Thông tin

LINH THIÊNG MỘT TIẾNG À…

 

CHU VĂN LƯỢNG

 

Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Chư tôn Đức, Tăng ni!

Kính thưa Quý vị Đại biểu và toàn thể hội thảo!

Dáng bóng núi Thầy ngàn năm còn đấy, gương hồ Long Trì muôn xưa còn đây, như hôm qua mà đã cách nay ngàn năm. Đức Thánh tăng - minh quân Lý triều đã trực chỉ ban hồng ân niềm vui thánh thiện vô ưu cho mặt nước hồ, những trò chơi rối nước. Những con rối hồn nhiên vẫy vùng ẩn hiện trên hồ nước trong veo khiến hồn người đa đoan bỗng được quy thanh, trở về với thiện tính vốn trong sạch.

Kỳ diệu thay, hạnh phúc thay !

Những tưởng rối nước chỉ là trò chơi dân gian thuần túy, nhưng có mấy ai ngờ được đó chính là Phật pháp mà Đức Thánh tăng Từ đạo sỹ đã mật truyền để hóa độ chúng sinh. Nó chỉ giản dị hồn nhiên như mây bay, gió thổi, tưởng chừng như chẳng đem lại lợi ích thiết thực như cơm, áo, gạo, tiền. Nhưng có biết đâu, sự hồn nhiên ấy lại là khởi đầu của đời người, rồi đó chính là nơi để muôn kiếp quay về… Chính vì vậy mà sau ngàn năm trò chơi rối nước của Đức Thánh tăng khai ngộ cho dân Việt ta, ngày nay đã được gần khắp các nước trên thế giới ngưỡng mộ.

Gần 20 năm qua, nghệ thuật rối nước Việt Nam được khai sinh từ đây đã đi biểu diễn khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, khách du lịch thế giới đến Việt Nam chỉ mơ ước được xem rối nước. Ông Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã giới thiệu về văn hóa Việt như sau: Ở đâu trên thế giới cũng đều nhận ngay ra Việt Nam – từ rối nước, nón lá và áo dài…

Cái đẹp hồn nhiên của rối nước là đỉnh cao mơ ước của con người, các nước đã chìm sâu trong phát triển đời sống vật chất. Những bế tắc trầm kha của văn minh công nghiệp khi xem rối nước họ đã được giải thoát tâm hồn một cách kỳ diệu.

Tôi vô cùng may mắn, nhiều khi cứ nghĩ thầm phải chăng kiếp trước là con vịt được sống ở ao sen chùa nên kiếp này được làm nghệ sỹ rối nước.

Gần 20 năm qua, tôi được cùng anh em nghệ sỹ rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội đi giới thiệu và biểu diễn gần như khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng chỉ đam mê đắm say sáng tạo bởi một ý thức đơn giản rằng đó chỉ là một trong những trò diễn xướng dân gian trong hệ thống văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Thế rồi một ngày trở về quê hương Thạch Thất, nơi tôi sinh ra - và nhất là gần đây tôi cứ tha thẩn ở chùa Thầy, chùa Long Đẩu và gặp thầy tôi - Đại đức Thích Trường Xuân như tìm lại thời thơ ấu từng theo cha tôi là họa sỹ Chu Mạnh Chấn suốt đời chỉ vẽ phong cảnh núi Thầy, chùa Thầy và hồ Thầy.

Vì sao tôi lại gọi là một ngày trở về, bởi có lẽ trước đó gần 40 năm qua tôi đã trải đủ sáu đường trần thế mà vẫn giữ được hồn nhiên trong sáng nhờ hết lòng phụng sự rối nước. Và trong giây phút một phút tâm quỳ lạy Thánh tăng trong u trầm nội thất chùa Cả, tôi bỗng thấy lòng mình vang lên một tiếng à!… Thì ra, sự hồn nhiên của nghệ thuật rối nước bấy nay chính là đấng Vô ưu Phật – Phật vô ưu trong hằng hà sa số Phật. Đó chính là Phật tĩnh trong tâm của người Việt chúng ta. Có lẽ chúng tôi, những người may mắn được làm rối nước đã đi khắp thế giới để từ sự ngưỡng mộ và đời sống bế tắc của khán giả của các nước mà chúng tôi càng thêm tự hào, càng nhận rõ phẩm tính bản sắc, đời sống nông nghiệp của dân tộc ta, hiền lành, thông minh sáng tạo sống với ruộng đồng, sông nước, với mưa nắng hòa nhập với thiên nhiên. Chính vì vậy, mà Đức Phật Thánh tăng – Từ Đạo sỹ đã thụ lý và ban cho trò chơi an lạc, để dân ta đời đời hội nhập với thế giới mà không bị hòa tan và biến mất.

Tôi hy vọng những cảm nhận khái quát trên, được quý vị trợ duyên để chúng tôi được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và sáng tạo rối nước truyền thống, một loại hình nghệ thuật vô giá được phép màu phật pháp cho sinh ra từ nước để trở thành báu vật của nước nhà, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tâm hồn con người cùng nhân loại.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 291
    • Số lượt truy cập : 6948279