Thông tin

LỄ PHẬT ĐẢN 2508-1964 TRONG TÔI TRÊN NGƯỠNG CỬA VÀO ĐỜI

LỄ PHẬT ĐẢN 2508-1964 TRONG TÔI

TRÊN NGƯỠNG CỬA VÀO ĐỜI

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

Ngày lễ chính tại lễ đài. Ảnh này trên một tạp chí tiếng nước ngoài do
đạo hữu Đức Quảng tìm mua lại và post lên mạng 5 năm trước.
 

 

Đã 55 năm trôi qua, thời gian như vết cắt nhỏ trên từng mảng da thịt trần ai, để từ đó, theo tháng năm lớn lên bên dòng chảy cuộc đời. Có vết cắt mau lành theo năm tháng nhưng cũng có vết cắt hằn sâu trong tâm khảm, khó có thể phai mờ, cho dù vết cắt đó thiện lành hay ác tính. Mang theo bên mình  nhiều ký ức đẹp, nhiều nỗi ưu tư lo lắng trên bước đường tu học và phụng sự chánh pháp, đôi khi phải chọn một trong nhiều ký ức đó làm tâm điểm khi ngoái nhìn lại bước đường đã qua. Tất nhiên, có thể làm cho mình buồn đau hay tự hào hãnh diện nhưng sống tận tâm, cống hiến tận lực, trong mỗi chúng ta ai cũng đều phải có những khi như vậy.

Ngày đó, khi mới 8, 9 tuổi đầu, vừa sung sướng khoe khoang khắp xóm khi mình được khoát lên người bộ đồng phục Oanh Vũ tung tăng, trước đó chỉ chưa tròn ba tháng. Thế nhưng tôi lại được sống những ngày ngập tràn ánh sáng và niềm hân hoan của một mùa lễ Phật đản mà mãi về sau này vẫn chưa hề thấy có lại. Đó là lễ Phật đản 2508 (1964) tại Sài Gòn. Nói chính xác hơn, bên bờ sông Sài Gòn lung linh soi bóng nước. Ngày hai buổi nước lớn rồi nước ròng, dòng sông thuở ấy mang theo ra biển Đông, tỏa đi khắp nơi hình ảnh và âm hưởng của ánh sáng từ lễ đài in đậm đến với khắp mọi nơi.

Nhà tôi khi ấy là vùng Cây Bàng – Thủ Thiêm nằm ven sông, đối diện nội thành, bến Bạch Đằng – Cầu Kiệu, nơi có lễ đài nguy nga, lộng lẫy ngày Phật đản. Bên này sông, Cây Bàng – Thủ Thiêm, khi ấy chưa có điện, còn xài đèn dầu hay đèn manchon, khung cảnh rất thanh vắng, nên những âm thanh rộn rịp từ lễ đài vọng sang hằng đêm, cộng với ánh sáng tủa ra từ trên đỉnh lễ đài có thiết kế cánh hoa sen nở xòe rất lớn, rất đẹp, cả khu vực nhà tôi đều nghe và nhìn rất rõ. Chiều mùng 8, sau trận mưa nhẹ làm mát dịu hai bờ sông, người chị xin ba má tôi một đồng để dẫn nhau qua đò Cây Bàng (lúc đó còn đò chèo lớn) xem tận mắt lễ đài to lớn ấy (qua đò mỗi lượt 2 cắc). Tất cả trước mắt tôi đều phải ngước nhìn, ngửa cổ về sau 90 độ mới thu hết vào tầm mắt. Mãi mê tận hưởng những hình ảnh  quá sức tưởng tượng của mình cho đến khi trời sẩm tối, khi các anh chị Phật tử và từng toán nhân viên công lực chuẩn bị công việc bảo vệ cho buổi lễ khai kinh sắp đến, chị em tôi mới chịu xuống đò ra về. Chưa hết, cả khu vực ven sông nhà mình còn tận hưởng đêm hoa đăng tràn ngập khắp mặt sông, sáng rực cả trời đêm trên mặt nước yên bình (Do có lệnh các tàu bè phải ngưng hoạt động từ 17 giờ chiều) đêm 14 tháng tư âm lịch. Sáng hôm sau ngày rằm, khi cả khu vực ven sông đi nhặt các  đóa hoa sen được đúc bằng nhựa nhiều màu sắc  đêm qua được dùng thả hoa đăng, trôi tấp vào ven bờ sông ken đặc, thì trên bầu trời bong bóng bay rợp kín, mấy lượt máy bay quần thảo để thả tờ rơi tán dương ngày Phật ra đời, tạo nên khung cảnh rộn ràng và hân hoan rộng khắp. Bên kia sông, nơi có lễ đài ngự trị, tiếng tụng kinh, tiếng nhạc liên tục vọng sang làm cho tất cả bầu trời thêm phấn chấn.

