Thông tin

LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG

Giới thiệu về

LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG

 

NGUYỄN VĂN QUÝ

 

 

Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý sáng lập tại chùa Linh Sơn vào năm 1957 ở miền Nam Việt Nam. Môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo tinh thần phục vụ đạo pháp, phục vụ dân tộc... hoạt động theo giáo pháp, giáo luật và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã phát triển thành một môn phái lớn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo thống kê, năm 2016, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 1.125 tăng ni và 1.550.000 tín đồ Phật tử đang sinh hoạt tại 170 Tự viện, Tịnh xá, Đạo tràng,... trên khắp cả nước. Đặc biệt là ở các tỉnh ở miền Đông, miền Tây như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Tôn chỉ và giáo lý của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đều dựa trên kinh điển pháp tu Tịnh Độ, chủ trương niệm Phật nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát. Song Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do chính người Việt khai sáng nên cũng mang bản sắc riêng.

Người sáng lập và kế truyền

 


 

- Hòa thượng Bửu Đức (1880 - 1974), thường gọi là Đức Ông Ba, thế danh Phạm Văn Vị. Ông sinh trong một gia đình thuần nông, nhưng ưu chuộng đạo Phật ở làng Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông vốn là một cư sĩ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa1, tìm hiểu giáo lý "học Phật tu nhơn" của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương2, nhưng nghiên cứu sâu pháp tu Tịnh Độ. Bản thân ông ăn uống khổ hạnh, bốc thuốc Nam cứu người và thường khuyên răn mọi người sống nhân nghĩa.

Năm 1920, lúc này ông đã 40 tuổi, người vợ hiền thảo nhiều lần mong muốn ông hành đạo giúp đời, song ông đều từ chối. Năm 1925, khi đang cày ruộng, "ông chợt nghe tiếng gọi của "ơn trên" phải vì mọi người, vì chúng sanh đang khổ đau mà buông tay việc thế"3. Nghe vậy, ông liền "tự tay thế phát" (tự mình xuống tóc) và phát nguyện xuất gia hành đạo. Sau khi "tự tay thế phát", ông về đạo tràng của một người Phật tử tu tập và bốc thuốc Nam chữa bệnh cho dân nghèo. Đồng thời, ông thường khuyên mọi người chuyên tâm niệm Phật. Thời gian này, ông bắt đầu thu nhận đệ tử, trong đó có đệ tử Đinh Thị Hy, pháp danh Diệu Nguyệt đã hầu cận cho đến khi ông viên tịch tại Tổ đình Thành An.

Năm 1940, ông ẩn tu tại núi Tà Lơn. Núi Tà Lơn cao khoảng 1.000 mét so với mực nước biển. Đây là ngọn núi thiêng gắn với nhiều huyền thoại, mà người Khmer gọi là núi Bokor, cách thị xã Kampot, tỉnh Kampot khoảng 10km về hướng Tây Nam. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, rất nhiều người Việt đã chọn núi Tà Lơn làm nơi tu hành và khai sáng "đạo" như Huỳnh Phú Sổ, Ngô Văn Chiêu... 

Năm 1944, ông trở về, đến chùa Bồng Lai (An Sơn tự) thuộc núi Tượng, xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa do Đức Phật Thầy Tây An cùng với đệ tử khởi dựng năm 1851. Vì thế, sau này trong chùa ngoài tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thì phía sau tôn trí bài vị Phật Thầy Tây An, ông Đạo Lập và ông Cử Đa. Tại chùa Bồng Lai, ông tu tập và nghiên cứu giáo lý, kinh điển đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Năm 1945, sau một năm tu hành, nghiên cứu tại chùa Bồng Lai, ông đến núi Dài, tức núi Rồng Nằm (Ngọa Long Sơn) thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Núi Dài là núi dài nhất trong bảy núi, cao 580m so với mực nước biển. Song ở đây cũng có nhiều nương rẫy và vườn cây ăn trái. Trên lưng chừng núi Ngọa Long, ông dựng chùa Bửu Quang bằng tranh tre và tu hành khổ hạnh, ngày ăn một bữa chính ngọ, rau cháo đạm bạc.

