riêng lẻ, lưu dân Việt đã xây dựng thêm các “công ốc” như “nhà vuông, am tự”, sau này phát triển thành “Phật tự, thần từ” làm cơ sở đầu tiên cho sinh hoạt cộng đồng, tương tự như hệ thống “đình-chùa-miếu-vũ” ở quê hương bổn quán của họ.

Kiến trúc chùa xuất hiện rất sớm, ngay từ những buổi đầu khai khẩn đất hoang, từ khi chưa có thiết chế hành chính phong kiến (trước năm 1698). Do đó có thể dễ nhận thấy rằng, cùng với kiến trúc đình, kiến trúc chùa đã đi cùng với lịch sử khẩn hoang Nam Bộ, là bộ phận văn hóa lâu đời nhất của người Việt tại vùng đất mới. Tuy nhiều lần “thay da đổi thịt” sau các tàn phá của môi trường tự nhiên và xã hội, nhưng chức năng ban đầu của chùa - là nơi phục vụ nhu cầu tâm linh, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân, rất ít thay đổi.

Minh chứng cho điều này có thể thấy qua sự xuất hiện rất sớm của các công trình kiến trúc chùa mà một số ít còn tồn tại cho đến ngày nay như:  Chùa Long Thiền - Biên Hòa (1664), chùa Bửu Phong - Biên Hòa (1676), chùa Tam Bảo – Hà Tiên (1680), chùa Đại Giác – Biên Hòa (cuối thế kỷ 17)… Ngày nay, hầu hết chúng không còn mang dáng kiến trúc đặc trưng cho giai đoạn lịch sử sơ khởi, mà đã biến dạng qua các lần tu sửa. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng cho thấy giá trị lịch sử đích thật của bộ phận kiến trúc tiêu biểu này. Như vậy, xét về thời gian văn hóa, cùng với nhà ở dân gian, cùng với đình, chùa Nam Bộ là bộ phận văn hóa có giá trị.

II- Kiến trúc xứ Đàng Trong-Nam Bộ    

Tiến vào đất phương Nam, kiểu cách xây dựng ở xứ “Đàng Trong” đã đổi khác. Giai đoạn đầu ở vùng “Ngũ Quảng” (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) và tiến dần vào đất Nam Bộ.

Riêng về phong cách chùa ở “Đàng Trong” cũng khác “Đàng Ngoài”. Tiêu biểu như nếp chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt, nhưng tinh tế, không đồ sộ, khoa trương, ít rườm rà, không nhiều gian. Đó cũng là ngôi nhà rường bình dị, thân thiết, gần gũi dân gian. Chánh điện chỉ có 3 - 5 gian, 2 chái, cắt mái 2 tầng nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn mái chùa nặng nề miền Bắc. Tiếp theo chánh điện là chiếc sân trong bao quanh bởi thiền đường, tăng xá. Sau vườn là khu canh tác, trồng hoa màu.

Vào vùng Nam Bộ, nhà cửa lưu dân chủ yếu vẫn làm theo kiểu nhà rường vùng Ngũ Quảng. Tuy vậy, cách bố cục mặt bằng, kết cấu gỗ và sử dụng vật liệu đã biết thích ứng với vùng đất mới nhiều sông rạch và thời tiết khí hậu nhiệt đới nắng mưa hai mùa, có mùa nước nổi hàng năm. Kiến trúc không còn được chăm chút tẩn mẩn, kiểu cách như ở Đàng Ngoài, mà mộc mạc, giản dị với những không gian ở mới, hình thành trong thực tế cuộc sống Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà ở bố cục kiểu “nối đọi” (các lớp nhà trước sau nối tiếp nhau), có hàng hiên bao quanh (tạo không gian đệm giữa nội và ngoại thất) hoặc “thảo bạt” mặt sau mở ra sông rạch. Mái có bốn vạt trước sau và hai bên, tạo dốc lớn cho nước mưa chảy nhanh, lợp ngói âm dương hai lớp, cách nhiệt cách ẩm tốt hơn ngói mũi hài ở miền Bắc. Vách gỗ (bổ kho) đều có song gỗ phía trên giúp thông thoát tốt cho nội thất.

