Thông tin

LỄ TRUNG NGUYÊN PHẬT GIÁO XỨ BẮC, NĂM 1945-1946

LỄ TRUNG NGUYÊN PHẬT GIÁO XỨ BẮC, NĂM 1945-1946

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

Tờ Tinh Tiến (phụ trương của báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Việt Nam (tức Hội Phật giáo Bắc Kỳ đổi tên sau Đại hội thường niên tháng 5 năm 1945)  số 22 ra ngày thứ Bảy, 18 tháng 8 năm 1945, có đăng:

Chương trình Lễ Trung nguyên tại chùa Quán Sứ, Hội quán Hội Phật giáo Việt Nam, số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.

Ngày 13 tháng 7 năm Ất Dậu (20-8-1945)

Buổi sáng:

9 giờ rưỡi: Cúng tuần đại cúng.

10 giờ rưỡi: Triệu linh.

12 giờ rưỡi: Chư Tăng lên khóa Ngọ.

Buổi chiều:

4 giờ: Tụng hội kinh Dược Sư.

6 giờ rưỡi: Niệm Phật và lên khóa lễ Sám nguyện kỷ niệm đức Đại Thế Chí Bồ tát.

8 giờ rưỡi: Ban Hộ niệm lễ khóa lễ.

9 giờ 30: Giảng kinh.

Ngày 14 tháng 7  (21-8-1945)

Buổi sáng:

10 giờ: Cúng Phật.

12 giờ: Khóa Ngọ.

12 giờ rưỡi: Chúc thực.

Buổi chiều:

4 giờ: Tụng hội kinh Địa Tạng.

6 giờ: Niệm Phật. Khóa lễ Sám nguyện.

8 giờ: Ban Hộ niệm cầu nguyện siêu sinh cho gia tiên và vạn linh và giảng kinh. Có tặng kinh cho các vị đến dự lễ.

Ngày 15 tháng 7  (22-8-1945)

Buổi sáng:

8 giờ rưỡi: Chư Tăng làm lễ Tự tứ.

10 giờ rưỡi: Cúng Phật.

12 giờ: Khóa Ngọ lễ 48 nguyện.

12 giờ rưỡi: Chúc thực.

Buổi chiều:

4 giờ rưỡi: Đàn Mông Sơn phả độ Trận vong chiến sĩ và các âm hồn.

7 giờ rưỡi: Niệm Phật, lên khóa đại lễ nhiễu Phật.

9 giờ: Đàn quy ở trên chùa. Giảng kinh ở dưới Nhà giảng.

Nhưng, chương trình trên chưa kịp thực hiện thì Cách mạng tháng 8 đã bùng nổ. Báo Tinh Tiến số 23 ra ngày thứ bảy 8-9 và số 24 ra thứ bảy 15-9-1945, cho biết:

1. Ngày chủ nhật 19-8. Mới sớm tinh sương thành phố Thăng Long thức dậy với bộ mặt mới lạ. Các phố rộn rịp như một ngày hội. Trước nhà, cờ đỏ sao vàng treo san sát. Trên đường chi chít những cáo thị của Mặt trận Việt Minh hô hào dân chúng đi biểu tình bằng những khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh…

11 giờ 15 bắt đầu hành lễ, công chúng yên lặng 2 phút. Rồi đến lễ chào cờ có 3 phát súng lệnh. Khi lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên cao phấp phới trước khán đài, mọi người cùng ca bài Tiến quân ca.

2. 11 giờ 45 lễ tất. Đoàn Xung phong Việt Minh đã hoàn toàn lần lượt chiếm các công sở, đi đến đâu có đại biểu tiếp đón rất niềm nở, đồng thời chỗ nào cũng lượn lờ uốn khúc của ngọn cờ đỏ sao vàng, đua khoe lộng lẫy với màu sắc buổi chiều tà.

Các đoàn đại biểu đi diễu qua các phố mãi tới khi vừng ô đã tắt hẳn. Trong dòng người cuồn cuộn ấy, người ta nhận ra nhiều Tăng Ni, Phật tử. Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời. 

Ngày 20-8 (13-7 Ất Dậu) báo Đông Pháp đăng Lời hiệu triệu của Hội Phật giáo Việt Nam gửi Tăng Ni Phật tử cả nước:

“Ngày rằm tháng Bảy ta là ngày lễ quan hệ theo tục lệ nước nhà.

Bản Hội yêu cầu tất cả các chùa và đạo hữu đến 5 giờ chiều hôm ấy đều cùng làm lễ, trước tỏ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, sau là cầu siêu cho những người bị tai nạn về chiến tranh, tật dịch và đói rét vừa qua.

Bản Hội lại yêu cầu trong ngày lễ đó toàn thể các đạo hữu nên cầu nguyện cho nền độc lập của nước nhà được bền vững và lâu dài.

