Thông tin

LỜI CHÚC NÀO CHO XUÂN QUÝ MÃO

 

NGUYÊN CẨN

 


 

Thế giới trong mùa đông xám

Việc Nga tấn công Ukraine đã phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh G20, nhóm quốc gia chiếm khoảng 60% dân số và 80% GDP toàn cầu, được cho là đại diện của thế giới hiện đại. G20 đã chứng kiến nhiều chia rẽ trong nhóm, khi các quan chức phương Tây không muốn đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin dù ông Putin cuối cùng không tới Bali, nhưng những chia rẽ và hậu quả của xung đột đã tác động tới hội nghị.

Cả châu Âu và Bắc Mỹ băn khoăn lo lắng vì giá nhiên liệu tăng cao và nguy cơ lạm phát treo lơ lửng trên từng quốc gia. Họ đang đối diện với suy thoái kinh tế. Trung Quốc trì trệ vì chính sách Zero Covid và bong bóng bất động sản đang vỡ.

Hơn 10 triệu người Ukraine sống trong tình trạng thiếu điện, nước và trải qua mùa đông khắc nghiệt chưa từng thấy.

Tại Việt Nam, những vụ án lớn liên quan đến những đại gia bất động sản ảnh hưởng tâm lý quần chúng về trái phiếu, ngân hàng. Thị trường chứng khoán lao xuống mốc trên 900 điểm nhưng chưa có điểm dừng. Các xí nghiệp thiếu đơn hàng do châu Âu suy giảm lực cầu đành phải cho công nhân nghỉ sớm trước Tết. Bất động sản đóng băng. Nhiều dự án dừng thi công.

Nguyên nhân tranh chấp?

Chúng ta đã từng nghe đâu đó rằng: “Bạo lực là bà đỡ cho một xã hội mới”. Thực ra, bạo lực như lịch sử chứng minh chỉ là bà đỡ cho bạo lực khác, tàn bạo hơn (!). Thế nên cả thế giới vẫn không ngớt lo âu khi nạn khủng bố vẫn diễn ra đây đó và người ta không phân vân ném bom nhà thương, xả súng ở rạp hát hay trường học, không ngại ngần giết người dù là phụ nữ hay trẻ em. Cuộc sống trở nên bất an hơn bao giờ hết. Người ta nhân danh “lý tưởng” rằng chỉ có sắc tộc, đảng phái, ý thức hệ, tôn giáo hay quốc gia của họ là “bá chủ” , là có quyền rao giảng và ban phát... sự kinh hoàng cho những ai không chấp nhận theo họ (!).

Và để phản ứng, nhân loại lại dùng... bạo lực nhân danh chính nghĩa để giải quyết vấn đề. Thế nên, nhiều cường quốc đang sa lầy trong cuộc chiến Syrie dù đã ném vào đấy hàng ngàn tấn bom đạn và hàng trăm tỷ đô la. Trước đây, một học giả đoạt giải Nobel Hòa bình trong một cuộc Hội thảo do đài BBC tổ chức từng phát biểu: “Ngài Tổng Thống của tôi tiêu 10 tỷ đô la mỗi tháng cho quân sự mà không hay rằng nhiều người dân chỉ cần 2 đô la một ngày để tồn tại” (!). Chỉ một ngày 15/11/2022, người ta tính toán rằng Nga đã ném hơn 900 triệu đô la hỏa tiễn xuống Ukraine, còn trong cuộc chiến hơn 9 tháng ấy phải đến bao nhiêu tỷ? Xuyên qua lịch sử, chúng ta thấy rằng nguyên nhân của các cuộc tranh chấp là do lòng tham dục của con người gây ra, khiến cho gia đình đổ vỡ, xã hội nhiễu nhương và nhân loại đau khổ. Chính điều đó đã được đức Thế Tôn khai thị cho chúng ta:

“Này các Tỷ kheo, do dục vọng làm duyên, nên vua tranh chấp với vua, Sát đế lỵ tranh chấp với Sát đế lỵ, Bà la môn tranh chấp với Bà la môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ, cha mẹ, anh em, bè bạn tranh chấp lẫn nhau. Khi chúng đã dấn thân vào sự tranh chấp, chúng đánh nhau bằng tay, ném nhau bằng đá, đập nhau bằng gậy và chém nhau bằng gươm. Do đó, chúng bị tử thương, hoặc ngắc ngư quằn quại” (Trung bộ, kinh 13).

