LIÊN TÔNG PHÁP NGỮ1
MINH NGỌC dịch
1- Đại sư Thiện Đạo dạy: “Nếu người muốn mau được vãng sinh thì phải phát khởi tâm tu trì không gián đoạn. Đó là cung kính lễ bái, khen ngợi xưng danh, nhớ nghĩ quán sát, hồi hướng phát nguyện, tâm tâm nối nhau, không để việc khác làm gián đoạn. Lại nữa, nếu người tu hành khởi lên tâm tham, sân, si thì hễ vừa phạm liền sám hối, không để cách ngày cách đêm, thường khiến cho thanh tịnh, cũng gọi là tu không gián đoạn. Nếu có thể hết đời thề không bỏ dở nửa chừng thì quyết định được vãng sinh.
Phàm người sắp chết, muốn sinh Tịnh độ, thì phải không được sợ chết, thường nhớ nghĩ thân này nhiều khở, duyên ác, bất tịnh… các thứ chất chứa trói buộc, nếu được bỏ thân cấu uế này siêu sinh Tịnh độ, thọ vô lượng vui sướng, giải thoát nẻo khổ sinh tử thì thật là việc xứng ý. Như cởi chiếc áo xấu dơ thay chiếc áo tốt quý, buông bỏ thân tâm, không sinh quyến luyến. Vừa bị bệnh tật liền nghĩ đến vô thường và nhất tâm đợi chết, nên dặn người nhà và người đến thăm bệnh tới trước mặt mình thì vì mình niệm Phật, không được nói chuyện linh tinh hiện tại và những việc xấu tốt trong nhà, cũng không cần dùng lời mềm mỏng an ủi, chúc nguyện an vui, tất cả những việc ấy đều là hư vọng vô ích. Nếu bệnh nặng sắp chết, những người thân thuộc không được rơi lệ khóc lóc, cất tiếng than thở sầu não, làm hoặc loạn tâm thần, khiến người ấy mất đi chánh niệm, chỉ cần bảo chuyên nhớ niệm Phật A-di-đà giữ cho đến khi tắt thở. Nếu người ấy đã hiểu rõ về Tịnh độ, chuẩn bị sách tấn thì thật là may mắn. Nếu áp dụng cách này thì chắc chắn vãng sinh, không còn nghĩ ngợi nghi ngờ gì nữa. Cánh cửa chết là việc lớn, phải tự mình cố gắng mới được. Một niệm sai lầm nhiều kiếp chịu khổ, ai là người thay thế. Hãy suy nghĩ! Suy nghĩ!
2- Đại sư Hoài Cảm dạy: Pháp niệm Phật trong thất (phòng) tối chắc chắn không có trong Thánh giáo, nhưng người mới học ở trong thất tối ngưng hẳn các việc thấy nghe, tâm xả bỏ các duyên và chuyên nhất niệm Phật, thực hành như vậy dễ thành Tam-muội. Cho nên, người thế gian muốn suy nghĩ việc khó, chưa được hiểu rõ, thì loạn tưởng khó thành. Ở một mình trong thất, hoặc nhắm mắt không thấy gì, nhờ đây được điềm tĩnh việc tư duy được thành. Ở đây cũng như thế, mà bọn người không học đối với việc nầy sinh nghi ngờ, còn người đã từng tu tập thì xem đây rất quan trọng.
