Thông tin

LÝ NHÂN QUẢ VÀ ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA (tt)

LÝ NHÂN QUẢ VÀ ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA (tt)

         

TUỆ LẠC

 


 

Lại nữa, khi bàn đến lý nhân quả, cũng có lắm người gọi là “tu phước”, thường đơn giản nói rằng: “Tôi cúng dường cho một đạo sĩ, vì vị ấy sống trọn đời ở nơi thờ phượng, dưới hình thức của một nhà tu”. Rồi họ biện luận một cách đơn phương rằng: “Phước báu nhiều hay ít là do lòng tin, chứ không cần biết đối tượng có đức hạnh hay không. Mình cứ nghĩ tốt cho người ta thì mình chắc chắn sẽ được quả phúc tròn đầy”(?). Họ lẫn lộn giữa đức tin có khách quan hiểu biết vấn đề và tin tưởng, nghe người ta nói (hay thấy bề ngoài), rồi chủ quan suy nghĩ là như vậy.

Lối suy nghĩ “đại lượng” nầy rất đáng khen trong một số trường hợp khác. Chẳng hạn như trước kẻ xưa từng lầm lạc, cuồng tín, hung ác, nay thật tâm muốn quay về nẻo thiện, thì cái quá khứ xấu xa của họ, chúng ta không nên quan tâm, mà chỉ nghĩ đến hiện tại hướng thiện đáng quý mà thôi. Nhưng đó không phải là trường hợp bất lành muốn ám chỉ ở đây.

Trở lại quan niệm chủ quan về “tu phước”: Ðây là một suy luận lệch lạc, khá tai hại, có thể sẽ là một trong những nguyên nhân khuyến khích tính coi thường hạnh kiểm và hủ hóa tu sĩ, làm suy đồi đạo Phật nói riêng, và suy đồi văn hóa hướng thiện nói chung sau nầy.

Trong kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta), đức Phật đã ví các hàng tỳ kheo đệ tử của Ngài, như những phước điền (Puññakkhettaṃ= ruộng phước) của nhân loại, để cho kẻ thiện tâm gieo trồng nghiệp phúc, tức là phát triển những hạt giống lành tiến hóa. Phước điền ấy có cái giá trị (mầu mỡ) tuyệt vời của nó, đã được đức Phật xác nhận là giới đức thanh tịnh.

Từ đó suy ra, sự cúng dường chỉ đầy đủ quả phước cần hội đủ hai yếu tố (thứ nhất, người thiện tín phải đủ lòng thành, có chánh kiến, và thứ hai, đối tượng đạo sĩ, nhận sự cúng dường, cũng phải là “phước điền mầu mỡ” (tròn vẹn giới hạnh), thì hạt giống tạo phước mới nảy mầm mạnh mẽ, và đem lại nhiều hoa trái tốt tươi.

Ngược lại với phẩm cách nói trên, nếu “phước điền” chỉ là loại giả mạo, thì người “cúng dường” (gieo trồng) đã vô tình “đồng lõa” với những phần tử lừa bịp, buôn thần bán thánh, mà kinh Phật gọi là “đại đạo tặc” (mahācoro).

Viết những giòng trên đây, chúng tôi chỉ muốn làm công việc bảo vệ Phật giáo, thanh cao văn hóa, chứ không cố ý nhắm vào tu sĩ nào. Chúng tôi vẫn nhớ câu “nhân vô thập toàn”. Chúng tôi chỉ thành tâm nêu lại, và đề cao cái giới hạnh tối thiểu của một nhà mô phạm đóng vai lãnh đạo tinh thần. Để xứng đáng với lòng tin của tín đồ, họ ít nhất cũng giữ được những giới luật căn bản. Còn các oai nghi, quy tắc phụ, “phàm tình” có thể sơ sót, khó tránh khỏi, là một chuyện đáng thông cảm. (Nghĩa là chúng tôi không dám “quơ đũa cả nắm”, và bản thân lúc nào cũng tôn kính, cùng tri ân các bậc chân tu, cả đời xả thân cho xã hội, chúng sinh).

