Thông tin

LỊCH SỬ VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH BA LOẠI HÌNH ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG

LỊCH SỬ VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH

BA LOẠI HÌNH ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc tới Nam qua vùng miền Trung nhỏ hẹp. Trên ba miền Bắc – Trung – Nam đều có những loại hình âm nhạc truyền thống mang tính chất đại diện, tượng trưng cho xứ sở, như Ca trù miền Bắc, Ca Huế miền Trung và Đờn ca Tài tử miền Nam.

Ca trù phủ sóng trên vùng đồng bằng Bắc Bộ, Ca Huế lọt giữa vùng miền Trung, còn vào đến vùng Nam Bộ sông nước mênh mông, Đờn ca Tài tử xuất hiện khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với diện mạo, sắc thái đa dạng nhờ kế thừa thành quả của cả tiến trình văn hóa, lịch sử dân tộc. Sự hình thành, phát triển ba loại hình âm nhạc thính phòng truyền thống này không chỉ gằn liền với tiến trình lịch sử mà còn thể hiện đặc điểm, tính chất vùng miền, qua đó tạo nên sự nhất trong đa dạng. Nói cách khác, chúng ta có thể nhìn lịch sử Việt Nam qua lăng kính của ba loại hình âm nhạc.

1. Ca trù

Ca trù là loại hình âm nhạc cổ truyền thính phòng có tư cách lịch sử lâu đời cùng địa vị trọng yếu trong nền âm nhạc dân tộc. Ca trù có độ phủ sóng rộng, có mặt tại 16 tỉnh, thành, vào đến tận địa đầu miền Trung là Nghệ An, Quảng Bình. Tuy nhiên, khu vực trung tâm của Ca trù chủ yếu nằm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, Ca trù được biết đến như một loại hình nghệ thuật mang tính chất giải trí, bảo thủ nghi thức truyền thống. Theo thư tịch, đây vốn là loại hình nghệ thuật nghi lễ tổng hợp, kết hợp giữa thi ca, âm nhạc, múa và hoạt động nghi lễ. Hình ảnh nghệ thuật Ca trù hiện tại chủ yếu đóng khung vào ba nhân vật trung tâm là ca nương, kép đàn và “quan viên” với biên chế bộ ba, gồm: phách, đàn đáy và trống chầu. Tất cả cùng nhau tôn vinh giọng hát. Cái tên Ca trù sau khi được vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng có cơ hội trở thành thuật ngữ âm nhạc gắn liền loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, trong quá khứ, Ca trù không phải là một danh từ phổ biến. Theo nghiên cứu của Nguyễn Tô Lan, Ca trù là tên gọi phổ biến ở Thanh Hóa, còn ở Hà Nội xưa gọi là hát Ả đào, hát Cô đầu. Bên cạnh đó, điều  đáng lưu ý, có rất nhiều loại hình nghệ thuật cùng chủng loại, nhưng khác tên gọi, như hát Quan họ, hát Cửa phủ, hát Cửa đình, Cửa chúa, Hát nhà tơ (hay nhà ty), Hát nhà trò…

Theo “Việt Nam Ca trù biên khảo” của hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Ca trù ra đời vào thời nhà Lý. Một chi tiết khác gắn với sự tích cô Đào hát làng Đào Xá, tỉnh Hưng Yên lập mưu giết giặc Minh cuối đời nhà Hồ (thế kỷ XV), sau khi chết được dân làng lập đền thờ, xưng tụng làm tổ hát Ả Đào. Làng Đào Xá cũng gọi là thôn Ả Đào. Tới đời nhà Lê (thế kỷ XV) có Đinh Lễ, người làng Cổ Đạm, tỉnh Hà Tĩnh chế tác ra cây đàn đáy, một trong bộ ba quan trọng của nghệ thuật Ca trù. Như vậy, nghệ thuật Ca trù đã ra đời trên nền tảng của một nhà nước Việt Nam khởi nguồn vào thời Lý và định hình vào thời nhà Lê.

Dựa vào môi trường diễn xướng, hát Ca trù gắn với nhiều tên gọi liên quan, như: Hát cửa đình, cửa phủ, cửa chúa, cửa quan, cửa quyền… Dựa vào mục đích, có hát thờ cúng, hát thi, hát giải trí; dựa vào đối tượng, có hát phục vụ thần linh, tầng lớp quan lại, quần chúng nhân dân, trong đó đa số tập trung vào thành phần trí thức. Như vậy, xoay quanh Ca trù có tầng tầng lớp lớp tên gọi khác nhau, nếu bóc tách từng tiết mục liên quan có thể thấy phần nào đường hướng phát triển thể loại này, đồng thời phát hiện diện mạo xưa, ít nhất không hoàn toàn giống như ngày nay.