Nhà cổ nay không còn nhiều, chỉ tồn tại một ít tại các nhà vườn ngoại thành. Xuất hiện sớm nhất ở vùng đất mới Gia Định, nay còn các ngôi chùa mang tên Phụng Sơn, Giác Lâm, Giác Viên. Đình thì còn các ngôi đình Nam Chơn, Bình Tiên. Dinh Tân Xá xây cho giám mục Bá Đa Lộc nay còn nguyên vẹn, là kiểu điển hình ngôi nhà rường cổ truyền 3 gian 2 chái. Từ mái nhà đến kèo cột, rầm chìa, đồ mộc nội thất thể hiện một kỹ thuật trang trí tinh xảo.    

Ngôi chùa của lưu dân Nam Bộ đã không còn được chăm chút tẩn mẩn, kiểu cách như ở vùng Ngũ Quảng hoặc Đàng Ngoài. Nếp chùa này mộc mạc, giản dị nhưng thích nghi với thời tiết khí hậu nhiệt đới. Ngôi nhà chính kiểu tứ trụ vừa mang hình ảnh ngôi nhà rường vùng Ngũ Quảng miền Trung vừa lai tạo nét chùa vùng Hoa Nam (Trung Quốc) lẫn nét chùa Khmer. Một không gian tâm linh mới đã hình thành trong thực tế cuộc sống vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Nếp chùa cần thông thoáng, mái lớn lợp ngói âm dương thô mộc kết hợp với hàng ba rộng rãi che chắn nắng mưa. Bố cục ngôi chùa cũng giản lược đi, ít khi xây cửa tam quan, tháp không mấy lớn, mà chỉ còn lại chánh điện với nhà tăng chúng, sân vườn phía sau.

III- Các đặc trưng kiến trúc chùa Nam Bộ

- Giá trị môi trường và cảnh quan:

Hình thành trong điều kiện tự nhiên Nam Bộ, kiến trúc chùa Nam Bộ đã hàm chứa trong tự thân nó một giá trị môi trường và cảnh quan khá đặc biệt.

Để ứng phó với không khí nóng ẩm của vùng Nam Bộ, kiến trúc chùa thường thoáng đãng, nhiều cửa, mái ngói thoải, tán đá cao… Tuy vậy, do môi trường ít gió bão, bộ khung sườn khá mảnh khảnh và giản đơn.

Chùa xuất hiện từ nhu cầu tâm linh của người lưu dân và được chính nhân dân trong làng xã “cưu mang” và xây dựng, do đó hầu hết kiến trúc chùa Nam Bộ thường mang “hình bóng” của kiến trúc dân gian lân cận, tự thân nó đã hòa hợp một cách tự nhiên với môi trường sống của người dân và môi cảnh xung quanh. Đó cũng là điều kiện tốt nhất cho cảm nhận cộng đồng và cơ sở hình thành các giá trị cảnh quan khu vực.

- Giá trị cấu trúc chức năng và kỹ thuật xây dựng:

Xuất phát từ điều kiện xã hội cụ thể tại Nam Bộ, khi mà đời sống người dân chưa ổn định, nhìn chung thực trạng ấy kéo dài từ khi Nam Bộ mới được người Việt khai phá cho đến nửa thế kỷ 20. Đời sống cá nhân chưa được cải thiện, kiến trúc nhà ở dân gian chưa được chú trọng thì kiến trúc mang tính công cộng như chùa cũng bị hạn hẹp. Không gian chức năng, vì thế cũng chỉ được phân bố vừa đủ cho các nhu cầu sinh hoạt cộng đồng tối thiểu. Bên cạnh đó, với kỹ thuật xây dựng thô sơ của người bình dân (Tại Nam Bộ ít có công trình kiến trúc chùa nào được hưng công xây dựng với qui mô lớn và có người chuyên môn kỹ thuật giỏi phụ trách). Đa số sử dụng “nông nhàn”, ít chuyên môn dưới hình thức “công quả” để xây dựng, các chi tiết kiến trúc ít được trau chuốt. Tuy vậy, kỹ thuật xây dựng giản đơn, ít cầu kỳ được sáng tạo từ phương thức xây dựng truyền thống thông qua các vật liệu xây dựng địa phương, và chức năng sử dụng tối thiểu trong bố cục đã tạo nên giá trị đặc biệt mang tính đặc thù văn hóa Nam Bộ.