Tuy nhiên, sự cởi mở, “thông cảm” trước sơ sót phàm tình nói trên, hoàn toàn không liên quan gì đến sự chấp nhận hành động lừa bịp, trục lợi của những kẻ núp bóng tín ngưỡng, để đục khoét tôn giáo nói riêng, hay phá hoại văn hóa nhân loại nói chung. - Xin trình bày minh bạch, kẻo có sự lẫn lộn.

Nghĩa là người thực thà, dễ tin, rồi cúng bái bất kể đến những phần tử tự xưng “thầy tu”, đội lốt đạo sĩ lừa gạt, có thể ví như người đem hạt giống gieo trồng nơi chỗ đất độc, quả tốt chắc chắn sẽ không có. Còn nếu có thì ấy chỉ là trái bất lành, ai ăn vào phải nhiễm bệnh. Và người tín ngưỡng mù quáng kia chẳng những đã không có phúc, mà còn vô tình làm trợ duyên cho tà quả, để lôi kéo nhiều đồng loại nhẹ dạ khác, đi vào mê muội sau nầy.

Ðây chính là lý do, ngày nay ở nhiều nước tân tiến, như Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nhật, Mỹ, Úc, v.v… nhà cầm quyền đang cảnh giác, báo động về sự xuất hiện của những giáo phái (sectes) đầy hiện tượng cực đoan, hành đạo cuồng tín, mà các “nhân vật” cầm đầu là những phần tử với gốc tích mờ ám, tự dưng cho mình đã đạt đến trình độ siêu quần, hay tự phong là những xác phàm đã được Phật Trời tuyển chọn, để làm trung gian “giao cảm” với các đấng linh thiêng, hầu biểu diễn quyền năng, giải trừ may rủi, v.v...

Tóm lại, nếu nhìn sự sống qua lăng kính lý nhân duyên quả trong Phật giáo, chúng ta có thể mạnh dạn phát biểu rằng: Duyên lành văn hóa hay niềm tin chân chánh trong một xã hội, mới là điều tối quan trọng, để duy trì các thành tựu, tiến bộ sinh tồn. Còn nhân và quả chỉ là hai yếu tố làm “vật liệu tự nhiên”, cho những chu kỳ sống chung cộng nghiệp, qua nguyên tắc xuất động và phản động, chứ “nhân trước” không phải là yếu tố bảo đảm sự trọn vẹn phẩm giá của “quả sau”.

Nói cách khác, cái quả của nhân quá khứ, tuy chúng ta không thể né tránh, hay chọn lựa, nhưng đón nhận cái quả ấy ở hiện tại bằng thái độ văn hóa nào, và trong môi trường có điều kiện trợ duyên gì là quyền của chúng ta. Triết nhân Đông phương đã từng tán đồng quan điểm trên, khi gián tiếp nói “tận nhân lực tri thiên mạng”. Hay tục ngữ Tây phương cũng có câu tương đương: “Aides-toi, le Ciel t’aidera” (Tạm dịch là “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp cho”).

Cả hai châm ngôn Đông và Tây nêu trên đều ngụ ý, để hiểu rằng: Tự lực hướng thiện là điểm chính. Quá khứ hẳn đã qua (không ai có thể kéo thời gian lại, để điều chỉnh những lầm lỗi được, kể cả Trời, Phật). Còn hành động trong hiện tại, và thọ nghiệp ở tương lai của người nào, thì hoàn toàn nằm trong tay kẻ ấy, không ai có toàn quyền quyết định cả.

Nghĩa là sống trong xã hội, con người có thể bị ảnh hưởng bởi xã hội, nhưng với chân pháp nói trên, con người cũng chính là động cơ sáng tạo, thay đổi định hướng của xã hội.

Xem như thế đủ thấy rằng, một nền văn hóa lành mạnh, soi sáng, không mê tín ngu dân, chính là động cơ then chốt, để đẩy tâm thức một xã hội tiến hóa, và từ đó nó mới đủ khả năng bảo tồn những nền văn minh, mà nhân loại đã trải qua bao nhiêu thế kỷ mới đạt được.