Sau này lớn lên, lân la với giới công tác nghiên cứu, cố gắng tiếp cận được nhiều tài liệu liên quan với ngày Phật đản năm ấy, càng thấy và hiểu thêm nhiều điều chung quanh sự kiện này. Nhất là khi ký ức nhỏ bé của mình trôi ngược thêm một năm về trước, vì sao cả gia đình mình và các nhà đạo hữu chung quanh ai ai cũng nơm nớp lo sợ, dẹp bàn thờ ông thiên trước sân và bàn thờ Phật trong nhà, không một ai dám nhắc đến một từ Phật hay Chùa!

Thật vậy, “Đã một năm trôi qua kể từ ngày Phật đản đẫm máu năm ngoái. Mười ba tuần trăng tròn không phải là một thời gian đáng kể trong hàng ngàn năm lịch sử dân tộc hoặc trong 25 thế kỷ của lịch sử Phật giáo. Tuy nhiên, đối với Phật tử Việt Nam chúng ta, mười ba tuần trăng vừa qua có một giá trị đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, những sự kiện xảy ra trong thời gian ấy, đã khiến cho mọi người, kể cả trong nước lẫn ngoài nước, liễu biệt được cái thường, cái thực trong muôn ngàn cái vô thường hư vọng của kiếp sống con người… Ngày Phật đản 2507 mở màn cho một mùa Pháp nạn khốn khốc liệt nhất trong lịch sử Phật giáo nước nhà…, đã trở thành một ngày lịch sử không riêng gì của Phật tử mà còn chung cho cả nhân loại…” (1).

Một mùa Phật đản dưới tham vọng, bạo quyền của nhóm anh em nhà Ngô Đình, máu và nước mắt của những người con Phật đã đổ xuống, không phải do căm thù hay chống trả hoặc đối kháng mà chỉ đơn giản đấu tranh vì quyền bình đẳng tôn giáo. Nói theo nhà nghiên cứu, giáo sư Cao Huy Thuần rằng: “Một tôn giáo lớn có mặt trên đất nước này hơn hai ngàn năm mà lại đòi quyền bình đẳng tôn giáo mới đến” mới chua chát nhưng thật sự ý nghĩa biết bao! Vì vậy, cũng theo bài diễn văn Phật đản 2508 vừa nêu “… Ôn lại việc cũ, mục đích không chi khác hơn là nêu cao ý nghĩa chấn chính của việc cúng dường Đức Phật trong mùa Đản sanh...”. Những sự hy sinh và hỗ trợ tích cực lớn lao trong mùa Pháp nạn đó của Tăng Ni và Phật tử khắp nơi, cũng được đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết (1891-1973) trân trọng trong thông điệp Phật đản 2508 và đích thân tuyên đọc trước lễ đài, có đoạn: “Phật đản năm nay gợi lại tất cả hình ảnh của Phật đản năm ngoái và cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam tiếp theo sau đó. Tôi thành kính cảm ơn tất cả mọi sự ủng hộ chúng tôi xuất phát từ trong nước và ngoài nước. Từ quảng đại quần chúng cho đến những người tri thức thiện hữu…”.