Do tham vọng mù quáng thúc đẩy, kẻ có thế lực thường dùng sức mạnh để đàn áp kẻ yếu và bắt họ phải khuất phục. Những kẻ bại trận khổ nhục đã đành mà những người chiến thắng do lửa tham thiêu đốt và oán thù chồng chất cũng chẳng an lạc gì hơn. Nói như giáo sư Trần Ngọc Ninh: “Nhưng sự khổ vẫn đầy rẫy trong nhân gian, Thiếu thốn, bất an, cực nhọc, sợ hãi, trói buộc, ngu tối vẫn là thân phận con người. Roi gậy và vũ lực cũng vẫn còn, và lại có thêm nhiều phương tiện khác tinh vi và tàn nhẫn hơn, để “đánh đập, lôi kéo” và bắt buộc người ta vào những công việc vô nhân đạo và mất nhân phẩm” ( TNN- Đức Phật giữachúng ta).

Lời nguyện thứ nhất: Xuân bình yên

Chúng ta mong một mùa xuân và một năm mới bình yên. Nhưng thế giới chỉ bình yên khi tâm con người bình yên. “Tâm bình, thế giới bình”.

Bài phát biểu bắt đầu các cuộc thảo luận ở Hội nghị G20 của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thể hiện những khó khăn đó. “Tôi hiểu chúng ta cần nỗ lực lớn để có thể ngồi với nhau trong căn phòng này”, ông nói trước khi bắt đầu cuộc thảo luận kín. “Nếu chiến sự không kết thúc, rất khó để thế giới tiến về phía trước”.

Chúng ta nhớ chuyện Quốc vương xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà) là Ajatasattu (A Xà Thế) muốn mở mang vương quốc của mình bằng tham vọng chinh phục xứ Vajji (Bạc Kỳ). Vua sai đại thần Vũ Xá đến thỉnh ý Ðức Phật về việc chinh phục này. Ðức Phật rất tế nhị. Ngài không trả lời câu hỏi trực tiếp của nhà vua, mà Ngài gián tiếp trả lời bằng cách hỏi Tôn giả Anada tình hình của xứ Vajji bằng 7 câu hỏi: “Này A Nan, dân Vajji có hội họp thường không?

- Dân Vajji có đoàn kết khi hội họp, đoàn kết khi giải tán và đoàn kết khi làm việc không?

- Dân Vajji có sống đúng với truyền thống của dân tộc, và tôn trọng những luật pháp đã được ban hành từ thời xưa không?

- Dân Vajji có tôn kính những bậc trưởng lão trong nước và nghe theo lời dạy của những vị này không?

- Dân Vajji có cưỡng ép những thiếu nữ và phụ nữ bắt họ phải sống chung với mình không?

- Dân Vajji có thường xuyên dâng lễ ở các nơi thờ tự không?

- Dân Vajji có bảo vệ và tôn kính các bậc A la hán khiến các vị ấy tìm đến ở trong xứ để xứ sở được an lạc không?”.

Bảy pháp này có thể tóm tắt bằng những danh từ thời đại:

1. Sinh hoạt dân chủ,

2. Tình đoàn kết dân tộc,

3. Nguyên tắc pháp trị,

4. Sự hòa hợp các thế hệ,

5. Tôn trọng phụ nữ,

6. Tôn kính các tín ngưỡng, và

7. Ưu đãi các bậc minh triết.