Ðây chính là lý do tại sao đạo Phật luôn luôn đề cao bi-trí-dũng, nhất là trí tuệ (Bát Nhã), vì nó là nguồn gốc của văn hóa lành mạnh, thanh tịnh và khoa học, để soi sáng cho “tâm thức trong hiện tại”.

“Tâm thức trong hiện tại” ở đây không ám chỉ đơn giản sự đang sống, biết suy nghĩ, có cử động qua hình dạng thân thể, mà “tâm thức trong hiện tại” chính là “chân tri diệu hoạt” của linh quang chính trực, bất biến, vĩnh cửu, có tiềm năng soi thấu một cách minh bạch, mọi chu kỳ sinh động, xuyên qua thời gian và không gian.

“Tâm thức trong hiện tại” siêu việt đó bao gồm và đồng hóa cả trước và sau. Còn quá khứ lẫn tương lai, mà phàm nhân chúng ta hằng tạm dùng để phân biệt, phát nguồn từ tham vọng, vốn không thật.

Chúng chỉ là hai chiêu cảm, sinh ra từ tật lười biếng, hướng ngoại, thụ động, vừa nuối tiếc chuyện đã qua, vừa mong chờ (mơ ước) việc chưa đến, được nuôi dưỡng bởi vô minh, cố chấp và mắc dính vào ảo ảnh vật chất, vô thường, hữu hạn, trong cái ta đóng khung, nặng về hình thức, giả tạo, tối tăm, bạc nhược.

Thực ra, quá khứ và tương lai chỉ là hai “giả tưởng”. -Con người vốn sống với những hiện tại nối tiếp nhau. Nếu chúng ta biết sống lành mạnh và trọn vẹn trong hiện tại, tức là quá khứ và tương lai đã được điều chỉnh. Nhưng có mấy ai biết sống như thế. Hay phần đông đã chối bỏ hiện tại. Đứng núi nầy trông núi nọ, bất mãn và khinh thường những gì mình đang có, nếu không muốn nói là phá hoại nó.

Và tâm thức trong hiện tại ấy cũng đồng nghĩa với phẩm cách “thấy” được “lối vào” thánh đạo (Sotāpattimagga), hướng đến giác ngộ, giải thoát Niết Bàn, một phẩm cách của thường trụ, thuần thiện, thanh tịnh, để sau cùng đạt đến cứu cánh.

Cũng vì luận cứ vừa nêu, mà nhiều trí giả liễu đạo ngày xưa, trong lịch sử Phật giáo, đã lưu lại cho hậu thế, một số soạn phẩm hướng thiện tuyệt vời, trong đó các Ngài dám mạnh dạn diễn tả bằng cách nhân cách hóa, rằng: “Cõi Phật hoàn toàn trong sáng, phúc đức vô lường, không có tuổi thọ” (hay vô lượng quang, vô lượng thọ, và vô lượng công đức).

Chỉ một việc “cõi Niết Bàn” không có tuổi kiếp, nghĩa là “ở đó” không sanh, không già, không bệnh, và không chết thôi, cũng đủ thấy không còn phúc đức nào quí hơn, khoan nói đến những gì cao siêu khác.

Quần chúng bình dân Việt Nam, khi nói về trợ duyên lý nhân quả, há đã chẳng truyền khẩu các câu tục ngữ rất Phật Giáo, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đó sao?

Tục ngữ nầy phải chăng đã từ lâu xác nhận rằng “cái quả hiện tại đối với số mệnh con người hẳn không cố định, nó có thể được cải thiện, nếu chúng ta biết tạo duyên thân cận với bạn lành?”. (Gần đèn thì sáng!).

