LỄ PHÓNG SINH Ở MỘT NGÔI CHÙA
LỄ PHÓNG SINH Ở MỘT NGÔI CHÙA
HOẰNG TÔN
Một trong những hoạt động Phật sự thường xuyên của các chùa là “Lễ phóng sinh”. Theo Thượng Tọa Tri Sự chùa Vạn Đức Thích Hoằng Tri thì phong trào lễ phóng sinh này được tổ chức khoảng vài năm trở lại đây do khá nhiều Phật tử trực tiếp đề nghị với Thầy. Sau khi thỉnh ý Hòa Thượng Viện Chủ, đầu tiên, Thầy Tri Sự đã tổ chức mỗi tháng một lần, sau đó do tiền cúng dường cho chương trình này khá lớn nên Thầy Tri Sự đã tăng lên hai lần trong tháng.
Lâu nay, tôi đã nghe khá nhiều Phật tử giới thiệu “Lễ phóng sinh” của chùa Vạn Đức và rủ tôi tham gia nhưng vì công việc bận rộn cũng như trong tôi chỉ nghĩ đến hình ảnh thả vài lồng chim trước cửa chùa hoặc vài thùng cá ở bờ kênh nào đấy nên tôi không mấy quan tâm.
…Cho đến khi tình cờ tôi xem được đoạn phim quay về buổi “Lễ phóng sinh” tại nhà một người bạn, đĩa phim này làm cho tôi mới biết qui mô cũng như sự ủng hộ của các Phật tử khắp nơi đối với chương trình Phật Sự này.
Do tò mò và cũng muốn tìm hiểu tâm tư của những người tham gia “Lễ phóng sinh”, quan điểm của họ thế nào về việc làm có ý nghĩa này? Hay họ chỉ tham gia như một phong trào “ai sao tui vậy”? v.v…, và tôi đã tham gia buổi “Lễ phóng sinh” với tâm trạng và thắc mắc mà trong tôi cần một lời giải đáp.
Buổi lễ được tổ chức tại bến đò “Bình Quới” từ rất sớm, tôi có mặt lúc 5g30 sáng nhưng đã có khá nhiều người tề tựu đến đây, theo một nữ Phật tử đã tham gia lễ phóng sinh từ buổi đầu thành lập cho biết: “ Lễ phóng sinh được tổ chức hai lần trong tháng, ngày giờ không nhất định, quý Phật tử theo dõi bảng thông báo của chùa Vạn Đức được treo phía sau Nhà Tổ…”.
Một Nữ Phật tử khác cho tôi biết nhiều chi tiết hơn:
….Mọi người gửi tiền cho Thầy Hoằng Tri, đương kim Tri Sự chùa Vạn Đức, để lập thành “Quỹ Phóng Sinh”, có những Phật tử thông thạo thì thu mua cá, lươn, v.v. ở những chợ đầu mối hoặc trực tiếp từ nơi đánh bắt. Đầu tiên, “Lễ phóng sinh” được tổ chức ở sông Đồng Nai, gần chùa Hội Sơn, quận 9, sau đó do nhiều Phật Tử báo có người theo dõi để đánh bắt vật phóng sinh nên Thầy Tri Sự chuyển sang gần quán Cá Sấu Hoa Cà thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, tình trạng cũ lặp lại và hiện nay tại bến đò Bình Quới, thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Theo nhiều thông tin khác nhau thì đã có kẻ chuẩn bị phương tiện để đánh bắt sau buổi lễ phóng sinh và trong tương lai gần, có thể Thầy Tri Sự lại tiếp tục chuyển địa điểm….”.
Trời đã sáng rõ, nhìn ra sông, tôi khá bất ngờ với chiếc sà lan với bàn thờ Phật rất trang trọng ở cạnh buồng lái, nơi mũi sà lan là tượng Bồ Tát Quan Âm, một Phật tử kể lại nguồn gốc của chiếc sà lan này như sau: “…Sà lan của Niệm Phật Đường Hương Quang ở quận 8 do Thầy Thích Giác Chỉ lập ra để làm lễ tang ma cho tín đồ Phật giáo, những người neo đơn, nghèo khó thì Thầy miễn phí, không lấy bất cứ thù lao nào mà vẫn lo chu toàn để vong linh những Phật tử ấy nương theo Tam Bảo mà giải thoát…”
Buổi lễ Phóng sinh do Thượng tọa Thích Hoằng Tri chủ trì khá trang trọng với khoảng hơn 200 nam nữ Phật tử tham dự, tôi chú ý đến một Phật tử mà tôi cho là đặc biệt, Thượng tá công an Nguyễn Thanh Hòa, đã từng là Trưởng Công an phường Linh Trung, Đội trưởng 113, Trưởng trại giam quận Thủ Đức, nay đã về hưu, trông anh hôm nay thật bình dị và thể hiện là người Phật tử thuần thành với pháp danh Hoằng Khinh, tôi chợt nhớ đến câu chuyện “Thường Bất Khinh Bồ Tát” với câu nói “Thưa Ngài, tôi không dám khinh Ngài vì rồi đây Ngài sẽ thành Phật”, tác phong của anh Hoằng Khinh ngày hôm nay có lẽ đang học tập theo hạnh của “Thường Bất Khinh Bồ Tát” chăng? Và hình ảnh của ông Thượng tá Trưởng trại giam thả những con cá làm tôi liên tưởng đến mỗi khi ông đọc “lệnh tha”, có lẽ lúc ấy ông vui lắm.
Sau thời kinh khoảng 30 phút, Thầy Tri Sự bắt đầu tiến hành làm lễ phóng sinh: “Hỡi các loài thủy tộc! Các ngươi do nhiều đời trước tạo nhiều nghiệp dữ nên nay mang thân cá chậu chim lồng. Nay nhờ chư tín chủ phát tâm mua về thiết lễ phóng sinh, vậy các ngươi hãy sám hối nghiệp cũ, quy y Tam Bảo để khi mãn báo thân này được làm người, gặp Tam Bảo, quy y tu hành cho đến ngày giải thoát”.
Nhìn những con lươn, con cá…được sổ lồng, trong tôi có một cảm giác thật lạ và tôi thật sự xúc động khi nhìn hình ảnh thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ ba cùng thả những con cá xuống sông, hai bà cháu này đã tạo nên một bức tranh sống động của lòng nhân ái không biên giới, không phân biệt tuổi tác…., chính những thế hệ Phật tử này đã tiếp tục truyền đăng, nối mạch Chánh pháp, hướng dẫn thế hệ sau bằng bài học đầu tiên – Lòng Nhân Ái.
Chiếc sà lan đã cập bến, tôi như vừa bước ra khỏi một câu chuyện cổ tích với đa dạng nhân vật, niềm tin trong tôi lại được thổi lên bởi những hình ảnh sinh động của lòng Từ Bi, Bác Ái…Và tôi chợt nhớ đến bài ca hy vọng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:
“Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền,
Hy vọng đã vươn lên, bên nương buồn, dòng sông vắng...
Hy vọng đã vươn lên trong lòng anh,trong lòng tôi,
trong lòng ai…” (Hy vọng đã vươn lên).
Vâng, tôi vẫn hy vọng cho dù hiện nay là “Đời Mạt Pháp”...
Vạn Đức, ngày 17 tháng 4 năm 2012
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết