KINH PHÁP HOA, MỘT TRONG NHỮNG BẢN KINH GÓP PHẦN ĐÀO TẠO TĂNG TÀI CỦA HT. THÍCH TRÍ TỊNH
KINH PHÁP HOA, MỘT TRONG NHỮNG BẢN KINH
GÓP PHẦN ĐÀO TẠO TĂNG TÀI CỦA HT. THÍCH TRÍ TỊNH
THÍCH HÂN KIẾN
HT. Thích Trí Tịnh
Pháp Hoa là một bộ kinh được dịch ra nhiều ngôn ngữ, một thể tài vô tận cho các học giả Đông, Tây tán ngưỡng.
Đơn cử (theo tài liệu của Bộ Quốc gia giáo dục Nhật Bản, Tông giáo niên giám 1970) ở thời điểm này đã có 40 triệu người trì tụng, 35.450 sở nghiên cứu và trung tâm truyền bá.
Ở Việt Nam, tiếp nối phong trào chấn hưng Phật giáo, ảnh hưởng Từ Bi Âm, thuộc Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học 1932 (Chủ nhiệm HT. Lê Khánh Hòa, Chủ bút là HT. Bích Liên) đến năm 1945 gồm được 235 số tồn tại được 14 năm.
HT. Thích Trí Tịnh chịu ảnh hưởng rất nhiều ở tờ báo Từ Bi Âm này mà phát khởi ý nguyện học rộng Phật pháp, cuối năm 1939, HT được sự cho phép của Bổn sư (Thượng Thiện Hạ Quang, Húy Hồng Xứng, khai sơn chùa Vạn Linh), xuống núi về Sài Gòn để tìm học Kinh luật.
Một vấn đề quan trọng có liên quan đến kinh Pháp Hoa, đó là khi HT đến tá túc tại chùa Tịnh Độ, ở Gò Vấp, do ông Tư Lành, sếp ga xây dựng, để trị bệnh tại bệnh viện Sài Gòn, nhưng bệnh không thuyên giảm, trong lúc đau bệnh này HT phát tâm biên chép kinh Pháp Hoa; thật là kỳ diệu, khi việc chép kinh hoàn tất, cũng là lúc thầy gặp thuốc, HT được trị dứt bệnh sốt rét sau đó ít lâu.
Cảm ứng nhiệm mầu từ kinh Pháp Hoa, sau 5 năm học tập tại Phật học đường Báo Quốc Huế (1940 - 1945), một trong những bản kinh mà HT dịch và giảng, đó là kinh Pháp Hoa.
Sau khi thành lập Phật học đường Liên Hải (1946), năm 1947, HT dịch kinh Pháp Hoa, Pháp Hoa cương yếu, Pháp Hoa trì nghiêm từ Hán ngữ sang Việt ngữ. Mặc dù không nói ra, nhưng nhằm để báo Phật ân đức, nhờ kinh Pháp Hoa mà HT có đầy đủ cơ duyên khai mở trí tuệ thân tâm an lạc, đồng thời HT đã cảm nhận sâu sắc việc đào tạo hướng dẫn Tăng Ni, thì tài liệu không thể bị lệ thuộc mãi Hán ngữ, trong khi lúc bấy giờ đã có chữ quốc ngữ.
Bản kinh Pháp Hoa mà HT Thích Trí Tịnh phiên dịch, không phải chỉ riêng HT phiên dịch ra Quốc ngữ mà trước và sau (1947) cũng có người dịch. Nhưng khác ở chỗ “làm tài liệu nghiên cứu, đọc tụng, thì phần nhiều dựa vào bản dịch của HT”.
Để chứng minh, khi giảng giải kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT. Thích Thanh Từ có giới thiệu: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dịch từ Hán văn ra Việt văn có những bản sau đây:
1/ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch, xuất bản vào năm 1936, bản dịch này dung hợp bản Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập và bản Pháp văn (năm 1852) của học giả Eugène Burnouf (1801 - 1852).
2/ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch xuất bản 1948. Bản dịch này căn cứ theo bản Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập
3/ Pháp Hoa Huyền Nghĩa do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tuyển dịch, xuất bản 1964, ông dung hợp nhiều bản Hán văn và Pháp văn để dịch.
