Thông tin

KIẾN TRÚC “TIỀN PHẬT HẬU THÁNH”

Ở ĐỒNG BẰNG CHÂU THỔ BẮC BỘ

VÀ BIỂU HIỆN CỦA NÓ Ở CHÙA THẦY

 

ThS. MAI THỊ HẠNH*

 

MỞ ĐẦU

Ngay từ khi mới truyền nhập vào đất Việt những năm đầu Công nguyên, Phật giáo đã có sự hỗn dung với các tín ngưỡng bản địa, mang đậm màu sắc Phật giáo Việt Nam. Xét về mặt kiến trúc Phật giáo, trải đến triều Lý - Trần đã có những công trình Phật giáo đã được sử sách ghi nhận, trong đó có những ngôi chùa điển hình về kiểu kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh”… Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn tìm hiểu một số nét đặc trưng của kiểu chùa này trên bình diện: thời gian xuất hiện, địa bàn xuất hiện chủ yếu, đối tượng thờ phụng… Từ đó, chúng tôi có những so sánh để nêu bật nét độc đáo của chùa Thầy (Thiên Phúc tự) thuộc xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội so với các ngôi chùa điển hình cho kiểu kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh”.

I. KIẾN TRÚC TIỀN PHẬT HẬU THÁNH Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ

Chùa có kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” là một ngôi chùa như thế nào? Chúng ta đã biết, kết cấu chung về mặt bằng kiến trúc của các chùa Việt Nam tính từ ngoài vào trong là: Tam quan - Tiền đường - Thiêu hương - Thượng điện - Nhà tổ xếp trên trục chính dọc. Bọc lấy cụm kiến trúc trung tâm là hai dãy hành lang. Nhưng không giống kết cấu thông thường này, những ngôi chùa có kết cấu “Tiền Phật hậu Thánh” lại có lối bài trí khác là: sau Tam bảo có thêm cụm kiến trúc thờ Thánh. Mặc dù nằm ở vị trí phụ nhưng vai trò của các vị Thánh vẫn đặc biệt quan trọng đối với đời sống tâm linh của người dân địa phương.

Như vậy, thực chất “Tiền Phật hậu Thánh ” là tên gọi theo cách thức kết cấu kiến trúc của một loại chùa có hình thức thờ kết hợp cả Phật và Thánh. Khu thờ Phật bao giờ cũng ở phía trước và lớn hơn so với khu thờ Thánh. Nói cách khác, “Tiền Phật hậu Thánh” là sự tổ hợp ăn nhập hài hòa của hai kiến trúc: kiến trúc chùa và kiến trúc đền. Chính vì vậy, trong những ngôi chùa kiểu này, thường có những thành phần kiến trúc của đền, chẳng hạn như: Nghi Môn, hậu cung, tả hữu vu… Một yếu tố của đền nữa cũng có thể xuất hiện trong những ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” là gác chuông. Xưa nay chúng ta đều biết, chùa thường gắn liền với chuông, tiếng chuông còn đình đền thì thường gắn liền với trống, tiếng trống. Như trên chúng ta đã biết, trong ngôi chùa “Tiền phật hậu Thánh” thì khu thờ Thánh thường nằm ở phía sau khu thờ Phật. Theo khảo sát của TS. Nguyễn Văn Tiến, hiện nay ở Bắc bộ có ít nhất 11 ngôi chùa có kết cấu “tiền Phật hậu Thánh” và tác giả cũng nêu thêm 04 ngôi chùa khác[1].

Trong các ngôi chùa mà tác giả nêu trên lại được chia làm hai loại. Loại thứ nhất: có cấu trúc phía trước là tòa Tam bảo và phía sau có công trình kiến trúc riêng biệt để thờ Thánh (loại này chỉ có 5 chùa là chùa Thầy, 2 chùa Keo ở Thánh Bình và Nam Định, chùa Bối Khê, chùa Tổng ở Hà Tây cũ). Loại 2: không có một kiến trúc riêng để thờ Thánh mà Thánh được thờ chung với Phật trong tòa Tam bảo.

Khi xem xét bảng số liệu của TS. Nguyễn Văn Tiến, cùng với những tài liệu thu thập được, chúng tôi thấy rằng, dạng thức chùa Tiền Phật - hậu Thánh có những nét riêng rất độc đáo.