Buổi lễ cần phải giản dị và có tình thân, chỉ dùng hương hoa, không vàng mã và tổ chức những cuộc bố thí và phóng sinh.

Việt Nam Phật giáo hội”.

Chùa Quán Sứ ngày xưa 

Có thể coi “Lời hiệu triệu” này như một “Tuyên ngôn” của Hội Phật giáo Việt Nam, sớm nhất (chỉ một ngày sau khi chính quyền cách mạng giành được ở Hà Nội) khẳng định “lập trường” mục đích của giáo hữu, Phật tử Việt Nam.

Cũng ngày 20-8, sau khi tham gia cướp chính quyền tại địa phương (chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh) Thượng tọa Thanh Đặc và sư ông Pháp Không dẫn đội về đóng ở chùa Bà Đá, Hà Nội. Được sự giúp đỡ của Hòa thượng trụ trì Đỗ Văn Hỷ (Thanh Thao) đội Thanh niên Phật tử quân (thành lập ngày 15-8-1945) tuyển chọn thêm những Tăng Ni trẻ ở chùa Bà Đá, quân số lên tới hơn 50 người do sư ông Pháp Không và Pháp Lữ chỉ huy. Ngày đêm trong sân chùa Bà Đá anh em luyện tập côn quyền hoặc tập trung nghe cán bộ Việt Minh giảng giải về đường lối chính trị của cách mạng(1). 

Ngày 22-8 (15-7 Ất Dậu) hàng nghìn quần chúng ở khắp các làng bị ngập lụt lớn đã đi thuyền đến chùa Minh Khánh, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương dự mít tinh do chi bộ và huyện bộ Việt Minh tổ chức và ra mắt Ủy ban cách mạng lâm thời huyện(2).

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần chùa Bà Đá) gồm trên 100 nhà sư đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên... do Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ chủ trì, có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự. Hội nghị giơ cao tay nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ Việt Minh. Sau đó bàn bạc rồi quyết định thành lập một tổ chức của Phật giáo yêu nước lấy tên là Hội Phật giáo Cứu quốc. Một Ban chấp hành được bầu gồm 9 người do Hòa thượng Thanh Thao làm Chủ tịch, Thượng tọa Thanh Đặc và bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch(3).


Chùa Minh Khánh (Hải Dương)

Ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ra mắt quốc dân ngày 2-9-1945, tới ngày 01-01-1946 cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời) ký Sắc lệnh số 22 ấn định những ngày tết, kỷ niệm lịch sử và tôn giáo trong đó:

“Điều thứ nhất: Những ngày tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, ấn định trong bảng đính theo sắc lệnh này sẽ được coi là những ngày lễ chính thức.

Trong những ngày đại lễ ấy các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa, và sẽ cử nhân viên phụ trách công việc thường trực”.  

Với bản phụ đính kèm theo: Bảng kê những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo. Mục III: Những ngày lễ tôn giáo, điểm a. Phật giáo có: Sinh nhật Đức Phật Thích Ca ngày 8 tháng 4 âm lịch nghỉ 1 ngày; Trung nguyên ngày 15 tháng 7 âm lịch nghỉ 1 ngày; lễ Đức Phật thành đạo ngày 8 tháng 12 âm lịch nghỉ 1 ngày(4).

Nguyệt san Diệu Âm, cơ quan Truyền bá Phật pháp của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ(5), số 6 ra ngày 25-10-1946 ghi lại những hoạt động trong ngày lễ Trung nguyên năm 1946 của Phật giáo xứ Bắc như sau:

“Ngày 11 tháng 8 năm 1946 (15-7 Bính Tuất), nhân tết Trung nguyên, hồi  3  giờ  chiều  Hội  Phật giáo Cứu quốc cử một đoàn đến thăm các tù nhân tại Hỏa Lò. Mấy trăm oản chuối được phân cho trên 1.000 tù nhân. Trời đổ mưa như trút nước, viên Giám đốc đề nghị chia 2 đoàn đi thăm trại giam, trước khi ra về đoàn Phật giáo Cứu quốc lại gửi số tiền 100$ nhờ ban phụ trách thuốc thang cho các phạm nhân khi ốm.

Cùng ngày, Hội Phật giáo Cứu quốc lại đến thăm binh sĩ bị nạn tại Quân y Cục(6), tặng anh em binh sĩ bị nạn 200$. Chỉ huy Cục hướng dẫn các đệ tử Phật lần lượt đi thăm hết các buồng anh em bệnh nhân.

Một đoàn Hội Phật giáo Cứu quốc đến thăm và tặng quà anh em Trường nuôi trẻ nghèo Phổ Quang(7).

