Thông tin

KINH LÁ BUÔNG VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TÂM LINH

CỦA ĐỒNG BÀO KHMER NAM BỘ

 

ĐĐ. THIÊN GIẢ
(THẠCH DƯƠNG TRUNG)

 


 

Dân tộc Khmer có một nền văn hóa truyền thống khá phong phú và đặc sắc, mang đậm màu sắc tôn giáo của Bàlamôn giáo và Phật giáo. Sự đan xen và hòa quyện giữa các yếu tố văn hóa trên đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho văn hóa của người Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ. Những truyền thống văn hóa ấy được tổ tiên người Khmer ghi lại trên một vật liệu, gắn liền với đời sống của cư dân miền sông nước và có tuổi thọ rất lâu đó là lá Buông. Ngày nay, chúng ta thường gọi là kinh lá Buông hay kinh lá, di sản văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Ngày nay, chất liệu giấy được dùng trong việc ghi chép tài liệu thì kinh lá Buông không còn sử dụng rộng rãi nữa. Kinh lá Buông dần dần được các chùa gìn giữ và xem như báu vật của dân tộc mình.

Khái quát về người Khmer Nam Bộ

Người Khmer ở Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu dân, sinh sống ở các tỉnh, thành Nam Bộ, trong đó tập trung đông nhất ở 9 tỉnh, thành Tây Nam Bộ: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Không gian cư trú truyền thống của người Khmer là phum, sóc với lối sống quần cư xung quanh ngôi chùa. Hầu hết, đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông, toàn vùng có 453 ngôi chùa Khmer, với số lượng chư tăng dao động hàng năm trên dưới 9.000 vị1. Qua quá trình cư trú lâu đời, cùng với sự giao lưu văn hóa, người Khmer đã mở rộng không gian cư trú và sống xen kẽ với các tộc người Kinh, Hoa, Chăm. Chính vì sống xen kẽ với các dân tộc khác nên việc giao lưu tiếp biến văn hóa của người Khmer nơi đây ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trước.

Người Khmer vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa và văn minh Ấn Độ tương đồng với các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Indonesia, Malaysia… nên trước đây người Khmer thường thờ những vị thần theo truyền thống Bà La Môn giáo vì “trước khi Phật giáo du nhập thì đạo Bà La Môn đã được truyền đến Phù Nam. Sau vương triều Phù Nam là vương triều Chân Lạp, Phật giáo Bắc tông đi theo các thương gia Ấn Độ đến xứ sở này và Phật giáo Đại thừa - Bắc tông đã một thời thịnh hành ở đây. Song, từ sau thế kỷ XIII-XIV, do một hoàng tử Campuchia truyền bá Phật giáo Nam tông vào mảnh đất này. Lại thêm sự thất bại của người Khmer trước người Xiêm và sự suy tàn của đế chế Angkor nên người Khmer đã chấp nhận Phật giáo Nam tông như một tôn giáo cứu cánh của mình. Theo đó, Phật giáo Bắc tông đã nhường chỗ cho Phật giáo Nam tông từ Sri Lanka và Miến Điện truyền xuống với giáo luật chặt chẽ và những bộ kinh nguyên thủy chứa đựng giáo lý thực hành phù hợp với tộc người này. Cũng kể từ đó, Phật giáo Nam tông được truyền vào người Khmer sinh sống tại đồng bằng Nam Bộ Việt Nam”2. Tổ tiên Phù Nam sau này là Chân Lạp theo đạo Bà La Môn, cho đến thế kỷ thứ 12 thì Phật giáo du nhập vào, từ đó người Khmer theo Phật giáo cho đến ngày nay, không theo đạo nào khác3.

Điểm đặc sắc nói lên bản sắc của dân tộc Khmer “đời sống tâm linh gắn liền với cuộc sống hiện hữu”4. Phật giáo Nam tông có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân tộc Khmer từ ngôn ngữ, văn học đến nghệ thuật kiến trúc, là tôn giáo duy nhất chi phối toàn bộ đời sống của văn hóa cộng đồng, cùng hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ ở cõi vĩnh hằng. Lòng hướng thiện là nét đặc trưng rất nhân bản đã tồn tại và phát triển trong cộng đồng Khmer từ xưa cho đến nay. Cái đa dạng, phong phú của đời sống tâm linh với niềm tin và hệ thống giáo lý răn dạy con người ăn ngay, ở thẳng với đời để được siêu thoát đã trở thành thuần phong mỹ tục, có sức mạnh cố kết cộng đồng theo suốt chiều dài lịch sử. Tâm lý và tập tục của người Khmer được sản sinh từ những giá trị văn hóa tôn giáo và trở thành bản sắc của người Khmer. Những phẩm chất, đức tính quý báu đó, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong đời sống xã hội Khmer hay trong bất kỳ tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc... trong kho tàng văn hóa dân gian Khmer. Người ta có thể nhận biết ngay cả triết lý sống trong phong tục, tập quán, lối sống, các mối quan hệ hàng ngày của người Khmer Nam Bộ.