Một là: Các nhân vật được thờ đều sống ở thời kỳ Lý - Trần. Họ hầu hết  là nhà sư, cụ thể hơn là Thiền sư, duy nhất trường hợp Đô đốc Đặng Tiến Đông là tướng có công đánh giặc cứu nước... Song một điều thú vị là các thiền sư này lại tu, hoặc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Mật giáo. Chính vì vậy, những vị thiền sư có nhiều pháp thuật tinh thông, lại còn là những tổ nghề dạy dân đánh cá, đúc đồng, múa rối nước… và được nhân dân thần thánh hóa và lập đền thờ. Chẳng hạn, thiền sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ thuộc thiền phái Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci), Nguyễn Minh Không thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông. Và theo truyền thuyết, cả ba vị này đều có pháp thuật cao cường, thần thông biến hóa. Ngài Đạo Hạnh đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Còn Nguyễn Minh Không là người được coi là chữa khỏi bệnh hóa hổ của vị vua này. Một vị thánh nữa cũng có tiểu sử đầy huyền tích là Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An. Gọi là Đức Thánh Bối vì ông sinh ở làng Bối Khê. Theo sự tích của ông được kể trong tấm bia ghi năm 1453 (khắc lại năm 1895) đặt ở chùa Bối Khê thì ông sinh vào thời Trần, từ bé đã thích phóng sinh. Đến năm 15 tuổi, ông đã gặp một cụ già 80 tuổi ở chùa Tiên Lữ (tức chùa Trăm gian), ở đây khoảng 10 năm, ngài đã học được từ cụ già các phép thần thông. Vì thế chùa Bối Khê quê hương của ông và chùa Trăm Gian nơi ông đắc đạo đều thờ ông. Như vậy những vị thánh được thờ trong những ngôi chùa có kết cấu “Tiền Phật hậu Thánh” là “những nhân thần, có nghĩa là những con người được coi là có thực, nhưng về sau nhờ học tập, tu luyện, đã có tài thần thông biến hóa, nghĩa là có những khả năng của một vị thần. Nhờ những khả năng đó, họ cứu dân giúp nước và vì vậy họ được nhân dân ở một vùng hay nhiều vùng thờ phụng”[2]. Nhưng trong các chùa này, họ được thờ không phải với tư cách là thiền sư hay vị tổ nữa, mà như các đức thánh, tức là các vị thần thực sự.

Trở lại một vấn đề thú vị mà chúng ta đã đề cập một chút ở trên là: Vì sao các thiền sư thời Lý - Trần lại tiếp thu Mật giáo và tu theo lối tu Mật giáo? Điều này cho ta những liên tưởng gì về đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam dưới hai triều đại Lý - Trần?

Để trả lời vế thứ nhất của câu hỏi, xin trích lại câu chuyện về thiền sư Ma Ha mà Hà Văn Tấn đề cập trong bài viết Về ba yếu tố Thiền - Tịnh - Mật trong Phật giáo Việt Nam: “sư vào Châu Ái đến trấn Sa Đăng. Ở đây dân chúng ai cũng thích sát sinh, sư khuyên dân chúng nên ăn chay thì mọi người đều nói rằng: “Thiên thần của chúng tôi giáng phúc hay giáng họa, chúng tôi không dám trái”. Sư liền bảo “các ngươi hãy bỏ điều ác làm điều lành nếu có xảy ra tai nạn gì, lão tăng xin chịu cả”. Một người trong làng nói: “làng này có một người mắc bệnh hủi, thầy thuốc, ông đồng đều bó tay không chữa được, nếu sư chữa khỏi thì chúng tôi xin theo sư dạy”. Sư bèn lấy nước phép phun vào người bị bệnh hủi, người ấy khỏi bệnh ngay”. Câu chuyện này không chỉ đề cao đạo pháp của sư Ma Ha mà còn cho chúng ta hiểu rõ đáp án cho câu hỏi vì sao thiền sư phải tiếp thu các yếu tố Mật giáo vào mình. Đó là bởi khi các thiền sư Phật giáo đến, người Việt đang tin theo những thần linh của tín ngưỡng bản địa, những tín ngưỡng bản địa đó đôi khi nhuốm màu ma thuật. “Nhân dân chỉ tin theo Phật giáo khi Phật giáo có đủ sức mạnh thay thế những thiên thần riêng của họ, hoặc tốt hơn cùng với các thiên thần đó bảo vệ che chở cho họ. Vì sự phát triển của mình, Phật giáo đã làm và phải làm thế. Mà trong các tông phái Phật giáo, không có bộ phận nào có đủ các bài kinh, bài chú để cầu mưa, cầu tạnh, chữa bệnh trừ tà như Mật Tông. Vì vậy, Thiền Tông Việt Nam phải sử dụng cả những kinh điển và nghi lễ Mật giáo”[3].

