KÝ ỨC VỀ HÒA THƯỢNG, VIỆN CHỦ CHÙA HƯƠNG
VỚI THIỆN NGUYỆN GIÁO DỤC TĂNG NI, PHẬT TỬ
Thượng tọa THÍCH THANH ÂN
Cố Hoà thượng Thích Viên Thành, Phó ban giáo dục Tăng ni Trung ương GHPGVN, viện chủ chùa Thiên Trù - Hương Tích là bậc Thầy để lại trong tôi nhiều dấu ấn tốt đẹp khó thể mờ phai.
Vâng! Ngài là bậc Tôn sư thạc đức có trí tuệ trác tuyệt, luôn mang trong mình hoài bão chính giác thật mạnh mẽ với thiện nguyện độ sinh rộng lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng với tôi, điều nhớ nhất là những tâm sự và hướng đạo trên lĩnh vực Giáo dục Tăng Ni và hoằng dương Phật pháp.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam, cuối năm 1997 tôi có về chùa Văn Quán bái chào và xin nhận công tác, Hoà thương vui mừng và tâm sự: “Sư ông này! Để làm tốt cho hiện tại và tương lai Phật giáo thì không gì bằng công duyên Giáo dục Tăng Ni nhằm đào tạo lên lớp người xuất gia có đủ đạo hạnh kiến thức làm nguồn nhân lực kế vãng khai lai”. Sau khi đặt lên bàn tặng cho tôi một quyển sổ tay, vài cái bút cùng một phong bì lộc động viên, Ngài nói tiếp: “Truyền thống của nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam đã có chặng đường lịch sử gần 2000 năm. Phạm vi của nền giáo dục không chỉ giới hạn trong tàng kinh các hay Thiền đường, Học trường, Tự viện, Tùng lâm mà còn cả nơi triều đình, công sở và bất cứ nơi nào có thể tập trung ít nhất từ hai người trở lên. Thậm chí còn lan toả cả mọi sinh hoạt nhân gian trải qua nhiều thời đại, xứ sở. Tất cả mục tiêu giáo dục tập thành ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Do vậy đến hôm nay, vấn đề này luôn là đề tài mới mẻ trong sự nghiệp của chúng ta - Những người làm công tác giáo dục”.
Sau phút giây hoài niệm, Ngài trầm ngâm:“Kể từ khi thành lập năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã tổ chức được một trường Đại học khai giảng năm 1936 tại chùa Sở (Phúc Khánh tự - nay là quận Đống Đa- Hà Nội) do Tổ Trung Thứ làm đốc giáo. Từ những năm 1949 đến 1985 đã có nhiều trường học của Phật giáo miền Bắc được khai sinh như trường Ni học được tổ chức tại chùa Bồ Đề và chùa Vân Hồ - Hà Nội. năm 1949- 1952. Lớp tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá - Tây Hồ 1969 - 1970 do Hoà thượng Thích Đức Nhuận làm Hiệu trưởng. Trường tu học Phật pháp Trung ương mở tại chùa Quán Sứ, niên khoá 1972 - 1975 do Hoà thượng Trí Độ làm Hiệu trưởng. Niên khoá 1977 - 1981 do Hoà thượng Tâm An làm Hiệu trưởng và đây cũng là tiền thân của trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Đến năm 1981, khoá I trường Cao cấp Phật học Việt Nam khai giảng với 49 Tăng Ni sinh nội trú. Tuy vậy vẫn được các bậc kỳ túc danh tăng quan tâm giảng dạy như Hoà thượng Thích Minh Châu, Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Hoà thượng Thích Trí Tâm, Hoà thượng Kim Cương tử, Hoà thượng Thích Từ Thông… Mô hình và nội dung giáo dục đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng để cho tiềm năng được phát huy khi Phật giáo sang trang trước dòng lịch sử”, sư ông hãy cố gắng. Ngài dặn tiếp, làm công tác giáo dục là vất vả và đỏi hỏi phải có tâm huyết nhiệt tình để “ biến công thành đức”, dù làm ở vị trí nào thì Sư ông cũng phải kiên trì, nhẫn nạ. Nhẫn lớn thì làm được việc lớn, Nhẫn nhỏ thì làm việc nhỏ, không nhẫn thì chẳng thể làm nổi, Sư... Sư ông hãy cố gắng”.