Khái quát về kinh lá Buông

Kinh lá Buông là những bộ sách kinh trên lá ghi lại lời giảng của đức Phật, những tri thức dân gian, những lời dạy của các bậc tiền bối.

Mỗi dân tộc có một lối viết chữ riêng và có những loại “sách” riêng, chữ viết thể hiện trên đất, trên da thú, trên giáp cốt, trên thẻ tre… Người Khmer có Satra S-lất-rich hay Satra - chữ viết trên lá Buông. Satra tiếng Khmer có nghĩa là những hàng chữ viết trên lá, một tập sách lá Buông. Người Khmer chọn lá Buông để viết chữ. Lá Buông là lá của loại cây giống như cây thốt nốt (Thnot), có tên gọi là T-rang, ngày xưa mọc bạt ngàn khắp miệt sông Tiền, sông Hậu là nguồn lá dồi dào để làm giấy. Lá Buông có phẩm chất tốt, vạch nét chữ rõ ràng, lá dai bền, dùng làm “giấy” ít bị rách nát hư mục làm mất văn tự. Tuy nhiên, cái khéo là phải biết chế biến để gìn giữ những tấm lá ấy. Người xưa đã nghĩ ra cách xử lý lá buông làm sạch lá rất điệu nghệ. Lấy đọt lá làm sách là một việc thiêng liêng. Người ta thắp nhang cầu khấn trời Phật rồi mới tiến hành cắt lá. Đầu tiên, họ chọn những đọt lá tốt, lấy dây quấn đọt cây, hãm không cho lá mở. Đọt lá được quấn lại đó vẫn phát triển, bản lá dày dặn lên nhưng lá không bị xơ cứng. Khoảng một năm sau, người dân mới chặt lá về, dùng 1 miếng gỗ có kích thước khoảng 6cm x 60cm kẹp vào, rồi cắt theo cỡ tấm ván, phơi cho khô, cắt thành hình chữ nhật, ép cho phẳng, sắp thành từng xấp, đó là những tập “giấy lá”.

Có giấy rồi người ta tiến hành viết chữ lên lá. Việc viết chữ trên lá, đúng hơn là khắc chữ trên lá. Đây là việc làm rất kỳ công. Nghệ nhân dùng một cây viết có ngòi bằng kim loại đầu nhọn gọi là đéc-cha chạm từ từ lên lá đã được phơi khô, khắc chạm trên lá phải đều tay, không được nhẹ quá vì nhẹ làm cho nét chữ không rõ, mạnh quá thì làm cho lá bị lủng lỗ, sản phẩm xem như hỏng. Người khắc chữ phải khéo léo, tỉ mỉ, phải biết rõ đường nét của chữ để không bị viết lệch ra ngoài đường viền hay hàng đã được khắc sẵn, vì chỉ sai một nét là phải bỏ đi lá đó không thể sửa lại được. Theo các vị sư trước đây, muốn khắc chạm được một bộ kinh lá thì nghệ nhân phải tìm một không gian yên tĩnh, tập trung cao độ và phải ở nơi đó cho đến khi hoàn thành mới thôi. Do đó, nghệ nhân viết kinh lá trước đây thường là các vị sư, vì chỉ các vị sư mới đạt trạng thái thiền định rất cao. Viết xong, người ta lấy bồ hóng trộn với dầu xoa lên rồi chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Cứ thế, người ta viết hết trang giấy lá này qua trang giấy lá tiếp theo, cho tới khi viết hết tài liệu đó thì xỏ lỗ “đóng” các trang viết thành một tập sách có bìa gỗ, thế là có một Satra hoàn chỉnh. Để tăng cường độ bền, nhất là làm cho sách đẹp đẽ quý giá, người ta lấy dung dịch nước bột vàng quét phủ lên gáy sách, bìa sách tựa sơn son thếp vàng.