Việc các thiền sư tiếp thu các yếu tố của Mật giáo đã đưa chúng ta đến sự liên tưởng về  một đặc điểm nổi bật của Phật giáo thời Lý Trần cũng là đặc điểm chung của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ: đó là sự hỗn dung giữa 3 tông phái Thiền - Tịnh - Mật. Nếu ở Trung Quốc, Nhật Bản chúng ta có thể bóc tách 3 yếu tố này một cách rõ ràng thì ở Việt Nam trong Thiền có Tịnh, có Mật và ngược lại. Thậm chí trong cùng một nhà sư mà trong bài thơ này thì bộc lộ quan điểm Thiền, trong nghi lễ kia lại tỏ ra Mật và ông ta cũng luôn niệm Phật A di đà.

Thứ  hai: chùa có kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” khởi nguồn từ thời Lý - Trần. Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh ở Việt Nam. Vai trò của các nhà sư rất lớn. Nhiều người trong số họ không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của dân chúng, họ còn là những cố vấn đắc lực cho triều đình trong các vấn đề về triều chính. Hơn nữa thời kỳ này, lối tu Mật giáo ma thuật phát triển mạnh mẽ. Nhiều thiền sư đã áp dụng lối tu này và điều đó đã giúp họ có nhiều pháp thuật tinh thông, có tài biến hóa giúp dân ích nước. Vì vậy, dân chúng đã coi họ như một vị Thánh và thờ trang trọng trong một số ngôi chùa. Có thể nói rằng, sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Thánh đã mang lại những hệ quả nhiều mặt cho nhân dân ta trong giai đoạn đầu của thời kỳ giành được độc lập: nhân dân Đại Việt có một điểm tựa tinh thần xây dựng đất nước trong kỉ nguyên mới; đạo Phật ngày càng được đông đảo nhân dân chấp nhận và đã trở thành phổ biến. Sự kết hợp giữa thờ Phật và thờ Thánh trong điều kiện Phật giáo phát triển cùng với lối tu Mật giáo của các nhà sư chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự ra đời của kiểu kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh”. Sang đến thời Lê, chúng ta không thấy một ngôi chùa nào có kiểu kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” được xây dựng và cũng không có bất kỳ một nhân vật nào sống ở thời kỳ này được tôn làm Thánh. Điều này cũng thật dễ hiểu. Bởi đến thời nhà Lê, với việc xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế thì Nho giáo được rất mực đề cao. Vị trí trước đây của Phật giáo giờ đây đã bị Nho giáo thay thế. Các nhà sư mặc dù vẫn có tầm quan trọng trong đời sống tâm linh nhưng họ không còn tham dự vào các vấn đề triều chính nữa. Đặc biệt là ở giai đoạn này, lối tu Mật giáo ma thuật không còn phát triển như trước. Do đó, thời nhà Lê không có một nhà sư nào được nhân dân Thánh hóa và không có Thánh thì cũng không có kiến trúc thờ Thánh là lẽ đương nhiên. Đến thế kỉ 17, tất cả các chùa kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” được đại tu và hoàn thiện.

Thứ ba: các chùa có kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” xuất hiện nhiều hơn ở phía hữu ngạn sông Hồng cụ thể là Hà Nội, Hà Tây cũ, Thái Bình, Nam Định… còn phía tả ngạn sông Hồng thì ít xuất hiện hơn. Vậy vì sao lại có hiện tượng này? Trả lời câu hỏi này, chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của tác giả Chùa Thầy. Tác giả cuốn sách này cho rằng, chùa “Tiền Phật - hậu Thánh” là sản phẩm của Mật tông. Vì nhìn vào lí lịch của các vị Thánh được thờ trong các ngôi chùa dạng này chúng ta đều thấy họ là những người có pháp thuật cao cường, có khả năng phù chú, hô gió gọi mưa… Hiện tượng trên có nguồn gốc từ tôn giáo nguyên thủy của Tây Tạng kết hợp với Phật giáo Ấn Độ đã tạo nên tôn giáo mới gọi là Latma giáo hay Mật giáo. Dòng Mật giáo này đã được Từ Đạo Hạnh, Giác Hải, Dương Không Lộ… đã đi ngược đến vùng Kim Xỉ Man, Ngân Xỉ Man (Vân Nam) và đắc đạo ở đó rồi cùng nhau trở về. Từ đó, Mật giáo theo đường thủy sông Hồng mà vào nước ta. Lúc này, ở phía tả ngạn sông Hồng, xung quanh trung tâm phật giáo Luy Lâu, các dòng thiền như Tì ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông… đã ăn sâu cắm rễ từ lâu. Như vậy, so với Thiền tông thì Mật tông đến Việt Nam muộn hơn. Và vì là người đến sau nên để bén rễ và tồn tại được, Mật giáo phải tìm mảnh đất xa hơn, xa trung tâm Luy Lâu, đó là các vùng đất ở phía Nam sông Hồng. Đó là lý do vì sao các chùa Tiền Phật - hậu Thánh xuất hiện nhiều hơn ở phía tả ngạn sông Hồng.

