Thông tin

LẦN THỨ HAI, CHA ĐẢNH LỄ CON

 

TUỆ ÂN (tổng hợp)
Attachments area

 

 

Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đản sanh kiếp chót và chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Đức Bồ Tát ấy, khi đản sinh ra đời đều có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân như sau:

1) Hai bàn chân bằng phẳng, vững vàng đạp trên mặt đất...

2) Hai lòng bàn chân có dấu bánh xe, trục xe có một ngàn căm và đầy đủ các bộ phận.

3) Hai gót chân dài (bằng một phần tư bàn chân).

4) Ngón tay dài và tròn trịa, đều đặn, thon như hình búp măng.

5) Hai bàn tay, hai bàn chân mềm mại.

6) Năm ngón tay, trừ ngón tay cái ra, 4 ngón còn lại đều dài bằng nhau, khít vào nhau, và năm ngón chân dài bằng nhau, khít vào nhau, không có kẽ hở.

7) Hai mắt cá nằm cao cách bàn chân độ 2-3 lóng tay.

8) Đôi chân thon, phần trên lớn rồi nhỏ dần xuống dưới, tròn đẹp như đôi chân con sơn dương.

9) Khi đứng thẳng, không cúi người xuống, hai bàn tay có thể sờ đụng hai đầu gối.

10) Ngọc hành được giấu kín trong bao da.

11) Toàn thân có da màu vàng, óng ánh xinh đẹp như màu vàng ròng.

12) Làn da mịn màng, do làn da mịn màng, trơn nhẫy, nên bụi không thể bám vào thân hình.

13) Mỗi sợi lông mọc ở mỗi lỗ chân lông.

14) Lông có màu xanh và xoắn về bên phải, đầu lông hướng lên mặt.

15) Thân hình ngay ngắn như thân hình phạm thiên.

16) Bảy nơi trong thân hình có thịt đầy đặn là hai mu bàn tay, hai mu bàn chân, hai bả vai và cổ (không nhìn thấy gân và xương).

17) Thân hình trên dưới đầy đặn như thân hình phía trên của sư tử chúa.

18) Hai hốc bả vai có thịt đầy đặn (không thấy xương vai).

19) Chiều cao của thân bằng sải tay, và sải tay bằng chiều cao của thân (cũng như chiều cao của cây Nigrodha có chiều ngang bằng nhánh của cây ấy).

20) Cổ tròn trịa đầy đặn (khi nói không nổi gân cổ).

21) Bảy ngàn dây thần kinh rất tinh tế, tụ hội từ lưỡi đến cổ, tiếp nhận hương vị vật thực để nuôi dưỡng cơ thể.

22) Cái cằm giống cằm của sư tử chúa.

23) Đầy đủ 40 cái răng: Hàm trên 20 cái răng và hàm dưới 20 cái răng.

24) Hàm răng trên và dưới đều đặn, có màu trắng xinh đẹp.

25) Hai hàm răng sắp đều đặn và khít vào nhau, không có kẽ hở.

26) Bốn cái răng nhọn sạch sẽ, trắng đẹp.

27) Lưỡi lớn và dài, mềm mỏng, có màu đỏ hồng xinh đẹp; lưỡi lớn có thể trùm được cả mặt lên đến chân tóc, và lưỡi dài có thể le ra đến tận hai lỗ mũi, hai lỗ tai.

28) Giọng nói như giọng của Phạm thiên, rõ ràng, trong trẻo, ngọt ngào như tiếng chim karavīka.

29) Đôi mắt xanh sẫm và trong sáng rất đẹp.

30) Đôi mắt tựa như đôi mắt con bê mới sinh.

31) Sợi lông uṇṇa mọc trên trán, ở khoảng giữa hai đầu lông mày, có màu trắng dài mềm mại, xoắn bên phải, đầu lông hướng lên trên đầu rất đẹp.

32) Cái đầu tròn và có vầng trán cao rộng đẹp, đi vòng từ vành tai bên phải sang vành tai bên trái.

Đó là 32 tướng tốt chính của bậc đại nhân được biểu hiện đầy đủ trong thân hình của Thái tử Siddhattha, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu Đức Phật Gotama.

Tại Ấn Độ thời đó, theo phong tục, trước khi cày ruộng để gieo mạ, người ta tổ chức “lễ cúng ruộng”, cầu xin nữ thần đất Kālī giúp cho họ được trúng mùa.

Khi Đức Bồ Tát được 7 tuổi, vào lễ Hạ điền, đức vua cùng hoàng tộc Thích Ca ra ruộng để làm lễ. Đức vua cho mang lụa che một chỗ mát dưới cội cây trâm (jambū) cho Đức Bồ Tát nghỉ, rồi đức vua cùng hoàng tộc ra đồng cày ruộng. Lễ hội diễn ra rất nhộn nhịp, các phi tần trông coi Đức Bồ Tát cũng lén dự lễ hội, bỏ mặc Đức Bồ Tát ngồi một mình dưới cội cây trâm.

Khung cảnh trở nên yên tịnh, Đức Bồ Tát nhìn ra phía lễ hội, Ngài trông thấy những con trâu đang kéo cày, làm bật lên những khối đất lớn, những con giun oằn oại đau đớn, rồi những con chim bay đến mổ lấy những con giun, những người lớn lại giăng lưới bắt những con chim…

Đức Bồ Tát cảm thấy chán nản, Ngài ngồi xếp bằng tư thế kiết già, nhắm mắt để khỏi phải trông thấy những cảnh trên. Ngài chú ý vào hơi thở và chứng đắc tầng Thánh Nhập Lưu.

Đây là sự kiện quan trọng, giúp Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh sau này, thực hành con đường trung đạo tìm ra con đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Vào xế chiều, cuộc lễ đã mãn, vua Suddhodana trở lại nơi Đức Bồ Tát nghỉ, để đưa Ngài về hoàng cung, một điều lạ là “các cây khác đều xế bóng, riêng bóng cội trâm vẫn đứng thẳng như “cái lọng che mát cho bậc đại sĩ”. Nhìn thấy hiện tượng hy hữu này, lại thấy Đức Bồ Tát đang trầm tư trong thiền tịnh, đức vua liền quỳ xuống đảnh lễ Đức Bồ Tát và nói “Đây là lần thứ hai, ta đảnh lễ con”.

Hỏi ra, đức vua mới biết vì sao Đấng Đại Sĩ không hân hoan trong lễ hội, lại trầm tư trong thiền tịnh. Đức vua cảm thấy lo lắng “Thái tử còn nhỏ mà như vầy, hẳn sau này sẽ ra đi xuất gia”.

Và đức vua đã nuôi dưỡng Đức Bồ Tát thật tế nhị, tránh cho Đức Bồ Tát “không phải thấy những điều cơ cực của thế gian”. Đức vua cho xây dựng ba hồ sen: Hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng để làm nơi vui chơi của Đức Bồ Tát; mang những hương chiên đàn từ Kāsi đến cho Đức Bồ Tát sử dụng, y phục của Đức Bồ Tát là loại vải thượng hạng xứ Kāsi; ngày đêm đều có chiếc lọng trắng che mát cho Đức Bồ Tát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6793288