LÀM THẾ NÀO HỌC VÀ HIỂU KINH BẮC TRUYỀN?
MINH NGỌC
Theo một số sử liệu ghi lại, kinh Bắc truyền (Đại thừa) có mặt sau Phật nhập diệt khoảng trên dưới 600 năm; còn kinh Nam truyền (Nguyên thủy) sau Phật nhập diệt gần 300 năm, từ kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ III do Hoàng đế A Dục (Asoka) đề xướng bảo trợ. Toàn bộ những phần Kinh - Luật - Luận lần này sau khi trùng tuyên, được ghi chép trên lá bối, bằng ngôn ngữ Pali, thành kinh điển nguyên thủy, (vì gần thời Phật tại thế nhất) hay còn gọi là Nam truyền, tức truyền đi đến phía Nam Ấn Độ; kinh Bắc truyền bằng ngôn ngữ Sankrit được truyền từ Bắc Ấn Độ qua miền Trung Á vào Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, và Việt Nam… cho nên, còn được gọi là Kinh điển phát triển.
Kinh Nam truyền chỉ đề cập chính đến một đức Phật Bổn sư Thích Ca theo lịch sử ghi chép, không nói đến các Phật khác hoặc Bồ tát; nội dung kinh rõ ràng, dễ hiểu; nơi Phật thuyết đa số trong nhân gian cũng như mọi sinh hoạt, oai nghi của Phật gần với con người thực tế, ít có các chi tiết siêu nhân, thần bí.
Kinh Bắc truyền mô tả ngoài đức Phật Bổn Sư, còn đề cập đến nhiều Phật khác cho đến hằng hà sa số Phật, cũng như các Bồ tát ứng hóa thân; nơi Phật thuyết khắp mọi nơi; nội dung kinh đa dạng có dễ hiểu thực tế cũng có trừu tượng siêu thực khó hiểu. Như trong kinh Bắc truyền nói có Đức Phật Tì Lô Giá Na, Lô Xá Na, Thích Ca, A-di-đà, Dược Sư và trăm, ngàn, vạn, ức, hằng hà sa số chư Phật đều bình đẳng, đều từ một Phật Thích Ca ứng hiện. Thí dụ: Phật A-di-đà là chỗ dựa sau khi mệnh chung, Phật Dược Sư là chỗ dựa khi ốm đau bệnh hoạn. Phật Tì Lô Giá Na với quyền năng, tín ngưỡng, v.v... Bồ tát Quán Thế Âm là chỗ dựa tinh thần lúc hiểm nạn trong đời sống hữu hình, Bồ tát Địa Tạng là chỗ dựa cho các kiếp sống địa ngục đau khổ siêu hình v.v… Tất cả cũng đều từ một đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử mà ra.
Vì thế người học theo kinh Bắc truyền cần phải có nền móng Phật học vững chắc, hoặc học từ kinh Nam truyền, để có lập trường, quan điểm chánh kiến mới mong “giải mã” hiểu được ý nghĩa trong kinh.
Muốn được vậy, một trong những điểu kiện dựa theo đó là TỨ Y, trong kinh Đại Bát Niết Bàn đã nói, lấy đó làm “chìa khóa” để mở cánh cửa kho tàng kinh điển Bắc truyền:
1. Dựa vào pháp, không dựa vào người thuyết: Người nói là bất cứ ai: Phật, đệ tử Phật, Thánh tăng, Tổ sư, chư Thiên, cư sĩ tại gia v.v… miễn sao lời được nói ra là chân lý, phù hợp với Tam Pháp Ấn của Phật dạy, tức là Khổ, Vô thường, Vô ngã. Chẳng hạn kinh Thắng Man, kinh Duy Ma Cật, đều là cư sĩ, cho đến kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng.
2. Dựa vào nghĩa, không dựa vào ngôn ngữ: Dựa vào ý nghĩa sâu rộng, mang tính ẩn dụ, tượng trưng chứ không dựa vào từ ngữ biểu đạt. Thí dụ, kinh Phổ Môn có câu: “Nếu có chúng sinh nào bị nước cuốn trôi, bị lử̃a đốt cháy v.v… niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm liền được thoát nạn”. Nước ở đây là tượng trưng lòng tham dục, lửa tượng trưng lòng sân hận. Khi đang bị chúng quấy nhiễu trong tâm, ta niệm ngay Quán Thế Âm, tức ta chánh niệm lắng nghe, quán chiếu thấu hiểu tâm của ta, biết được ta đang tham, ta đang giận, rồi quán chiếu tiếp tại sao ta tham, ta giận? Tham có hại gì, sân có hại gì v.v… thì tâm tham, sân liền được hóa giải.
