Thông tin

LƯỢC SỬ BA VỊ TỔ TIÊU BIỂU

CỦA HỆ PHÁI VĨNH NGHIÊM

 

THÍCH NGUYÊN NHƯ

 

1. Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh (1840-1937)

 


 

Tổ sư thế danh Nguyễn Thanh Đàm, pháp hiệu Thanh Hanh, sinh năm 1840 tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình thi lễ. Năm lên 7 tuổi, Ngài được gia đình cho theo học chữ Nho. Năm lên mười tuổi (1850), Ngài xuất gia với vị Hòa thượng họ Nguyễn ở chùa Hòe Nhai - Hà Nội. Năm lên 18 tuổi (1858), Ngài về chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang, tiếp tục tu học dưới sự chỉ dẫn của Hòa thượng Tâm Viên. Năm 20 tuổi (1860), Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó, Ngài vẫn tiếp tục ở lại chùa tu hành, nghiên cứu giáo lý.

Năm 30 tuổi (1870), Ngài được bổn sư cử vào tỉnh Ninh Bình giảng dạy Phật pháp cho tăng ni. Trong thời gian 30 năm hành đạo tại đây, Ngài kiến tạo và chứng minh cho nhiều chùa như chùa Đông Cống ở xã Quảng Phước, huyện Yên Mô; chùa Đông Hồ, xã Huỳnh Kim, huyện Yên Mô; chùa Hưng Long, xã Phúc Chỉnh, huyện Gia Khánh; chùa Nội Long và chùa Bát Long thuộc xã Phước Am, huyện Gia Khánh; chùa Liêm Khê thuộc thôn Trì, xã An Phong, huyện Gia Khánh, các chùa này thuộc tỉnh Ninh Bình và chùa Liên Hoa, xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Sư tổ tế độ rất nhiều đệ tử. Đặc biệt, trong số đệ tử của Sư Tổ có Hòa thượng Thích Thanh Thịnh (1867-1954) được triều đình phong chức Tăng cang năm 1930. Đây là một trong hai vị Tăng cang của miền Bắc và là một trong những vị Tăng cang cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1900, Ngài 60 tuổi, sư huynh của Ngài là Hòa thượng Thanh Tuyền viên tịch, Ngài trở về kế đăng trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang, còn gọi là Tổ Vĩnh Nghiêm. Sư tổ rất quan tâm đến việc lưu truyền Tam tạng thánh điển nên Ngài cho người đến Viện Viễn Đông Bác Cổ sao chép và cho khắc bản in ấn các bộ kinh như kinh Hoa Nghiêm Sớ Tấu, kinh Đại Bát Nhã, kinh Đại Bảo Tích, kinh Duy Ma Cật, kinh Trường A Hàm, luật Tứ Phần Tư Trì, v.v… Đích thân Ngài viết lời tựa cho các bản in này.

Ngày 17 tháng 11 năm Giáp Tuất, âm lịch (1934), “Hội Bắc kỳ Phật giáo” được thành lập. Ngày 17 và 18 tháng Chạp năm Ất Hợi (tức ngày 11- 12/01/1936), tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, Lễ suy tôn tổ Thanh Hanh lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Vị tổ có công lao rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc, thời kỳ chấn hưng Phật giáo của cả nước. Ngày 8 tháng Chạp năm Bính Tý (tức ngày 19/01/1937) tổ Thanh Hanh thị tịch, hưởng thượng thọ 97 tuổi.

2. Khai sơn chùa Vĩnh Nghiêm tại miền Nam: Hòa thượng Thích Tâm Giác (1917-1973)

 


 

Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại Nam Định. Năm 7 tuổi, Ngài xuất gia tại chùa Mai Xá thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thờ Sư tổ Thích Trí Hải làm bổn sư. Năm 17 tuổi, Hòa thượng thị giả Sư tổ Trí Hải lên Hà Nội, phụ giúp Sư tổ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Bắc. Năm 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp lớp Trung đẳng Phật học tại trường Bồ Đề thuộc Gia Lâm, Hà Nội, Hòa thượng được bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ kheo tại chùa Quán Sứ. Tam sư Thất chứng là những vị long tượng rừng Thiền lúc bấy giờ như Tổ Tế, Tổ Trung, Tổ Hương, Tổ Cồn, Tổ Quảng, Tổ Ngũ, Tổ Trí Hải, Tổ Tố Liên và Tổ Thái Hòa… Không những học giỏi mà còn có đạo hạnh nên Hòa thượng được các Tổ giao giữ chức Duy na của Tùng lâm Quán Sứ.