Hiện nay, kinh lá Buông còn lại rất nhiều trong thư viện chùa Khmer, nhưng ngày càng có ít người đọc được loại chữ này. Cây T-răng hiện nay còn ít và chỉ có ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.

 

 

Vai trò của kinh lá Buông với văn hóa tâm linh của người Khmer Nam Bộ

Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, kinh lá Buông xuất hiện từ thế kỷ 19 và có 4 loại như sau5:

Satra Rương - satra truyện

Satra Rương có nghĩa là satra truyện, hoặc nếu gọi theo ngôn ngữ Khmer hiện đại là bộ văn học tiểu thuyết (Óc-so-sắc pơ-ro lom-luốc), Những mẩu truyện được ghi trên lá Buông được các nhà Sư đọc cho tín đồ nghe, hoặc do người kể lại dưới ánh đèn dầu, dưới ánh trăng, ngoài ra những tác phẩm văn học thuộc loại này thường được các nghệ nhân dựa vào đề soạn thành kịch bản sân khấu nên nó còn được gọi là truyện tuồng Lò-Khon (tầm nuông Lò -khon). Thực ra, các tác phẩm văn học này phần lớn là truyện thơ cổ, trong đó một số được sáng tác trên cơ sở các cốt truyện dân gian. Tuy được xây dựng theo quan điểm của tôn giáo - phong kiến, nhưng đây là sáng tác có tính dân tộc. Những Sa-tra Rương hầu hết là những truyện thơ dài. Phổ biến có các truyện Pơ- Rặc Chin - na -vông, Pơ- rặc Lắc Sin-na-vông, Khơ- doang Sâng, Hông Dong (Thiên nga máy), Pơ-rặc Sô-Mút, Săng-Sal-chây, Mus-cha-lin, Pêch-cha-ta, Sú- Cây-thông, Chàm-pa Thông, Ví-miên-nắ-chăn, v.v. Trình tự không gian cũng được tuân thủ theo trình tự thời gian. Đôi khi, những truyện có nhiều tình tiết thì mạch truyện lại được kể theo lối tiểu thuyết chương hồi. Bên cạnh truyện cổ dân gian, Satra rương có tác dụng nhất định đến nhận thức của đồng bào Khmer về thiện-ác, chính nghĩa-gian tà.

Satra L-beng - satra giải trí

Satra L-beng như tên gọi của nó là những Satra ghi chép về các trò chơi giải trí dân gian, các trò thể dục thể thao cổ truyền. Thật ra, các satra này, không chỉ là tư liệu về các trò chơi giải trí, mà là những câu chuyện, phản ánh những sinh hoạt lao động, vui chơi (đá gà, đánh cầu, đấu vật, đá kiệu, thả diều), đến việc cưới xin, hội hè… đặc điểm của loại truyện này, thay vì mang tính chất thần kỳ của cổ tích, lại bị khuôn đúc bởi quan điểm luân hồi, nhân quả của Phật giáo. Do vậy, việc khuyến thiện răn ác được thuyết minh một cách giáo điều, nặng về phần minh họa giáo lý hơn là một phản ánh các quan hệ xã hội.

Satra Chơ-băp - satra luật giáo huấn

Sa-tra chơ-bắp là tên gọi chung những giáo huấn ca, Satra Chơ-bắp chia thành hai loại: loại dành cho người tu hành và loại dành cho người bình thường.

Nội dung các giáo huấn ca trên bao gồm những lời khuyên, những quy tắc về đạo đức, bổn phận của con cái, cha mẹ, dân chúng và phép xử thế theo quan điểm phẩm hạnh phong kiến và tôn giáo. Ngoài ra, cũng có những đoạn thơ khuyến thiện răn ác, khuyên bảo con người phải siêng năng, phải ăn ở đúng theo đạo lý, giữ gìn tốt quan hệ trong gia đình, thân thuộc, và những điều cần chú ý trong sinh hoạt như ăn tiêu tiết kiệm, phải biết dành dụm phòng xa, phải biết lo toan sắp đặt công việc làm rẫy, làm ruộng, dệt vải, thêu thùa, cả những kinh nghiệm trong việc cưới vợ, chăm sóc con cái. Các giáo huấn ca còn phê phán các thói hư, như cờ bạc, rượu chè, ăn tiêu hoang phí, chơi bời hút xách, và qua việc phân tích lợi hại nhằm khuyên người ta nên tránh xa.