-Tính chất dân gian trong kiến trúc chùa:

Các công trình kiến trúc chùa Nam Bộ hầu hết được kiến tạo bởi chính công sức, tài chánh, tư duy và sự sáng tạo nghệ thuật của người bình dân Nam Bộ, hiếm có công trình nào sử dụng “công khố” để xây dựng (chỉ có chùa Khải Tường được vua Minh Mạng trích quốc khố để trùng tu năm 1832 và đã bị cháy năm 1867), vì vậy chúng mang tính dân gian rất cao. Nét vàng son quen thuộc chốn cung đình ít được tìm thấy trong kiến trúc chùa Nam Bộ, thay vào đó là các màu sắc đen, nâu, gụ dân dã. Các hoa văn kỹ hà cũng ít xuất hiện, thay vào đó là những họa tiết đời thường rất thật, rất giản dị có nhiều tại địa phương như: sóc, vịt, khổ qua, chuột, bầu, bí… Đặc biệt hệ kết cấu xà-kẽ-bẩy hay chồng rường-giá chiêng hoặc giả thủ có cấu trúc phức tạp được thay bằng kệ kết cấu “kèo đâm trính cột kê” đơn giản, từng được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc dân gian Nam Bộ. Các hình thức vật liệu xây dựng như ngói “máng xối”, đá ong, gạch tàu… cũng hoàn toàn giống với cấu trúc ngôi nhà dân gian Nam Bộ. Ngoài ra chính tư duy nghệ thuật của người “thợ cả”, là một người trong giới bình dân, đã tạo ra phong cách kiến trúc mang tính bình dân của chùa Nam Bộ mà trong sáng tạo nghệ thuật, đôi khi chính họ cũng không lường hết được các giá trị tiềm ẩn trong tác phẩm kiến trúc do chính họ tạo ra. Giá trị ấy chỉ do công chúng cảm nhận được khi sử dụng.

-Tính linh hoạt trong tổ hợp không gian:

Tại Nam Bộ, kiến trúc chùa là nơi thờ Phật, thờ các vị anh hùng nghĩa sĩ (như chùa Sùng Đức-Sài Gòn thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Tôn Thạnh-Long An thờ Nguyễn Đình Chiểu… ), thờ bá tánh… về sau kết hợp thêm chức năng hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội. Cũng xuất phát từ những chức năng ngày càng phức tạp ấy, tổ hợp không gian kiến trúc chùa cũng đã không ngừng biến đổi. Từ ngôi “am tranh” mang kiểu mặt bằng “chữ nhất” sử dụng cho nhu cầu thuần tín ngưỡng ban đầu, chuyển sang tổ hợp mặt bằng “chữ nhị” sử dụng kết hợp thêm chức năng hoạt động tôn giáo (làm giảng đường, trai đường, trường hạ …) và không lâu sau đó biến sang tổ hợp mặt bằng “chữ tam” , “phức hợp” và gần đây (giữa thế kỷ 20) xuất hiện dạng “lầu” nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng hơn.

Xét về công năng sử dụng của kiến trúc đình và chùa Nam Bộ, tuy có khác nhau, nhưng quá trình biến chuyển có sự tương đồng nhau và không gian kiến trúc lại không khác nhay mấy. Thường chỉ là sự ghép nối thêm các “mô-đun” nhà giống như nếp nhà có trước hay tương tự để mở rộng thêm không gian sử dụng.

