Thông tin

KIM CANG THỪA VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

KIM CANG THỪA
VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TIÊN GIANG

 

 

Từ phải qua: TS. Khangser Rinpoche, Thượng tọa – TS. Thích Tâm Đức, Thượng tọa – TS. Thích Đồng Bổn

 

TS. Khangser Rinpoche cho biết ngài được chọn là vị Lạt ma tái sinh lần thứ 8. Khi được công nhận vị Lạt ma chuyển thế, mẹ ngài cho rằng chắc họ chọn nhầm, vì người em họ của ngài ngoan hiền hơn, chăm chỉ hơn, nhanh nhẹn hơn… Theo ngài, chúng ta phải tái sinh nhiều lần vì nghiệp, và hiện tại chúng ta không thể diệt hết nghiệp. Vì sao ta không thể diệt hết nghiệp? Vì tâm ta còn phiền não. Vì sao ta còn phiền não? Vì ta chưa thể thực chứng bản chất rốt ráo của tánh Không.

 

 

Quang cảnh buổi tọa đàm

 

Sáng ngày 17-3-2017, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam), tổ chức Tọa đàm “Truyền thống Phật giáo Kim Cang Thừa và mối liên hệ giữa Kim Cang Thừa và Phật giáo Việt Nam”, tại Giảng đường chùa Xá Lợi - TP. Hồ Chí Minh. Diễn giả: TS. Phật học Kangser  Rinpoche.

Thượng tọa, TS. Thích Đồng Bổn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, cho biết với mục đích trao đổi các giá trị văn hóa, đạo đức, triết lý và tâm linh của Phật giáo; giao lưu về truyền thống tâm linh giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước trên thế giới, trao đổi phương thức truyền bá Phật pháp bằng cách vận dụng phương pháp luận của các ngành khoa học hiện đại như triết học, đạo đức học, tâm lý học,… và sau khi đạt được sự chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ…, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tiến hành tổ chức buổi tọa đàm này.

Qua nhiều tư liệu để lại, TS. Kangser Rinpoche khẳng định Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam trước khi đến Himalaya. Nhưng dù đến trước hay sau, những người tham dự buổi tọa đàm hôm nay là những người con Phật, là anh em một nhà nên cùng trải lòng, trao đổi với nhau những hiểu biết về triết lý Phật giáo qua Kim Cang Thừa, nhất là vận dụng triết lý này cho cuộc sống bộn bề ở thế kỷ XXI.

Đến Việt Nam, ngài có tới Yên Tử và theo ngài, vua Trần Nhân Tông rời ngai vàng để xuất gia khi tuổi còn rất trẻ (chưa tới 40 tuổi), điều này không dễ có ai. Đọc những trước tác của Trần Nhân Tông và xuyên qua hành trạng của vị vua anh minh này, ngài cho rằng đó là bậc đại giác. Ngài sẽ chuyển ngữ những trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua nhiều ngôn ngữ để thế nhân biết thêm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có một bậc đại giác như thế.

Biến tất cả mọi sinh hoạt đời sống thành sự tu hành

Phật giáo truyền vào Việt Nam cả ngàn năm qua và ảnh hưởng Mật tông trong kinh sách cũng như trong đời sống nhân dân rất dễ dàng nhận thấy qua các nghi lễ. Chúng ta cũng thường nghe nói “Thiền – Mật song tu”, “Thiền – Tịnh – Mật tam tu”, “Tịnh – Mật song tu”… Ngay cuốn kinh cơ bản Nhị thời khóa tụng cũng có hơn 60% nội dung ảnh hưởng Mật tông. Do vậy, Mật tông không xa lạ lắm với những người quan tâm đến Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Như chúng ta đã biết về đại thể, Kim Cang Thừa (Vajrayana), là một trong hai phái của Mật tông (Chân Ngôn Thừa và Kim Cang Thừa). Kim Cang Thừa còn gọi là Mật Thừa hay Mật Chú Thừa (Mantrayana). Mật chú (mantra) có nghĩa là cái hộ trì, bảo vệ tâm để tiến đến giải thoát. Nhìn chung, Mật tông/ Kim Cang Thừa cũng giống như mọi tông phái khác của Phật giáo đều nhắm tới mục đích đạt đến trọn vẹn Phật tánh để lập địa thành Phật.