Về hình thức, các giáo huấn ca Khmer Nam Bộ là những bài văn vần dài gồm nhiều khổ thơ ghép lại. Nếu ở mỗi sa-tra Rương dùng cả 5 thể thơ để sáng tác, thì ở mỗi giáo huấn ca lại dùng một trong 5 thể thơ này. Satra Chơbắp, trước đây thường dùng để dạy trong trường chùa, hoặc được các người lớn tuổi ngâm ngợi trong những lúc rảnh rỗi, và được dùng để giảng dạy đạo lý ở trường chùa, cùng với một số loại khác đó là Satra Tếs

Satra Tếs - Satra kinh, kệ

Satra Tếs là loại sa-tra ghi chép những Phật thoại và kinh Phật. Theo ngôn ngữ Khmer hiện đại, toàn bộ Sa-tra Tếs có thể gọi là mảng văn học Phật giáo. Ở loại Sa-tra này ta thấy có các tập sau đây:

1. Tập Chiếc đok gồm có nhiều quyển ghi chép các chuyện kể về kiếp trước của Phật Thích Ca như truyện Môha sát kể về kiếp Phật còn là một thầy thuốc, Kơ-rông sốpbì- sách kể về kiếp đức Phật còn là một cặp chim đa đa.

2. Tô chiếc là tập truyện kể những Phật thoại nói về 10 hạnh của đức Phật như hạnh bố thí, hạnh trì giới, hạnh tinh tấn...

3. Mô-ha chiếc hay còn gọi là Đô-ha-chiếc đok là truyện nói về tiền kiếp của Phật, lúc Phật còn là hoàng tử Vê sân-đo, người thực hành triệt để hạnh bố thí. Bộ sách này, được coi là bộ sách đồ sộ nhất, gồm 14 quyển.

4. Ngoài ra, trong Satra Tếs, còn có các bộ kinh Phật khác như bộ Trai-bây-đók (Tam tạng kinh), Dhammapada (Pháp cú kinh) được phiên dịch từ kinh tang Pali ra tiếng Khmer.

Một phần quan trọng trong các tập Kinh lá Buông là phương thức Thuyết pháp và hướng dẫn tu Thiền (Thiếp) cùa Phật giáo Nam tông Khmer.

- Với hình thức thuyết pháp: Tại các dịp lễ lớn, hay các buổi lễ ở gia đình đều có các vị sư sãi hay các vị A-cha, Ma-ha đến thuyết pháp về “đạo lý làm người” được rút ra từ các Phật thoại, Phật sử cho phù hợp nội dung và ý nghĩa từng buổi lễ. Hình thức thuyết pháp của các sư Phật giáo Nam tông Khmer vẫn giữ đúng với truyền thống của các vị trưởng lão đã sử dụng trong các kỳ kết tập kinh điển, phải có người hỏi và người trả lời tức là theo hình thức vấn đáp, nhưng hầu hết các buổi thuyết pháp phải sử dụng các nội dung trong tập kinh sách lá Buông để hỏi và trả lời. Tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer tin rằng những gì viết trong lá Buông chính là lời dạy của đức Phật, hoặc là các vị sư có đạo hạnh cao hay những vị tổ tiên truyền lại. Do đó kinh lá Buông trước đây thường xuyên được sử dụng để thuyết pháp trong các lễ lớn tại chùa như Chol nhnam thmay, Dolta, Dâng Y Kathina, hoặc các lễ do tín đồ tổ chức tại gia như lễ an vị Phật, lễ tang.

- Phương thức Tu Thiếp (Thiền): Các chùa Nam tông Khmer vẫn còn sử dụng lối hành thiền này, phương thức và phương pháp lối hành thiền này được ghi lại trên kinh lá Buông vì thế tu sĩ thừa hành Phật pháp phải biết tham thiền, nhưng có thực hành hay không là do ý muốn của họ, không bị bắt buộc, thường tổ chức tại chùa. Hàng năm, những người muốn tu thiền- thường là ông già, bà lão- làm một cái lều nhỏ, gọi là “Top”(Cốc) khiêng tới dựng trong vườn chùa, xin tu. Đến giờ thiền, thì tu sĩ vào cốc ngồi đóng cửa lại, cấm không cho thân nhân quấy rầy. Đối với quý vị sư trong chùa cũng vậy, nếu không cất cốc thì ngồi trong mùng, phía sau bàn Phật trên chánh điện.