Năm 1949, giặc Pháp càn quét và đốt chùa Bửu Quang, nhưng chỉ ít lâu sau ông dựng lại ngôi Tam bảo. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm lập khu trù mật nên ngôi chùa phải dời xuống chân núi. Năm 1963, chùa lại bị giặc đốt phá do chúng nghi ông và các đệ tử âm thầm ủng hộ cách mạng. Vì thế, chùa lại phải dời về phía sau chợ Ba Chúc. Ở đây, chùa Bửu Quang còn bị hai lần hỏa hoạn trong chiến tranh.

Năm 1960, ông cùng môn đồ dời về núi Trà Sư (Kỳ Lân Sơn), thuộc thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang xây dựng cơ sở tu hành. Núi Trà Sư không cao như núi Tà Lơn hay Ngọa Long Sơn, nhưng là nơi có cảnh đẹp, có nhiều chùa, miếu như Năm Căn Cổ tự, Hòa Long Cổ tự,... xa xa là cánh đồng lúa, núi Két, núi Dài Năm Giếng và kênh Vĩnh Tế. Tại đây, ông cùng môn đồ xây dựng tịnh thất Đại Quang Minh. Sau đó lại tiếp tục dựng chùa Thành An trên đỉnh núi Sập (Thoại Sơn). Núi Sập là ngọn lớn nhất trong bốn ngọn núi (núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà, núi Cậu), thuộc địa bàn huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Có thể nói, đây là hai tổ đình quan trọng bậc nhất của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thời kỳ đầu.

Năm 1954, có một người đến tìm ông học đạo và ông đã thu nhận vị này làm đệ tử. Trong mấy tháng, vị đệ tử này chỉ được các sư huynh dạy niệm Phật A Di Đà. Một lần, vị đệ tử lén vào phòng ông vấn đạo. Sau khi tham vấn song, vị đệ tử này nói: "Bạch Ông Ba, con muốn giống Ông Ba, mà phải tu thế nào". Đức Sư Ông vui cười mà bảo "muốn thì được"4. Sau khi truyền đạo, ông khuyên đệ tử ấy về miền Đông hành đạo. Một lần, vị đệ tử tìm đến tham học với Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu, thuộc thiền phái Lâm Tế tại chùa Long Sơn, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau đó, Hòa thượng ban đạo hiệu là Nhựt Ý. Vị đệ tử ấy chính là Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý sau này. Sau khi tham học với Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu, sư Thiện Phước Nhựt Ý lên núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trụ trì Tổ đình Linh Sơn.

Năm 1963, Đức Sư Ông hành đạo tại Trường Sanh Phật tự, thị xã Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay. Song, ông cũng thường xuyên về thăm Tổ đình Linh Sơn, nơi đệ tử Thiện Phước Nhựt Ý trụ trì. Ở đây, Sư Ông thường khuyến dụ đệ tử tu hành cho tinh nghiêm. Vài năm sau, sức khỏe suy yếu, ông không về thăm Tổ đình Linh Sơn như trước nữa. Ngày 29/01/1975, Đức Sư Ông viên tịch, hưởng 95 tuổi đời, 55 tuổi đạo. Trước khi viên tịch, Sư Ông căn dặn "Sau khi tôi về với Tổ Phật, pháp môn duy nhất này tôi giao lại cho Hòa thượng Thích Thiện Phước, người có khả năng kế thừa hoằng truyền tại miền Đông. Pháp môn niệm Phật sẽ được tỏ dạng là do Hòa thượng Thích Thiện Phước, từ đó về sau tiếp tục kế thừa, đừng để mất mát pháp môn của chư Phật"5.