Ðây là 7 nguyên tắc giúp quốc gia hưng thịnh và tránh diệt vong. Sau khi nghe Tôn giả A Nan trả lời rằng dân Vajji đã thực hiện 7 pháp này rất tốt đẹp, Ðức Phật kết luận: “Thế thì dân Vajji sẽ phú cường, không ai có thể chinh phục được”.

“Chiến thắng gây hận thù,

Thất bại chuốc khổ đau,

Ai từ bỏ thắng bại,

An tịnh liền theo sau”.

(Tương Ưng, I-102)

Những kẻ bạo tàn gây đau khổ cho người khác mà mong hưởng được an vui, điều đó không bao giờ có. Vì thế, đức Phật đã dạy khá rõ, kẻ làm ác dù trốn bất cứ phương trời nào cũng không thể thoát được luật nhân quả:

“Không trời cao biển rộng,

Không hang động, núi rừng.

Ðã tạo nghiệp ác độc,

Trên đời hết chỗ dung”.

(Pháp Cú,127)

Có một kẻ thù nguy hiểm hơn bất cứ kẻ thù nào khác trên đời này, đó là tâm niệm ác của ta. Những kẻ thù ở bên ngoài, chúng ta còn có hy vọng tránh được, chứ chính ta đã gây nên tội ác thì không sao tránh khỏi quả báo:

“Kẻ thù hại kẻ thù,

Oan gia hại oan gia,

Còn thua tâm niệm ác,

Do chính ta hại ta”.

(Pháp Cú, 42)

Thế nên chỉ có ta mới cứu được ta:

“Mẹ cha hay bà con,

Không làm gì được cả.

Chính nhờ tâm nguyện lành,

Ðưa ta lên cao cả”.

(Pháp Cú, 43)

Luật nhân quả có vay có trả, rất công bằng, không thiên vị bất cứ người nào.

Do vậy, những ai muốn sống an lạc tránh mọi sợ hãi, và khổ đau, hãy theo lời Phật dạy, từ bỏ sát sanh:

“Hận thù tiêu diệt hận thù

Ðời này không thể có,

Từ bi diệt hận thù,

Là định luật nghìn thu”.

(Pháp Cú, 5)

Ðem tình thương đáp lại hận thù, đó là một việc làm khó khăn vô cùng, hơn thế nữa người nào tự thắng được mình, đó mới là kẻ chiến thắng tối thượng:

“Dù tại bãi chiến trường,

Thắng nghìn nghìn quân địch,

Không bằng tự thắng mình,

Chiến công ấy vô địch”

(Pháp Cú,103)

Tự thắng mình có nghĩa là tự nhiếp phục cái tâm tham dục, hận thù hay gây ác nghiệp của chính mình. Chỉ khi nào thực hiện được thì mới có bình yên trong tâm mình và đem lại bình yên cho cộng đồng xã hội. Mong những kẻ đang chủ chiến hãy bình tâm nhìn nhận sự việc và dừng lại trước khi đưa nhân loại đến bờ vực diệt vong. Nguy tai!

Xuân thịnh vượng và kết nối yêu thương

Những gì diễn ra ở G20 phần nào phản ánh bức tranh về hệ thống quốc tế gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với những thách thức chung mang tính toàn cầu. “Bạn không thể giải quyết vấn đề chính trị bằng các biện pháp chính sách kinh tế”, Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nói. “Kết thúc cuộc chiến ở Ukraine là động lực mạnh mẽ nhất để xoay chuyển tình hình kinh tế thế giới”.

Nhân loại đang mong chờ sự bình yên trên những vùng đất nóng để yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Nếu không, thế giới vẫn còn bất an.