Một trong những đặc điểm của Kim Cang Thừa là biến tất cả mọi sinh hoạt đời sống thành sự tu hành, thành con đường giác ngộ, lợi dụng tất cả cơ hội của đời sống để đạt đến Phật tánh…

Đến dự buổi tọa đàm có nhiều trí thức là tu sĩ Phật giáo, cư sĩ Phật giáo, và nhiều nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, trường đại học… nên phần lớn các đại biểu có mặt đã có sự đồng cảm với diễn giả Khangser Rinpoche. Ngài nói thêm về phương pháp thực hành Kim Cang Thừa, và những phương pháp thực hành này rất gần với khoa học chứ không có gì huyễn hoặc. Nói đến Kim Cang là nói đến sự kết hợp không thể phân chia của trí tuệ, tánh Không và Đại bi…

Với ánh nhìn ban đầu, các đại biểu đều thấy diễn giả trẻ hơn độ tuổi của mình rất nhiều (42 tuổi mà gương mặt như còn ở tuổi đôi mươi). Theo BS. Đỗ Hồng Ngọc, để có gương mặt trẻ trung như thế là do tu tập. Và BS. Đỗ Hồng Ngọc đặt câu hỏi với diễn giả về góc độ thần thông hóa, về những năng lực con người như có thể đi trên mặt nước, về tái sinh… TS. Khangser Rinpoche cho rằng người đời thường hướng về nghi lễ hơn là triết lý tu tập Kim Cang Thừa và phương pháp tu tập thực tế. Nghi lễ chỉ là một phần của Kim Cang Thừa. Và những phần nghi lễ ấy do nhu cầu, thị hiếu của thế nhân, nặng phần quảng cáo kinh doanh; trong tương lai sẽ phát triển nhiều hơn nữa bởi quy luật thị trường có cầu ắt có cung. Về tái sinh không chỉ có ở Phật giáo mà ở nhiều tôn giáo khác cũng có nói đến. Ngài cho biết mình được chọn là vị Lạt ma tái sinh lần thứ 8. Khi được công nhận vị Lạt ma chuyển thế, mẹ ngài cho rằng chắc họ chọn nhầm, vì người em họ của ngài ngoan hiền hơn, chăm chỉ hơn, nhanh nhẹn hơn… Theo ngài, chúng ta phải tái sinh nhiều lần vì nghiệp, và hiện tại chúng ta không thể diệt hết nghiệp. Vì sao ta không thể diệt hết nghiệp? Vì tâm ta còn phiền não. Vì sao ta còn phiền não? Vì ta chưa thể thực chứng bản chất rốt ráo của tánh Không.

Ngài nói về tánh Không, về thuyết tương đối và khẳng định điểm căn bản của tánh Không là tính chất tương đối. Thiền định được tiến hành với trí tuệ soi thấu tánh Không. Thực chứng tánh Không sẽ tận diệt tâm chấp ngã và mọi phiền não. Khi ta đã hiểu tánh Không hoàn hảo và tường tận thì Phật quả không còn xa nữa.

Tự thân thực hành, tự mình quyết định

Trả lời câu hỏi: “Thay đổi quan niệm thì có thay đổi tâm thức được không?”. TS. Khangser Rinpoche cho rằng câu hỏi này và ngược lại chính là câu chuyện con gà và quả trứng. Cư sĩ Nguyên Cẩn hỏi trong Kim Cang Thừa có yếu tố quan trọng là vai trò của vị đạo sư, nhưng nếu không có đạo sư mà tự tu tập có được không? Ngài khẳng định ở đời làm gì cũng phải có đạo sư. Ở nhà, cha mẹ là đạo sư của con. Tới trường, thầy giáo là đạo sư của mình. Đến cơ quan làm việc, thì vị lãnh đạo chính là đạo sư. Dựa vào câu trả lời này, một đại biểu có ý kiến rằng về việc tu tập trong thực tế cả ngàn năm qua, dân gian Việt Nam có nói: “Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành phải dựa chính mình”, nên vai trò vị đạo sư ở đâu trong quá trình tu học? TS. Khangser Rinpoche cho hay trong thế kỷ XXI này, có rất nhiều việc không cần đạo sư (người hướng dẫn), vì có… Google! Mình có thể tu tập theo Google. Nhưng dù có đạo sư hay có Google hướng dẫn thì cũng chỉ ra con đường cần phải đi rồi tự thân thực hành, tự mình quyết định, còn có chứng ngộ hay không lại là chuyện khác.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên đặt vấn đề về tâm thức, não bộ và trải nghiệm… Theo TS. Khangser Rinpoche, trải nghiệm của mình không thể áp dụng như một công thức toán. Quan niệm của nhà Phật có hàng ngàn đức Phật. Chứng ngộ của mỗi vị Phật khác nhau nhưng tính chung lại giống nhau. Về liên hệ giữa tâm và não bộ, khoa học cũng đã chứng minh qua việc ngồi thiền. Và thì giờ không được nhiều nên ngài đề nghị ai có quan tâm chuyện này thì nên hỏi… Google!

