Thông tin

LÒNG GIAO CẢM VỚI TƯ TƯỞNG CỦA CƯ SĨ TÂM MINH

LÒNG GIAO CẢM VỚI TƯ TƯỞNG CỦA CƯ SĨ TÂM MINH

 

Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN

 

 

 

Sự giao cảm của tôi với cư sĩ Tâm Minh là từ khi tôi gặp được tác phẩm “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” lúc còn trẻ, khi còn là một người mất phương hướng đang trên đường tìm hiểu về giáo lý cao siêu của đạo Phật. Giữa bộn bề rừng kinh biển luận, mang nhiều quan điểm khác nhau và cách dịch thuật cũng mang nhiều khuynh hướng khác nhau, hầu hết là lời văn mang ảnh hưởng chữ Hán Bắc truyền, hoặc mang âm hưởng Pali bởi cách lặp đi lặp lại trong kinh điển Nam truyền, đã làm tôi rất khó tiếp thu giáo nghĩa một cách trọn vẹn.

Năm ấy, nhân đến thăm nhà một huynh trưởng Gia đình Phật tử, khi ngồi đợi anh ở phòng khách, tôi chợt thấy trên bàn có quyển sách nên cầm lên coi trong khi chờ đợi, đó chính là quyển Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nói ở trên.

Ngạc nhiên thứ nhất là về cách sắp đặt của quyển sách này. Lần giở những trang đầu, tôi thật sự bị cuốn hút, chữ rất to, rõ ràng và cách dẫn giải ngữ nghĩa mỗi đoạn kinh văn luôn nằm ở trang bên trái, bất luận là dẫn giải đoạn văn ấy nhiều hay ít, vẫn để trống phần giấy trắng còn lại chứ không như cách diễn giải ở các sách khác theo tuần tự từ trên xuống dưới, mà cách sắp đặt ở đây là đối chiếu trái phải, làm cho người đọc rất dễ dàng đối chiếu ngữ nghĩa.

Ngạc nhiên thứ hai là giọng văn của tác giả rất Tây, rất Ta, ở đây tôi muốn nói là tác giả thoát khỏi lối mòn của các lối dịch thuật xưa nay, làm người mới bắt đầu tìm hiểu giáo lý như tôi rất thích thú vì trực nhận ngay được vấn đề, dẫu phải đọc đi đọc lại nhiều lần một đoạn văn kinh và luận giải của tác giả mới có thể thông suốt ý Phật nghĩa Tổ.

Thấy tôi say sưa đọc quyển kinh này, anh Huynh trưởng bèn cho tôi mượn luôn để đọc, trước khi gói lại quyển kinh ra về tôi kịp liếc thấy tên tác giả luận giải là Tâm Minh, dầu chưa tìm hiểu kỹ xem đó là ai, nhưng trong lòng đã thực sự ngưỡng mộ tác giả, chỉ với mấy trang đọc đầu tiên đã lôi cuốn được tôi mong muốn chuyên tâm nghiên cứu về bộ kinh này.

Bỏ thời gian đọc đi đọc lại cho hết bộ kinh mấy bận, chính lời văn chú giải ngắn gọn rõ ràng đã dẫn tôi vào thế giới của kinh Thủ Lăng Nghiêm, hiểu được tánh nghe là thường còn và cái bị nghe là vô thường gián đoạn, vì thế tôi nhận thức được ý Kinh và hiểu được tác giả là Cư sĩ Tâm Minh, vốn đã ngộ được tánh Không của Thủ Lăng Nghiêm để sống say mê cùng thức tĩnh suy tư với bộ kinh này.

Chính nhờ bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm này đã khiến tôi tâm đắc, quyết định gác bỏ cuộc đời danh vọng phồn hoa để bước chân vào cửa Phật xin xuất gia học đạo, quyết như ngài A Nan sau khi thoát khỏi lưới nạn của Ma Đăng Già, Ngài đã ngộ rõ tánh Không vốn thường hằng trong mình, thệ nguyện trước Phật mong giác ngộ chân tâm, thoát ly sanh tử luân hồi, không còn bị mê lầm hoặc chướng làm mình bị trôi lăn nữa.

Một điều tâm đắc thứ hai đối với bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, đó là sự giảng rõ về mười loại ma chướng sẽ xảy ra trên đường tu tập của hành giả, mà loại đầu tiên là Sắc Ấm ma. Cụ Tâm Minh giải thích rõ ràng dễ hiểu về loại ma này, đã khiến tôi nhận chân ra những gì mình nghĩ tưởng bấy lâu nay cho là thật, hóa ra đều là giả hiện ra cả. Tất cả đều phát sinh từ Sắc Ấm ma nội tâm hiện ra chứ không phải là thật, là hiểu đạo, chợt khiến tôi trông thật tội nghiệp như ngài A Nan trước khi gặp được bộ Kinh này. 

