Thông tin

KIẾN TRÚC CHÙA VIỆT

 

THÍCH MINH TRÍ

 


 

Nếu như văn hóa kiến trúc đình chùa của người Tàu luôn có hai con Lân đứng chầu ở cửa ra vào như vị thần thị uy tà tâm của tín đồ thì trong văn hóa kiến trúc đình chùa của người Việt xưa, tuy tiếp thụ văn hóa Tàu, nhưng tổ tiên chúng ta đã cải biên con Lân hay Sư tử thành con NGHÊ (dáng khuyển, mình Lân, miệng cười hoan hỷ) để trang trí trên các trụ biểu cổng ra vào hoặc trên mái đình chùa với biểu tượng của vị thần TỒI TÀ HIỂN CHÁNH (diệt ác dương thiện). Đây chính là sự tiếp thụ và sáng tạo của cha ông ta, khẳng định nền độc lập tự chủ về văn hóa kiến trúc của dân tộc Việt.

Đao (lưỡi câu) RỒNG CHẦU PHƯỢNG MỚM. Rồng tượng trưng cho nam giới (người cha); Phượng tượng trưng cho nữ giới (người mẹ); đao lá Tây mọc từ bụng Phượng tượng trưng cho người con. Đối với xã hội Việt Nam xưa cũng như nay, người cha (Rồng chầu) là cột trụ chính che chở gia đình; người mẹ (Phượng mớm) có bổn phận nuôi dạy chăm sóc con cái. Đao RỒNG CHẦU PHƯỢNG MỚM là nghệ thuật cách điệu của chữ Hiếu (孝), được trang trí trên mái mũi thuyền của ngôi chùa, tượng trưng cho chế độ phụ hệ của dân tộc Việt, lấy sự Hiếu đễ làm nền tảng căn bản trong sinh hoạt gia đình và quan hệ xã hội.

Mái cong mũi thuyền, chở bông lúa và lưỡi cày. Mái chùa là biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Nói mái chùa che chở hồn dân tộc là ý nghĩa ấy.

Mái chùa thuần Việt là mái cong như mũi con thuyền. Trên đó gắn hoa văn bông lúa cách điệu và mũi lưỡi cày. Vì vậy, mái chùa thuần Việt là biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Có thể nói không quá lời, chùa mái mũi thuyền là kiến trúc đỉnh cao mà tổ tiên chúng ta đã đúc kết sáng tạo qua hơn hai nghìn năm lịch sử từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta. Nói “mái chùa che chở hồn dân tộc” chính ý nghĩa này.

 


 

Đây là đầu đao (lưỡi câu) Rồng chầu Phượng mớm do các nghệ nhân cung đình Huế thực hiện
tại một ngôi chùa vừa xây dựng ở Thái Nguyên. Nhìn kỹ đao này, xin hỏi đây là cổ con chim Phượng,
hay cổ con
ngỗng, con Đà điểu?

 


Và đây là đao Rồng chầu Phượng mớm do các nghệ nhân nhà quê thôn Quần Anh,
xã Hải Anh, huyện Hải Hậu Nam Định điêu
khắc.
Hãy nhìn kỹ con Phụng xem nó có hồn hay vô hồn.

 

Trong kết cấu vì nóc và vì nách kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” của kiến trúc khung nhà gỗ đình chùa Bắc bộ, người ta thường thấy có một cái “thớt tròn” chạm trổ hoa sen cách điệu đỡ cây cột tròn ngắn (cột trốn). Cái “thớt tròn” này, thợ mộc làm nhà gọi là ĐẤU RẾ. Vậy đấu rế và cột trốn sinh ra từ đâu trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt xưa?

Những ai đã từng sống trong thập niên 70-80 của thế kỷ trước thì đều biết rằng, người dân nông thôn ở miền Bắc nấu cơm/ nấu ăn bằng rơm rạ. Vì nấu cơm bằng rơm rạ nên đáy và thành bên ngoài nồi cơm dính lọ nồi đen thui. Khi dọn cơm, người ta thường bưng cả nồi cơm đặt trong cái rổ đan bằng tre mà người Bắc gọi là cái RẾ CƠM. Do hằng ngày ngồi ăn cơm nhìn thấy cái Rế Cơm, người thợ mộc đã nghĩ ra cách đưa hình ảnh chiếc RẾ CƠM này vào kết cấu nhà gỗ đình chùa.

Từ đó mà trong kết cấu “giá chiêng chồng rường con nhị” người ta thấy có ĐẤU RẾ đỡ cột trốn (nồi cơm).

Sau này, từ đấu rế tròn chạm trổ hoa sen cách điệu, nghệ nhân nhà gỗ tiếp tục chế tác ra ĐẤU SEN VUÔNG đỡ cột trốn. Mà đấu vuông chạm trổ hoa sen cách điệu thì nhìn đẹp và phù hợp với hoa văn hoạ tiết này hơn.

 

 

Nói chung, nếu để ý, ta dễ dàng nhận ra nhiều vật dụng sinh hoạt thường ngày của người dân đã được các nghệ nhân nhà gỗ thổi hồn đưa vào trong kiến trúc kết cấu khung gỗ đình chùa nước ta.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 6709575