LỄ HỘI THÁNG BẢY - ĐẠO ĐỨC TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
LƯƠNG THỊ THU
Đề cập tới tín ngưỡng dân gian, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh tới giá trị nhân văn, đặc biệt là yếu tố văn hóa đạo đức trong tín ngưỡng dân gian có giá trị đặc thù nhằm củng cố, bảo vệ đức tin thiêng liêng trong cộng đồng, đồng thời cũng chứa đựng những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại. Lễ hội tháng Bảy gia cố đạo hiếu đã và đang từng bước bị lối sống thực dụng xói mòn. Đó là đạo đức tri ân báo ân, tình thương yêu muôn loài, hướng thiện, ngừa ác... vốn là đạo đức Phật giáo qua lễ hội Vu lan, pháp hội Địa Tạng. Một trong những lễ hội trong năm của Phật giáo Bắc truyền.
Không bàn đến nguồn gốc Vu lan xuất phát ở đâu nhưng khi đã gặp gỡ tín ngưỡng bản địa dân tộc Việt thì nó tự biến chuyển thành lễ truyền thống của dân tộc. Vì sao? Có lẽ điểm tương đồng không kể đến không gian, thời gian, sự kiện, hành động nhân vật... mà chỉ đề cập đến đạo lý làm người trong mỗi chúng ta. Từ ý nghĩa của lễ Vu lan, trước hết câu chuyện có liên quan đến Mục Liên là nhân vật chính trong câu chuyện “Mục Liên cứu mẹ” có ảnh hưởng rộng rãi trong dân gian. Cuối cùng, mẹ Mục Liên thoát ra khỏi địa ngục và nhờ pháp lực của chư Tăng được siêu thoát. Căn cứ vào thuyết này đã hình thành ngày lễ Vu lan bồn vào Rằm tháng Bảy âm lịch, và thời gian này trong dân gian có lễ cô hồn, đúng vào ngày Trung nguyên.
Đạo đức tri ân báo ân
Vu lan có ý nghĩa đầu tiên là báo hiếu, không riêng gì Phật tử, cứ đến Rằm tháng Bảy là mọi người dân Việt Nam đều nhớ nghĩ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và họ đã đến với lễ hội Vu lan là để lễ Phật, cầu nguyện cho cha mẹ, tổ tiên nhiều đời được giải thoát khỏi những cảnh khổ do nghiệp nhân nhiều đời mang lại. Báo hiếu, đối với người con Phật mong báo đáp ơn đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ, và còn cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại được luôn sức khỏe và an lành. Một ý nghĩa nữa, chính là trong cuộc sống hiện tại của chúng ta phải sống đời thuận thảo với cha mẹ, bà con, thân thuộc, nhất là phải săn sóc cha mẹ khi ốm đau, già yếu, cả vật chất lẫn tinh thần. Quan niệm về chữ hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt lại nằm trong phạm trù đạo đức truyền thống của dân tộc, cũng là lời Phật dạy:
“Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn nhục);
“Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại tập);
“Quả đất người đời cho là nặng, mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều. Núi Tu Di người đời cho là cao, cha hiền ơn cao quá hơn nhiều” (Kinh Tâm địa quán);
“Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn muôn năm, cha mẹ ăn uống, ngồi nằm, bệnh hoạn, cho đến đại tiểu tiện trên vai, người ấy vẫn không đền được ơn cha mẹ. Phải biết ơn nặng của cha mẹ: Cưu mang, sinh sản, bồng ẵm, nuôi nấng, dạy dỗ, tùy thời săn sóc, không sái thời tiết, không kể tháng ngày. Vì thế ơn cha mẹ rất khó đền đáp” (Kinh Tăng nhất A-hàm);
Hoặc những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ: “Nhưng này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòngtin Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỷ kheo, là làm đủ và đền đáp đền ơn đủ cho mẹ và cha” (Tăng chi I).