Về chuyện thật thật giả giả này, tôi chợt nhớ lại lời giảng của Thầy tôi sau khi được xuất gia, trong lúc giảng kinh cho chúng tôi, Thầy có nhắc đến giai thoại về Cụ Thám khi Thầy còn tham học ở Phật học đường ở Huế. Số là Quốc sư Phước Huệ có lần hỏi Cụ rằng:

- “Tôi thấy Bác sĩ cả ngày bận rộn với bệnh nhân đến khám, vậy thì thời gian đâu mà Bác sĩ tĩnh tâm với đạo pháp?”.

Cụ Thám đã trả lời rằng:

- “Bạch Hòa thượng, ban ngày bận rộn thì con quán Giả, tối đến yên tĩnh thì con quán Không”.

Câu nói chỉ có thế nhưng chứa đựng biết bao hàm ý khiến Quốc sư rất hài lòng mà kể lại trong lớp học, đây là điều mà Hòa thượng bổn sư đã kể lại làm tôi tâm đắc và thán phục sự hiểu thông lý đạo xuyên suốt của Cụ Tâm Minh. Đây cũng là câu thoại đầu mà tôi để tâm học tập theo cách quán của Cụ Thám suốt mấy mươi năm qua, áp dụng làm phương pháp tu tập của riêng của mình, và quả thực lòng giao cảm về Cụ như một bậc Thầy đã khai thị cho mình qua câu trả lời bất hủ đó.

Khi tôi hiểu thấu về kinh Thủ Lăng Nghiêm, cũng là lúc tôi muốn tìm hiểu về tác giả giảng luận của bộ kinh này, cũng là hay tin Cụ đã quá vãng năm 1969 nơi đất Bắc. Sự xúc động tột cùng ùa đến trong tôi như chính minh đã đánh rơi mất cây gậy dò đường trong đêm dài tăm tối của vô minh nghiệp chướng.
Và hiểu hơn nữa về sự dấn thân của Cụ cho lý tưởng yêu nước của một sĩ phu thời vong quốc, với lý tưởng yêu nước mà tùy duyên theo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng trong tự thân ông, vẫn sống thanh thản an lạc với cái Giả Không của cuộc đời mà không bị ngoại duyên thế gian chi phối. Thật đẹp làm sao! Như hoa sen mọc giữa đầm lầy mà vẫn ngát hương tinh khiết!

Với Cụ Tâm Minh, đúng như câu nói: “Phật pháp bất ly thế gian giác”, không thu mình yếm thế bỏ mặc cuộc đời, mà với Cụ, đạo Phật là một tôn giáo tích cực với cuộc sống nhân sinh, vui khổ buồn lo cùng gánh vác với nhân sinh như hạnh nguyện chư Bồ tát đã phát nguyện trong kinh Thủ Lăng Nghiêm mà Cụ đã trải nghiệm. Tác hành của Cụ Tâm Minh chứng minh cho nhân sinh thấy rõ bản chất tích cực của đạo Phật qua giáo lý Tứ Nhiếp Pháp, thỏng tay vào đời: Bố thí bằng hạnh nguyện chữa bệnh cho thế nhân; Ái ngữ trong phong cách giáo dục bằng Phật pháp; Lợi hành với xã hội đi theo chủ nghĩa Cách mạng; và đồng sự với mọi người qua tâm giải thoát tùy duyên mà bất biến...

Hôm nay, bản thân chúng tôi rất vui mừng khi mong muốn được Giáo hội đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người mà tôi xem như là Thầy dẫn đường cho tôi bước vào Phật pháp thuở ban đầu. Bài viết nầy vốn không phải là một bài tham luận khoa học, vì các bậc tôn túc thức giả đã tường tận viết nhiều rồi. Chỉ xin mượn chủ đề hội thảo, mượn nơi phát túc của Cụ Tâm Minh, mà bộc bạch lòng tri ân của mình đối với bậc tiền nhân đã khai đường chỉ lối cho tôi qua bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, để từ đó tôi đã lấy làm thủ sách, làm cây gậy chỉ đường cho mình trên bước đường tu học, dọ dẫm từng bước để ra khỏi đêm dài tăm tối của vô minh nhiều kiếp luân hồi.

Kính xin chư tôn đức và đại chúng hỷ xả chỉ dạy thêm cho.

Chùa Phật học Xá Lợi, ngày 05.03.2019

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 123
    • Số lượt truy cập : 6946808