Năm 1945, khi chiến tranh chống Pháp bùng nổ, Hòa thượng phụ giúp sư tổ bổn sư di chuyển các em mồ côi từ Hà Nội về chùa Mai Xá ở Hà Nam và nuôi dạy các em ở đây. Năm 1949, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Giám đốc nhà in Đuốc Tuệ, Phụ bút nguyệt san Phương Tiện, cơ quan ngôn luận của Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt do Sư tổ Tố Liên làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Năm 1953, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Thích Thanh Kiểm được Giáo hội Tăng già Việt Nam cử sang Nhật Bản tu học.Tại Nhật Bản, Hòa thượng theo học Phật học tại Trường Đại học Taisho ở thủ đô Tokyo và đồng thời theo học võ Nhu đạo tại Viện Nhu đạo Kodokan cũng ở thủ đô Tokyo. Năm 1962, sau khi nhận văn bằng Tiến sĩ Phật học tại Trường Đại học Taisho và Đệ tam đẳng huyền đai Nhu đạo tại Viện Nhu đạo Kodokan, Ngài cùng Hòa thượng Thích Thanh Kiểm về Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1963, Hòa thượng tham gia tích cực trong Phong trào đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Giáo hội cho thành lập Miền Vĩnh Nghiêm (tiền thân của Hệ phái Vĩnh Nghiêm), Hòa thượng được bầu làm Chánh Đại diện Miền Vĩnh Nghiêm kiêm Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo và sau này làm Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Cũng vào năm 1964, Hòa thượng Thích Tâm Giác cùng Hòa thượng Thích Thanh Kiểm và chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong Miền Vĩnh Nghiêm đã ra sức đổ đất, lấp kênh, kiến tạo Chùa Vĩnh Nghiêm (Số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) thật huy hoàng, tráng lệ như ngày nay. Với cương vị Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo, Hòa thượng đã cho xây dựng 47 ngôi chùa, thành lập khoảng 100 chi hội Vĩnh Nghiêm và hơn 100 Niệm Phật đường trên khắp các tỉnh thành miền Nam. Ngoài ra, Ngài thành lập Viện Nhu đạo Quang Trung và đào tạo hàng trăm ngàn võ sinh cho tới khi Ngài viên tịch. Có thể nói, Ngài là vị tu sĩ văn võ đều giỏi. Các tác phẩm của Hòa thượng gồm: Duy thức học tập I và II, Hộ thân thuật, Nage - Nokata, Nhu đạo, Biến thể Nhu đạo, Nhật ngữ tự học, Phương pháp ngồi thiền, Zen và Judo. Các tác phẩm này đều do Nha Tuyên úy Phật giáo lúc bấy giờ ấn hành.

Ngày 20/10/Quý Sửu (nhằm ngày 14/11/1973), Hòa thượng viên tịch, hưởng dương 56 tuổi.

3. Đồng khai sơn chùa Vĩnh Nghiêm: Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000)

 

 

Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, đạo hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23- 12-1921 (Tân Dậu), tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1935, Hòa thượng xuất gia tại chùa Bạch Chữ, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ Hòa thượng Thích Thanh Khoát thuộc Sơn môn Trung Hậu làm bổn sư. Năm 1938, Hòa thượng thọ giới Sa di tại chùa Tây Thiên. Từ năm 1937-1950, Hòa thượng lần lượt theo học Phật pháp tại các chốn Tổ như Bằng Sở, Trung Hậu, Bồ Đề, Hương Hải, Cao Phong, Quán Sứ. Năm 1942, Hòa thượng thọ giới Tì kheo tại chùa Linh Ứng, làng Trung Hậu, huyện Mê Linh, tỉnh Phúc Yên (Hà Nội ngày nay), do Sư tổ Thích Thanh Trừng làm Đàn đầu Hòa thượng.

Năm 1951, Hòa thượng làm Thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt kiêm giảng sư các trường Phật học tại miền Bắc lúc bấy giờ. Năm 1953, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Thích Tâm Giác được Giáo hội Tăng già Việt Nam cử sang Nhật Bản tu học. Tại Nhật Bản, Hòa thượng theo học Phật học tại Trường Đại học Rissho. Hòa thượng đã lần lượt thi đậu các bằng Cử nhân Phật học, Thạc sĩ Phật học (1959), Tiến sĩ Phật học (1961). Năm 1962, Ngài về nước, năm 1963, tham gia tích cực Phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Hòa thượng đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Phiên dịch thuộc Tổng vụ Hoằng pháp (do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Tổng vụ trưởng). Ngoài ra, Ngài còn giảng dạy tại Viện Đại học Vạn Hạnh. Cũng trong năm này, Miền Vĩnh Nghiêm được thành lập, Hòa thượng cùng với chư tăng ni miền Bắc ra sức xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm được trang nghiêm, uy nghiêm như hiện nay. Năm 1973, Hòa thượng Thích Tâm Giác viên tịch, Ngài đảm nhiệm ngôi vị Chánh Đại diện Miền Vĩnh Nghiêm (Trưởng Hệ phái) kiêm Trụ trì đời thứ hai của Tổ đình cho đến khi viên tịch.

Ngài là người trực tiếp chỉ huy xây dựng Tổ đình Vĩnh Nghiêm ròng rã hơn 10 năm trời và là người Trụ trì Tổ đình trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước, nhưng với tinh thần khiêm cung, tùy thuận, Hòa thượng đã đưa Vĩnh Nghiêm vượt qua những khó khăn nhất của lịch sử Phật giáo nước nhà. Năm 1975-1981, Hòa thượng là Ủy viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước. Năm 1980, Hòa thượng là thành viên trong Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng được suy cử vào nhiều chức vụ như sau: Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp.HCM, Trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương, Phó ban Giáo dục Tăng Ni kiêm Phó ban Phật giáo quốc tế, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, v.v…

Các tác phẩm của Hòa thượng gồm: Diễn Thuyết tập, Phật Pháp Sơ học, Nghiên cứu về tư tưởng bản giác của Phật giáo, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Lược giảng Kinh Pháp Hoa, Khóa Hư Lục, Kinh Viên Giác, Thiền Lâm Bảo Huấn, Pháp Hoa Yếu Lược, Luật học Đại cương, Luận A Tỳ Đàm Câu Xá, Sách dạy cắm hoa

Ngày 5/12/Canh Thìn (nhằm ngày 30/12/2000), Hòa thượng viên tịch, hưởng thọ 80 tuổi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6795835