Thông tin

LẠI NGHĨ VỀ LỤC ĐẠO LUÂN HỒI

LẠI NGHĨ VỀ LỤC ĐẠO LUÂN HỒI

 VU GIA

 

 

Cõi trời thì sao? Cõi ngạ quỷ, súc sanh thì sao? Nếu ai cũng sống mãi không chết thì cuộc đời này sẽ ra sao? Tôi tin ai sinh ra cũng muốn làm vua, nhưng xưa nay ở nước nào, vua chỉ có một người. Cứ thử nghĩ trong một đất nước, ai cũng là vua thì có còn là đất nước không? Hãy chấp nhận sự thật và tìm niềm vui nơi cõi trần tục này là đáng quý nhất.

Theo quan điểm của nhà Phật, sau khi chúng sinh chết sẽ được tái sinh vào một trong sáu cõi luân hồi (lục đạo luân hồi): cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục.

Qua sự phân biệt của sáu cõi, dù không mấy tường tận song ai cũng có thể hình dung được cấp độ tốt xấu của nó. Về cơ bản, cõi trời là cõi của hạnh phúc, không có chiến tranh, vì chúng sinh cõi trời rất ít khi giận dữ. Tuổi thọ, hạnh phúc và trí tuệ của chúng sinh cõi trời cũng vượt trội hơn hẳn nhưng cũng vẫn có giới hạn; cõi thần (a-tu-la) là cõi những chúng sanh có tuổi thọ và hạnh phúc nhiều hơn cõi người nhưng không bằng cõi trời. Họ là những con người có không ít phước, làm nhiều việc thiện nhưng bản tính còn rất nóng nảy; cõi người là cõi của con người. Sự tái sinh vào cõi này được cho là có lợi nhất trong tất cả các cõi luân hồi về mặt tu hành giải thoát, vì chúng sinh cõi người dễ nghe và làm theo chánh pháp. Sự hạnh phúc và đau khổ của con người tùy vào nghiệp; cõi súc sinh là cõi bao gồm tất cả các loài động vật, côn trùng, vi sinh vật,... Cõi này dành cho những chúng sinh có nhiều nghiệp ác; cõi ngạ quỷ là cõi đau khổ, vì những chúng sinh cõi ngạ quỷ luôn bị đói khát. Cõi này dành cho những chúng sinh có rất nhiều nghiệp ác; cõi địa ngục là cõi hoàn toàn đau khổ, sự đau khổ không thể nào diễn tả được. Cõi này không chỉ dành cho những chúng sinh có nhiều nghiệp ác, mà có rất rất nhiều nghiệp ác.

Hàng ngàn năm qua, dân gian có lời dạy truyền đời, nhắc nhở con cháu: Kẻ làm nhiều điều ác, chắc chắn phải lãnh một hậu quả xót xa. Ngày xưa, khi đạo Phật chưa vào Việt Nam, hoặc khi đã được nhân dân Việt Nam chấp nhận thì chắc không mấy người biết về lục đạo luân hồi, nhưng họ biết gieo gió gặt bão, trồng cây nào hưởng quả nấy, ngậm máu phun người thì miệng mình dính máu trước, v.v. Nhưng không phải ai sinh ra đời cũng được ngậm muỗng vàng, muỗng bạc. No thành tiên thành Phật, đói ra ma ra quỷ. Hoàn cảnh luôn có giá trị, nên cũng không biết được ngày nằm xuống bước vào nẻo nào trong lục đạo luôn hồi ấy. Nhưng suốt ngày nghĩ tới chuyện đó thì chẳng làm ăn được gì, xã hội sẽ không tiến bộ.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ II, kể chuyện mấy vị tỳ kheo đệ tử hỏi đức Phật có bao nhiêu kiếp mà ngài đã đi qua và vượt qua như thế nào? Đức Phật cho rằng: “Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp. Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ kheo, là vừa đủ để các ông nhàm chán, là vừa đủ để các ông từ bỏ, là vừa đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành”. Do vậy, những kẻ phàm trần chúng ta hãy sống và làm việc bằng bản tâm của mình, không nên bận tâm đến những điều “nhàm chán” ấy. Cõi trời thì sao? Cõi ngạ quỷ, súc sanh thì sao? Nếu ai cũng sống mãi không chết thì cuộc đời này sẽ ra sao? Tôi tin ai sinh ra cũng muốn làm vua, nhưng xưa nay ở nước nào, vua chỉ có một người. Cứ thử nghĩ trong một đất nước, ai cũng là vua thì có còn là đất nước không? Hãy chấp nhận sự thật và tìm niềm vui nơi cõi trần tục này là đáng quý nhất. Nếu ngày sau lọt vào cửa ngạ quỷ, súc sanh cũng nên chấp nhận sự thật ấy và tự tìm niềm vui nào đó ở cõi ấy với hy vọng sau kiếp đó sẽ lọt vào cõi khác tốt hơn. Từ những suy nghĩ này, tôi bỗng dưng tâm đắc với mấy ca từ của Trịnh Công Sơn: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười/ Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy/ Để mắt em cười tựa lá bay// Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/ Đường đến anh em đường đến bạn bè/ Tôi đợi em về bàn chân quen quá/ Thảm lá me vàng lại bước qua”…

Đọc Chuyện tiền thân trong Kinh Tiểu Bộ IV, ta thấy trước khi giác ngộ tối thượng dưới cội Bồ đề, đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu hạnh Bồ tát. Một trong những tiền thân của Bồ tát là làm bò Lohita. Vì thế, có lọt vào cửa súc sanh, không phải không thể đắc đạo.

