Thông tin

LỜI DẪN

 

THƯỢNG TỌA, TS. THÍCH ĐỒNG BỔN
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam)

 

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Ta thấy chúng sanh đều ở trong cảnh phiền não tham dục, sân nhuế và ngu si, v.v… đầy đủ Phật trí, Phật nhãn, Phật thân đồ sộ chẳng lay động. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tuy ở trong phiền não mà thường đâu có ô nhiễm Như Lai tạng, đức tướng đầy đủ như Ta không khác. Ví như Chơn kim sa vào trong bất tịnh, chìm ngấm chẳng nổi, trải qua nhiều năm chẳng ai hay biết mà chất chơn kim kia không hề hư hoại, duy người có thiên nhãn mới thấy biết nơi ấy có hòn chơn kim báu quý vô giá.

Chúng sanh vốn sẵn có Phật tánh chứ chẳng phải từ nơi nào khác đem đến. Thí như có người trong chiếc áo đang mặc sẵn có viên ngọc như ý mà tự chẳng hay biết gì cả. Lại như bảo vật nay sẵn trong kho tàng của mình mà chẳng tự biết để đến nỗi phải bôn tẩu tìm cầu từng miếng ăn nuôi sống hằng ngày”. Lời dạy này ứng với Phật giáo Việt Nam từ cuối triều đại nhà Trần và đến tiền bán thế kỷ XX. Từ thực trạng ấy, một số tu sĩ Phật giáo và cư sĩ Phật giáo thấy cần phải chấn hưng Phật giáo nước nhà. Đây cũng là cách “khai dân trí, chấn dân khí”. Trong bài “Phật giáo ở nước ta vì đâu chịu cái hiện trạng suy đồi?” của cư sĩ Khánh Vân viết trên tạp chí Duy tâm, số 18, cho rằng nhân hư, pháp bất hư, đạo Phật suy đồi vì thầy chùa không hiểu đạo Phật hoặc khinh thường giới luật:

Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài như phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ,

mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng như thế, bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai?”.

Và người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo là Hòa thượng Khánh Hòa với 4 mục tiêu cụ thể: 1- Lập hội Phật giáo; 2- Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ quốc ngữ; 3- Lập trường Phật học đào tạo tăng tài; 4- Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý, kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy củ thiền môn.

Từ 4 mục tiêu cụ thể ấy, báo chí Phật giáo lần lượt ra đời, góp phần đáng kể trong việc hoằng dương Phật pháp, như: Pháp âm, Từ bi âm, Phật hóa tân thanh niên, Duy tâm Phật học/ Duy tâm, Viên âm, Đuốc tuệ, Tiến hóa, Bát nhã âm, Tam bảo, Bồ đề, Tiếng chuông sớm… Một số kinh sách được phổ biến bằng chữ Quốc ngữ. Nhìn chung, đây là lần đầu tiên, giáo lý Phật đà đến với bạn đọc trong nước bằng chữ Quốc ngữ. Đặc biệt, qua phong trào chấn hưng Phật giáo, các hội Phật giáo cũng lần lượt ra đời, không còn khép kín trong những sơn môn; nhiều tăng/ ni được đào tạo qua trường lớp chứ không như truyền thống cả ngàn năm qua.

Công đức của Hòa thượng Khánh Hòa được hậu thế ghi nhận. Tháng 5-2017, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), tổ chức Hội thảo Khoa học “Hòa thượng Khánh Hòa và Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”. Tháng 10-2017, quê hương Hòa thượng Khánh Hòa, cụ thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre, phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tổ chức Hội thảo Khoa học “Hòa thượng Khánh Hòa với Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và Truyền thống Bến Tre”.

Qua những tham luận của hai hội thảo, có một số suy nghĩ chủ quan của một số tác giả thể hiện trong tham luận của mình, nhưng nhờ vậy đã gợi lên tính khách quan của hội thảo. Đọc những trang tham luận được tập hợp trong tác phẩm này làm chúng tôi nhớ tới bài thuyết pháp của Hòa thượng Khánh Hòa tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học, nhân kỳ đại hội đầu năm bàn về "Quan niệm vũ trụ và nhân sinh của Phật giáo", đăng trên Duy tâm, số 6, 7, 8, (tháng 3, 4, 5 năm 1936): “Tôi vốn là một nhà Phật học chớ không phải một nhà thực nghiệm khoa học, nên không dám phê bình khoa học; nhưng theo lý học thì Phật pháp tức khoa học, khoa học tức Phật pháp; khoa học là “tướng”, Phật pháp là “tính”; khoa học là “dụng”, Phật pháp là “thể”; khoa học là “sự”, Phật pháp là “lý”; khoa học là “hình thức”, Phật pháp là “tinh thần”. Chưa hề có tướng mà không tính, có thể mà không dụng, có sự mà không có lý, có hình thức mà không có tinh thần bao giờ. Bởi cái bệnh vĩ ngã đã thông thường, phái duy tâm thì bài xích phái duy vật, phái duy vật lại khích bác phái duy tâm, ai chấp sở kiến này, kẻ chấp lý bỏ sự, người chấp sự bỏ lý, mới sinh ra phân biệt bỉ thử. Thật ra, Phật pháp không ngoài khoa học, khoa học cũng không ngoài Phật pháp; Phật pháp khoa học viên dụng mới hoàn toàn sự lý”.

Đọc những tham luận được tập hợp trong tác phẩm này, chúng tôi thấy qua hai hội thảo đã soi sáng nhiều vấn đề liên quan đến phong trào chấn hưng Phật giáo hồi tiền bán thế kỷ XX ở Nam kỳ nói riêng, cả nước nói chung, và bước đường hoằng pháp của Hòa thượng Khánh Hòa. Nhiều tư liệu mới được khai thác từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, và Lưu trữ Hải ngoại Pháp đã đem lại nhiều hiểu biết hơn cho người đọc về chuyện của một thời đã qua.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 88
    • Số lượt truy cập : 6952534