LỄ VU LAN - RẰM THÁNG BẢY
VỚI NHỮNG CHUYỆN XƯA CÒN HỤT HẪNG
DƯƠNG KINH THÀNH
Mục Liên - Thanh Đề theo dân gian
Mỗi năm, đến ngày rằm tháng bảy âm lịch cũng là ngày lễ Vu Lan, ý nghĩa ngày lễ lớn này trong Phật giáo ai cũng đều biết và thực hiện đầy đủ theo truyền thống xưa nay. Dựa vào nếp sống thuần nông và lệ thường dân gian, ngày xưa ai cũng gọi đó là ngày rằm tháng bảy. Bên cạnh đó còn có tên gọi khác nữa là ngày xá tội vong nhân. Vì vậy mới có câu ca dao:
“Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Có lẽ do điều kiện hoằng pháp thời trước còn nhiều hạn chế nên ý nghĩa lễ Vu Lan chỉ dừng lại nơi đó, và người ta chỉ biết rằng đó là cái ngày tất cả tội nhân dưới âm phủ đều được xá tội! Kế sau tiếp đó nữa là tích truyện “Mục Liên Thanh Đề” với nội dung đơn giản là ngài Mục Liên thấy mẹ đói khổ dưới địa ngục, nên vì lòng hiếu thảo phải xuống tận đấy cứu vớt. Đến thời đại tiên tiến ngày nay, tất cả đều được giảng giải chuyên sâu và người ta đã hiểu thêm một bước dài đáng kể vế ý nghĩa ngày lễ này, nhờ rất nhiều vào các phương tiện truyền thông và được tận dụng một cách hữu hiệu. Từ đó, nương theo đà phát triển trên con đường hoằng hóa mới, chúng ta đã có thêm một lễ cài hoa hồng để rồi cái tên mới cũng được ra đời kèm theo là Lễ Vu Lan Báo Hiếu. Xem ra cách gọi mới này, đáp ứng được nhiều giới trong xã hội, chú ý hướng về, dần dà cụm từ Ngày Rằm Tháng Bảy, Ngày Xá Tội Vong Nhân đều được thoát khỏi cách nghĩ xưa cũ, tô điểm cho diện mạo Phật giáo thêm một hình thái mới, khởi sắc hơn.
Nếu nhẫm tính không lầm thì ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu - Lễ cài Hoa Hồng đã có mặt và tồn tại hơn nửa thế kỷ rồi. Thời gian so với mật độ phát triển dân cư, các mặt đời sống, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, thì thời gian đó thật rất đáng kể; và nếu không cường điệu, thì cũng có thể cho rằng hoằng pháp Phật giáo chúng đã thành công nhờ phương pháp tùy thuận chúng sanh này có hiệu quả.
Tuy nhiên, thật tình mà nói dường như Phật giáo chúng ta vẫn chưa đi theo kịp đà phát triển của công nghệ thông tin, cũng như chưa tận dụng hết những điều kiện sẵn có trong tay để phát triển, hoằng dương chánh pháp. Nói một cách khác, có khi sự thành công cũng đôi khi bị cảm lạnh do cơn gió tự mãn trần gian ùa vào tác động. Trong khi còn rất nhiều vấn đề, chỉ riêng khía cạnh hoằng pháp, mang tính lịch sử chưa được Phật giáo chúng ta gỡ lần ra từng ý nghĩa. Ngoại trừ một số ít Phật tử thường xuyên đến chùa bái sám, có tìm hiểu về các điển tích Phật học, thì còn lại số người tuy lễ bái, sám tụng rất giỏi, nhưng để bước thêm một bước, tìm hiểu thêm hơn thì hầu như không nhiều.
Trước đây, cụm tiêu đề “Vu Lan Bồn” hay “Vu Lan Thắng Hội” thường được treo trước cổng chùa mỗi mùa Vu Lan tháng bảy, cũng được các nhà hoằng pháp lưu tâm, cố gắng giảng giải rất nhiều, nhưng cũng chỉ có kết quả khiêm nhường. Khi hỏi bất chợt một Phật tử nào đấy, thì thường chỉ được nghe trả lời trong ngại ngùng: “Để có dịp thưa lại quý Thầy xem sao”! Ngày trước, cụm từ còn mang nặng ảnh hưởng Hán tự này thường được xuất hiện trước cổng chùa như là một tiêu chí ý nghĩa duy nhất cho ngày lễ Vu Lan, ngày rằm tháng bảy. Đó là lý do để quý thầy phải giảng giải nhiều về ý nghĩa đó. Về sau, cụm từ ấy được, thay “Kính Mừng Đại Lễ Vu Lan” hoặc “Lễ Vu Lan Báo Hiếu”, người dân bình thường cũng dễ hiểu hơn.
Ngoài kinh tụng, giáo lý ra, công hạnh đại hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên còn được biết nhiều hơn qua câu chuyện “Mục Liên – Thanh Đề”.
Những ai từng có đọc qua sử Phật đều biết Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong 10 vị đại đệ tử của đức Phật, mỗi vị đều có một công hạnh thực hành trên con đường tiến tu giải thoát. Qua đó, Tôn giả Mục Kiền Liên được biết là Đệ nhất thần thông. Chính do nương nhờ công năng tu định thần thông này, trong những khi đi sâu vào thiền định, Tôn giả đã biết được do nghiệp lực quá nặng của thân mẫu khó có đường giải thoát. Đem nỗi ưu tư ấy Ngài bạch lại đức Thế Tôn để nhờ Phật dạy cho phương thức cứu độ. Kinh Vu Lan được ra đời từ nhân duyên ấy. Và trong quá trình hóa đạo qua Tôn giả A Nan (Đệ nhất đa văn) bộ kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân cũng được có mặt cho hàng tứ chúng đọc tụng, thực hành cho đến hôm nay.