4/ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Diễn Giải Lục do HT. Thích Trí Nghiêm dịch, xuất bản năm 1970. Ngài dịch từ nguyên bản chữ Hán của đại sư Thái Hư chú giải.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch
Bốn bản kinh Pháp Hoa được dịch từ chữ Hán ra chữ Việt mà chúng tôi vừa nêu, thì bản dịch của HT. Thích Trí Tịnh được hầu hết người xuất gia cũng như tại gia ở Việt Nam dùng để nghiên cứu học hỏi trì tụng.
Hôm nay giảng kinh Pháp Hoa, chúng tôi cũng dùng bản dịch của HT. Thích Trí Tịnh để cho quý vị dễ theo dõi, dễ hiểu HT. Thích Trí Tịnh là người dày công nghiên cứu và phiên dịch Kinh điển, nên có đầy đủ uy tín trên phương diện giáo dục cũng như dịch thuật. Pháp Phật mà ngài phiên dịch và truyền bá hầu hết chúng ta đều tin tưởng, nên bản dịch của Ngài được mọi người tin cậy nhất.
Trong lời nói đầu Pháp Hoa Huyền Nghĩa Cụ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền giới thiệu như sau:
Để giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chúng tôi về mặt văn từ đã dựa theo những bộ sau đây:
- Chữ Hán: Bản dịch dưới danh hiệu Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của ngài Cưu-ma-la-thập (Kuma Rajiva), một nhà sư Ấn Độ sang Trung Hoa truyền giáo vào đời Hậu Tấn, đầu thế kỷ thứ V. Trước đó, đời Tây Tấn, dưới trào Huệ Đế, năm Vĩnh Khương, có nhiều nhà sư khác như Quách Hoàng, Trúc Pháp Hộ cũng có dịch, đề tên là Chánh Pháp Hoa (chữ Hán). Nhưng thông dụng nhất là bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập mà hiện nay chúng ta đang đọc.
- Chữ Việt:
a) Bản dịch của Thượng tọa Thích Trí Tịnh, xuất bản năm 1948, theo bản của Ngài Cưu-ma-la-thập.
b) Bản dịch của ông Đoàn Trung Còn, xuất bản lần đầu hồi năm 1936, dung hòa bản Hán văn của Cưu-ma-la-thập và bản dịch chữ Pháp của Eugène Burnouf về hai bản dịch ra Việt văn phải kể bản dịch của Thượng tọa Thích Trí Tịnh là có phần hơn.
Trang trọng những đóng góp đáng kể của HT. Thích Trí Tịnh, trong đó kinh Pháp Hoa, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về mặt làm tài liệu nghiên cứu giảng dạy, trì tụng, tôn thờ.
Ở đây, sự trì tụng và nguyên bản lúc ban đầu, có ba bản mà HT dịch, có phần âm và nghĩa đó là:
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
- Kinh Tam Bảo.
- Kinh Địa Tạng.
Có thể nói đây là 3 bản kinh mà trong thời khóa tụng niệm thường hay sử dụng, đây cũng là một trong những phương pháp minh chứng sự đào tạo mang tính kế thừa rất quan trọng, trong lịch sử văn hóa dân tộc. Bởi lẽ Hán ngữ được sử dụng ở Việt Nam, và những hiền tài của Việt Nam được ghi nhận, qua những bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm Giáp Thìn (1484) đã mở đầu cho việc hình thành một quần thể di sản văn hóa nổi tiếng và quan trọng không chỉ đối với lịch sử của vùng đất Thăng Long Hà Nội, đối với nền giáo dục Nho học Việt Nam mà còn là tài sản quý báu của dân tộc hàng mấy trăm năm qua. Đến khi chữ Quốc ngữ đã bắt đầu được sử dụng chính thức tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Như vậy, kinh Pháp Hoa được chuyển ngữ sang tiếng Việt trong thời điểm này (1947) được mọi người đón nhận không đơn giản chút nào. Nếu tìm hiểu về nền giáo dục Việt Nam sử dụng tiếng Việt thì phải kể đến đó là cư sĩ Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996). Với một lòng thiết tha yêu nước, yêu dân tộc, lo cho việc đào tạo nhân tài trong tương lai, ông chỉ đạo soạn thảo và ban hành một “Chương trình trung học Việt Nam” đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam, sau hơn một thế kỷ, học sinh Việt Nam phải học chương trình giáo dục của nước Pháp. Từ đó, khắp cả nước áp dụng việc học và thi Tú tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức.