Không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ, đàn ông hay đàn bà, lớn hay nhỏ tuổi, người nào cũng tu thiền được. Nếu là người ngoài đời thì trước khi hành pháp phải quy y Ngũ giới và thọ bát quan trai giới. Thời gian tu thiền không bó buộc. Tùy theo tình trạng của tu sĩ, có thể tu ít, nhất là một tuần lễ hoặc tu suốt đời. Giờ khắc tu thiền cũng tùy theo phương tiện và tình trạng của tu sĩ, có thể tu ban ngày và ban đêm, nhưng ít lắm cũng phải tu ban đêm. Người nào hành pháp càng nhiều thì càng chóng có kết quả.

Trước khi bắt đầu ngồi thiền, tu sĩ phải theo lời chỉ dạy của ông thầy gọi là Lục K-ru hoặc là Úp-Pa-Cha. Ông thầy đã tu thiền nhiều năm biết cách điều khiển dẫn dắt, giúp đỡ người tu. Gặp thầy không có khả năng, tu sĩ có thể bị điên thình lình. Thầy chỉ cách cho tu sĩ ngồi kiết già, hoặc ngồi xếp bằng tròn, hai tay để trên đầu gối, lưng thẳng, mắt hí hí nhìn xuống bụng, thở đều hơi và miệng đọc kinh. Trong lúc ấy, trí óc hướng về mục đích của mình nguyện được thấy. Tùy theo tánh tình của tu sĩ, ông thầy dạy cách điều khiển tư tưởng. Người có tánh nóng nảy, thiếu nhận xét, người lẳng lơ, người ngu khờ, người dễ tin, người thông minh... phải theo những phương pháp khác nhau.

Sau giờ ngồi thiền, nhất là mỗi buổi sáng, tu sĩ thuật lại cho thầy nghe những gì mình đã thấy để thầy cho ý kiến, hoặc khuyên nên tiếp tục hoặc sửa đổi phương pháp, hoặc bảo nên chấm dứt vì không thể tham thiền được. Ông thầy giỏi có thể theo dõi được tư tưởng của tu sĩ trong khi ngồi để kịp sửa chữa ngay. Có người thấy cảnh sắc vui vẻ quá phát nhảy cỡn lên, múa tay, chân gần sập cái cốc; có người thấy ma quỷ dọa nạt, sợ quá phát run. Ông thầy phải kêu gọi hoặc phun nước lạnh cho tu sĩ tỉnh lại. Nếu không can thiệp đúng lúc, có khi tu sĩ phát cuồng.

Sau một thời gian dài, ngắn tùy theo sự tu học của tu sĩ, ông thầy xét thầy tu sĩ có thể luyện một mình thì không chỉ dẫn nữa, tự vị ấy tu.

Trong lúc ngồi thiền, tu sĩ tâm nguyện xin thầy điều gì, nếu thực hành đúng lời thầy dạy sẽ thấy ngay điều đó. Ví dụ, nguyện thấy kiếp trước của mình, thấy cảnh Niết bàn, thấy Âm phủ, thấy đức Phật... Nhưng không phải ai xin thấy gì cũng được.

Người hung ác, thâm độc, thường hại người thì chỉ thấy toàn rắn, rít, ma quỷ dọa nạt đến phát sợ, có khi điên luôn. Người có lòng tốt, tánh tình quảng đại lòng dạ trong sạch thì thấy đẹp, thế giới Thiên đàng, Tiên Phật, Thần Thánh, thấy mình biết bay lên mây. Người có dạ hiếu thảo có thể thấy vong hồn cha mẹ đã chết, có thể xin viếng Âm phủ để gặp thân nhân quá vãng. Người tu thiền, giỏi tốt có thể nguyện xin thấy gì được nấy, nguyện thả hồn đi đến cõi nào cũng được.

Kết quả của tu thiền, người có ý định làm việc ác sẽ hồi tâm hối cải, người có tâm tu hành thấy cảnh Niết bàn, thấy Tiên, Phật thì đòi đi tu luôn, người nào không thể xuất gia thì đem phần lớn của cải bố thí, làm phước để mong sau này linh hồn được giải thoát, người hung bạo thấy cảnh ma quỷ xấu xé mình thì phát sợ đến cuồng tâm, có khi bỏ mạng vì tinh thần quá dao động.

