Thông tin

KIM TIÊN CỔ TỰ

 

HÀNG CHÂU

 


 

Trên chuyến xe đò Cai Lậy - Thành phố Hồ Chí Minh, hành khách đa phần là thương buôn. Các dì, các chị giới thiệu trái cây đặc sản của quê mình - nào cam quýt, ổi xá lị, mận hồng đào thích hợp với vùng đất màu mỡ phù sa của vùng sông nước Cửu Long.

Vào đầu tuần còn có các viên chức, sinh viên trở lên thành phố vào công sở, vào giảng đường đại học sau ngày nghỉ chiều thứ bảy, chủ nhật cuối tuần. Người ta chú ý có một vị tu sĩ đứng tuổi với màu áo dài lam trên vai mang túi vải ngồi cạnh bác tài xế.

Buổi sáng vùng quê không khí trong lành, mát rượi. Hai bên đường đồng lúa tươi xanh đang thì con gái rập rờn theo ngọn gió thoảng. Con đường quốc lộ không lúc nào vắng bóng xe tất bật trong cuộc sống đời thường. Chiếc xe bon bon qua chợ Thuộc Nhiêu, đến Nhị Quý, Nhị Bình, vị tu sĩ nét mặt đăm chiêu, như sực nhớ điều gì, ông khẽ nghiêng qua người lái xe, nói nhỏ:

- Chú cho tôi xuống!

Bác tài ngạc nhiên:

- Hòa thượng không lên thành phố sao?

- Không! Có việc sáng nay ở chùa tôi quên.

Chiếc xe đò lăn bánh từ từ ngừng sát lề đường, vị tu sĩ mở cửa xe, chậm rãi bước xuống, ngỏ lời cám ơn chú lái xe. Vị hòa thượng đứng thở giây lát, ngơ ngác nhìn dòng xe qua lại, chờ hai chiều xe thưa thớt, ông bước qua bên kia đường, đón xe khách thành phố về Cai Lậy - Cái Bè! Nhớ lại hôm qua ông có hẹn sẽ tiếp một người khách vào buổi sáng nay mà ông quên hẳn do tuổi cao mà lại nhiều việc Phật sự. Ở cuộc sống bên ngoài, người đời thường nghĩ, vào chùa là rất rảnh rỗi, suốt ngày chỉ lo học kinh, ê a tụng niệm, đầu óc không bận cơm áo gạo tiền, chạy vạy từng miếng ăn, đổ mồ hôi sôi nước mắt, thật là vất vả chộn rộn.

Chiếc xe đò ngừng lại ở ngã ba Cai Lậy, hòa thượng sang bên tay trái, chậm rãi bước từng bước một quãng đường ngắn rồi rẽ vào con đường nhỏ tráng xi măng. Trước mặt ông, bốn chữ “Kim Tiên cổ tự” được vẽ nổi trên tấm bảng xi măng, chữ sơn đỏ đã phai màu. Qua sân lót gạch tàu, vách tường xi măng bao nhiêu năm đã qua vẫn như thế, trông thật cũ kỹ, mái ngói âm dương chuyển sang màu rêu. Khách phương xa đến viếng chùa cũng có thể đoán được chùa đã được xây dựng qua nhiều năm dài trước. Mà quả thật như thế, đã ngót hai trăm năm, hai thế kỷ qua rồi.

Ở nơi đây, dân quê tay lấm chân bùn, còn người thị tứ phương xa thì lại không biết ở đây có ngôi chùa cổ do các vị chân tu nhiều đời trụ trì hướng dẫn các tăng ni Phật tử địa phương học tu, hằng đêm lâm râm khấn nguyện cho đất nước hết binh đao. Trong những năm bị ngoại xâm đô hộ vùng Mỹ Tho - Cai Lậy - Cái Bè cũng như các vùng khác khói lửa ngất trời xóm làng nhà cửa cháy rụi, đất khô nứt nẻ, ruộng lúa điêu tàn. Rồi chiến thắng Ấp Bắc, người ta trở về, giữ làng giữ đất. Ngôi chùa còn đó như lưu lại dấu tích màu lửa khói. Từ những cột chùa cho đến bàn thờ Phật đều như phai mờ vết sơn, không còn màu đỏ sẫm như những ngôi chùa vùng đô thị khang trang đã được tu bổ nhiều lần.

Mặt trời đã lên cao, ánh nắng trải dài trên sân trước cổng. Người khách phương xa về thăm Thầy, ánh mắt mừng rỡ khi thấy vị hòa thượng từng bước vào gian tiếp khách sau chánh điện.

Người phụ nữ đứng dậy chắp tay kính cẩn:

- Con kính chào Thầy!

Hòa thượng pháp danh Bửu Thông để túi vải vào một góc bàn từ từ thở ra nhẹ nhõm. Ông cố hình dung người phụ nữ trước mặt mình, quen hồi nào, là con ai mà lâu lắm rồi không gặp, nhưng ông vẫn không nhận ra được.

- Dạ! Con là con của ông chín Diệp Tư, thầy giáo dạy trường Trung học Lê Quý Đôn ở Cái Bè đó Thầy!