3- Từ Chiếu Tông Chủ dạy: Phàm người niệm Phật trước phải phát tâm, muốn thoát khỏi sinh tử vãng sinh Tịnh độ, phải lấy đại nguyện của chính mình làm chủ ý, thường phải niệm Phật, sớm tối chuyên tâm lễ bái Phật A-Di-đà. Như chầu Đế Vương hai thời không mất, mỗi ngày mỗi gần tâm miệng tương ưng với Phật, cách Phật không xa, miệng niệm, tâm tưởng, tâm nguyện thấy Phật, phát nguyện sâu nặng, quyết tin không nghi, lâu ngày chày tháng công phu thuần thục, Tam-muội tự nhiên thành tựu, lúc mạng chung được Đức Phật Di-đà tiếp dẫn, Tịnh độ hiện ra trước mắt, lại nguyện trong hiện đời thường gặp thiện tri thức, không gặp thầy tà kiến, không mê hoặc tâm mình, không sinh tâm lười biếng. Nếu cũng niệm Phật như vậy, tin sâu phát nguyện, ba thứ Tín, nguyện, hạnh không thiếu. Khi lâm chung thấy Phật tức chẳng Phật từ bên ngoài đến, đều là do tâm hiển hiện, cũng như hạt giống ở trong đất lúc gặp mùa xuân liền nẩy mầm, đâu phải từ ngoài đến, đều là từ trong đất sinh ra. Người tu hành đời nay cũng giống như vậy, tín, nguyện, niệm Phật được thâu nạp vào đất tâm Bát thức, lúc sắp qua đời phát hiện ra cõi Tịnh độ của đức Di-đà tức chẳng phải từ bên ngoài đến, mà đều từ tâm mình xuất hiện ra.
4- Đại sư Ưu Đàm dạy: Vừa bị bệnh tật việc chính đầu tiên là thân tâm phải thanh thản, chớ sinh nghi ngơ, lo lắng, chỉ việc thân ngồi ngay thẳng, mặt nhìn về phương Tây chuyên tâm tưởng niệm đức Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Thế Chí và các hóa Phật hiện ở trước mắt, nhất tâm xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, tiếng trước tiếng sau không dứt, đối với tất cả các việc thế gian không được suy nghĩ, không được tham luyến; hoặc tâm khởi lên ý niệm: Chỉ mau xưng niệm danh hiệu Phật, trong mỗi một niệm diệt trừ tội chướng, chỉ một niệm này chắc chắn được vãng sinh Tịnh độ. Nếu mạng chưa dứt thì tự được an ổn, thận trọng chớ để vọng niệm khởi tâm lưu luyến thế gian; sẽ còn thì tự nó còn, sẽ chết thì phải chết, có một việc là cầu được vãng sinh, đâu còn lo nghĩ, nghi ngờ gì. Nếu hiểu được lý này, như được cởi chiếc áo xấu, mặc chiếc áo đẹp, bỏ ngay thân phàm liền bước lên Thánh địa, há chẳng vĩ đại hay sao?
5- Đại sư Tử Bách dạy: Tâm niệm Phật chân thật hay không chân thật, xét cho cùng chỉ dựa trên thủ chứng ở trong hoan hỉ, phiền não mà biết, tâm thật giả ắt có thể phân biệt rõ ràng. Đại để người tâm chân thật niệm Phật ở trong hoan hỷ, phiền não hẳn nhiên niệm niệm không xen hở; đó là vì phiền não cũng không làm loạn động người được, hoan hỷ cũng không làm loạn động người được. Hai thứ đó đã không thể loạn động thì trên cảnh giới sinh tử không còn sợ hãi, có thể thản nhiên ở yêu ghét, không còn mê muội ở một câu A-di-đà Phật này, mà người này hiện tiền áp dụng thường ngày, không được thọ dụng, lâm chung không được vãng sinh Tây phương, thì cho lưỡi của tôi sẽ bị vữa nát.
6- Đại sư Ngẫu Ích dạy: Nếu thật sự có thể niệm Phật, buông bỏ thân tâm thế giới tức là đại bố thí, thật sự có thể niệm Phật không còn khởi tham sân si tức đại trì giới, thật sự có thể niệm Phật không, chấp thị phi, nhân ngã là đại nhẫn nhục, thật sự có thể niệm Phật không chút gián đoạn xen tạp là đại tinh tấn, thật sự có thể niệm Phật không còn rong ruổi theo vọng tưởng là đại thiền định, thật sự có thể niệm Phật không bị hý luận khác mê hoặc là đại trí tuệ. Thử kiểm điểm mình, nếu đối với thân tâm thế giới vẫn chưa buông bỏ được, niệm tham sân si vẫn tự hiện khởi, thị phi nhân ngã vẫn đeo đẳng trong tâm, sự gián đoạn xen tạp vẫn chưa thể thoát khỏi, sự rong ruổi theo vọng tưởng vẫn chưa trừ diệt, các thứ hý luận khác vẫn mê hoặc tâm chí thì không gọi là thật sự niệm Phật.