Thử nêu thêm hai trường hợp có thể xảy ra sau đây, để chúng ta cùng nhau suy gẫm:

Một người vì kiếp trước tăm tối, tham lam, keo kiệt, nên kiếp nầy sinh vào cảnh nghèo khó, bơ vơ, dốt nát. Nhưng nếu vì thuận duyên nào đó, người ấy ở gần kẻ dồi dào kiến thức, là bậc nhiều đức hạnh, như siêng năng, nhẫn nại, sáng suốt, và hiền lành. Rồi người kém phúc kia được ảnh hưởng gương tốt (trợ duyên văn hóa), chăm chỉ làm việc, đêm về còn chịu khó học hỏi với hiền nhân… thì cái quả khổ bắt đầu từ thuở chào đời, trong kiếp hiện tại của người ấy, không nhiều thì ít, chắc chắn phải được cải thiện, hóa giải. Và tổng kết cuộc đời, thân phận của người nầy ra sao, có tương xứng với nhân xấu kiếp trước, sinh quả thấp hèn kiếp nầy, từ khi lọt lòng mẹ hay không, - chúng tôi xin nhường sự nhận xét cho quí vị.

Một người khác nhờ tiền kiếp có tinh thần thương người, từng bố thí, giúp đỡ kẻ nghèo khó, nên kiếp nầy được sinh ra trong gia đình giàu sang, đủ điều kiện để ăn học thành tài. Nhưng bởi lý do dễ duôi, ỷ lại, khi lớn lên người ấy lại giao duyên, kết bạn với những kẻ vô loại, nên trở thành hư hỏng, học hành bê tha, chuyên dùng tiền bạc của cha mẹ để ăn chơi, phung phí, hư thân, mất nết, sa đọa. Sau khi song thân qua đời, thì tất cả tài sản của người ấy tiêu tán hết, thân xác bạc nhược, thậm chí không ai thèm mướn y làm tôi tớ. Như vậy cái quả lành mở đầu kiếp hiện tại, được sinh ra trong nhung lụa, bởi nhân tốt từ quá khứ kia, kết toán cuộc đời người nầy, có tương xứng với nhân lành kiếp trước ấy hay không, - chúng tôi cũng xin dành lời đáp cho quí vị.

Ngoài ra, như đã nói ở đoạn trước, lắm hiện tượng “bất công” trong đời sống hằng ngày, nếu xét thoáng qua, dựa trên thuyết nhân quả cứng ngắc, người ta không tránh khỏi hoang mang. Ví như nghiệp ác trong đời nầy của một tên trọc phú, thì sẽ trổ quả xấu qua kiếp sau, chứ nó không biểu lộ nhãn tiền. (Trồng cây còn phải chờ đến mùa mới ăn trái, huống chi là nghiệp). Còn nghiệp thiện nào đó của y trong quá khứ, lại trổ quả tốt, đúng vào lúc y bóc lột đồng loại trong hiện tại.

Thành thử hiện tượng “người làm chuyện gian ác, lại được may mắn, bình an” có thể trở thành “biện chứng nhãn tiền”, cho những kẻ phản đạo đức có thêm luận cứ phá hoại, giữa một xã hội chẳng may đã nhiễm không ít “văn hóa mê tín” ngu dân. Họ nào biết rằng : Tên trọc phú kia hưởng quả lành trong hiện tại, mà y không vun bồi phúc đức, lại hành động tàn ác, thì cái quả tốt đó sẽ sớm cạn đi. Thay vì y có thể hưởng trọn đời, thì y sẽ chỉ toại hưởng trong một thời gian nào đó.

Nhắc lại quan niệm nhân quả cứng ngắc: Nếu nhân tốt nhất định sinh ra quả tốt vuông tròn, bất chấp ảnh hưởng của hoàn cảnh sống (văn hóa), và nhân xấu tuyệt đối đẻ ra quả xấu trọn vẹn, qua ba thời chiêu cảm (quá khứ, hiện tại, vị lai), thì thực tại tương quan tâm vật đã không có gì đáng nói, và khoa học thực nghiệm đơn thuần, hay khoa học thực nghiệm phối hợp với tâm linh, cũng không thể hiện hữu. - Bởi khi nghĩ rằng hậu quả chỉ là kết đọng cố định của nguyên nhân, không có gì biến thiên, để tiến hóa hay thoái hóa cả, thì chẳng còn gì đáng phân tích, so sánh, nghiên cứu nữa.