Như thế, hiếu hạnh đi cùng hướng với hướng giải thoát của chánh pháp là điểm phân biệt hiếu trong Nho giáo. Đối với Nho giáo, tư tưởng này đã có hẳn một pho sách riêng dạy về đạo hiếu gọi là Hiếu kinh. Ở đây chỉ nêu một số lời dạy của các bậc hiền triết Nho gia về đạo hiếu:
Thầy Tăng Tử, học trò của Đức Khổng Tử, nói: “Hiếu giả báchhạnh chi tiên” (Hiếu là nết đứng đầu trăm nết);
Thầy Mạnh Tử dạy về hạnh hiếu: “Hiếu tử chi sự thân: Cư tắctrí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, tang ma hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực);
Kinh Thi cũng dạy: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã. Ai aiphụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực (Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi! Cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, như vói lên trời cao chẳng đặng).
Đạo Phật, đạo Khổng tuy không đồng nhất về tư tưởng hiếu đạo nhưng trong lễ hội, với thờ cúng âm linh (những người đã khuất) và pháp hồi hướng, những hành vi cúng kính này xét cho cùng đó cũng là gốc rễ làm người, bởi ai sinh ra cũng cần có nguồn gốc, tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Hòa thượng Thích Lệ Trang, trụ trì chùa Định Thành (Quận 10, TPHCM) cũng đã thuyết cho tứ chúng xuất gia, tại gia một bài pháp căn bản làm người vào những ngày giỗ kỵ tổ chức trong chùa:
“Là con người phải có nguồn gốc, hơn nữa, người Phật tử lại có thêm một nguồn cội tâm linh nữa. Nhờ có ông bà tổ tiên chúng ta mới có được xác thân, mới có kiến thức, tiền tài, có danh vọng. Có được tấm thân này để tưởng nhớ đến chư Phật. Chúng ta có duyên lành học Phật mà chính Thầy tổ là người hướng đạo cho ta. Ngoài lễ nghi, chúng ta còn có được thọ hưởng những pháp âm của cố Hòa thượng qua trực tiếp hay gián tiếp bằng sách vở”.
Bài pháp mà thầy thuyết tuy ngắn nhưng gói trọn trong đó là đạo đức tứ trọng ân, đạo đức tri ân nguồn cội qua cung cách nghi lễ. Lời dạy về sự hiếu thảo đối với cha mẹ trong nhiều đời quá khứ chính là việc thương yêu, quý trọng và giúp đỡ mọi người quanh ta. Hiếu ở đây là tình nghĩa con người, nâng cao tình nghĩa con người đến một cấp độ thắm thiết tình người hơn. Khi mà người Phật tử có thể quý trọng, phục vụ mọi người với tình thương yêu chân thật thì đó là hạnh Bồ tát của người Phật tử đang ở trên đường đi về chánh giác. Cho nên việc thiết lễ, cúng kính, làm việc thiện để hồi hướng cho thân nhân quá vãng là một cách thể hiện chữ hiếu.
Người con không thể bằng mọi phương tiện vật chất có thể đem lại cho cha mẹ an vui, và hạnh phúc, ngoại trừ chánh pháp, chỉ có chánh pháp, trí tuệ mới giúp cha mẹ lìa xa khỏi tham, sân, si vốn là nguyên nhân của mọi phiền não, khổ đau. Chỉ có chánh pháp chỉ rõ gốc khổ đau là chính các niệm tưởng hữu ngã trong tâm mình để loại bỏ. Chỉ có chánh pháp mới cống hiến cho mẹ cha một nếp sống đạo đức an trú vững chắc trong giới đức, tâm đức và tuệ đức, từng bước đi ra khỏi khổ đau và từng bước đi vào hạnh phúc của tâm hồn trong “hiện tại và tại đây” đem lại hạnh phúc lâu dài cho cha mẹ như thế mới thật là chí hiếu.