7- Đại sư Tiệt Lưu dạy: “Thời nay, người tu học Tịnh nghiệp, suốt ngày niệm Phật, sám tội, phát nguyện, mà cõi Tây phương vẫn còn xa, không bảo đảm vãng sinh là bởi cọc ái chưa nhổ, dây neo tình còn buộc. Nếu coi ân ái cõi Sa-bà giống như ăn sáp, bất kể là động tĩnh, nhàn bận, khổ vui, lo mừng, đều dựa chắc vào một câu danh hiệu Phật, tựa như núi Tu-di, tất cả cảnh duyên không thể lay động. Có khi tự cảm thấy mỏi mệt, hoặc tập hiện tiền, bèn dõng mãnh khởi lên một niệm, như Ỷ Thiên trường kiếm khiến ma quân phiền não không nơi trốn thoát, như lò lửa hồng cháy mạnh khiến tình thức từ vô thỉ bị cháy tiêu tan không còn sót. Người này tuy hiện ở cõi đời năm thứ ô trược nhưng thân đã ngồi ở cõi nước hoa sen, đâu đợi Đức Di-đà rủ tay, Bồ-tát Quán Âm khuyên bảo đón tiếp mới tin là được vãng sinh!”
8- Đại sư Ngộ Khai dạy: Mở mắt niệm Phật, tâm dễ bị tán loạn, nhắm mắt niệm Phật thì đang lúc niệm đặt tâm vào không, đề khởi hiệu Phật, vừa niệm vừa nghe, vừa nghe vừa niệm, miên miên mật mật, hành trì lâu ngày sẽ có lúc được tương ưng. Nhưng phải niệm từng chữ, từng câu, chỉ chuyên tâm cầu sinh Tây phương. Lại có một pháp buộc niệm, trong lúc không niệm Phật thì treo niệm trên thân Phật A-di-đà, tâm thường thanh tịnh, không bị lay động, chính là chỗ đắc lực.
Hỏi: Tạp niệm từ đâu đến?
Sư đáp: Một thân người chỉ có một niệm, niệm của niệm Phật tức là khác, niệm của tạp niệm cũng là khác, chỉ vì niệm Phật chưa chuyên nên có chút phần ở ngoài Phật.
Hỏi: Tạp niệm này làm sao trừ được?
Đáp: Tạp niệm không cần trừ, chỉ dùng một niệm nầy hoàn toàn đề khởi ở trên Phật, thì tạp niệm liền không có.
Hỏi: Nhưng tinh thần mệt mỏi, không thể khiến cho nó liền không có, phải làm sao?
Đáp: Do đạo lực chưa đầy, nhiều các tán loạn, phải thu nhiếp sáu căn, dần dần trở về sự thanh tịnh, nếu vẫn chưa làm được thì tạm bỏ qua một bên, không cần lý giải, hoặc để mắt nhìn kỹ vào tướng Phật mà niệm, hoặc niệm chuyên chú vào tướng Phật mà niệm, thì tự không có tạp niệm.
Hỏi : Như vậy thì tốt, nhưng lâu ngày tạp niệm lại khởi, phải làm thế nào?
Đáp: Trong tâm hôn trược, ngoại cảnh lăng xăng, thì niệm Phật không được lực, thậm chí tạp niệm ràng buộc quấy nhiễu không cởi mở được, đốt cũng không cháy. Chỉ có một việc là lắng lòng suy nghĩ khiến cho từng câu niệm Phật, âm thanh từ miệng đi ra, từ tai nghe vào. Lại nữa, từ trong tâm niệm lưu xuất, tuần hoàn thâu nhiếp, thì tạp niệm tự không.