Người Khmer cho rằng tu theo lối tham thiền rất có ích cho tinh thần, cho tâm tánh của mình nên quý vị Sư trưởng thường tổ chức tại chùa những lớp tu thiền từ một tuần lễ trở lên để giúp các tu sĩ tu tâm dưỡng tánh. Người ở ngoài đời không thể bỏ việc làm ăn ban ngày thì ban đêm đến chùa tu tới sáng, rất tiện. Thời gian tham thiền không nhất định là bao lâu, có trường hợp, có người nhịn ăn ba, bốn ngày ngồi “định tâm” trong “Top”. Những gì kiểm nghiệm được đều thuật lại cho các sư sãi nghe để nhận định sự chuyển biến của tâm hồn người ấy.

Do có tầm quan trọng liên quan đến văn hóa tâm linh, bên cạnh việc gìn giữ kiến thức, tri thức của người Khmer nên kinh lá Buông được coi như những kho sách cổ, thư tịch cổ, trước đây các bậc trí thức, học giả Khmer thường gọi là Panh-đit coi là sách gối đầu. Kho tàng văn học viết cổ của người Khmer bao gồm tất cả những loại Satra trên, không có một tác phẩm nào đặc biệt riêng các địa phương.

Một số kiến nghị

Nhằm đảm bảo tính kế thừa của di sản văn hóa kinh lá Buông của người Khmer Nam Bộ, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất, một số phương thức bảo tồn, gìn giữ nhằm phát huy giá trị văn hóa của kinh lá Buông trong tương lai:

1. Lên phương án bảo tồn và phát huy giá trị của kinh lá Buông.

2. Bảo vệ, gìn giữ và sưu tầm các bản kinh trên lá Buông.

3. Chụp hình lưu lại trong dữ liệu máy tính.

4. Mở lớp đào tạo nghệ nhân khắc chữ và dạy đọc chữ trên kinh lá Buông.

KẾT LUẬN

Tóm lại, văn hóa Khmer phải nằm trong sự vận động chung của văn hóa cả nước, gắn chặt với sự phát triển của đất nước, cho nên không thể xem nhẹ vấn đề hiện đại hóa của giá trị văn hóa truyền thống, mà phải xây dựng nền văn hóa theo xu hướng hiện đại nhưng đầy tính truyền thống và giàu bản sắc dân tộc. Khẳng định được bản sắc và các giá trị của kinh lá Buông đối với văn hóa tâm linh của người Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa Việt Nam, còn là thiết thực góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Định hướng phát triển các giá trị mang bản sắc văn hóa Khmer nằm trong xu hướng chung của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, có tính nhân văn và tính hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cùng cả nước tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân; Đồng Quang Quân, Văn Hóa Phật Giáo Nam Tông Khmer Trong Văn Hóa Vùng Nam Bộ: Truyền Thống Và Biến Đổi. Nguồn: https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=phat-giaonam-tong/52-van-hoa-phat-giao-nam-tong-khmer-trong-van-hoa-vungnam-bo-truyen-thong-va-bien-doi-322.html.

2. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.

3. Lê Hương, Người Việt Gốc Miên, 1969.

4. Phạm Thị Phương Hạnh (Chủ biên), Văn Hóa Khmer Nam Bộ Nét Đẹp Trong Bản sắc Văn Hóa Việt Nam, Nxb. Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật, 2012.

5. Nguyễn Mạnh Cường, Vài Nét Về Người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, 2002.

 


1. PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân; Đồng Quang Quân, Văn Hóa Phật Giáo Nam Tông Khmer Trong Văn Hóa Vùng Nam Bộ: Truyền Thống Và Biến ĐổiNguồn:https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=phat-giaonam-tong/52-van-hoa-phat-giao-nam-tong-khmer-trong-van-hoa-vungnam-bo-truyen-thong-va-bien-doi-322.html

2. Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 62.

3. Lê Hương, Người Việt Gốc Miên, 1969, Tr 29

4. Nguyễn Mạnh Cường, Vài Nét Về Người Khmer Nam Bộ, NXB Khoa học xã hội, 2002, Tr 10

5. https://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/kinh-la-buong-la-di-san-van-hoaphi-vat-the-quoc-gia-20170221165417519.htm

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6450132