Thứ tư: Các chùa “Tiền Phật - hậu Thánh” thường có Phật điện rất đơn giản. Bằng chứng là số tượng Phật trong điện thờ Phật thường ít hơn rất nhiều so với các chùa chỉ đơn thuần thờ Phật. Chẳng hạn, trong khi số lượng tượng ở chùa Mía (Hà Tây cũ) là tới 252 và  chùa Cói (Hà Tây cũ) là 37… thì số lượng tượng ở chùa Thầy - một ngôi chùa tiêu biểu của kiểu kiến trúc “Tiền Phật - hậu Thánh” chỉ là 21 (không kể các tượng La Hán). Điều này đã nói lên tầm quan trọng và linh thiêng của nơi thờ Thánh trong các ngôi chùa “Tiền Phật – hậu Thánh”.

Tóm lại, kiểu chùa “tiền Phật- hậu Thánh” là một kiểu chùa độc đáo trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Kiểu chùa này được sản sinh ra ngay từ những năm tháng đầu thời kỳ độc lập, tự chủ sau đêm trường Bắc thuộc, khi mà các nhà sư đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các Thiền sư không còn là những nhân vật chỉ biết cầu kinh niệm Phật nữa, họ còn là những tổ nghề,  người giúp dân khai sơn phá thạch, đánh cá, trị thủy, thậm chí còn là người có khả năng hô gió, gọi mưa, hàng long phục hổ…  Công tích và sự nghiệp của họ, đã được nhân dân thần thánh hóa và họ đã đi vào Phật giáo như một phần không thể tách rời của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần. Ẩn tàng đằng sau kiến trúc Tiền Phật - hậu Thánh là một lớp trầm tích. Lớp trầm tích ấy khẳng định rằng: Phật giáo khi vào Việt Nam đã hội nhập thành công với truyền thống văn hóa của người Việt. Đó là truyền thống tôn vinh các anh hùng văn hóa - anh hùng dân tộc. Hay nói cách khác, “Tiền Phật- hậu Thánh” cùng với Tiền Phật - hậu Mẫu là những kiểu chùa thể hiện thành công nhất sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng của cư dân bản địa. Điều này đã góp phần làm phong phú thêm độc đáo thêm cho kiến trúc chùa ở Việt Nam. Đồng thời, nó cũng làm biến chất Phật giáo ở Việt Nam. Không phải Phật giáo Ấn Độ, cũng không còn Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam là Phật giáo dân gian.

Trong số những ngôi chùa có kiểu kiến trúc “Tiền Phật - hậu Thánh” này thì chùa Thầy nổi lên như một ngôi chùa tiêu biểu nhất.

II. KIẾN TRÚC “TIỀN PHẬT - HẬU THÁNH” Ở CHÙA THẦY

1. Vài nét về chùa Thầy

Chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trong quần thể danh lam thắng cảnh gồm 16 ngọn núi cùng chùa, hang động, trong đó, chùa Thầy có một vị trí trung tâm và nổi bật. Chùa Thầy là tên gọi thể hiện sự tôn kính của người dân nơi đây với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, thiền sư hàng ngày tu luyện, giảng kinh, giúp dân học nghề múa rối nước, bùa chú, phù phép giúp dân chữa bệnh và cầu đảo rất ứng nghiệm nên được nhân dân gọi là Thầy. Do đó ngọn núi mà thiền sư hàng ngày ngồi thiền trong hang được gọi là núi Thầy và ngôi chùa mà thiền sư tu tập được gọi là chùa Thầy. Bên cạnh đó, chùa Thầy còn có tên chữ là Thiên Phúc tự.

Các tài liệu nghiên cứu về chùa Thầy như Kiến văn tiểu lục, Đại Nam nhất thống chí đều thống nhất cho rằng chùa này được xây dựng từ thời Lý, trong đó có nhiều tác giả cho rằng chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128). Khi đó, chùa chỉ là một thảo am nhỏ do người dân địa phương lập nên để thờ Phật. Từ khi Từ Đạo Hạnh đến tu luyện khoảng những năm 1107 - 1108 quy mô của chùa ngày càng lớn hơn, nổi tiếng hơn và linh thiêng hơn. Vào các thời kỳ sau đó, chùa Thầy liên tục được tu bổ hoặc xây thêm, đó là thời Trần và các năm 1499, 1538, 1570, 1602, 1630, 1656, 1666, thời kỳ 1739 - 1789. Đến thời Nguyễn, người ta xây mới nhà Tổ, đền Tam Phủ, 2 dãy nhà bia và sửa chữa phần lớn các bộ phận khác như bộ mái của 3 dãy nhà chính, sửa chữa hai dãy hành lang, gác chuông, gác trống, Thủy đình, mái của hai dãy Nhật, Nguyệt Tiên kiều.