Hỏi: Như đây rất tốt, nhưng vẫn có người độn căn không có khả năng thì phải làm sao?
Đáp: Hãy đem sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật, lúc đang niệm Phật một câu thì ghi nhớ ở chữ Nam, câu thứ hai thì ghi nhớ chữ Mô, câu thứ ba ghi nhớ chữ A, rồi đến chữ Di, chữ Đà, chữ Phật, rồi trở lại chữ Nam, xoay vần mà trở lại từ đầu, liên hoàn không đứt quãng thì vọng niệm không có chỗ phát sinh.
9- Đại sư Diệu Không dạy: “Người niệm Phật ở trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm ngồi làm việc thường phải đoan chánh. Nếu thân đoan chánh thì tâm tự thanh tịnh, hành giả nên tự biết, thật không lừa dối mình.”
Miệng đã niệm Phật thì cấm nói chuyện không đâu, nếu vừa nói chuyện không đâu thì liền nghĩ người niệm Phật không nên như vậy, và mạnh mẽ niệm Phật mấy câu, để thức tỉnh quét trừ sạch.
Người niệm Phật chớ nghĩ những điều ác, việc đã trải qua, vừa xong liền xả, lâu ngày thì ý địa thanh tịnh, khi gặp việc liền có diệu trí quán sát. Đây gọi là niệm Phật chuyển thức thành trí.
Khi đối trước tượng (tranh) Phật thì cho tượng này là Phật thật, mặt đối diện, tâm niệm, với lòng thành kính. Lúc không đối trước tượng Phật cũng nên thành kính như khi đối trước tượng Phật. Niệm Phật được như vậy thì rất dễ được cảm thông và hắc nghiệp cũng dễ dàng tiêu diệt.
Người chân thật niệm Phật đã không đuổi theo tài nghệ, lại không cầu danh lợi, rất là khó được. Vì hai chữ “chân thật” là một con đường lớn để vãng sinh Tây phương, lại chữ “chân thật” là ngoài câu A-di-đà Phật thì không còn có một mảy may vọng tưởng nào.
Một việc vừa xong, một lời vừa dứt, còn chưa đánh động niệm Phật thì một câu danh hiệu Phật đã cuồn cuộn tuôn ra, đây là hiện tượng Tam-muội dễ thành.
Cảnh giới của niệm Phật cô tịch là tốt nhất, cao thấp tuỳ nghi, nhanh chậm tùy phần, hòa chung thành một. Vào lúc này, phải biết thân cô mà tâm không cô, tâm của Chư Phật và Phật Di-đà không hề tạm bỏ chúng ta, ta khởi ý thì Phật liền biết, mở miệng thì Phật liền nghe, đâu lo gì cô tịch.
Bệnh là then chốt của cái chết, chết là cánh cửa của Thánh phàm tịnh uế. Trong lúc bệnh nên làm pháp tưởng về cái chết, siêng năng niệm danh hiệu Phật quyết định đợi chết ắt sẽ có ánh sáng tiếp dẫn đúng theo nguyện vãng sinh của ta, nếu dừng tưởng thì tất cả luyến ái, lo sợ, phiền não sẽ an bài, các thứ tạp niệm đồng loạt hiện tiền, tình trạng sinh tử, làm sao cứu giúp? Nên biết tất cả con đường lầm lẫn trong trăm kiếp ngàn đời, hoàn toàn là ở lúc một niệm dứt được rõ ràng nầy. Nếu một niệm chuyên chú ở Phật, thì thân thể tuy bại hoại mà thần thức không tán loạn, liền theo một niệm này mà vãng sinh Tịnh độ.
(Xét thấy một việc lâm chung rất là khẩn thiết, cho nên người xưa thường có chỉ bảo. có một cuốn sách tên là Trợ Chung Tân Lương nói rất rõ về việc này, người tu hành Tịnh nghiệp không thể không đọc, nếu cần có thể đến Phật học Thư cục ở Thượng Hải mà thỉnh xem). (Trần Canh Thạch ghi thêm).
