Thông tin

LẬP LUẬN VỀ "NHẤT THIẾT PHÁP GIAI KHÔNG"

CỦA BỒ TÁT LONG THỌ

 

THÍCH NỮ VẠN HUYỀN

 

Sau thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy tiến đến thời kỳ Phật giáo Bộ phái, vào thời kỳ này gọi là luận tạng, tức là những lời đức Phật dạy đến giai đoạn luận tạng được phân tích chia sẻ các pháp hữu và vô. Thời này Bộ phái Phật giáo, nổi tiếng Nhất Thiết Hữu Bộ, chủ trương: “Tam thế thật hữu pháp thể hằng tồn” có vẻ như trái với giáo lý duyên khởi của đức Phật, nên kinh Bát nhã ra đời cho rằng Nhất thiết pháp giai không.

Vậy thế nào là nhất thiết pháp giai không? Kinh Bát Nhã: “Xá Lợi Phất! Như Lai nói “sắc không, thọ tưởng hành thức cũng không…, nhãn xứ không… pháp xứ cũng không, Như Lai nói: Nhãn giới không…pháp giới cũng không…nhân duyên tánh không, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên không…hữu sắc pháp vô sắc không, hữu kiến vô kiến pháp không, hữu đối vô đối pháp không, hữu lậu vô lậu không, Như Lai nói quá khứ vị lại hiện tại pháp không, ta nói rằng tất cả pháp đều không…”1.

Qua đoạn kinh cho ta thấy cái không trong Đại thừa mang một ý nghĩa rất đặc thù để lý giải triết học ‘Không’ có nghĩa là Phật giáo Đại thừa, cần trả nó về với bối cảnh lịch sử của nó2. Từ đó Bồ tát Long Thọ đưa ra hệ thống triết học của mình, đối tượng phê phán của Bồ tát Long Thọ là ai? Theo trong tác phẩm triết học Có và Không của Ts Thích Hạnh Bình giải thích: "Nếu như các nhà Hữu bộ cho rằng Uẩn, Xứ và Giới là bản chất để cấu tạo nên vạn pháp, thật có trong ba thời từ quá khứ, hiện tại và vị lai". Từ quan điểm này có thể nói đối tượng Bát nhã phê phán chính là Hữu bộ, nhưng Nhất thiết pháp giai không của Bát nhã, bị các nhà Hữu bộ chất vấn, vì chưa đủ thuyết phục, do đó trở thành tiền đề phê phán của Bồ tát Long Thọ trong tác phẩm Trung Luận, nhằm hiển thị tánh không là Trung đạo3. Vậy trong bài viết này, người viết trình bày hai ý về Hữu bộ phê phán Nhất thiết giai không của kinh Bát Nhã và cách lập luận về Nhất thiết pháp giai không của Bồ tát Long Thọ.

1. Hữu Bộ phê phán nhất thiết pháp giai không của các nhà Đại thừa.

Những nhà Hữu ngã luận nói: “Nếu như các ông cho tất cả pháp thế gian đều là không, thì không có sở hữu cũng không có hiện tượng sanh diệt. Khi không có hiện tượng sanh diệt hiện hữu, thì tất cả mọi hiện tượng của không luôn. Nên Hữu Bộ chất vấn:

Nhược nhất thiết giai không

Vô sanh diệt vô diệt

Như thị tắc vô hữu

Tứ thánh đế chi pháp

Nghĩa là: “Nếu tất cả đều là không, không sanh cũng không diệt, như vậy là không có, pháp tứ đế cũng không”?

Dĩ vô tứ đế cố

Kiến khổ dữ đoạn tu đoạn

Chứng diệt cập tu đạo

Như thị sự giai vô4

Nghĩa là: “Vì không có tứ đế, thấy khổ và đoạn tập, chứng diệt và tu đạo, các việc đó đều không”.

Hai bài kệ trên của các nhà Hữu bộ chất vấn các nhà Đại thừa, được Bồ tát Long Thọ đưa vào luận để chứng minh trong luận thuyết của mình. Hữu bộ nói nếu các nhà Đại thừa cho rằng tất cả pháp đều là không, đều này không đúng, vì hiện tượng cho người nương vào pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên,… để mà tu tập, vậy các ông nói không, tức là không có pháp Tứ thánh đế, là tiến trình tu tập để đoạn tận sanh và diệt. Nếu như không có giáo lý Tứ thánh đế, kiến khổ, đoạn tận, chứng diệt và tu đạo cũng không có luôn. Vậy các ông là ai?

Lại nữa:

Dĩ thị sự vô cố

Tắc vô hữu tứ quả

Vô hữu tứ quả cố

Đắc hướng giả diệt vô

Các nhà Hữu bộ nương vào Tứ thánh đế, nếu không có tứ thánh đế, thì cũng không bốn quả thánh, vì không có bốn quả thánh, nên Tứ quả hướng cũng không, vậy thì trong quá trình tu tập đều không có sự tu tiến, đồng thời cũng không có?