Ðức Phật trong Kinh Tăng chi II, đã giới thiệu một sự thật rằng trong cuộc luân hồi dài vô hạn này, tất cả những người xung quanh ta không thể tìm thấy một ai chưa từng đã là cha mẹ, là anh chị em, vợ chồng, con cái thân thuộc của ta. Việc cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời là một việc làm truyền thống, đậm nét văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Việc cúng giỗ này tất nhiên không chỉ hoàn toàn theo nghi lễ của Phật giáo, mà rất đa dạng ở mỗi tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến phương diện báo hiếu của lễ Vu lan và yếu tố cốt lõi của văn hóa là cái tâm hiếu. Về việc này hiện nay, không ít người đã chuyển hướng mục đích, từ chủ yếu là báo hiếu sang mục đích cỗ bàn phô trương nhằm thể hiện danh vọng, quyền lực thế tục. Nó đã làm gia tăng sự phân hóa xã hội, việc cúng giỗ cũng mất đi giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nữa. Thật hiển nhiên rằng, một người không hiếu kính đối với mẹ cha, thì khó hình dung họ thực sự là một người cư xử đầy tình người đối với người khác, với xã hội, đất nước.
Hiếu hạnh rõ là đức hạnh hàng đầu trong những đức hạnh của con người. Từ tâm hiếu, tình người được giáo dục, tôi luyện và phát triển. Trong thể nghiệm cuộc sống hiện thực, con người thể hiện tình người trong sáng và đẹp đẽ ấy qua: Người bạn đời chí thiết gọi là “tình”; Anh chị em ruột thịt gọi là “đễ”; Bà con xóm làng gọi là “nghĩa”; Xứ sở gọi là “trung”; Mọi người gọi là “nhân”. Cũng chính từ hai chữ “tình người” ấy được mở rộng ra mà có tình cảm hữu nghị quốc tế và tình yêu muôn loài, trong đó có chúngsanh cô hồn.
Điều đó, nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý hiếu thuận. Ngoài ra, mọi người còn đến với lễ hội như là một hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc... Do vậy, lễ hội Vu lan có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức xã hội. Hiện nay, hiếu hạnh được lan tỏa khắp mọi nơi qua truyền thống cúng thí, cài hoa hồng vào dịp ngày Vu lan, đó cũng là nét văn hóa đẹp chúng ta cần tiếp nối và phổ biến để góp phần đem lại cuộc sống an lành cho mọi người, cho xã hội. Đồng thời, thấm sâu hơn nữa là giáo lý tỉnh thức của đạo giác ngộ để thoát khổ trong cuộc sống hiện tại và bồi đắp tình thương yêu muôn loài.
Hướng thiện ngừa ác
Với pháp hội Địa Tạng, cùng với Phật tử, mọi người dự lễ sẽ nhận ra một vị Bồ tát tượng trưng cho tinh thần độ tử và cũng là vị Bồ tát có hạnh “Đại nguyện” trong Phật giáo. Trong một tiền kiếp ngài là một cô gái tên là Quang Mục sống với bà mẹ thường hay sát sanh. Sau khi bà mẹ qua đời, nàng vì thương mẹ mà cầu nguyện đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai... cho đến khi được cảm ứng và nghe giọng nói khuyên nàng nên niệm danh hiệu đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Chính vì thế, nàng Quang Mục được biết rằng nhờ lòng hiếu thuận và công đức niệm Phật mà mẹ nàng thoát khỏi địa ngục. Cảm niệm công đức của Phật, nàng phát lời thệ nguyện: “Địa ngục nếu còn, thì tôi nguyện chưa thành Phật”và rộng độ khắp chúng sanh trong vô lượng ức kiếp.
Ý nghĩa nhân văn của tích này là tất cả chúng ta có thể đều là Địa Tạng, nếu như ta lăn xả vào cuộc đời cống hiến tài năng và sống cuộc đời thiện lành, không tạo ác nghiệp. Trước mắt, chúng ta hãy mau mau tìm cách ra khỏi địa ngục “tham, sân, si” để đạt được sự an lạc giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại này. Biểu tượng Địa Tạng trong pháp hội, Mục Kiền Liên trong lễ hội đã kết nối với đạo đức gia đình và xã hội: Thứ nhất, không sát sanh để bảo vệ môi trường, hiếu với cha mẹ và hiếu với mọi người và trên hết vẫn là một khát vọng bình an và hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người chung quanh. Bởi nhân loại nói chung, ai cũng có khát vọng được sống an lành, bình an, thì triết lý đạo Phật đã xây dựng cho đời một cuộc sống hướng thiện.