Tôi rất lấy làm cảm động và kính trọng tài đức của Ngài. Nhớ lại thời trước khi tôi chưa đi học, Hoà thượng tựa như người Thầy, người Cha nhưng cũng thân mật như huynh trưởng vậy. Mặc dù bận nhiều công tác Phật sự của tỉnh hội cũng như việc tái thiết chùa Hương, nhưng Ngài vẫn chủ động tạo duyên cùng chư Hoà thượng tôn đức trong tỉnh hội thành lập trường Cơ bản Phật học Hà Tây khoá I, khai giảng vào ngày 16/ 9/1991, giúp cho Tăng ni sớm có điều kiện tu học tại miền Bắc và tôi cũng từng được theo học khoá học này trước khi dự thi vào trường cao cấp Phật học.
Giờ đây, tôi nhớ lại những ngày lên giảng đường trường Cơ bản Phật học Hà Nội, mỗi thời lên lớp của Ngài là một lần tôi như được đánh thức, với kiến thức sâu rộng và đặc biệt trí nhớ của Ngài làm tôi sửng sốt, nhiều bài thơ trích giảng, hay những bài Ngài trước tác tôi vẫn còn nhớ rất lâu, rất sâu vì nó rất hay và tràn đầy hình tượng. Chắc hẳn Ngài cũng từng trải gian khó trong tu học và là người say mê tìm hiểu khám phá không mệt mỏi, tấm gương của ngài như tự sự, như động viên khuyến khích chúng tôi cố học gắng tu dùi mài kinh sử,
Gió hút vào song rét tháng mười
Ngồi bên cửa sổ học không ngơi
Đầm đìa trước mặt, quên mưa hắt
Nhí nhéo ngoài hiên mặc khách chơi...
Học
Phật pháp mênh mông sâu thẳm biết nhường nào! Vì thế, càng học, người tu hành cũng như người trần thế càng cảm thấy mình còn u tối, cần cố gằng gấp bội phần. Hoà thượng cũng đã xác định trách nhiệm của người đệ tử theo Phật xuất gia, phải dẫn đường cho hàm thức say mê quay đầu về bến giác:
Hữu tình tăm tối thề dong đuốc
Hàm thức mê man quyết dẫn đường
Nguyện
Hoà thượng cũng động viên Tăng ni và người tu đạo hay tin sâu vào Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo thì nhất định vượt qua gian khó, thành tựu thiện nguyện:
Có vầng tuệ nhật soi từng bước
Bảo sở đường sang chắc chẳng dài
Từ giã chùa Cao Lá
Ngài cũng răn dạy Tăng ni học chúng cách sống ngay thẳng, đại hùng đại lực, niềm lạc quan trước mọi sương gió cuộc đời:
Sống mấy trăm năm một cuộc đời
Mặc ai sầu héo cứ reo vui
Thân tuy đã dạn dày sương gió
Vẫn đứng hiên ngang tận đỉnh đổi
Cây Thông
Ngài luôn tâm niệm đối với người xuất gia chỉ có trí tuệ mới tạo lên sự nghiệp chân chính, do vậy, huân tập kiến thức Ngũ minh giúp Tăng ni trẻ là rất quan trọng và Công tác giáo dục cần đặt lên hàng đầu bởi giáo dục rất thiết thực với mọi người, điều cao quý này trở thành nghĩa vụ thiêng liêng vì làm người đệ tử Phật thì cả đời thụ giáo, hành giáo và truyền giáo để mọi người cùng hiểu cùng tu. Tôi đã học hạnh giảng dạy của Phật qua bài kệ Pháp âm diễn xướng do Ngài trước tác:
Ba cõi âm vang tiếng hải trào
Như Lai thuyết pháp nhiệm màu sao
Vừa lòng bốn chúng ưa Quyền - Thực
Hợp ý mọi loài muôn thấp cao
Nghe giọng từ bi đều giải thoát
Tuỳ cơ lĩnh ngộ được tiêu dao
Như trời bình đẳng tuôn mưa mát
Chẳng có tư riêng một vị nào.
Tuy rất bận công tác Phật sự nhưng không biết thời gian đâu?... Ngài vẫn dành để nghiên cứu trước tác và dịch thuật Kinh, Luật, Luận. Ngoài các bài đăng trên các báo, tạp chí ra, Ngài còn để lại trên hai mươi tác phẩm và hàng chục giáo án giảng dạy cho các trường Trung và Cao cấp Phật học. Qua những lần gặp để xin chỉ đạo công tác của trường Trung cấp Phật học Hà Tây, tôi còn được thấy Hoà thượng rất quan tâm và tận tình giáo hoá Phật tử thiện tín khắp gần xa. Đạo tràng Chân Tịnh, Chùa Thầy - Sài Sơn và Thiên Trù - Hương Tích là nơi quy hướng tu tập cho hàng vạn Cư sĩ Phật tử do Ngài tạo lập. Thấy người tu hành tốt thì Ngài động viên khuyến tấn, thấy ai lừng khừng thì Ngài chân thành khuyên nhủ bằng những câu văn thơ gần giũ nhưng rất giầu hình ảnh thì dụ làm mọi người dễ thuộc dễ nhớ.