Chưa kể một số “tôn giáo” vẫn ôm cứng định kiến : Mọi vật phải tuyệt đối rập khuôn theo “thiên ý” (nguyên nhân thứ nhất), tức là họ chủ trương tuyệt đối tin theo thuyết định mệnh (Fatalisme).

Hễ “thiên ý” cho cái “nguyên nhân thứ nhất” thuộc về loại thấp hèn, thì tác phẩm chúng sinh ấy muôn kiếp chịu sa đọa. -Còn hễ “thiên ý” cho cái “nguyên nhân thứ nhất” thanh cao, thì chúng sinh ấy vĩnh viễn siêu thăng (?).

Nếu đúng như thế thì tất cả sinh vật khởi thủy trên quả địa cầu phải còn nguyên dạng, đầy đủ tánh chất, không thể nào có một số đã biến hóa, mất hình thức cũ. Và con người cũng phải muôn đời ăn lông ở lỗ chứ không thể nào có tiến hóa, cải thiện khá nhiều như ngày nay.

Hơn nữa, khoa học nghiên cứu sự biến thiên theo chu kỳ vạn vật, đã chứng minh hoàn toàn trái ngược (với thuyết “định mệnh”) rằng: Khi tâm trí con người, được kinh nghiệm sống thúc đẩy, tự nó soi sáng đặt câu hỏi: “Vậy tại sao thiên ý lại vô lý tạo ra những nguyên nhân thứ nhất bất đồng như thế?”, thì câu hỏi chẳng ai có thể trả lời, cho dù óc thông minh của các giáo chủ, hay của những tín đồ “tin” nó, xuất sắc đến đâu. Từ đó, tín điều ấy tự nó tỏ ra vô căn cứ.

“Nguyên nhân thứ nhất” nói ở đây nằm trong cái thuyết mơ hồ của “thượng đế toàn năng”, đã dựng nên vũ trụ cùng muôn loài vạn vật, và nhất là ám chỉ “Trời Phạm Thiên = Brahmadeva” trong Bà La Môn giáo, nguồn gốc tai hại của tình trạng phân chia giai cấp tại Ấn Độ xưa và nay.

(Xin chớ lầm lẫn “nó” với cái “nguyên nhân thứ nhất” là vô minh trong Thập Nhị Nhân Duyên, khởi sự của những vòng sinh tử luân hồi, theo nhà Phật, -cũng xin chớ lẫn lộn “nó” với cái “động cơ thứ nhất” (Le Premier Moteur = L’Eidos) trong triết học Aristote (384-322 trước TC), thuộc cổ Hy Lạp, mà luận lý tư tưởng vẫn còn giá trị ở Tây phương tân tiến ngày nay).

Các tu sĩ đạo Bà La Môn cổ Ấn Độ (cùng thời với đức Phật), đã tuyên truyền mê hoặc, xác quyết rằng “Linh hồn con người thuộc giai cấp nào, sẽ vĩnh viễn tái sinh  trong giai cấp đó” (?). Còn đức Phật thì Ngài đã thẳng thắn, thanh tịnh vạch rõ tính hoang đường, và chủ đích ngu dân của giáo điều ấy. Hiệu lực của nó chỉ để giúp cho một giai cấp phong kiến, cuồng tín, độc tài, tàn ác, lợi dụng tình trạng thực thà, kém hiểu biết, của dân đen, hầu áp đặt một quan niệm an phận, khuất phục, qua hình thức giai cấp, cho họ dễ bề cai trị.

Xin nói thêm rằng đạo Bà La Môn, Brahmanisme (tiền thân của Ấn Ðộ giáo, Hindouisme) xưa và nay, không phải là tín ngưỡng duy nhất chủ trương như thế, mà hiện tại vẫn còn những tôn giáo (cổ truyền), gọi là “lớn” khác, dù đã được “hiện đại hóa” (hay chính trị hóa), cũng giáo điều không kém, - chỉ khác ở chỗ họ chủ trương ngu dân một cách đa dạng, và tinh vi hơn.