Nhân ngày tết Trung nguyên, ngày 15 tháng 7 năm Bính Tuất:

Các tín đồ Phật giáo Cứu quốc ngoại thành khu Đề Thám đã họp tại chùa Giáp Bát, có cả đại biểu Công giáo. Đại biểu Hội Phật giáo Cứu quốc Trung ương lên diễn đàn tỏ rõ “Lương giáo đoàn kết” được mọi người hoan nghênh.

Ở khu Lãng Bạc ngoại thành: 26 làng đã tổ chức cuộc mít tinh tại Thượng Thụy. Đại biểu khu bộ Phật giáo Cứu quốc lên diễn đàn hô hào lương giáo đoàn kết, có cả đại biểu Công giáo lên diễn đài nói về lịch trình giáo Gia Tô(8) hồi vua Tự Đức, các diễn giả đều được công chúng hoan hô.

Như vậy, dưới chính thể mới - dân chủ cộng hòa, ngày 15 tháng bảy âm lịch hằng năm tức Lễ Trung nguyên của Phật giáo được chính phủ công nhận là một trong ba ngày lễ Phật giáo và được nghỉ 1 ngày.

Nội dung của Lễ Trung nguyên những năm 1945-1946 nghiêng về những hoạt động từ bi (cầu siêu và thăm hỏi tặng quà những người bị tai nạn về chiến tranh, tật dịch, không may mắn) và kêu gọi lương giáo đoàn kết để ủng hộ chính quyền mới, cầu nguyện cho nền độc lập của nước nhà được bền vững và lâu dài.

Nét Vu lan-Báo hiếu cha mẹ chưa rõ, nhưng nét mới ở lời kêu gọi “Bản Hội yêu cầu tất cả các chùa và đạo hữu đến 5 giờ chiều hôm ấy đều cùng làm lễ, trước tỏ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên”.

 Phật giáo cũng không quên nhắc nhở các Tăng Ni Phật tử ủng hộ cuộc vận động xây dựng đời sống mới của Chính phủ: “Buổi lễ cần phải giản dị và có tình thân, chỉ dùng hương hoa, không vàng mã và tổ chức những cuộc bố thí và phóng sinh”.


(1) Vũ Nguyên Hồng, Từ Tùng lâm Văn Miễu đến chùa Bà Đá, báo Cứu quốc ra ngày 15-8-1975.

(2) Lịch sử kháng chiến chống Pháp huyện Thanh Hà, NXB Quân đội nhân dân, 1999.

(3) Theo báo Cứu quốc số ra ngày 15-8-1975.  Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết là Hội trưởng Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam thành lập ngày 23-12-1943.

(4) Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), NXB Tôn giáo, 2008.

(5) Nguyệt san Diệu Âm ra số đầu tiên ngày 8-5-1946, có trụ sở tại số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.

Chủ nhiệm: Nguyễn Thanh Chân. Chủ bút: Nguyễn Thanh Lai hiệu Tố Liên. Quản lý: Nguyễn Văn Thuận, hiệu Mật Chiếu.

Tháng 11 năm 1945, đại biểu Tăng già các tỉnh Bắc Bộ cùng đại biểu Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam và Hội Việt Nam Phật giáo họp và quyết nghị lập Ủy ban Tăng già Bắc Bộ trước khi đại hội nghị toàn quốc. Trụ sở Ủy ban đặt tại chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.

Chánh Chủ tịch: Thích Mật Ứng, chùa Quảng Bá, Hà Nội; Phó Chủ tịch: Tố Liên, chùa Quán Sứ, Hà Nội; Thư ký: Mật Chiếu, chùa Phổ Giác, Hà Nội.

Và 6 ủy viên (có 2 cư sĩ): Tài chính, Giám sát, Ban Nội, Ngoại vụ.

(6) Tức bệnh viện Đồn Thủy nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

(7) Trường vừa học (theo chương trình thế học, có giờ giảng giáo lý đạo Phật) vừa làm Phổ Quang do Hội Phật giáo Bắc Kỳ ủy nhiệm cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha và Ban Hộ niệm dựng năm 1944, tại Quán Bún thuộc làng Mọc Thượng Đình bên đường xe điện (cây số 7) Hà Nội - Hà Đông, nay thuộc thuộc phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

(8) Giáo Gia tô tức đạo Thiên chúa.

 

Tài liệu tham khảo

1. Báo Tinh Tiến ra tháng 8-10 năm 1945.

2. Báo Đông Pháp ra ngày 20-8-1945 (13-7 Ất Dậu).

3. Nguyệt san Diệu Âm từ số 1-6 ra năm 1946.

4. Báo Cứu quốc  ra ngày 15-8-1975.

5. Lịch sử kháng chiến chống Pháp huyện Thanh Hà, NXB Quân đội nhân dân, 1999.

6. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), NXB Tôn giáo, 2008.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6568087