Cố thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “Chúng ta truyền thông để hiểu người khác và để người khác hiểu ta. Nếu ta nói mà không ai nghe ta thì ta không thực sự truyền thông. Có hai điều kiện căn bản để truyền thôngcó hiệu quả là: Thứ nhất là nghe sâu và thứ nhì là ái ngữ... Nghe sâu là nghe với ý muốn giúp người khác bớt khổ. Khi lắng nghe với tâm thương yêu thì ta không bị kẹt vì óc phán xét” (TNH - The Art of Communicating). Người nói thêm rằng nghe với tâm thương yêu là trở về với mái ấm: “Ta không cần một chiếc iphone để làm việc đó. Ta cần đôi mắt để nhìn người ấy với yêu thương. Ta cần đôi tai để lắng nghe với thương yêu và cái miệng để nói lời ái ngữ... Khi ta đã có một mái ấm thực sự trong ta và trong mái ấm đó, ta cảm thấy thực sự vững chãi, an ninh thì khi đó ta có đủ điều kiện để đi ra giúp đỡ và xây đắp một cộng đồng đầy tình thương yêu” (TNH- sđd).

Vậy thì mùa xuân chính là cơ hội cho chúng ta ngồi lại lắng nghe, chia sẻ và động viên nhau, tiếp thêm sức mạnh đi tiếp cuộc hành trình cam go của cá nhân, của cộng đồng hay đất nước nhất là trong giai đoạn còn nhiều khó khăn phía trước...

Theo nhà Phật, ai cũng nghe lời cầu nguyện về một mùa xuân Di Lặc. Chữ Di Lặc (Maitreya ) bắt nguồn từ gốc Maitri có nghĩa là lòng từ ái, sự êm dịu. Đây được xem là tâm đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm. Trong Phật giáo chữ Từ còn có nghĩa là ước vọng, mong muốn cho mọi sinh linh được sống an lành, hạnh phúc. Tâm từ được tỏa ra từ công năng quán chiếu, tu tập thiền định và thường được xem là một nguồn lực to lớn trong vũ trụ. Kinh điển thường mô tả lòng từ của đức Phật luôn toát ra từ kim thân của Ngài.

Kinh Thí dụ thì dạy rằng lòng từ có diệu dụng chuyển hóa và trị liệu những tâm thức bệnh hoạn và yếu đuối của chúng sinh. Hạnh nguyện của đức Di Lặc là biến thế gian đau khổ và đầy tội ác thành cảnh sống an lạc; biến thế giới hỗn loạn thành thế giới đại đồng; biến thế gian ô trược thành cõi Tịnh Độ. Lý tưởng của đức Di Lặc là cứu khổ ban vui, luôn hướng nhân loại đến một tương lai tuyệt đẹp, xây dựng nếp sống hạnh phúc chân thật. Vì lẽ đó, mùa xuân được mang tên là Xuân Di Lặc là tâm nguyện chung của mọi người.