Trải qua lịch sử tồn tại gần 1000 năm, cùng với nhiều lần trùng tu nhưng cho đến nay chùa vẫn lưu giữ được rất nhiều thành phần, kết cấu kiến trúc có niên đại từ thời Lý - Trần cho đến thế kỉ 19, trong đó đậm nét nhất là niên đại thế kỉ 17. Có thể nói, dấu vết kiến trúc sớm nhất còn lại ngày nay ở chùa Thầy đó là Điện thánh, bởi ở đó còn tìm được bảy chân tảng và một chiếc bệ có đài sen của đức Phật có niên đại thời Lý. Kiến trúc thế kỉ 18 đậm nét nhất còn lại là hệ vì kèo, bộ khung, phong cách chạm khắc, hoa văn trang trí trên kiến trúc Tiền đường, Ống muống… Hai tòa hành lang, Gác chuông, Gác trống và nhà hậu cũng là sản phẩm của thế kỉ 17. Nhật Nguyệt Tiên kiều được cho là do Phùng Khắc Khoan dựng năm 1602, xong kiến trúc hiện tại là sản phẩm của thế kỉ 19.

Khi đến chùa Thầy, điểm khác biệt đầu tiên của nó so với hầu hết các chùa khác ở Việt Nam là không có Tam quan. Do vậy cũng không có lối vào từ phía trước bởi trước Tiền đường là hồ Long Trì rộng ôm sang hai bên chùa. Thay vào đó, giữa hồ nổi lên nhà Thủy đình cổ kính, đó là nơi biểu diễn múa rối nước và cũng là hình ảnh để bất cứ ai thăm chùa Thầy cũng tưởng nhớ đến ông tổ của nghề múa rối nước Từ Đạo Hạnh. Hai bên, phía trước tiền đường có chiếc cầu cong có mái Nhật -Nguyệt Tiên nối với đền Tam Phủ ở bên trái và đường lên núi ở bên phải. Một điểm khác biệt nữa của chùa Thầy là ở đây không có tháp mộ sư như hầu hết các chùa khác. Gác chuông, gác trống được nâng hai tầng mái, được đẩy ra phía sau điện Thánh. Chùa được nâng cao dần theo triền núi những điểm cao nhất lại nằm ở Điện thánh. Mặc dù lối đi vào chùa nằm bên cạnh nhưng cách bố trí các đơn nguyên kiến trúc trên tổng thể chùa Thầy vẫn tuân thủ luật đăng đối, cân xứng hai bên từ trước đến sau, cao dần theo thế núi, với ý nghĩa từ đời đến đạo. Có thể thấy ở đây có sự sắp đặt của nghệ thuật bài trí không gian, kết cấu kiến trúc, sự cân nhắc về tỉ lệ, chiều cao công trình với cảnh quan thiên nhiên để tạo nên cho một tổng thể hoàn chỉnh. “Nên dù không lớn nhưng không gian chùa như được mở rộng ra cả vùng núi, hồ nước, gợi cảm giác về bề thế đồ sộ mà vẫn đầy chất cổ kính. Với mặt bằng trải dài, cao dần theo thế núi chùa vẫn mang những nét chung của ngôi chùa cổ, ẩn mình hài hòa giữa xóm làng. Nhưng chũng chính cái địa thế tựa núi, hồ rộng ôm trước mặt, sự giao hòa giữa thế ngang của chùa với thế dọc của núi, đã làm cho toàn bộ ngôi chùa như cao hơn, đồ sộ hơn[4]..

Có thể nói, chùa Thầy chính là một “bảo tàng mỹ thuật trung đại” lưu giữ các tác phẩm điêu khắc và chạm khắc có giá trị với các niên đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng... Nằm ở vị trí đắc địa, kết hợp với nghệ thuất kiến trúc độc đáo đã đưa chùa Thầy và cảnh quan nơi đây vào loại “Đệ nhất thiên hạ”.

2. Biểu hiện của kiến trúc Tiền Phật - hậu Thánh ở chùa Thầy

Như trên chúng ta đã nói, sự xuất hiện của thiền sư Từ Đạo Hạnh và những công lao của ngài đã đưa chùa Thầy từ một thảo am nhỏ trở thành một ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng vào bậc nhất nước ta. Sự xuất hiện của ông cùng với lối tu tập đậm chất Mật giáo đã tạo nên một nét độc đáo trong kiến trúc của chùa Thầy, kiến trúc Tiền Phật hậu Thánh.