Trong Phật giáo không có khái niệm “Thánh Tử Đạo”, nhưng trước những sự hy sinh to lớn, đầy ý nghĩa cao cả trong tinh thần bất bạo động, đặc biệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức, xã hội vẫn trân trọng dùng những từ ngữ tương xứng, đại diện đặc tính tôn xưng. Tương tự, Phật giáo không có chuyện tự phong cho bất cứ trường hợp nào, dù là qua quá trình hay thành quả tu chứng đã đạt được. Nếu có là chỉ có thể ví như công hạnh Bồ Tát tận tâm và hy sinh tất cả cho chúng sanh ở trên thế gian này. Vì vậy, trong Thông Điệp Phật đản ngắn ngủi của Đức Tăng Thống như vừa nói, cũng không quên ngỏ lời tri ân qua đoạn: “Tôi thành thật gợi lại hình ảnh hy sinh của các Phật tử và sự tự thiêu của Liệt vị Tăng Ni, đặt ngôi vị Bồ tát của các Ngài trong tâm khảm Phật giáo đồ Việt Nam…”. Và cho đến bây giờ chúng ta đã quen với danh hiệu Bồ tát Thích Quảng Đức có lẽ bắt đầu từ khơi nguồn tri ân hợp lòng muôn triêu trái tim người con Phật này.

 

Ảnh lễ đài Phật đản tại Sài Gòn sáng rực về đêm do
người viết tự sưu tầm và “cứu vãn” lại nhưng chưa hoàn chỉnh lắm.

 

Trong bài giảng chính thức của Ban Tổ chức Lễ Phật đản 2508, cũng mở đầu bằng những dòng hân hoan, tri ân lớn lao để thêm ý nghĩa sâu xa cho ngày đại lễ huy hoàng này: “Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có lẽ hôm nay là ngày trọng đại nhất, ngày huy hoàng nhất mà Phật giáo đồ Việt Nam làm lễ kỷ niệm Đản sanh của vị giáo chủ vĩ đại nhất của thế giới. Điều ấy cũng không có gì là lạ, là đáng ngạc nhiên. Năm ngoái, cũng vào dạo nầy, chúng ta đã tủi nhục, đã khổ đau nhiều hơn bao giờ cả, và chúng ta đã có đủ can đảm, đủ sức chịu đựng, đủ lòng hy sinh, đủ chí phấn đấu để vượt qua tất cả, thì tất nhiên chúng ta phải đi đến ngày vinh quang, đạt được thành thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay…(2). Bài giảng tiếp theo đó còn nói đến những hiệu ứng nhân và quả, mọi tiến trình xảy ra cũng từ hiệu ứng đó chứ không phải ngẫu nhiên, tự nhiên mà có. Điều quan trọng là nhận thức rõ cái nhân tạo tác hay cái nhân tác động. Nếu Phật giáo Việt Nam trong mùa Pháp nạn năm 1963 có những hình thức phản kháng tương ứng, đầy bạo lực thì giờ đây, chính trong mùa Phật đản này sẽ có ý nghĩa không tròn vẹn và đương nhiên diễn ra trên nền tảng của sự hơn thua, tạo thêm mối oán thù triền miên.

Khi đó, chúng tôi còn nhớ rất rõ trong suốt tuần lễ Phật đản từ mùng 8 đến hết ngày rằm tháng tư âm lịch, trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn, cứ sau mỗi bản tin tức 5 phút đầu giờ là một bài nhạc Phật giáo được vang lên; chưa kể chương trình “Tiếng Chuông Chùa” theo định kỳ mỗi thứ sau hằng tuần cũng trên sóng phát thanh này. Theo thông báo của Ban Tổ chức lễ Phật đản 2508, trong ngày lễ chính thức 15 tháng tư có hai buổi phát thanh được phát trên hệ thống A Đài Sài Gòn từ 20 giờ, 15 đến 21 giờ do Tổng Vụ Thanh Niên phụ trách.

 

Ảnh lễ đài vừa thi công xong, bạn bè, đạo hữu sưu tầm giúp.

 