3. Dựa vào trí tuê,̣ không dựa vào tri thức: Dựa vào trí tuệ “chạm đến”, chứ không dựa vào tri thức phán định. Vì trí tuệ là kết quả của việc hành trì, trải nghiệm, chứng ngộ mới hiểu hết, còn tri thức bị giới hạn bởi khái niệm, lý thuyết, phân biệt. Đạo Phật nói rất rõ sự khác biệt giữa Trí và Thức. Nếu Thức là công cụ sắc bén hữu hiệu dẫn tới Trí, thì cũng dễ trở thành chướng ngại cho người sử dụng, nếu cứ cố chấp chúng (sở tri chướng). Ví như một thanh gươm bén chặt đứt hết các vật cứng chắc, nhưng lại không chém đứt bùn lầy; cơn gió thổi tung cát bụi, rác rưởi khắp nơi, nhưng coi chừng cũng bay ngược vào trong mắt. Lời kinh Phật dạy, chỉ thông qua thực tập, “lăn lóc” trong đời tu hành, mới hiểu hết được. Như người uống nước tự mình biết rõ nước nóng, lạnh thế nào, không thể dùng lời diễn tả đúng, thật. Vì thế, trong kinh Bắc truyền thường có thuật ngữ “bất khả tư nghị” (chẳng thể nghĩ bàn) hay “bất khả thuyết” chẳng thể nói bày.
4. Dựa vào kinh liễu nghĩa, không dựa vào kinh không liễu nghĩa: Dựa vào kinh có ý nghĩa rõ ràng tùy thuộc căn cơ, chứ không dựa vào kinh có ý nghĩa không rõ ràng, rốt ráo. Trong Tạng kinh Bắc truyền có phần Chú, chỉ diễn Âm đọc mà không đọc nghĩa. Tuy nhiên, như chúng ta biết chú Đại Bi, chú Thủ Lăng Nghiêm… đều có nghĩa rõ ràng là những danh hiệu các Thiện thần, hoặc các Quỷ vương v.v… sau khi quy y Phật, trở thành hộ pháp. Vì muốn hành giả tập trung cao độ, giúp tâm an định, không vọng niệm lăng xăng, nên chú thường để đọc âm, mà không để đọc nghĩa. Đó là phương pháp thực hành, cho nên, không phải thần chú nào cũng có nghĩa, cũng là kinh, nên cẩn thận tìm hiểu trước, tránh sự mê tín huyền hoặc. Ngoài ra, những kinh nào có hơi hướng cầu nguyện, tín ngưỡng, nhương tinh giải hạn, siêu bạt âm hồn v.v… phải dùng cái “kính hiển vi” Nhân quả, Nghiệp báo của Phật mà soi thấy, chứ không phải cứ “Như thị ngã văn” thì đều là kinh.
Kinh Phật ví như viên kim cương, nhìn ở nhiều góc cạnh, sẽ thấy đủ màu sắc v.v... không thể cho màu này đúng là màu kim cương, màu khác là sai. Người tìm hiểu kinh Phật, nên dựa vào trí tuệ nhận định hơn là niềm tin phán đoán, để chọn lọc những cái gì là đúng. Làm sao biết đúng? Đó là phù hợp căn cơ đưa đến an lạc giải thoát thật sự, rốt ráo cho mình. Từ đó, sẽ không cố chấp, cực đoan cho rằng Phật này hơn Phật kia, pháp này hơn pháp khác, kinh này mới là kinh Phật nói, kinh khác là ngụy tạo, kinh này là nhất hết trong tất cả kinh! Phải nhớ, dù kinh nào, pháp nào được nói ở trong kinh đi nữa, cũng đều bắt buộc phải đi theo con đường của Phật đã đi: GIỚI - ĐỊNH - TUỆ. Nếu có kinh nào nói không theo con đường này, hoặc phiến diện, thì đều trái ngược với tâm ý Phật thuyết.
Trong tạng kinh Nam truyền, Trung Bộ kinh II, có bài kinh số 63, TIỂU KINH MALUNKYA, tức kinh Hán Tạng Bắc truyền là Trung A Hàm: Kinh TIỄN DỤ, có ghi: “Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika. Tôn giả Malunkyaputta khi độc trú tịnh cư khởi lên suy tư: Có một số vấn đề Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới này là thường còn hay vô thường, thế giới này là hữu biên hay vô biên, sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết hoặc không tồn tại sau khi chết? Hay vừa có vừa không, vừa không có cũng không không?”. Nếu Thế Tôn không trả lời được thì ta sẽ không học pháp và hoàn tục. Bèn đem những đều này cật vấn Thế Tôn và nói: Thế Tôn biết thì trả lời thẳng thắn rằng biết, không biết thì trả lời không biết.