Nhược vô bác hiền thánh

Tắc vô hữu tăng bảo

Dĩ vô tứ đế cố

Diệc vô hữu pháp hữu

Nghĩa là: Nếu không có bậc hiền thánh, thì cũng không có tăng bảo, vì không có tứ đế, nên pháp bảo cũng không.

Dĩ vô pháp tăng bảo

Dĩ vô hữu thất bảo

Như thị thiết không giả

Thị tắc phá tam bảo5

Vì không có Pháp Tăng bảo, nên không có Phật bảo, như vậy người thuyết nghĩa không là phá hoại Tam bảo. Đây là những triết lý của phái Hữu bộ đưa ra để kết tội các nhà Đại thừa. Ở đây ta xem cách lập luận của Bồ tát Long Thọ về vấn đề này ở phần sau.

Trên đây là những bài kệ được Bồ tát Long Thọ nêu ra trong luận của Ngài là những tư tưởng của các nhà Hữu bộ phản bác tư tưởng “Nhất thiết pháp giai không” của thời Bát nhã, Vì khi triết lý Không đưa ra nhiều người nghe không thể chấp nhận, hiện tại họ thấy tất cả các pháp có sanh thì tại sao nói tất cả các pháp là không?. Từ đó họ nghi vấn. Nếu tất cả pháp không đều không đúng, dẫn đến bốn quả Sa môn, bốn hướng, bốn đắc cũng không, thì sẽ dẫn đến bậc Hiền thánh cũng không, vậy cũng sẽ không có Tam bảo.

Như vậy, nghĩa Không có phải đã phá hoại Tam bảo? Mà còn phá luôn nhân quả tội phước của thế gian. Từ những quan điểm đó, Bồ tát Long Thọ thấy đối phương không nắm bắt tướng không, nhân duyên không, nên có những tưởng tượng sai lầm như thế. Theo quan niệm của thế gian thiện ác tội phước nhân quả…đều có giá trị trong đời sống, vì trong tiến trình tu tập, họ đều nương vào giáo lý Tứ đế để tu tập. Thấy khổ mới phát tâm tu tập đoạn khổ, tu tạo phước báo, diệt trừ phiền não,đạt đến giải thoát, đều y cứ vào giáo lý Tứ đế, mà chứng được Tứ thánh quả trên tiến trình tu tập. Vậy thì, nếu nói tất cả đều không thì chẳng có thiện ác nhân quả.

Tội phước là từ quả mà nói, quả ấy từ nhân mà sanh, từ đó thiện nhân được thiện quả, còn ác nhân thì gặp ác quả… Như vậy tất cả pháp Không của ông không chỉ phá hoại tội phước, mà còn hủy hoại tất cả pháp thế tục về phương diện ngôn ngữ, văn tự… đều không thể thành lập được là do Ngài nói tất cả đều là không. Nếu tất cả đều là không thì việc gì cũng không cần phải làm, như là nhân quả, tội phước… hay nói chung cùng tất cả các pháp thế gian không thể thành lập. tức là ông là kẻ phá hoại trong Phật pháp6. Từ những lý luận đó dẫn đến Bồ tát Long Thọ đã lập luận nên Nhất thiết pháp giai không của mình.

2. Cách lập luận “Nhất thiết pháp giai Không” của Bồ tát Long Thọ

Bồ tát Long Thọ vì muốn đả phá sự chấp trước thực hữu của ngoại đạo, vào thời kỳ Phật giáo Bộ phái, đặc biệt nhấn mạnh tất cả các pháp đều không, là muốn khai phát sự thâm thúy của lý Duyên khởi7. Nếu trí tuệ Bát nhã phải "chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ tất cả khổ ách", nhưng phải đạt đến trí tuệ Bát nhã mới thấy được, thì đây chính là ý nghĩa mà Bồ tát Long Thọ đưa các Pháp về nghĩa lý tánh Không duyên khởi. Bồ tát Long Thọ đưa ra luận chứng: “Chư Phật nương vào nhị đế, vì chúng sanh thuyết pháp, nhất là thế tục đế, nhị đệ nhất nghĩa đế8.

Ngài Long Thọ nói chư Phật, phải chăng chỉ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay là chỉ cho tất cả chư Phật trong mười phương đều nương vào hai đế mà thuyết pháp tức là tục đế, chân đế, hay còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế. Vì chúng sanh mà thuyết pháp, thì rõ ràng Ngài không phủ nhận giáo lý nhị đế, mà chỉ coi đó là giai đoạn đầu chuyển mê khai ngộ. Chính vì nương vào thế tục đế mà hiểu được đệ nhất nghĩa đế,vì vậy thế tục đế được coi là phương tiện cứu cánh, giúp hiểu được đệ nhất nghĩa.