 

 

- Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý (1924 - 1986), thuộc phổ hệ Lâm Tế đời thứ 41. Ông tên thật là Lê Minh Ý, sau cải tên là Lê Văn Mười, người thôn Nhựt Tảo, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ông sinh trong một gia đình thuần nông, nhưng nếp nhà gia giáo. Ngay từ lúc còn trẻ, ông đã có ý nguyện xuất gia. Ông đã đi nhiều nơi tìm thầy học đạo và cũng như thầy mình là Đức Sư Ông, ông cũng tu khổ hạnh, ngày ăn một bữa, thường giúp đỡ người nghèo và bắc cầu, đắp đường cho nhân dân đi lại thuận tiện...

Năm 1945, gác lại ý nguyện xuất gia, ông tham gia cùng nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam với bí danh là Hùng Sơn. Năm 1954, địch truy lùng gắt gao, ông về chùa Bửu Quang ẩn náu. Tại đây, ông được Đức Sư Ông thu nhận làm đệ tử và truyền dạy pháp tu Tịnh Độ.

Năm 1956, ông lại tham học với Hòa thượng Trí Châu Hồng Ân Trí Châu, thuộc phổ hệ Lâm Tế đời thứ 41 tại chùa Long Sơn, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau đó, ông đến trụ trì chùa Linh Sơn, thuộc núi Dinh, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, ông cùng đệ tử khẩn hoang, hưng công xây dựng tu bổ chùa Linh Sơn thành chốn tùng lâm và bắt đầu hoằng pháp, thu nhận đệ tử, khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau này, đệ tử của ông là Ni sư Huệ Giác kế thừa và phát triển Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ít lâu sau, ông tiếp tục xây dựng Nhứt Nguyên Bửu Tự nhằm phát triển pháp môn Tịnh Độ. Hàng năm, từ ngày 8 tháng 8 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch, tại ngôi chùa này tổ chức khóa Niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ gọi là "Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh".

Năm 1965, ông ủy quyền trụ trì chùa Long Sơn cho đệ tử là Thượng tọa Huệ Tâm rồi ông về chùa Phổ Hiền, xã Tân Thành, tỉnh Cà Mau. Tại đây, ông tập trung môn đồ, truyền giảng giới luật, củng cố Tăng đoàn để du phương truyền bá Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau đó, ông trở về xây dựng Tịnh xá Thắng Liên Hoa ven sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa. Tại đây, ông cũng cho tu sửa bến đò Long Kiểng, đắp đường, giúp đỡ người nghèo, khiến nhân dân nơi đây rất mến mộ. Tịnh xá sau khi xây dựng xong, ông giao cho đệ tử là Thích Giác Thông giữ gìn.

Năm 1975, ông về chùa Long Phước Thọ, xã Long Phước, huyện Long Thành tu bổ, tôn tạo rồi giao cho sư Thích Thiện Lộc chăm nom. Bên cạnh đó, ông còn khuyến khích tăng gia sản xuất theo tinh thần Bách Trượng thanh quy (nhất nhất bất tác nhất nhật bất thực - một ngày không làm một ngày không ăn), trồng cây dược liệu để chữa bệnh cứu người. Sau này, vì tuổi cao sức yếu, ông về Quan Âm Tu viện, dặn dò môn đồ tu hành nghiêm cẩn, đạo hạnh trang nghiêm, rồi ông nhập thất Niệm Phật và viên tịch tại đây vào ngày 18 tháng 7 năm Bính Dần (1986).

(Còn tiếp) 


1. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi (Đức Bổn sư) sáng lập vào năm 1867 tại Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

2. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) sáng lập vào năm 1849 tại xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

3. Quan Âm Tu viện (2016). Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - 57 năm hình thành & phát triển, Nxb. Hồng Đức, tr.31.

4. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr.39.

5. Dẫn theo: HT. Thích Giác Quang (2010). Tịnh Độ giảng lược, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, tr.206.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6919959