Vài dòng khái lược một bộ kinh, một câu chuyện mọi người ai cũng biết như vậy để chúng ta đặt một chân lui ngược về thời gian trước, khi các phương tiện truyền thông còn ở rất xa mong muốn trong sự nghiệp hoằng pháp của PGVN chúng ta. Đó là câu chuyện “ Mục Liên – Thanh Đề” mà qua những bước học Phật ban đầu, nhất là sự lan truyền trong dân gian rộng rãi, ai cũng đều một lần có nghe qua. Qua nhiều lần trao đổi với các đạo hữu thân cận, nhiều vị cho đó là một bước thành công trong sự nghiệp hoằng pháp của chư tiền bối ngày trước. Thiết nghĩ, nhận dịnh đó không có gì sai, nhưng theo chúng tôi, sự thành công đó còn chưa hoàn hảo khi mà một câu chuyện được kể ra đầu đuôi xuyên suốt, có hậu như vậy thật ra được lắp ghép từ nhiều nguồn kinh điển và lịch sử Phật giáo lại mà có. Nghe qua câu chuyện này, người thật tâm tiến tu thì ít nhưng người oán trách giới tăng sĩ trong truyện thì nhiều; thậm chí, nhiều người còn cho rằng sở dĩ bà Thanh Đề gây nên tội trọng lớn như vậy nguyên do cũng từ vị tăng thiếu đức độ, non tu chứng trong ngôi chùa khi ấy gây nên!
Những ai có tiếp cận và tìm hiểu ít nhiều về sử Phật hay cũng có đọc tụng nhiều bộ kinh, cũng đều dễ dàng nhận ra rằng câu chuyện được lắp ghép nhiều nhất ở phần đầu là từ bộ kinh “Mục Liên Sám Pháp” (Phúc Tuệ - Quảng Độ dịch). Tên các nhân vật chính trong bộ kinh sám này có hơi hướng rất Trung Hoa như ông Trưởng giả - Phó tướng, bà Thanh Đề có họ Lưu - Lưu Thanh Đề và đặc biệt người con trai của hai người là công tử La Bốc! Có rất nhiều ý kiến cho rằng bộ kinh sám này có xuất xứ từ Phật giáo Trung Hoa. Nội dung ở đây là những yếu tố phước báu từ nhiều tiền kiếp trước của chính bà Lưu Thanh Đề và công tử La Bốc (chỉ Tôn giả Mục Kiền Liên), không được phân tách và giảng giải kỹ lưỡng hơn. Đến kiếp hiện tại, tức khi công tử La Bốc đã quy y xuất gia với Phật, dùng thần thông soi rọi khắp chốn địa ngục mới thấy mẹ mình đang thọ khổ đã từ rất lâu. Tuy bà Lưu Thanh Đề cùng chồng là ông Phó tướng dâng cúng chén nếp, bị lời nói xúc xiểm của vị tăng nọ nên đập đổ xuống đất, gây nên tội lớn. Ít ai được giảng giải tường tận, rõ ràng rằng chính nhờ phước báu vào sự thành tâm cúng dường ấy mà nhiều đời sau bà Thanh Đề được hưởng giàu sang phú quý. Chính khi được hưởng phước báu như vậy, nhưng do túc căn thù ghét tăng chúng, như lời nguyền ở kiếp đập đổ chén nếp khi xưa, chưa dứt nên bà tái sanh tâm hãm hại, gây thêm nghiệp quả nặng nề. Thế là phước thì đã hưởng, nhưng tội xưa cộng vào tội nay đã đến hồi phải trả. Chúng ta chưa biết rõ rằng cho đến khi Tôn giả Mục Kiền Liên thành tựu công quả, dùng thần thông tìm mẹ là bao nhiêu lâu, chỉ biết qua nhiều kiếp nối nhau đó, khi lời nguyện mãi làm con của bà Thanh Đề chưa dứt (Đối nghịch với lời thề nguyền độc của mẹ mình, thì công tử La Bốc cũng buông lời phát nguyện, “sẽ làm con bà mãi, khi bà phá tăng hại chúng thì con nguyện tu hành, khi bà làm chuyện ác thì con chuyên làm việc thiện”- Phải chăng chính hai lời nguyền của hai thái cực đối nghịch như vậy, nên các nhà hoằng pháp xưa đã kết nối thành một câu chuyện, như đã nói, cho đồ chúng dễ thông hiểu?).
Nói tóm lại, câu chuyện “Mục Liên – Thanh Đề” được kết nối lại với nhau bởi nhiều câu chuyện từ túc duyên tiền kiếp, tạo thành mối dây liên kết nhằm nêu cao thêm và khẳng định chân lý nhân quả , luân hồi của Phật giáo. Nhưng do từ ban đầu, chúng ta không chú ý đến từng thành phần thính chúng khác nhau, để có thể tùy nương theo đó có cách diễn bày phù hợp, nên đã để tâm ý mọi người tự do bay bổng, gây tác dụng ngược, làm ảnh hưởng đến hình ảnh tăng sĩ Phật giáo không ít? Ngày nay, khi các phương tiện truyền thông đang trở thành công cụ, hỗ trợ hoằng pháp cho Phật giáo chúng ta rất lớn, chỉ lo là không theo kịp thì đáng tiếc lắm. Khi đó, cũng có thể là mong mỏi của chư Tổ sư hay các nhà hoằng pháp xưa, tin tưởng và trao tận tay Phật giáo chúng ta ngày nay rất nhiều thuận duyên mà chưa có thời nào được thuận lợi và hanh thông đến vậy.
Vu Lan P.L 2568 - 2024
Bình luận bài viết