Bỏ qua những đơn nguyên kiến trúc phụ, trong bài viết này chúng tôi tập trung nghiên cứu cụm kiến trúc trung tâm của chùa Thầy. Chúng tôi đang nói đến cụm kiến trúc có kết cấu “Tiền công, hậu nhất”, trong đó phần kết cấu chữ Công chính là nơi thờ Phật, còn phần kết cấu chữ Nhất chính là nơi thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Trong đó phần chữ nhất thờ Thánh được nhấn mạnh hơn phần chữ công thờ Phật.

Như vậy, cũng như tất cả các chùa có kiểu kiến trúc Tiền Phật -  hậu Thánh, cụm kiến trúc trung tâm, linh thiêng nhất của chùa Thầy cũng bao gồm hai phần: phần thờ Phật và phần thờ Thánh[5]. Từ điện Phật đến điện Thánh cách nhau 1,1m. Điều đáng chú ý là tòa điện Thánh lại cao hơn điện Phật 0,95m và cao hơn cả sân trước của nhà Tổ ở phía sau là 1,85m lại được nhấn thêm bằng sáu bậc đá hẹp, xung quanh xếp đá lô nhô, gợi lên hình ảnh của một điện Thánh ở trên núi cao.  Tòa điện Thánh là một tòa nhà có mặt bằng gần vuông theo kiểu bốn mái lợp ngói mũi hài. Quanh nhà được bao ván đổ và cửa bức bàn có thể tháo lắp một cách dễ dàng, phía sau dùng ván gỗ bịt kín, khiến lòng nhà khá tối. Trong khi đó, ba mặt vách bên ngoài  điện Thánh lại được chạm khá cầu kì. Lối bố cục kết cấu kiến trúc như vậy đã tạo nên vẻ linh thiêng, tính thâm nghiêm của một điện thờ Thánh. Qua nghiên cứu về kiến trúc tiền Phật - hậu Thánh ở chùa Thầy, chúng tôi thấy rằng:

Thứ nhất: Chùa Thầy là nơi khởi nguồn của kiến trúc “Tiền phật- hậu Thánh” ở châu thổ Bắc Bộ. Có những cơ sở chắc chắn để khẳng định điều này. Đặc biệt khi chúng ta xem xét lí lịch của các vị Thánh được thờ ở trong các chùa có cùng kiểu kiến trúc như chùa Thầy và kết hợp với những ghi chép trong các tài liệu như Đại Việt sử kí tiền biên, Đại Nam nhất thống chí… Trong số các vị Thánh sống ở thời nhà Lý thì Từ Đạo Hạnh có thể coi là anh cả. Thiền sư Từ Đạo Hạnh mất năm 1117, trong khi đó Dương Không Lộ mất năm 1119, và Nguyễn Minh Không là 1141. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng, Từ Đạo Hạnh hóa trước là sẽ được thờ tự như một vị Thánh ở trong chùa trước. Để tránh bị nhầm lẫn điều này, chúng tôi đã khảo sát các tư liệu và đã chứng minh một điều rõ ràng là việc thờ tự thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được diễn ra ngay sau khi ngài thoát xác. Đại Việt sử kí toàn thư  viết: “ngay sau khi Từ Đạo Hạnh thoát xác và phu nhân Đỗ Thị sinh con trai, người làng cho là việc lạ, để xác của Đạo Hạnh vào trong khám để thờ”. Còn trong một tài liệu khác cũng có những ghi chép tương tự: “Sau khi Đạo Hạnh thoát xác, người làng cho là việc lạ để xác Đạo Hạnh vào trong khám mà thờ… xác của Đạo Hạnh đến năm Vĩnh Lạc nhà Minh bị người Minh thiêu hủy, người làng lại đắp tượng để thờ, cùng được ngay với tượng của Thần Tông”.  Như vậy là sự xuất hiện của ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh đã được diễn ra ngay khi Từ Đạo Hạnh hóa. Điều đó giúp chúng ta rút ra một điều là, thời gian xuất hiện ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh có nguồn gốc xuất hiện từ thế kỉ 12, cụ thể là năm 1117 và chùa Thầy chính là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có hình thức kiểu này. Tuy nhiên, chúng ta không biết được lúc đó việc thờ Từ Đạo Hạnh và thờ Phật đã được tách riêng ra hay vẫn thờ chung như nhiều ngôi chùa hiện thấy ngày nay. Các nhà nghiên cứu cho biết có thể có hai khả năng xảy ra lúc bấy giờ: Một là, lúc này chùa Thầy vốn có sẵn một căn nhà để thờ Phật, người ta đã đặt thêm một khám thờ chung với gian thờ Phật. Hai là, người ta đã đặt thêm một khám thờ Từ Đạo Hạnh ở riêng một đơn nguyên kiến trúc mới xây thêm. Lúc này, kiến trúc chùa Thầy có thể có bình đồ là chữ Nhị và như vậy là việc thờ Từ Đạo Hạnh được tách bạch từ đây. Tuy nhiên, khả năng thứ hai ít có thể xảy ra vì chùa Thầy lúc này là một ngôi chùa tương đối nổi tiếng, việc thờ Phật vẫn là chính. Phật tử đến chùa Thầy là để lễ Phật. Do vậy, lúc đầu lễ Thánh không được chú trọng như bây giờ. Tuy nhiên, công lao của Từ Đạo Hạnh với chùa Thầy và với dân chúng vùng chùa Thầy quá lớn. Trải qua năm tháng, người dân thấy rằng, Từ Đạo Hạnh là người linh liêng, mọi lời cầu khấn của nhân dân được linh nghiệm nên người ta đã sùng bái ông, thậm chí hình ảnh ông còn quan trọng hơn cả hình ảnh của đức Phật. Dần dần việc thờ Phật ở chùa Thầy về sau không còn quan trọng như lúc đầu.