10- Đại sư Đế Nhàn dạy: Phật A-di-đà, ai không thể niệm mà riêng có người không dễ niệm, Cực lạc Tây phương ai không nguyện sinh mà ít được vãng sinh, bởi người niệm Phật chưa được quyết định. Dạy người niệm Phật mà khiến cho họ thật sự tha thiết thì chỉ có một chữ chết, một chữ chết ở trong tâm thì cảnh duyên tự nhiên lạnh nhạt, tình ái tự cũng nhẹ nhàng, danh lợi giàu có, thế lực hướng đến sự chết nầy đều dùng không được, mọi thấy nghe hiểu biết đến thời điểm này đều hành không thông, bốn đại chia lìa, lấy gì nương tựa, cô hồn vô chủ, đâu được tự do. Lúc này không thấy Đức Di-đà, thì sợ gặp quỷ La-sát, lúc này không sinh Tịnh độ, thì sợ vào thai lừa.., dù không có nghiệp ác cũng không khỏi qua lại cõi người, nếu có nhân lành thì phước trời dễ hết, đừng cho rằng tự có làm chủ, nghiệp quả lôi kéo, thật khó trốn thoát; đừng cho rằng vốn không có sống chết, khi tâm thức chưa tận chung quy thuộc về luân hồi. Đừng cho việc này là chậm, là việc ngày mai mà ngày nay không biết, đừng cho thân này là nhẹ, nếu để thân này lầm qua thì bị chìm đắm nhiều kiếp. Thấy tất cả mọi việc mà không biết sống chết là việc lớn thì mọi sự mọi việc đều là việc không đáng quan tâm, trong bất cứ lúc nào cũng đều là lúc trở về mạng chung thì mọi thời giờ đều là lúc niệm Phật. Niệm Phật như vậy thì mới là tâm tha thiết, tâm tha thiết như vậy thì mới được vãng sinh Tịnh độ, thực hành công phu như vậy mới thành Tịnh nghiệp, thường nhớ nghĩ lúc chết mới là tâm tha thiết. Đây là then chốt chính của việc vãng sinh, là quyết định tuyệt diệu của việc chí thành niệm Phật.
11- Đại sư An Quang dạy: Phương pháp hay nhất của việc dụng công niệm Phật là đều nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau. Đều nhiếp cả sáu căn, là ngay lúc niệm Phật tâm chuyên chú vào Phật, là nhiếp ý căn, miệng phải niệm cho rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp thiệt căn, tai phải nghe đựơc rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp nhĩ căn. Ba căn này nhiếp vào danh hiệu Phật thì mắt quyết không thấy cảnh loạn khác là nhiếp nhãn căn, mũi cũng không ngửi những mùi loạn khác là nhiếp tỵ căn, thân phải cung kính là nhiếp thân căn. Sáu căn đã được nhiếp phục mà không tán loạn thì tâm không có vọng niệm. Chỉ có Phật là niệm mới là thanh tịnh niệm. Nếu thường luôn nhiếp cả sáu căn mà niệm, thì gọi là tịnh niệm nối nhau, nếu thường tịnh niệm nối nhau thì nhất tâm bất loạn, niệm Phật Tam-muội sẽ dần dần được.
Niệm Phật phải thường tưởng sắp chết sắp đoạ địa ngục thì không khẩn thiết cũng tự khẩn thiết, không tương ưng cũng tự tương ưng. Dùng tâm sợ khổ để niệm Phật tức là cách hay nhất để thoát khổ, cũng là cách hay nhất trong tùy duyên tiêu nghiệp.
Lúc niệm Phật ắt phải chí thành, hoặc có khi trong tâm khởi lên niệm đau buồn, đây là tướng thiện căn phát hiện, nhưng dè dặt chớ để việc ấy thường xảy ra, nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh sầu bi, hễ có việc vừa ý thì không nên quá vui mừng nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh hoan hỷ.