Từ những quan điểm ấy cho ta thấy rằng Bồ tát Long Thọ không phủ nhận giáo lý Nhị đế. Như kinh Đại Bát nhã trình bày: “Ðúng như vậy. Nầy Tu Bồ Ðề! Vì thế tục đế nên gọi là Bồ tát, nên gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức… nhẫn đến Nhất thiết chủng trí. Trong Bồ đề ấy không có pháp để được hoặc tăng, hoặc giảm. Bởi vì các pháp tánh Không vậy. Các pháp tánh Không còn là bất khả đắc, huống là có được tâm Sơ địa nhẫn đến tam Thập địa, huống là có sáu ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo nhẫn đến tất cả Phật pháp9. Hay kinh Hoa Nghiêm giải thích: “Bồ tát này khéo biết tục đế, khéo biết đệ nhứt nghĩa đế, khéo biết tướng đế, khéo biết sai biệt đế, khéo biết thành lập đế, khéo biết sự đế, khéo biết sanh đế, khéo biết tận vô sanh đế, khéo biết nhập đạo trí đế, khéo biết tất cả Bồ tát địa thứ đệ thành tựu đế, nhẫn đến khéo biết Như Lai trí thành tựu đế 10. Cả hai đoạn kinh vừa trích dẫn đều nương vào các pháp thế tục đế, khéo biết đệ nhất nghĩa, để thành tựu trí tuệ giải thoát. Nên Bồ tát Long Thọ nói rằng nếu các ông hiểu sai lầm về tánh không thì tự hại chính mình. Như bài kệ đề cập:

Bất năng chánh quán không

Độn căn tất tự hại

Như bất thiện chú thuật

Bất thiện tróc độc xà11

Ở đây nói rằng nếu ai không hiểu được tánh không cho đúng đắn của chánh quán không của Bồ tát Long Thọ, thì giống như người không có phương pháp bắt rắn, mà bắt thì sẽ bị rắn độc cắn. Vì tánh không của Bồ tát Long Thọ là mô tả trạng thái di chuyển của vạn pháp trên phương diện hiện hữu của vạn pháp, cũng có nghĩa là vạn pháp đang hiện hữu trong sự chuyển động và luôn thay đổi chứ không phải là đang đứng yên, nếu hiểu đúng như vậy, thì mới đúng với khái niệm Không, nên gọi là chánh quán, nếu không có tánh Không ấy, các pháp khó thành tựu.

Dĩ hữu không nghĩa cố

Nhất thiết pháp đắc thành

Nhược vô không nghĩa giả

Nhất thiết pháp bất thành12

Nghĩa là: Bởi vì có nghĩa không, tất cả pháp được hình thành, nếu không có nghĩa không, tất cả pháp bất thành.

Các pháp luôn ẩn tàng nghĩa Không, cho nên tất cả các pháp được hình thành, nếu không có nghĩa Không các pháp sao hình thành? Bởi vì chính nghĩa Không, nó quyết định sự thành tựu các pháp thế gian và xuất thế gian, ngược lại nếu không có nó thì các pháp thế gian bất thành.

Vì sao phải có Không mới hình thành các pháp? Vấn đề này xin ví dụ: Nếu không có một khoảng đất trống thì không thể xây dựng lên căn nhà, vì có khoảng không ấy nên ngôi nhà được hình thành, nhưng ngôi nhà được hình thành ấy cũng không phải là tồn tại mãi mãi, mà nó sẽ biến hoại theo năm tháng, nếu không tu bổ lại thì ngôi nhà sẽ hư và sụp đổ, trở thành không. Từ đó có và không luôn thay đổi cho nhau để tạo nên vạn pháp, chúng tồn tại trong điều kiện duyên sanh. Nếu bản chất của các pháp thật có, thì không cần nhân duyên sanh hòa hợp, cũng không cần nhân duyên mới sanh, vì bản chất của các pháp là không có, nên mới có hiện tượng sanh và diệt13.

Và sanh diệt vốn không có tự thể, nên mới biến đổi, là do duyên sanh, một khi nhân duyên thay đổi, sự vật hiện hữu cũng sẽ thay đổi. Vì các pháp không có tự tánh, tức là không, hiểu được nghĩa không của duyên khởi thì không chấp vào có và cũng không chấp vào không. Vì tánh không nó vượt ra khỏi quan niệm có và không của thời kỳ Phật giáo bộ phái, mà đi đến hình thành các pháp thế gian. Nên Long Thọ nói nếu các nhà Hữu bộ hiểu sai lầm nghĩa Không, sẽ rơi vào thường kiến, thì chính các ông mới là người phá hoại Tam bảo.