Khi hát Ca trù gắn với Hát cửa đình, tự nhiên có nhiều nét tương đồng với Hát xoan (cũng là một thể loại hát nghi lễ), từ đó cho thấy cùng một thể loại âm nhạc có tính trình thức, giống các tiết mục khoa nghi trong âm nhạc nghi lễ (Phật giáo, Đạo giáo), có động tác (múa) phụ họa hay tham gia, hỗ trợ, như lễ đình. Điều đó giải thích tại sao, hát Ca trù lại có tên gọi nguyên ủy là hát Cửa đình.

Vào đến trong Nam, nhạc lễ đình không còn gọi là hát Cửa đình hay Đình môn khúc, Đình môn ca, nhưng tại đây, bóng dáng hát Cửa đình vẫn phảng phất trong tiết mục “Đào thài”. Và tên gọi Đào thài hẳn đã nói lên mối quan hệ nào đó với Đào nương?! Lối hát của đào thài thể hiện theo phong cách hát nói. Nếu chúng có liên quan với nhau, “Đào thài” chính là mảnh hóa thạch của “Hát cửa đình” di trú vào Nam và nằm yên trong âm nhạc cúng đình.

So với khoảng thời gian dài nương nhờ thiết chế đình làng, thể hiện qua dạng thức của một loại hình âm nhạc phục vụ nghi lễ, hát Ả đào, hát Cô đầu, kể cả sau này là Ca trù vẫn phát triển theo đà đô thị hóa, hoạt động thương mại, dịch vụ. Những Kỹ quán mọc lên nhan nhản tại các thành phố sầm uất, như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên… hồi cuối thế kỷ XIX, đầu XX là bằng chứng sống động cho hoạt động âm nhạc bắt đầu bám rễ vào sinh hoạt đô thị. Sau này, cũng như hiện nay, Ca trù không còn giới hạn không gian mang tính chất tư dinh, tư gia, mà hoàn toàn mang diện mạo của loại hình nghệ thuật giải trí, bước lên sân khấu hiện đại, kết hợp với các dòng nhạc hiện đại.

Nhìn vào quá khứ để thấy mặt thay đổi của Ca trù, nhìn vào hiện tại để thấy đường hướng phát triển trong tương lai và trên mỗi chặng chặng đường đều ẩn hiện lớp vỏ văn hóa, thời gian của phôi phai.

 

 

2. Ca Huế

Ca Huế là một trong những thể loại âm nhạc hiếm hoi lấy tên địa phương đặt cho thể loại âm nhạc, từ đó cho thấy vùng phát tích hay nói đúng hơn, vùng văn hóa của Ca Huế chính là cố đô Huế, mảnh đất thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay. So với Ca trù, Ca Huế không duy trì tính chất của một loại hình âm nhạc gắn với nghi lễ, mặc dù vẫn bảo lưu tính chất nghi thức nghiêm ngặt, nhưng Ca Huế tuyệt nhiên không phải là một thể loại âm nhạc tín ngưỡng. Nó mang màu sắc thanh tao của loại hình nghệ thuật dùng tiếng đàn, tiếng hát thay cho tiếng lòng. Giới quyền quý triều Nguyễn là chủ nhân hay truyền nhân của loại hình âm nhạc đặc biệt này. Cũng khác với Ca trù có lịch sử co giãn, ở Ca Huế, người ra có thể thiết lập một đường biên cụ thể. Đó là thời điểm công chúa Huyền Trân gả cho Chế Mân (Java Sinhavaman III) quốc vương Chiêm Thành vào năm 1306. Đây là một mốc thời gian cụ thể để cho ca Huế khu trú. Ca khúc “Nước non ngàn dặm” tương truyền do Huyền Trân sáng tác trên đường đến Chiêm Thành. Sự kiện công chúa Huyền Trân đi lấy chồng xa tuy đóng góp rất ít ỏi cho sự hình thành của ca Huế xét trên thực thể của loại hình âm nhạc, nhưng đã mở màn cho tiến trình văn hóa của người Việt trên đường hướng vào Nam. Nó chính là khúc dạo đầu mang tên Nam tiến trong lịch sử dân tộc. Tuy là một giả thuyết có ít giá trị về mặt học thuật, nhưng hẳn không vì thế mà suy giảm ý nghĩa văn hóa ẩn chứa đằng sau sự kiện này. Nhờ cuộc hôn nhân của Huyền Trân – Chế Mân mà bờ cõi nước ta đã mở ra về phương Nam và không ngừng mở rộng cho đến thời nhà Nguyễn.