Qua những minh chứng trên, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, về mặt dịch thuật thì kinh Pháp Hoa trong giai đoạn này rất quan trọng là giữ âm Hán bằng tiếng Việt, dịch nghĩa bằng tiếng Việt cho mọi người đọc, tụng dễ hiểu. Nhưng nếu từ lúc ban đầu bỏ luôn âm Hán, thì sẽ dễ phản cảm cho Tăng Ni và tín đồ Phật tử lúc bấy giờ.
Bởi vì trước 1975, các chùa thường đọc, tụng âm Hán bằng tiếng Việt nhiều hơn đọc tụng nghĩa chữ Hán bằng tiếng Việt; đó cũng là lý do 3 bản dịch kinh Pháp Hoa, Địa Tạng, Tam Bảo được HT phiên dịch có cả âm Hán - Việt và nghĩa Việt.
Ngày nay, các bản dịch này không còn in phần âm Hán (trừ bộ Tam Bảo) mà chỉ in phần nghĩa.
Trong giai đoạn dịch kinh Pháp Hoa (1947), chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phổ thông, nên việc cập nhật quảng bá lời Phật dạy cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
* HT ảnh hưởng tạp chí Từ Bi Âm mà ngay trong kỳ 2 năm nhất 1932 - Kinh A Di Đà (Amida), Từ Bi Âm (Từ số 2 - 36, năm 1932 - 1933) có diễn nghĩa và sự tích.
- Kinh Vu Lan Bồn, có diễn nghĩa và sự tích.
- Kinh Phổ Môn, có diễn nghĩa và sự lý (HT. ảnh hưởng lớn).
- Kinh Kim Cang, có diễn nghĩa và sự lý.
Và những bản dịch này, thường chủ yếu cũng dịch âm Hán (có lẽ dùng để đọc tụng) và phần diễn nghĩa và sự lý là nhằm giải thích ý kinh được phiên dịch sang chữ Quốc ngữ sớm nhất, nhưng vẫn còn âm Hán (những bản kinh vừa nêu - HT. Thích Trí Tịnh đã chuyển dịch sang nghĩa tiếng Việt, đáp ứng việc đọc tụng) ở đây chúng tôi luận bàn như thế để chia sẻ những cảm nhận về bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa “cho đến bây giờ mà bản thân chúng tôi vẫn khó diễn đạt hết được” ở độ tuổi 30 (1947 - 1917 = 30) mà hòa thượng đã chuyển dịch thành công kinh Pháp Hoa, dùng để tụng (đọc), dùng để nghiên cứu, giảng giải, cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Qua đó, chúng ta thấy rõ sự ảnh hưởng tư tưởng kinh Pháp Hoa, trong đó bản dịch của HT. Thích Trí Tịnh tiếp sức rất mạnh mẽ cũng trong thời điểm dịch kinh Pháp Hoa vào mùa An cư năm Mậu Tý, PL: 2492, DL: 1948, cũng tại Phật học đường Liên Hải, HT soạn Pháp Hoa Kinh Cương Yếu và trong lời nói đầu HT có viết:
“Trọn bộ kinh Pháp Hoa bảy quyển, hai mươi tám phẩm, trên sáu vạn lời. Nghĩa lý đã sâu, văn tự lại quá rộng. Nghĩa
lý đã sâu thời khó hội, khó lãnh văn tự rộng tất khó tóm phăng. Tóm phăng đã không được tất không thể nắm lấy được cương lãnh của toàn kinh. Đã không nắm lấy được cương lãnh thời có thể nào lãnh hội lý thú! Lại thêm, trong kinh Pháp Hoa này lý thú rất sâu, rất nhiệm. Đọc tụng kinh Pháp Hoa mà không lãnh hội được lý thú, thời huệ giải không do đâu phát sanh. Đại thiên công đức không từ đâu thành tựu, chỉ được phần phước lành hữu lậu cùng làm viễn nhơn Phật chủng thôi”.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
Bình luận bài viết