Ở đây Bồ tát Long Thọ đưa ra lý luận nếu các nhà Hữu bộ không hiểu được tánh không của vạn pháp là các ông chính là người tự phá hoại Tam bảo, bởi tánh không của Bồ tát Long Thọ là do nhân duyên hòa hợp mà có vì: “Chưa từng có một pháp, Không từ nhân duyên sanh, Thế nên tất cả pháp, Không pháp nào không phải không14.

Các pháp được hình thành do nhiều nhân duyên sanh, thì pháp ấy tồn tại theo quy luật vô thường chuyển biến, thì không có tánh cố định, do vậy không thể nào định nghĩa là thế này hay thế kia, các pháp vốn không có tánh cố định, nên Bồ tát Long Thọ gọi là “Không”, nhưng Không đây không phải là hư không, trống không,mà là không có tướng cố định, mà phải do duyên sanh mới có, vì không có một pháp nào tồn tại độc lập, mà không do nhân duyên hợp thành. Nhưng cũng không phải là sáu nhân, bốn duyên của các nhà Hữu bộ chủ trương, mà là duyên khởi chứng ngộ của đức Phật dưới cội Bồ đề.

Nên Bồ tát Long Thọ nói tiếp: “Thế nên trong kinh nói,Thế thấy pháp nhân duyên, Tức được thấy Phật,Thấy khổ tập diệt đạo15.

Ở đây Bồ tát Long Thọ muốn thuyết minh lại lời đức Phật dạy trong kinh… “Ai thấy lý duyên khởi, người ấy thấy pháp, ai thấy được pháp, người ấy sẽ thấy được ta16. Như vậy đức Phật khẳng định giáo lý Duyên khởi là chân lý, chân lý ấy bao gồm cả tục đế và chân đế, không tách rời nhau, nương nhau mà hiển thị tánh tướng của vạn pháp, cũng là nguyên lý thường trụ của thế gian, nó liên quan đến đời sống hằng ngày thông qua giáo lý khổ, tập, diệt, đạo, thì người ấy sẽ giác ngộ được Phật tánh. Vì sao? "Vì tánh Không là thông giáo Duyên khởi, nếu các ông không hiểu được tánh Không, thì các ông sẽ đi vào vô minh tà kiến, thì chính các ông là người phá nghĩa Không cũng đồng với các ông phá nhân duyên, phá Tam bảo, nếu phá Tam bảo là các ông tự phá chính mình".

Ở đây Bồ tát Long Thọ đưa ra những lập luận vừa bảo vệ quan điểm của mình, vừa kết tội lại các nhà Hữu bộ. Từ đó ta thấy tánh Không của Bồ tát Long Thọ là nền tảng cho sự phê phán, cũng là con đường cải cách của Phật giáo Đại thừa, giúp người lìa xa cố chấp Có và Không, để đoạn trừ phiền não và chứng đạt Niết bàn.

 


1. Ấn Thuận,(Hán dịch): Hạnh B.nh - Quán như (Việt dịch), Giảng giải Kinh Bát Nhã, (2010), Quán 5 Uẩn Đều Không. Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh. Tr, 272.

2. Thích Hạnh Bình, Triết Học Có và Không (2008). Nxb. Phương Đông. Tr, 136.

3. Thích Hạnh Bình, Triết Học Có và Không (2008). Nxb. Phương Đông. Tr, 152.

4. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung quán, (2010). Nxb. Phương Đông. Tr. 90.

5. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung quán, (2010). Nxb. Phương Đông. Tr, 99.

6. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung quán, (2010). Nxb. Phương Đông. Tr, 102.

7. Long Thọ, Cưu Ma La Thập (Phạn dịch), Thích Trí Nghiêm (dịch Hán-Việt). Trung Quán Luận. (2003). Tr, 45.

8. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng, Luận Trung quán, (2010). Nxb. Phương Đông. Tr, 103

9. Thích Trí Tịnh, Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập 7, 18 Phẩm Thật Tế, (2012). Tr, 300.

10. Thích Trí Tịnh, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (2011). Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. Tr. 460.

11. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung Quán, (2010). Nxb. Phương Đông. Tr. 114.

12. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung Quán (2010). Nxb. Phương Đông. Tr. 131.

13. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung Quán (2010). Nxb. Phương Đông. Tr. 132.

14. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung Quán (2010). Nxb. Phương Đông. Tr. 118

15. Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình - Quán Như dịch, Lược giảng Luận Trung Quán (2010). Nxb. Phương Đông. Tr. 142.

16. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập 3 (1991). Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Ấn hành, TP. Hồ Chí Minh. Tr. 219.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6796110