Thế Tôn hỏi: Này Malunkyaputta, ta có nói với ngươi hãy đến sống phạm hạnh theo ta, ta sẽ trả lời cho ngươi “thế giới...”, hay ngươi có nói với ta: “Con sẽ đến sống phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời cho con”. Dạ thưa không!
Này Malunkyaputta! Ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất nhiều. Bạn bè, bà con mời đến một y sĩ mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra, khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc dòng hoàng tộc hay Bà la môn, buôn bán, làm công? Tên gì, tộc tánh gì? Cao thấp hay vừa? Da đen, da sẫm, da vàng? Thuộc làng nào, thị trấn nào, thành phố nào? Cây cung ấy làm bằng chất liệu gì, cây tên làm bằng gì? Mũi tên có kết lông con chim gì? v.v...
Này Malunkyaputta, đời sống phạm hạnh không tùy thuộc vào quan điểm “thế giới này v.v...” Dù thế nào chăng nữa thì chúng sanh vẫn phải sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, sầu, khổ, não v.v... thế giới này vẫn sanh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không...”.
Qua bài kinh này, chúng ta thấy ví như một người đang bệnh đau đớn, có một người y sĩ cho thuốc uống, người đó không chịu uống và nói “Tôi chỉ uống thuốc này hoặc thuốc kia v.v… mà tôi đã biết”. Cho dù y sĩ kia cố giải thích về đặc tính của thuốc giảm đau này là tương đương. Người bệnh lại hỏi tiếp, thuốc này được làm ở đâu, người nào làm? Người da trắng, đen, hay vàng? Già hay trẻ? v.v...
Cũng vậy, kinh Bắc truyền dùng để trị liệu tâm bệnh trong một lúc nào đó, rồi hướng đến cách điều trị cuối cùng dứt hết. Thế mà, có người không uống, cho dù đang bệnh, lại cố đặt vấn đề: Kinh này phải Phật thuyết hay không? Kinh này là bịa đặt không thật có trong lịch sử! Rồi chê bai, không sử dụng, đành mất đi một cơ hội chữa lành.
Kinh Nam truyền như gốc cây, kinh Bắc truyền như cây phát triển cành lá xum xuê, tỏa bóng râm mát. Nhưng cũng do xum xuê nên cũng đủ thứ loại tầm gửi nương vào. Chúng ta phải dùng con mắt “trạch pháp” nhận ra và cắt bỏ chúng đi.
Kinh Nam truyền cũng ví như “Gạo” là nguyên liệu chính. Kinh Bắc truyền lấy “Gạo” chế biến thành bột gạo, bánh cuốn, bánh hỏi, bánh canh, mì sợi, hủ tíu... Lại từ đó tiếp thêm gia vị, phụ liệu… Người chuyên ăn cơm, cho rằng các loại được chế biến kia vì không phải là cơm nên không ăn. Còn người thích ăn những món được chế biến lại chấp, cho rằng đây mới ngon, mới đúng và chắc chắn không phải từ nguyên liệu gạo. Đều là ngộ nhận!
Người tu Phật, có quyền lựa chọn “thực phẩm” nào phù hợp với căn cơ, bổ ích điều hòa ngũ uẩn, không nguy hại cho thân tâm thì dùng. Nếu sử dụng các loại chế biến, thì ít nhiều phải cẩn trọng lựa chọn, tìm hiểu trước khi dùng, chứ không phải vì ngon mà ham ăn, cố chấp. Thí dụ, cũng mì sợi nhưng có hàn the (dai) thì không ăn, chứ không phải bất cứ loại mì sợi nào cũng ăn!
Có thể nói tìm hiểu, học tập kinh Bắc truyền ví như đứng trước bàn ăn buffet đủ món, bắt mắt hấp dẫn để thực khách tha hồ chọn lựa, và hưởng thụ. Loại nào cũng ngon và cũng dở, tùy theo sở thích và kinh nghiệm của mỗi người. Tùy thuận chúng sinh! Tuy nhiên, dù ăn món nào đi nữa cũng phải biết nguyên liệu chính của nó làm từ đâu? Chính xác phải từ nguyên liệu: Vô thường - Khổ - Vô ngã - Niết bàn hay Giới - Định - Tuệ mà thôi.
Bình luận bài viết