Theo thuyết nhà Phật, những chúng sinh đã chứng quả A-la-hán thì không phải vào 6 cõi này sau khi chết, nhưng xưa nay được mấy người? Không đơn giản chút nào! Đốn ngộ không dễ. Đốn ngộ chỉ có thể ngộ chứ không thể cầu. Phải là người có đại trí tuệ, đại cơ duyên mới có thể đạt được. Trong sát na đốn ngộ ấy, hết thảy mọi ý nghĩ xấu xa, hết thảy mọi tâm ma quỷ kế,… đều hoàn toàn tan biến, trở về với bản tâm của mình, nhập vào cảnh giới vong ngã, vô pháp vô niệm. Dẫu đức Phật đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành/ Chúng sanh là Phật sẽ thành”, nhưng ai cũng thành Phật cả, thì làm gì còn có sanh, lão, bệnh, tử, làm gì còn có lục đạo luân hồi, làm gì còn có “cảnh giới Ta Bà khổ! Ta Bà khổ!”, như kinh Phật đã viết. Và ai cũng dễ dàng thành Phật thì cần gì phải khổ tu?

Nếu sáu cõi luân hồi có thật, thì chúng ta hãy tin và cố tránh nghiệp ác để phải vào những cõi xấu là vui rồi. Nhưng thế nào là ác, thế nào là không ác cũng khó mà bàn cho thấu triệt. Cả thế giới đã và đang lên tiếng con người ngày càng tận diệt các cánh rừng, các loài động vật từ núi rừng đến biển cả làm cho trái đất ngày càng mất cân bằng sinh thái dẫn đến sóng thần, bão lũ, động đất, dịch bệnh,… Loài người cũng không yên bởi chiến tranh đang đe dọa khắp nơi. Các nước lớn đang đua nhau chế tạo vũ khí tầm xa giết người hàng loạt. Lò lửa chiến tranh đang nóng, chưa biết bùng phát lúc nào, v.v. Những việc làm ấy ác hay không ác? Biết làm sao được. Chấp nhận thôi. Vì không gian sinh tồn nên buộc phải chiến đấu, không chủng tộc nào nguyện ý buông tha cho đối phương.

Nghĩ cho cùng, những chuyện vĩ mô ấy không phải là những chuyện mà kẻ phàm như tôi phải bận tâm và tôi tin có nhiều người nghĩ như tôi. Chúng ta hãy quay về với cuộc sống đời thường, hãy cố tìm niềm vui trong cuộc sống, hãy vui với những gì mình hiện có. Người xưa nói “ổ vàng ổ bạc không bằng ổ rác nhà mình” cũng thâm thúy đấy. Đứng núi này trông núi nọ làm gì cho khổ tâm. Kiếp trước thế nào không biết, kiếp sau thế nào chẳng rành, chỉ biết kiếp này được làm người là vui rồi. Đại khí vận là vận mệnh được định trước, khó thể thay đổi. Người vừa ra đời liền đã được định sẵn. Trong cõi trần tục, người có đại khí vận, nếu làm vua sẽ có quyền khuynh thiên hạ; nếu là dân thường có thể là phú khả địch quốc, ra cửa gặp quý nhân, cúi đầu nhặt được vàng. Cứ nghĩ như vậy, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, nhưng không phải vì thế mà buông xuôi, đập dập kéo lết hết quãng đời còn lại.

Tôi rất thích câu nói của tỷ phú người Mỹ Bill Gate: “If you were born poor, it’s not your mistake, but if you die poor, it’s your mistake” (Nếu bạn sinh ra là con nhà nghèo thì không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu bạn chết nghèo thì đó là lỗi của bạn). Câu nói này không sai chút nào. Ta không phú quý, nhưng ta có thể tạo điều kiện tốt nhất có thể được cho con của ta, đời sau của ta trở nên phú quý. Sống phải có ước mơ và hy vọng; phải cố gắng không ngừng để ước mơ và hy vọng đó biến thành hiện thực. Muốn thành công phải trả giá cố gắng tương đương. Người khác có thể chỉ nhìn thấy vầng sáng huy hoàng, lại vĩnh viễn không thấy được lớp lớp mồ hôi đổ lộn nước mắt sau lưng. Mặc kệ miệng đời, chỉ biết mình đã cố gắng lắm rồi là đủ. Đừng nên ghen tị với những thành công của người khác. Ghen tị vĩnh viễn là nguyên nhân tạo thành sa đọa. Quyết chí tự cường mới là chuyện nên làm. Với tôi, chuyện do người làm, chỉ cần kiên nhẫn, ắt có gặt hái.

Hãy sống hết mình với kiếp này, còn kiếp sau thì… hạ hồi phân giải. Kiếp sau có làm bò như con bò Lohita cũng hay, bởi đó là tiền thân của đức Phật đấy, chứ nào đâu chỉ có mình. Người sống phải sống cho vui vẻ, nếu như không thể sống vui vẻ thì sống đến trăm năm, vạn năm cũng chẳng thú vị gì. Hãy khơi mạch thiện trong người để góp phần làm cho cuộc sống này vui hơn. Tôi tin, người có xấu cũng có giới hạn của họ, nếu thật sự không có giới hạn gì thì không thể gọi là người nữa. Và lúc đó, thì… tin vào lục đạo luân hồi vậy!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 363
    • Số lượt truy cập : 6947171