Cũng vì óc hiếu tri, tôi hỏi nhanh “giáo sư” Google và cũng được trả lời nhanh rằng trong khoảng 5.000 năm qua, người ta đã thực hiện ngồi thiền và chứng tỏ sự tác động tích cực của nó đối với cơ thể và tinh thần. Một nghiên cứu của Trung tâm Sống khỏe Chopra ở California (Mỹ), so sánh một nhóm những người tu tập thiền với những người không tu tập thiền, cho thấy thiền đem lại những lợi ích lâu dài, bao gồm cải thiện sức khỏe thần kinh và sức khỏe tế bào; thiền có thể bảo vệ và kéo dài các telomere (có tác dụng bảo vệ các gien, bảo vệ các ADN trước quá trình đột biến làm cho con người mau bị lão hóa. Khi già đi, các telomere của con người bị ngắn lại). Những người đã trải nghiệm thiền sẽ giúp cho mức melatonin gia tăng.
Melatonin là một hormone do tuyến yên sản xuất, đã được chứng minh có khả năng cải thiện giấc ngủ, củng cố hệ miễn nhiễm, đồng thời làm giảm nguy cơ của các loại bệnh tim và bệnh tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường và bệnh ung thư…

Buổi tọa đàm khá sinh động, hòa quyện đạo với đời. Thời gian không đủ để các đại biểu trao đổi thêm với TS Khangser Rinpoche về “Truyền thống Phật giáo Kim Cang Thừa và mối liên hệ giữa Kim Cang Thừa và Phật giáo Việt Nam”. Thượng tọa, TS. Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, xin được kết thúc buổi tọa đàm, cám ơn tất cả đại biểu, cám ơn TS Khangser Rinpoche, hẹn gặp lại nhau trong một dịp khác cũng xoay quanh chủ đề Phật giáo với cuộc sống đương đại. Thượng tọa, TS Thích Tâm Đức, xin mượn câu nói của TS Khangser Rinpoche để kết thúc buổi tọa đàm: “Bạn phải xem việc vãng sinh về cõi tịnh độ là ưu tiên thứ hai. Ưu tiên thứ nhất là chúng ta đang sống trong thế giới này, bạn phải nghĩ cách làm cho cuộc sống của bạn và cuộc sống của gia đình mình hạnh phúc hơn, và làm cho thế giới này hạnh phúc hơn. Đó là ưu tiên số một. Ưu tiên số hai là về cõi tịnh độ. Nếu chưa đến được cõi tịnh độ thì bạn hãy cố gắng đưa tịnh độ vào cuộc sống của mình. Đó là điều bạn có thể làm. Thay đổi đường lối tư duy và luyện tâm sẽ thật sự thay đổi cuộc sống của bạn”.

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ KHANGSER RINPOCHE

Khangser Rinpoche, sinh năm 1975, Pháp tự là Tenzin Tsultrim Palden, nghĩa là Pháp Trì Giới Hạnh Cát Tường; tên thường gọi là Khangser Rinpoche, nghĩa là Ngôi Nhà Vàng.

Năm 1992, thầy tốt nghiệp Cử nhân Triết lý Phật học tại Trường Phật học Biện chứng nằm trên dãy Himalaya, thuộc tiểu bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ.

Năm 1998, thầy hoàn tất Chương trình Cao học Triết lý Phật học ở Tu viện Phật giáo Đại Thừa Sera Jey được tái lập ở miền Nam Ấn Độ.

Năm 2000, thầy đươc mời thỉnh giảng ở Trường Đại học Tribhuwan (Kathmandu, Nepal). Ở tuổi 27, thầy đã hoàn tất Chương trình Tiến sĩ Geshe Lharam (thủ khoa trong số 5.000 tu sĩ ở Tu viện Sera, miền Nam Ấn Độ). Trong thời gian này, thầy biên soạn chú giải Câu Xá Luận.

Năm 2005, thầy đạt danh hiệu Thủ khoa Tiến sĩ Phật giáo Mật Thừa ở Tu viện Mật Thừa Gyuto, Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ.

Năm 2007, thầy sáng lập Cơ sở Di sản Văn hóa Phật giáo Himalaya tại thủ đô Kathmandu, Nepal.

Năm 2011, thầy sáng lập Cơ sở Bảo tồn Di sản Văn hóa Phật giáo Đại Thừa Nhiên Đăng và có các trung tâm hoạt động tại Nepal, Ấn Độ, Đài Loan…

Hiện tại, Khanser Rinpoche là giảng sư giảng dạy Triết lý Phật học tại Viện Phật học Sera Jey, trong các tu viện thuộc dòng Cổ Mật Nyingma và Kagyu ở Dharamsala Ấn Độ, Nepal.

Bên cạnh đó, thầy còn dành thời gian hoằng pháp tại Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Ý, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ…



 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6799564