Khác với Ca trù miền Bắc, Ca Huế thể hiện mức độ tiếp biến, giao lưu văn hóa giữa vùng miền Bắc và miền Trung, người Việt và người Chăm. Thông qua giao lưu, tiếp biến văn hóa, chúng ta đã gián tiếp ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Xuất phát từ âm nhạc Lâm Ấp (Champa) thời cổ chính là dòng trực hệ của âm nhạc Ấn Độ, theo nhận định của nhà nghiên cứu âm nhạc Nhật Bản Keishibe. Bằng bước chân xê dịch, người Việt đã tạo tiền đề cho quá trình Nam tiến và điểm dừng chân cuối cùng chính là vùng đất Nam Bộ với nghệ thuật Đờn ca Tài tử.

Như vậy, năm 1306 là một cột mốc không thể vượt qua của nghệ thuật Ca Huế. Theo nhiều nghiên cứu, Ca Huế ra đời vào khoảng từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, thời Tự Đức (1847-1887) phát triển cực thịnh. Đối với loại hình âm nhạc thính phòng, nó cần tới điều kiện vật chất để nương nhờ. Như vậy, để Ca Huế có thể tồn tại, phát triển, nền tảng của nó chính là các công trình kiến trúc văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn mà đối tượng chủ thể bấy giờ là tầng lớp quý tộc cung đình. Từ thế kỷ XVII đến XVIII, các thiết chế văn hóa cung đình được xây dựng một cách quy mô. Nó cho phép loại hình nghệ thuật Ca Huế có cơ sở tồn tại, đồng thời từng bước định hình thói quen thưởng thức trong đời sống văn hóa.  

Theo những gì có thể kiểm chứng được bằng âm thanh, diện mạo của Ca Huế khác hoàn toàn với Ca trù, tuy cũng có cùng cách định danh khá gần gũi nhau, nhưng ngôn ngữ âm nhạc của hai thể loại này muôn vàn xa cách. Ca Huế gắn bó mật thiết với âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Nhìn vào hệ thống bài bản cho thấy Ca Huế và Tiểu nhạc có nhiều mối tương đồng. Nếu như Ca trù không tách rời hát, nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc thì ở Ca Huế, có cả ca và nhạc và đã đạt đến mức độ độc lập, người ta có thể đàn mà không cần ca. Đây chính là cơ sở cho Đờn ca Tài tử kế thừa, trở thành một thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam duy nhất đề cao tính chất hòa đàn, hòa tấu nhạc khí, chứ không còn bó chặt vào nghệ thuật ca hát truyền thống.

 

 

3. Đờn ca Tài tử

Đờn ca Tài tử ngay từ đầu đã xuất hiện với sự đổi mới về tên gọi, cũng như phương thức biểu hiện. Nó không chỉ có ca mà còn có thêm yếu tố đàn (nhạc). Cả hai loại hình thính phòng miền Bắc và miền Trung mới dừng lại ở yếu tố Ca, dù rằng đàn và nhạc vẫn hiện hữu với vai trò vô cùng quan trọng, nhưng vào đến miền Nam, yếu tố (đàn, đờn – nhạc) trở thành tên gọi của một thể loại âm nhạc đặt trong mối quan hệ đối trọng, đồng đẳng với ca. Đối với một dân tộc ưa thích ca hát như Việt Nam, đây là một yếu tố mang tính đột phá, mới mẻ, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật diễn tấu, hòa đờn.

Đờn ca Tài tử khởi nguồn từ cái nôi của nhạc Huế từng phát triển rầm rộ tại Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX. Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra ba nguồn gốc chính của Đờn ca Tài Tử Nam Bộ, gồm có nhạc lễ Đình, nhạc Huế (phong cách Quảng) và Dân ca Nam Bộ. Tới đầu thế kỷ XX, về cơ bản, Đờn ca Tài tử Nam Bộ đã định hình phong cách, hệ thống bài bản, biên chế nhạc cụ… Bên cạnh đó, Đờn ca Tài tử còn ảnh hưởng nhạc Hoa, âm nhạc phương Tây qua bài bản, hệ nhạc khí… góp phần tạo nên tính chất đa dạng.