Xuân bao dung

Chúng tôi đã từng viết trước đây “phải xem bao dung cũng là một phẩm chất chính trị và là phẩm cách lớn nhất của con người”. Xã hội Tây phương thậm chí quan niệm “To err is human; to forgive is divine” (Sai lầm là bản chất của con người; tha thứ là phẩm chất thần thánh). Nói như Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách thì: “... bao dung là tôn trọng sự khác biệt, bao dung là để cho những ai yếu thế cũng có tiếng nói của mình, là tự do của thiểu số” và ông trích dẫn câu nói nổi tiếng của Voltaire: “Bất đồng là căn bệnh nặng nhất của nhân loại, khoan dung là phương thức duy nhất”. Chúng tôi trong một bài viết trên Từ Quang, có nhắc đến diễn viên Richard Gere,vốn là một Phật tử, khi trả lời tạp chí Five-to-nine trong một lần đến Zagreb (Croatia) để tham gia phim Spring Break in Bosnia đã nói: “Chỉ chấm dứt chiến tranh thôi là chưa đủ. Các thế lực đối lập ngày xưa phải cùng nhau tìm ra nguồn gốc của hận thù và bạo lực, đề phòng sự ham muốn phục thù từ các nạn nhân. Phải biết biến lòng căm thù thành năng lượng tích cực. Lịch sử cho thấy rằng con người sẽ càng chìm sâu vào vòng xoáy căm thù khi lòng bao dung không được nâng lên thành nguyên tắc chính trị”. Chúng ta hiểu bao dung hay khoan dung trong tiếng Anh là tolerance cũng bao gồm cả sự chịu đựng và nhẫn nhịn. Phải chăng bao dung là một mặt của hỷ và xả vô lượng tâm vì năng lực phá tan lòng ganh tỵ hay ích kỷ, xoá bỏ tâm thức rằng chỉ có tư duy, tôn giáo chính kiến của mình, chủ nghĩa của mình là chân lý, là đúng, và không chấp nhận dị biệt. Chúng ta đã từng có những vị vua trong thời đại của mình đã từng lấy bao dung làm nguyên tắc chính trị. Hãy đọc lại lịch sử khi vua Lý Nhân Tông tha chết cho Lê Văn Thịnh tạo phản triều đình dù sau này Ngô Sỹ Liên phê phán vua là quá sùng tín Phật giáo nên xử lý như vậy (Đại Việt Sử ký toàn thư). Phải chăng đấy cũng là quan điểm của Quốc Sư Phù Vân: Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Theo TS. Lê Mạnh Thát (trong Lịch sử Phậtgiáo Việt Nam, tập 3) thì: “... Đó là lần đầu tiên tư tưởng vô ngã của Phật giáo đã được vận dụng vào chính trị để hình thành một học thuyết lãnh đạo. Học thuyết ấy là nền tảng cho một triều đại rực rỡ nữa của dân tộc: Nhà Trần mà cụ thể là đường lối của Trần Thái Tông khi người muốn: “... tất cả mọi người dân Đại Việt phải có, đó là một tấm lòng trung hiếu, hòa tốn, ôn lương và cung kiệm, và ý muốn của thiên hạ là muốn có một cuộc sống an toàn và ấm no...”.

Người sống với tâm hỷ xả:

“Khi thức không lo âu,

Khi ngủ không sợ hãi,

Phiền não nào động tâm,

Ngày đêm đều thoải mái”.

(Tương Ưng 1,tr.136)

Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho rằng “... Sự sụp đổ của những hệ thống tư tưởng khiến con người mất lòng tin. Phải trở về với giáo lý thực mà đức Như lai đã truyền dạy. Đó là giáo lý “thâm diệu, khó nhận thức, khó lĩnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, mà chỉ có bậc thiện tri thức mới thấu hiểu” (Kinh Majjima Nikayya - Trung A hàm)...

Hãy mở lòng ra cho hiện tại tràn ngập vào. Đừng có trốn tránh cái hiện tại đau khổ của ta, hãy nhìn thẳng vào nó, để cho từ tâm rung động vì tất cả những bộ mặt của sự chết, sự bệnh, sự nghèo, sự biệt ly, sự thiếu thốn, sự không có, sự có-mà-mất, sự-khôngđược, sự bị và sự đau khổ của những con người trong một xã hội mà họ không chấp nhận... Sự nghĩ, sự nói, sự làm, sự sống, sự cố gắng theo cái chân lý đã tri kiến thấy để đạt được cái ước vọng chân chí của mọi hiện sinh là diệt khổ cho mình và cho người. Sự giải thoát khỏi đau khổ chính là sự giải thoát cuối cùng và tuyệt đối. Hãy tích cực hoạt động để tạo sự an lành cho kẻ khác. Đó là lý tưởng Bồ tát (TNN-sđd).

Trong lịch sử, Phật giáo đã tích cực đóng góp, mở ra một con đường cứu rỗi cho nhân sinh, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng mục đích cứu độ chúng sinh vẫn không thay đổi với nguyên lý giải quyết bất đồng dị biệt là bao dung vì tinh thần đạo Phật là: vô trước, nhân bản và tự do đích thực, nhằm mục đích đem lại hạnh phúc bền vững cho con người, vì con người.

Trước thềm xuân mới, hãy cầu nguyện và chúc nhau những điều như đã nói ở trên.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6704044