Biển ái mênh mông nước đục lờ
Thương ai càng ngụp lại càng nhơ
Nổi chìm mơ mộng từ bao kiếp
Sống thác vòng vo mãi tới giờ
Lửa dục nấu nung thân ảo não
Sóng phiền trôi dạt cõi bơ vơ…
Khuyên ai hãy sớm hồi tâm lại
Từ phụ Thuyền kia vẫn đợi chờ
Chớ đa tình
Còn với giới xuất gia trẻ dễ đam tâm kiêu mạn, Ngài bộc trực khuyên can:
Này này xin chớ có khoe khoang
Đừng tưởng rằng mình đã giỏi giang
Tuệ mỏng há mong vào chính trí
Nghiệp dầy đâu dễ thấy từ quang.
Khuyên đồng tu
Tự thắng mình là thành công rốt ráo. Ngài khuyến thị mọi người hãy nhìn lại và luôn tìm lỗi thẩm định chính mình để sửa cho tâm tu hành cho ngày càng trong sáng“ Phản quang quang tự kỷ”:
Tam học tuy tu tâm chửa tịnh
Ngũ trần dầu bớt dạ còn đam
Bài Tự trách
Nhưng rồi: Thời vận khôn lường, đầy vơi theo nghiệp sỗ” Ngài mong muốn ở lại cõi trần thực hành trọn vẹn tâm nguyện dìu dắt môn đồ hậu học và chúng Cư sĩ Phật tử Đạo tràng Chân thiện vì:
Hàm thức còn mê trong biển nghiệp
Bao giờ vớt hết tới Nê hoàn....
Tâm nguyện đó còn dang dở thì Gã Quỷ Vô thường ập đến, Hoà thượng trả thân tứ đại trở về thế giới bất sinh bất diệt vào ngày 20 tháng 4 năm Nhâm Ngọ, làm cho Tăng ni, Phật tử xa gần thảng thốt khó tin và vô cùng kính tiếc vì anh hoa của Ngài đang ở độ viên mãn, chí nguyện chưa trọn vẹn. Nhưng... Kính lễ Giác linh Ngài, chính điều ai luyến ray dứt đó lại là một thông điệp, như một lời cảnh tỉnh tạo thành nguồn sức mạnh cho môn đồ hâu học cùng giới Tín đồ Phật tử thấu hiểu cái “Sát na sinh diệt, miệng giếng mối dây” Như Tổ Quy Sơn răn dạy mà mau tu tỉnh chớ để lần khân làm uổng phí cuộc đời như khi sinh thời Ngài đã từng viết:
Trẻ sớm tu đi chớ để già
Kìa bao niên thiếu đã thành Ma
Khuyên ai sớm biết tin Tam bảo
Trẻ sớm tu đi chớ để già.
Vâng! Thời nào cũng vậy, thấy tự hào về Hương Sơn, miền đất Thánh tích địa linh này không những nổi tiếng trong và ngoài nước về cảnh đẹp tự nhiên và văn hoá tâm linh thuần phác mà còn luôn nổi danh có những anh hoa nhân kiệt. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục Tăng ni Phật tử. Đã trải qua đến Ngài là vị Tổ sư đời thứ 11. Tiếp bước truyền thống Sơn môn cũng như hoàn thành tâm nguyện của Ngài trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục mà hôm nay như được trao truyền tâm ấn - Sư đệ của Ngài: Thượng toạ Tiến sĩ Thích Thanh Đạt, Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Đương kim Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Thượng toạ Tiến sĩ Thích Thanh Quyết, Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng nhiều vị đệ tử của Ngài đã là những thành tố quan trong xây nền đắp móng lĩnh vực đào tạo Tăng tài, đã nhiều khoá Tham gia công tác giảng dạy cũng như quản lý Học viện và các trường Trung Sơ cấp. Chư vị đã và đang như những làn gió, cơn mưa pháp mát lành đem hương trí tuệ, giải thoát của Tổ đình Hương Thiên gieo rải cho Tăng ni Phật tử gần xa được ân nhuần công đức.
Bình luận bài viết