Xoay quanh phong trào Đờn ca Tài tử, có một câu hỏi liên quan đến hiện tượng thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc của người Việt. Từ Đờn ca Tài tử trở về trước, người Việt nói chung có sở thích nghe hát. Vậy, yếu tố nào đã khiến cho họ chuyển hướng hoặc chí ít bổ sung thêm nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hòa tấu nhạc đàn? Một loại hình nghệ thuật mới ra đời không thể thiếu vắng nền tảng văn hóa trong thói quen thưởng thức của người dân. Trước Đờn ca Tài tử, người Việt chưa từng có thói quen thưởng thức nhạc đàn. Các loại hình hòa tấu nhạc đàn trong thiết chế văn hóa truyền thống đa số nhằm phục vụ thần linh, nghi lễ. Nói cách khác, chúng không phải loại hình nghệ thuật dùng để thưởng thức. Cú hích nào đã làm thay đổi thói quen truyền thống? Có lẽ, sự du nhập của nhạc Hoa và âm nhạc phương Tây đã tạo nên những thay đổi về thị hiếu trong văn hóa thưởng thức của người Việt. Nhạc Hoa, gồm nhạc Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến… và nhạc Nhà thờ, nhạc kèn đồng, nhạc phim phương Tây từng du nhập ồ ạt vào Nam Bộ những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX. Nhạc Hoa, nhạc phương Tây đều phân lập thành hai bộ phần nhạc hát, nhạc đàn, trong đó, bộ phận nhạc đàn mang tính chất tự trị, có khả năng diễn tấu độc lập với công năng giải trí. Các nhóm nhạc Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Pháp… đã tạo nên ảnh hưởng làm thay đổi xu hướng thưởng thức của người Việt. Sau khi thời gian qua đi, nhiều tác phẩm, âm điệu nhạc Hoa, nhạc khí phương Tây đã ở lại trong Đờn ca Tài tử.

 

 

4. Kết luận

Theo tiến trình lịch sử, nhà Lý đóng đô tại Thăng Long (Hà Nội) thế kỷ XI, Lê Lợi khởi nghĩa ở Thanh Hóa thế kỷ XV, các chúa Nguyễn tiến vào đất Phú Xuân, Thuận Hóa thế kỷ XVI, phong trào Tây Sơn diễn ra tại Bình Định thế kỷ XVIII và tới triều Nguyễn thế kỷ XIX, bản đồ nước ta mở rộng tới đất Gia Định. Như vậy, vùng đất Nam Bộ chính là hệ quả của toàn bộ tiến trình lịch sử. Trên mỗi chặng đường lịch sử, không chỉ lưu dấu bằng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội mà còn có cả hoạt động văn hóa, nghệ thuật với sự xuất hiện ba loại hình âm nhạc thính phòng cổ truyền mang tính đại diện cho ba miền đất nước.

Ba thể loại âm nhạc thính phòng cổ truyền là Ca trù, Ca Huế và Đờn ca Tài tử trước năm 1975 từng đưa vào giảng dạy trong Khoa Quốc nhạc, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Ngôi trường này thành lập năm 1956, tức cùng một năm với Trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội. Với việc tuyển chọn ba bộ môn nghệ thuật cổ truyền thính phòng mang tính đại diện, tượng trưng cho ba miền đất nước đưa vào khoa Quốc nhạc, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn đã thiết kế chương trình dựa trên cơ sở tích hợp, tổng hợp tinh hoa văn nghệ ba miền đất nước. Nó cho thấy, đường hướng giáo dục của ngôi trường này thời bấy giờ đã rất tiến bộ, đồng thời thể hiện tính hệ thống trong giáo dục âm nhạc dân tộc. Lịch sử đất nước đã in hằn lên sự hình thành, phát triển của ba bộ môn nghệ thuật này, rồi từ đó lấy làm căn cứ cho bộ khung chương trình đưa vào giảng dạy trong trường âm nhạc chuyên nghiệp. Rất tiếc, mô hình trên đã không được bảo lưu sau năm 1975. Nhìn lịch sử qua lăng kính ba loại hình nghệ thuật Ca trù, Ca Huế và Đờn ca Tài tử cho thấy tinh hoa văn hóa âm nhạc từng miền đất nước. Chúng là nền tảng để các thế hệ kế tiếp không ngừng kế thừa, phát huy trong hoạt động thực tiễn cũng như bối cảnh văn hóa thời hiện đại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6784549