Thứ hai: Kiến trúc tiền Phật hậu Thánh ở chùa Thầy là 2 phần tách biệt nhau nhưng cùng nằm trên một trục dọc chính của ngôi chùa. Mặc dù chùa Thầy cũng có hai phần kiến trúc thờ Phật và thờ Thánh như các chùa “Tiền Phật- hậu Thánh”, song điểm khác khác biệt là ở chỗ: nếu như phần lớn các ngôi chùa có kết cấu Tiền Phật - hậu Thánh phần thờ Thánh nằm ngay phía sau Tam bảo thờ Phật thì ở chùa Thầy phần thờ Thánh có một tòa nhà riêng nằm ngay sau điện Phật. Đây là nét độc đáo trong kiến trúc chùa “Tiền Phật hậu Thánh” và ở châu thổ Bắc Bộ chúng ta cũng chỉ bắt gặp ở bốn chùa khác như hai chùa Keo ở Thái Bình và Nam Định, chùa Bối Khê và chùa Tổng ở Hà Tây cũ. Điều này góp phần nói lên đặc điểm nổi bật nữa mà chúng tôi sẽ nói dưới đây đó là: ở chùa Thầy việc thờ Thánh quan trọng hơn thờ Phật.

Thứ ba: trong kiến trúc “Tiền Phật- hậu Thánh” ở chùa Thầy thì phần thờ Thánh Từ Đạo Hạnh được chú trọng hơn. Đây quả là một điều thú vị. Vì đã nói đến chùa thì quan trọng nhất là thờ Phật. Trong quan niệm của nhân dân và Phật tử quanh vùng Hà Tây cũ cũng vậy,  kiến trúc trọng yếu nhất, thiêng liêng nhất đối với họ không phải là Tam bảo mà là điện Thánh. Có rất nhiều cứ liệu để cho rằng điện thờ Thánh quan trọng hơn điện thờ Phật. Cụ thể nhất là cách bài trí, sắp xếp bố cục kiến trúc tổng thể của ngôi chùa đều cố gắng để đề cao vai trò của đức thánh Từ Đạo Hạnh. Trước hết, xét về độ cao của các lớp kiến trúc trong chùa Thầy. Chúng ta thấy, chùa Thầy có các lớp kiến trúc được nâng cao dần như hầu hết các ngôi chùa có vị trí ăn dần theo thế núi. Nhưng nếu là ngôi chùa có các lớp kiến trúc được nâng cao dần theo thế núi thì phần cao nhất của một ngôi chùa dạng này chính là nhà Tổ (nhà Hậu) sát chân núi. Song, ở chùa Thầy phần cao nhất của các lớp kiến trúc không phải là nhà Hậu mà lại ở điện Thánh, với ý nghĩa tạo sự quy tụ và đề cao vai trò của Đức Thánh Từ. Hơn nữa, như ở trên đã nói, chùa Thầy không có Tam quan, thay vào đó là hồ nước mênh mông ôm trọn lấy chùa, trên đó là nhà Thủy đình. Thủy đình không chỉ có giá trị của một sân khấu rối nước cổ truyền sớm nhất còn tồn tại ở nước ta, tương truyền gắn với vai trò tổ nghề của Từ Đạo Hạnh  mà còn có giá trị nghệ thuật kiến trúc. Việc chùa Thầy không có Tam quan cho thấy yếu tố Thánh ở chùa Thầy lớn hơn yếu tố Phật. Hơn nữa, chùa Thầy từ trước tới nay không có tháp mộ, trừ tháp hiện được dựng bên phải gần nhà hậu là mới xây gần đây. Điều này phần nào phản ánh lối tu của một số Thiền sư thời Lý mang sắc thái “phù thủy - Mật giáo” dẫn đến hình thức độc tôn không có truyền thừa như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không… Điều này cũng rất phù hợp với hiện tượng chùa Thầy từ xưa đến nay không bao giờ có sư Tổ trụ trì mà chỉ có các Ông Thống - tên gọi một thầy cúng trông nom chùa. Cho mãi thời gian gần đây chùa Thầy mới cho khôi phục lại sư trụ trì. Về cách bài trí tượng thờ, chúng ta cũng không khó khăn để nhận ra ngay kiến trúc tòa Tam bảo đơn sơ hơn tòa điện Thánh, số lượng tượng thờ trong tòa Tam bảo cũng ít hơn rất nhiều so với những ngôi chùa chỉ đơn thuần thờ Phật. Cụm kiến trúc điện Thánh còn được sử dụng những nguyên vật liệu tốt nhất và cũng được trang trí đẹp nhất, cầu kì nhất trong tổng thể kiến trúc chùa.