Để biến chuyển tổ hợp mặt bằng (không thay đổi chiều cao), đối với kiến trúc đình và chùa Nam Bộ (kể cả một số “nhà lớn” của các hào trưởng trong làng), thường chỉ là sự nối thêm một nếp nhà mới vào nếp nhà chính đã có sẵn, về phía sau hoặc hai bên theo kiểu “bát dần”, “nối đọi” hay “nối đọi có sân tương”. Do vậy, tổ hợp không gian kiến trúc thường giống nhau, mặc dù chức năng sử dụng có khác nhau. Đó cũng là lý do nhiều kiến trúc nhà ở của hào trưởng trong làng đã dễ dàng “cải gia vi tự” (sửa nhà làm chùa) thành các ngôi chùa với chức năng sử dụng mới mà tổ hợp không gian kiến trúc không thay đổi.

Từ các giá trị về mặt thời gian và không gian văn hóa so với các loại hình văn hóa khác như đã trình bày trên, cùng với đặc tính dân gian sẵn có, kiến trúc chùa Nam Bộ đã trở thành bộ phận văn hóa tiêu biểu của vùng văn hóa Nam Bộ.

Văn hóa Việt Nam, kể từ thời dựng nước, đã từng gắn liền với nền văn minh lúa nước. Sau cuộc thiên di vài nghìn năm trước công nguyên tiến về phương Nam ấm áp, hình thành cư dân Nam Á-Bách Việt và Việt Nam sau nầy. Tiếp cận với khí hậu bán nhiệt đới rồi nhiệt đới nóng ẩm của Trung Bộ và Nam Bộ, tư tưởng “thuận lý-trọng tình”trở thành truyền thống chung của cả dân tộc. Tuy có những thời kỳ bị tác động của văn hóa Trung Hoa hay sau nầy là văn hóa phương Tây, nhưng đặc trưng cơ bản ấy vẫn “mặc nhiên” là cốt lõi cho các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác và hiện diện trong các tác phẩm nghệ thuật của họ. Bản thân kiến trúc, là công trình nghệ thuật, cũng không nằm ngoài đặc trưng truyền thống ấy.

Riêng vùng văn hóa Nam Bộ, tính chất “trọng tình”càng nổi trội hơn các vùng khác trong thời gian đầu các chúa Nguyễn, ít ra đến hết thời kỳ Tây Sơn. Sau đó, trong sự tiếp biến văn hóa với các nước phương Tây và hoàn cảnh lịch sử “quá độ” với cái cũ, tư tưởng “thoát ly” hình thành, tạo tiền đề cho hàng loạt sự đổi mới theo chiều hướng “cách tân Âu hóa”, tính chất “trọng lý” dần dần hình thành và phát triển trong xã hội Nam Bộ sau đó lan ra trên phạm vi cả nước, nhất là vào những năm cuối thế kỷ 20 đầy biến động.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của những thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học xây dựng ngày càng được bổ sung và cải tiến, khoảng cách không gian của tiến bộ và lạc hậu ngày càng bị thu hẹp, sự giao lưu văn hóa tạo sự cọ xát mạnh mẽ giữa các nền văn hóa với nhau, tính tổng hợp của văn hóa nông nghiệp Việt Nam càng phát huy cao độ và cho ra đời những sản phẩm văn hóa nghệ thuật tiếp biến-tích hợp, tuy bước đầu “chất lượng” chưa cao, nhưng đó là một hiện tượng hứa hẹn cho một kiến trúc Việt Nam tương lai, vừa mang đặc trưng truyền thống dân tộc, vừa mang tính hiện đại.

Tất cả những biến động đó ở vùng đất phương Nam phải chăng đều phát xuất từ Đàng Trong-Nam Bộ thời các chúa Nguyễn, đặc biệt là giai đoạn trị vì của chúa Nguyễn Phúc Chu vậy.



* Kiến trúc sư, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6794938