Ông gật đầu:

- Ờ! Ờ! Thầy nhớ ra rồi. Sao lâu quá, hôm nay con mới về?

- Dạ! Con đi học, rồi lập nghiệp ở thành phố, rất ít có dịp về đây Thầy ơi!

Chị Diệp Bạch Yến như chăm chú nhìn vị Hòa thượng. Nét mặt ông già hẳn đi, da trổ đồi mồi với nhiều nếp nhăn, dáng người ốm yếu gầy, rất may là không chống gậy như những người ở vùng quê mà người ta thường nói - Thất thập cổ lai hy, huống hồ cho ông lại ở vào tuổi 95, nhờ cái đức quý trời cho. Hòa thượng Bửu Thông vào chùa từ năm 12 tuổi. Ngày ấy quân Pháp bắt đầu lăm le đưa quân vào đất nước của ông, một đất nước hiền hòa, đa phần dân sống bằng nghề nông.

Gia đình ông có ba anh em đi tu. Ông bà cha mẹ lập nghiệp lâu đời sống ở Phú Mỹ, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Vào những ngày đầu ông học kinh ở chùa Phú Khánh nơi quê hương ông, trải nghiệm qua nhiều chùa ở Tiền Giang, cuối cùng về trụ trì chùa Kim Tiên cổ tự ở huyện Cai Lậy - thấm thoát cũng đã qua 25 năm rồi. Đến lúc tuổi đời qua đi cùng năm tháng, ngẫm lại thấy đời người sao mà ngắn ngủi, thật không ngờ!

Những năm khói lửa lan tràn ở miền Nam, quân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, trong lòng người dân đều in đậm hai chữ quê hương. Trái tim ông như dầu sôi lửa bỏng, với chiếc áo nhà tu, ông là thành viên trong Hội đồng cứu quốc Nam Bộ cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất.

Thoáng nhìn người phụ nữ đối diện trước mặt, trong trí ông hiện ra hình dáng người đàn ông thanh nhã với tên Diệp Tư là con của một gia đình điền chủ giàu có, chia đất cho bần nông lúc Tây chiếm nhà ông làm bót. Ông Diệp Tư tham gia cách mạng và là Trưởng ban Tuyên huấn của Phật giáo cứu quốc. Có nhiều lúc tuổi già nhớ về quá khứ, Hòa thượng thấy đất nước ông, bình thường người dân ấy rất lặng lẽ như vô tư nhưng khi có biến động chiến tranh là họ sẵn sàng tầm vông vạt nhọn hè nhau “Dậy mà đi” rồi “Xuống đường” đập tan mọi xích xiềng”, lịch sử từ đời Vua Hùng lập quốc đến nay đã chứng minh điều đó.

Qua hơn 100 năm chiến tranh, tham gia trong phong trào Phật giáo cứu quốc và cho đến ngày thống nhất đất nước, Hòa thượng Bửu Thông là thành viên của Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Trung ương. Ông luôn chú ý chăm sóc các tu sĩ trẻ, thường xuyên cho đi học từ trung cấp, cao đẳng rồi vào đại học Phật giáo để khi tốt nghiệp ra trường về trụ trì các chùa ở tỉnh nhà và ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Các đệ tử của Hòa thượng vững vàng về trí tuệ và đạo đức noi gương đức Phật Như Lai.

Chị Bạch Yến con gái đầu lòng của ông Diệp Tư là bạn thân thiết của Hòa thượng. Đã hơn 20 năm chị mới có dịp về thăm ông. Nhìn vóc dáng qua thời gian của Hòa thượng, chị lặng người với lòng thương kính vô tận.

Ngôi chùa thật vắng vẻ, ở gian nhà sau dùng làm bếp núc, có anh Phương, thanh niên đi nghĩa vụ quân sự trở về, là thương binh trong trận chiến với bọn diệt chủng Pôn Pốt, đang sống cùng Hòa thượng, chăm sóc ông hằng ngày, phòng khi nắng gió trở trời, hủ hỉ có tiếng nói cho ngôi chùa thêm ấm cúng. Là người quanh năm sống ở ruộng đồng, anh Phương thật chân chất hiền hòa. Anh rất kính trọng và thương yêu Hòa thượng như người cha sanh ra mình. Anh rất quý các vị chân tu, suốt cả đời mình chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến hạnh phúc của họ, còn mình cố gắng tu dưỡng các đức để làm gương sáng cho người đời noi theo. Đời người là vô thường theo quy luật của tạo hóa rồi sẽ qua đi, trở về với cát bụi, nhưng cái đức sẽ lưu truyền tồn tại mãi theo thời gian.

Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chói chang trên mặt đường, người phụ nữ từ giã ngôi chùa Kim Tiên cổ tự, chấp tay cúi đầu kính cẩn chào Hòa thượng Bửu Thông trở về thành phố. Chị Bạch Yến tự nhủ với lòng sẽ cùng Phật tử các nơi về viếng chùa giữ cho ngôi chùa này là nơi góp phần giáo dục cho chữ Tâm con người luôn được sáng trong.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6784592