Chương trình tuần lễ Phật đản đáng nhớ này diễn ra từ mùng 8 đến ngày rằm tháng tư âm lịch rất phong phú trên nhiều lãnh vực khác nhau và ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố, không chỉ bó hẹp trong khuôn viên các tự viện. Đặc biệt, còn có những ngày dành riêng cho từng Tổng vụ chuyên trách như tại Sân Hoa Lư (số 2 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, Quận 1 hiện nay) dành riêng cho Tổng Vụ Thanh Niên với các hoạt động xã hội, văn nghệ, lửa trại.v.v… Rạp Thống Nhất (Xổ số Kiến thiết bây giờ) hay trụ sở Liên Đoàn Lao Công (Liên Đoàn Lao Động TP bây giờ)… cũng là những địa điểm thuyết pháp hay văn nghệ chào mừng, với sự tham gia của các Thượng tọa, các giáo sư và các nghệ nhân, nghệ sĩ danh tiếng đảm trách. Có lẽ ấn tượng nhất là các đoàn xe hoa rực rỡ được trang hoàng lộng lẫy, diễu hành trong suốt tuần lễ Phật đản, cao điểm là đêm 14 và sáng ngày rằm. Có thể nói, Phật giáo Sài Gòn chính là nơi khởi nguyên cho truyền thống diễu hành xe hoa mừng Phật đản, được thửa hưởng tử thành quả hôm ấy cho đến tận những năm 1975 chưa một năm ngừng nghỉ. Khi đã là truyền thống  thì mạch nối tiếp cần phải được liên tục giữ gìn, từng bước tạo thói quen và sự háo hức cho người dân đón chờ hằng năm. Ở TP. Hồ Chí Minh sau 1975, sau nhiều gián đoạn do hoàn cảnh chung đã khôi phục thành công truyền thống này nhưng vài năm trở lại đây  thì không còn thấy nữa, rất đáng tiếc. Có thể có nhiều lý do để minh giải cho sự hụt hẫng này nhưng như đã nói, một khi truyền thống bị đứt đoạn thì quá trình tái tạo lại sẽ rất gian nan, phải mất hàng chục năm hay nhiều hơn thế mới dần tạo lập lại hình ảnh trong mắt quần chúng, nhất là mặt tiếp cận xã hội, quần chúng, Phật giáo chúng ta còn rất hạn chế. Công lao những thế hệ đi trước vì thế sẽ không được trân trọng.

Trong ba phần với 14 điều “Hướng dẫn cần thiết” Ban Tổ chức Lễ Phật đản 2508 còn cho chúng ta thấy sự tinh tế khi sắp xếp vị trí của từng  tổ chức, đoàn thể với các cụm khu vực trước lễ đài diễn ra ngày lễ chính thức, ngay cả việc ăn mặc trang phục tươm tất như thế nào cũng được nhắc đến, để hôm nay nhìn vào các bức ảnh của ngày hôm đó, chúng ta không thấy có những sự lượm thuộm nhỏ nào, dù là ở một góc xa.

Theo ghi chú (viết tay) trên bảng chương trình Lễ Phật đản 2508 in sẵn, chúng tôi có được, về mặt chính quyền đến dự trên lễ đài Phật đản hôm ấy có ông Thiếu tướng Đỗ Mậu và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh (Được vết trên hàng gạch ngang của dòng chữ Quốc trưởng và Trung tướng Thủ tướng cùng đến).

Đó là những hình ảnh đầu tiên khi bước đầu tiên vào ngưỡng cửa Phật giáo, bản thân mình được may mắn tiếp nhận, cũng như các tài liệu liên quan, theo năm tháng tự thân mày mò, tìm tòi được để củng cố thêm cho niềm hân hoan và rất đẹp về một mùa Phật đản huy hoàng. Những điều đó, hiện giờ có nhiều người chưa biết, hoặc không biết nơi thành phố này từng có một sự kiện như thế, trong đó có bạn bè, đạo hữu thân thiết của mình. Hôm nay, gặp thuận duyên lớn và đồng thời Phật giáo cả nước đang tưng bừng  chào đón mùa lễ Vesak lần thứ ba trên đất nước mình, mạo muội kể lại vài dòng ký ức nhỏ bên cạnh niềm vui lớn để bạn bè, đạo hữu thân thiết cùng chia sẻ. Nếu không có thuận duyên và lòng ham thich tìm tòi lãnh vực lịch sử, chắc có lẽ Lễ Phật đản 2508-1964 trong mắt tôi vẫn chỉ là một ngày lễ trong ánh mắt một cậu bé Oanh Vũ còn non dại trên đường đời với bấy nhiêu hình ảnh lạ lẫm phải ngước nhìn lên từ 55 năm trước thế thôi.

Phật đản 2563-2019


1) Trích diễn văn Phật đản đọc tại lễ đài Phật đản 2508-1964 của T.T Thích Thiện Minh, Trưởng ban tổ chức.

2) Trích bài giảng lễ Phật đản 2508 “Chúng tôi đề nghị một Pháp Môn Tu hành cho Phật giáo đồ Việt Nam” của BTC.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6784567