Thực ra, vai trò của các Thánh được đề cao hơn Phật là đặc điểm chung của tất cả các ngôi chùa dạng thức Tiền Phật - hậu Thánh. Nhưng có thể khẳng định rằng, không ở đâu việc đề cao đức Thánh lại đậm nét như ở chùa Thầy.

KẾT LUẬN

Tóm lại, “tiền Phật - hậu Thánh” là một kiểu chùa độc đáo trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Kiểu chùa này xuất hiện từ thời kỳ Lý - Trần, giữa lúc Phật giáo đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh. Các thiền sư mang trong mình những ảnh hưởng sâu đậm của Mật giáo là những đối tượng chính được tôn thờ trong dạng chùa này. Vào thế kỉ 17, kiến trúc “tiền Phật- hậu Thánh” được hoàn thiện hơn đã cho chúng ta thấy sức mạnh phục hưng của Phật giáo. Có thể nói, sự xuất hiện của những ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” là biểu hiện đậm nét nhất bản sắc dân tộc Việt, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, luôn luôn biết ơn, trân trọng và đề cao những người có công ơn đối với làng, với nước, với dân. Những Từ Đạo Hạnh, những Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Đô Đốc Đặng Tiến Đông hay Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An… nếu như không có công trong việc khai mở chùa chiền mang ánh sáng của Phật Pháp đến cho dân chúng, cũng như không giúp dân đánh giặc ngoại xâm, không dạy dân đánh cá, đúc đồng.. thì chắc chắn rằng họ sẽ không được nhân dân phụng thờ một cách tôn kính trong các chùa. Và như vậy, chắc chắn chúng ta cũng sẽ không có kiến trúc chùa “Tiền Phật - hậu Thánh”. Nói cách khác, “Tiền Phật - hậu Thánh ” là một kiến trúc thể hiện rõ nét nhất sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa của người Việt. Đây chính là một điểm khác biệt tạo nên sự độc đáo của chùa Việt Nam so với chùa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong các chùa có dạng kiến trúc “Tiền Phật- hậu Thánh” thì chùa Thầy, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một  ngôi chùa khởi nguồn và có nhiều nét đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Thầy vẫn bảo lưu được những giá trị to lớn về kiến trúc điêu khắc... Chùa Thầy xưa kia, hôm nay và mãi mãi về sau vẫn luôn là nơi tôn thờ thiêng liêng nhất Thiền sư - Đức Thánh Từ Đạo Hạnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trần Lâm Biền. Chùa Việt. Nxb. Văn hóa thông tin, HN, 1996.

2. Nguyễn Đăng Duy. Phật giáo với văn hóa Việt Nam. Nxb. Hà Nội, 1999.

4. Đặng Thị Phong Lan. “Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy”. Tóm tắt luận án tiến sĩ văn hóa học. 2011.

5. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb.Văn học. 2000.

6. Nguyễn Văn Tiến. Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự). Nxb. Khoa học xã hội.



* Khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[1] Xin xem: Chùa Thầy (Thiên Phúc tự), TS. Nguyễn Văn Tiến. Nxb. Khoa học xã hội. Tr.191

[2] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long. Chùa Việt Nam. Nxb. Thế giới. tr.25.

[3] Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long. Chùa Việt Nam. Sđd. tr.92.

[4] Đặng Thị Phong Lan. “Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy”. Bản tóm tắt. tr, 10.

[5] Xin xem: Chùa Thầy (Thiên Phúc tự), TS. Nguyễn Văn Tiến. Sđd. Tr.122.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 291
    • Số lượt truy cập : 6948229