Lớn tiếng niệm Phật không được quá gắng sức, để phòng bị bệnh.
Khi chưa được nhất tâm thì không được nhen nhóm ý muốn thấy Phật, nếu đựơc nhất tâm thì Tâm và Phật hợp nhau, tâm hợp với đạo thì muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng hoàn toàn không trở ngại. Nếu gấp muốn thấy Phật, tâm niệm lăng xăng, ý niệm muốn thấy kết chặt trong tâm bèn trở thành bệnh lớn của tu hành, lâu ngày sinh nhiều oan gia, theo đó thao túng vọng tình tưởng hiện làm thân Phật, thỏa mãn trả báo oán xưa, tự tâm đã không có chánh kiến, toàn thể là phần khí của ma, một khi thấy thì sinh tâm vui mừng, từ đó ma nhập vào tâm phủ, dựa ma phát cuồng, dù có hoạt Phật, cũng chẳng biết làm sao. Chỉ nên nhất tâm, đâu cần phải mong thấy Phật, có phải không!.
Bệnh và ma đều do nghiệp đời trước mà ra, chỉ thường chí thành tha thiết niệm Phật thì bệnh tự thuyên giảm và ma tự xa lìa. Lại niệm Phật xong hồi hướng, vì tất cả oan gia đời trước mà hồi hướng, khiến cho họ thấm nhuần lợi ích việc niệm Phật mà được sinh về cõi lành.
Một câu Nam-mô A-di-đà Phật miên miên mật mật thường thời nhớ niệm, hễ có các ý niệm tình cờ khởi lên như phẫn nộ, dâm dục, hiếu thắng, uất khí,… thì liền nghĩ rằng mình là người niệm Phật, đâu thể khởi lên những tâm niệm này ư!. Niệm ấy khởi nên liền dứt, lâu ngày thì tất cả niệm làm lao tổn tâm, thần đều không do đâu mà khởi lên.
Mỗi ngày công phu hồi hướng đều cho chúng sinh trong pháp giới. Nếu thời khóa công phu này vì chúng sinh nầy, thời khóa công phu kia vì chúng sinh kia thì cũng được. Nhưng phải có nguyện hồi hướng chung khắp mới hợp với ba thứ hồi hướng.
Ba thứ hồi hướng ấy là: 1/ Hồi hướng chân như thật tế. 2/ Hồi hướng quả Phật Bồ-đề, niệm niệm viên mãn. 3/ Hồi hướng cho chúng sinh trong pháp giới đồng sinh Tịnh độ.
Pháp quán tưởng tuy là tốt nhưng ắt phải biết rõ được tượng Phật vốn thấy là thuộc duy tâm hiện ra, nếu cho rằng cảnh ngoài tâm, thì có khi dẫn đến dựa ma phát cuồng, không thể không biết. Nếu cho là ngoại cảnh, rõ ràng thật có thì trở thành cảnh ma, nhắm mắt mở mắt chỉ chọn thích nghi mà nên làm.
Pháp môn niệm Phật lấy ba pháp Tín, Nguyện, Hành làm Tông, lấy tâm Bồ-đề làm căn bản. Lấy tâm nầy làm Phật, tâm nầy là Phật làm nghĩa thật sự của nhân bao gồm biển quả, qua thấu suốt nguồn nhân. Lấy việc nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau làm công phu thực hành thiết yếu nhất. Lại có thể lấy Bốn thệ nguyện rộng lớn thường không rời tâm thì tâm và Phật hợp nhất, tâm và đạo hợp nhất, thân hiện tại liền dự vào dòng Thánh, lúc lâm chung thẳng bước lên Thượng phẩm, ngõ hầu không phụ đời nầy!
1. Là một phần trong Liên Trì Pháp Vũ Tập của Tịnh nghiệp học nhân Trần Canh Thạch biên tập, thuộc sách Tịnh Độ Tùng Thư 18 của cư sĩ Mao Dịch Viên biên soạn.
Bình luận bài viết