Thứ hai, pháp bố thí, và trì giới của Phật giáo được xây dựng trên căn bản lòng từ bi, bảo vệ sự sống cho các loài hữu tình, đem lại an lạc hạnh phúc cho hữu tình. Bàng bạc khắp cả kinh tạng Phật giáo không có lời dạy nào của đức Phật đi chệch ra ngoài mục tiêu ấy bằng cách: “Từ bỏ các điều ác; Làm tất cả điều lành; Giữ tâmý thanh tịnh; Là lời chư Phật dạy.” (Kinh Pháp Cú số 138). Nếu hiểu tình người, lòng nhân ái, vị tha, từ bi là nội dung của hành vi đạo đức thì hẳn nhiên trong đó có mặt trí tuệ và toàn bộ giáo lý Phật giáo là một hệ thống đạo đức. Nếu hiểu đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc thì đạo đức của Phật giáo là con đường sống đạo đức của một nếp sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi loài chúng sinh. Nếp sống đó đã được đức Phật giáo dục, xây dựng trên căn bản hiếu hạnh và lòng từ bi, vô ngã, vị tha (bố thí và trì giới) mà nói gọn là tình người đích thực.
Chừng nào con người còn khát vọng hạnh phúc, chừng đó tình người và đạo đức còn là giá trị chuẩn, và các giá trị khác phải xoay chung quanh nó, chừng đó giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo còn rực sáng niềm tin cho cuộc đời. Vu lan vẫn là nét son tươi tắn, làm hồng lên cuộc đời của con người, điều thiện sẽ ngự trị trong lòng mỗi con người đã được đánh thức bằng nhiều phương tiện hoằng hóa của chư Tăng, trong đó có thông qua sinh hoạt lễ hội.
Nếu chúng ta ý thức rằng xây dựng an lạc, hạnh phúc cho tha nhân, gia đình, tập thể và xã hội cùng là một hình thức thể hiện hiếu hạnh thiết thực và gần gũi. Trong mỗi một nghi thức như đảnh lễ chư Phật, chư Bồ tát, chư hiền thánh tăng, như hành động cúng dường cổ Phật bằng tấm lòng thơm thảo, như thắp sáng một chiếc đèn hoa sen là soi rọi con đường đưa đến trí tuệ cho muôn loài chúng sanh còn ở bên kia bờ giác hoặc thắp một nén hương lòng cho hương linh để cùng tâm tình sẻ chia ngọt bùi trong cuộc sống, lắng lòng nghe một bài kinh tụng để nương vào giáo nghĩa mà thực hành hạnh lành trong cuộc sống,... cũng được xây dựng từ sinh hoạt lễ hội.
Nhà chùa tạo dựng lễ Vu lan với đầy đủ lễ tiết để chuyển hóa tư duy về một tục cúng cô hồn trong dân gian thay vào đó là thực hành hạnh hiếu của Mục Kiền Liên, của Bồ tát Địa Tạng. Tư tưởng từ bi, hiếu thảo của Phật giáo ngang qua các câu chuyện cổ gắn với cuộc đời của tôn giả Mục Kiền Liên, một đệ tử Phật với mục đích chuyển hóa chúng sanh, từ bỏ tâm ác, quay đầu hướng thiện, hiểu lý Vô ngã, buông bỏ chấp trước để rồi tự giải thoát cho chính mình. Kinh Vu lan và Kinh Báo ân cứu khổ được tụng đọc trong tháng Bảy cũng khơi nguồn cho con người hướng thiện. Ở Việt Nam, lễ hội đã làm cho những truyền thuyết ấy có tiếng nói riêng, trở nên có sắc, có hồn, thiêng liêng, sâu xa hơn là một sự trở về với bản tâm thanh tịnh. Có thể thấy rằng lễ Vu lan Tháng Bảy có giá trị vừa bảo vệ đức tin thiêng liêng trong cộng đồng, vừa thể hiện những chuẩn mực đạo đức Phật giáo: Tri ân báo ân, Tấm lòng rộng mở, Ngăn ngừa việc ác.
Bình luận bài viết