Những tôn giáo “hiện đại” nầy thừa khôn khéo nhân danh thần linh hay “thượng đế”, dùng vật chất mua chuộc, đồng thời sử dụng phương tiện “tối tân” lôi kéo, miễn sao nắm được “niềm tin” của tối đa quần chúng, nhất là quần chúng bất hạnh ở những nước nghèo khổ, kém mở mang. - Cái bao tử xẹp lép không cho phép các quần chúng nghèo khổ, bất hạnh ấy từ chối bất cứ cái gì, không thích hợp với tinh thần tỉnh táo, sáng suốt.

KẾT QUẢ, trong xã hội không thiếu chi hiện tượng người gian ác mà trung thành với giáo chủ, thì được “thiêng liêng” ban phước dồi dào. Sự “ban phước” nầy thường thể hiện xuyên qua các chức sắc “lãnh đạo tinh thần”. Nhưng trên thực tế, khi giai cấp “lãnh đạo tinh thần” ấy muốn củng cố quyền lực tôn giáo, thì họ chỉ cần bí mật ra lệnh, và “yểm trợ phương tiện” (tiền bạc) cho những tín đồ “trung thành vì đạo”, để những phần tử nầy “phục vụ” tín ngưỡng.

Từ đó, xuất hiện những “thế lực tôn giáo tài phiệt” siêu chính trị, hùng hậu kinh khủng, (vì nguồn đóng góp của bá tánh dồn cho tín ngưỡng không bao giờ ngưng), khiến cho ngay cả nhà nước (chính quyền) cũng khó kiểm soát được nguồn gốc.

Khoan nói đến chuyện đám đông thường dân thật thà, ngoại cuộc bàng quan, làm sao có thể nhìn thấy sự thật. Trái lại không khéo họ còn có thể ngẫu nhiên, hay vô ý trở thành “hậu thuẫn quần chúng” cho một số “dịch vụ xã hội” của kinh tài tôn giáo là đàng khác.

Và một số dân chúng lành mạnh, sáng suốt, hay không ít những người thận trọng, trầm lặng sẽ chứng kiến trước mắt bao cảnh: Làm ác hay làm thiện không thành vấn đề, miễn tuyệt đối tin theo một đấng toàn năng vô hình, và trung thành với giáo sĩ, thì tín đồ ấy chẳng những sẽ có dịp phát đạt, mà còn được “bề trên” hậu thuẫn cho nữa.

Nhưng gương sáng của đức Phật ngày xưa đã hoàn toàn ngược lại. Ngài vốn là một hoàng tử, đang sống trong cung vàng điện ngọc, có đủ các ưu thế quyền lực, và hưởng thụ sắc đẹp thể xác. Vì muốn tìm ra con đường cứu khổ cho nhân loại chúng sinh, lẫn cho mình, Ngài đã coi thường tất cả (nếu không muốn nói là vất bỏ, với nghĩa giải thoát, mọi danh lợi ở đời), thì trong giáo lý nhà Phật không thể có hiện tượng tu hành trong địa vị, danh lợi.

Vả lại, sau khi thành Phật, Ngài đã được nhiều thiên chúng, vua chúa, và đại phú gia danh tiếng ngưỡng mộ, tôn thờ. Họ sẵn sàng hiến dâng cho riêng Ngài những trú sở huy hoàng nhất. Nhưng trước khi họ có thể thực hiện chuyện đó, đức Phật đã từ bi soi sáng tinh thần cho họ, để họ hiểu thấu “nhân duyên quả dẫn đến giải thoát tam giới”, khác với “nhân duyên quả đem lại luân hồi” như thế nào, để họ sớm nhận ra con đường chân thật.

Nghĩa là, đạo Phật xưa và nay vốn không thích hợp với những đạo sĩ dùng tôn giáo như một phương pháp thu hoạch phúc lợi, hay để tiến thân, đạt danh vọng, dù dưới hình thức nào.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6784600