LÝ NHÂN QUẢ VÀ ẢNH HƯỞNG “VĂN HÓA” (t.t)
TUỆ LẠC
Quay lại chủ đề nhân-duyên-quả "tam hợp". Đoạn trước, chúng tôi đã mạn phép mô tả một cách tổng quát, về lý nhân quả, hiểu qua khía cạnh hạt và trái. Tạm thời trong giai đoạn đầu, nó được biểu thị cho luận giải một chiều, giữa hai điểm khởi động (nguyên nhân) và phản động (hậu quả), như một "vecteur" trong toán học, đi từ A đến B, trên một đường nối dài.
Nhưng khi chúng ta đào sâu hơn nữa, nghiên cứu chi tiết về biến thiên của lý nhân quả một cách khoa học, qua phương diện tâm thức động và phản động, giao thoa với trợ duyên, trên cả hai chiều "vecteur" từ A đến B, rồi từ B trở lại A. Nghĩa là nhân quả phản hồi dây chuyền như một chu kỳ (luân chuyển): Trong nhân có quả, trong quả có nhân.
Nếu A là nhân của B thì B cũng là nhân của A’ (sai biệt) sau đó, cứ thế dây chuyền mãi mãi, thì ảnh hưởng của lý nhân duyên quả trong tâm thức sẽ vô cùng vô tận, và rất liên hoàn vi diệu, lẫn đa dạng.
NÓ còn được coi là nguyên tắc của vô tỷ chu kỳ luân hồi tâm thức trong một đời người, hay vô tỷ luân hồi kiếp sống của mỗi chúng sinh trong vũ trụ.
Vô tỷ Luân hồi kiếp sống thì chúng ta ai cũng từng nghe qua, trong giáo pháp nhà Phật. Đó là "vấn đề tìm hiểu muôn đời của nhân loại".
Tuy nhiên, vô tỷ chu kỳ luân hồi tâm thức lại là "cốt lõi" của lý nhân duyên quả. Nói cách khác, chu kỳ luân hồi tâm thức vừa là trọng tâm của sự sống, vừa là "động cơ biến hóa" của chính nó. NÓ quả thật rất kỳ diệu, và là đầu mối của mọi hoạt động sát na. Từ Nó mà tất cả cảm giác, tất cả hiểu biết, tất cả thói quen, từ vi tế đến thô kệch, mới "bắt đầu xuất hiện". Chúng ta thử bàn qua lãnh vực nầy.
Theo Abhidhammasangaha (Vi diệu pháp thống kê tâm thức: Phân Tích Tâm Tư Học, Phật giáo Nguyên thủy), thì chu kỳ luân hồi tâm thức được gọi là "Cittavīthi". Tên chữ Pāḷī nầy còn được Hòa thượng Thích Minh Châu, cựu Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, trước năm 1975, dịch trong sách "Thắng Pháp Tập Yếu Luận", là lộ trình tâm ý. Ðó là một chu kỳ gồm 17 tâm ý sát na, chia làm 10 "dạng", khởi lên rồi diệt xuống, theo một "lộ trình" liên tiếp phản hồi như sau:
1/ Tiềm thức yên lặng và kích động (Bhavangacalana), gồm 1 tâm.
2/ Tiềm thức chuyển cách (Bhavangupaccheda): 1 tâm.
3/ Kích ý căn (Pancadvārāvajjana): 1 tâm.
4/ Ứng căn thức (Pancindriya viññāna): 1 tâm trong 5 tâm (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân).
5/ Tiếp thọ (Sampatichana): 1 tâm.
6/ Suy đạt (Santīrana): 1 tâm.
7/ Xác định (Voṭṭhapana): 1 tâm.
8/ Tốc hoạt (Javana): 7 tâm (trong lục thức liên hoàn).
9/ Ðồng sở duyên (Tadālambana): 2 tâm tương dụng.
10/ Hữu phần nhị tiếp (Bhavaṅgapatisandhi): 1 tâm (nằm giữa lộ trình chu kỳ đi trước với chu kỳ đi sau).
Sau đây là chú giải:
* Dạng 1: Tiềm thức yên lặng và kích động là tình trạng tự nhiên của A-Lại-Da (thức thứ tám).
* Dạng 2: Tiềm thức chuyển cách là mặt ngoài của A-Lại-Da bị phản xạ bởi hồn lực Mạt-Na (thức thứ bảy).
* Dạng 3: Kích Ý căn là hoạt tính của thức thứ sáu. (Tức Ý thức vừa hướng ngoại qua ngũ quan, vừa hướng nội, nối vào Mạt-Na).
* Dạng 4: Ứng căn thức là một tâm tương tức trong năm căn thức ứng phó. (Năm căn thức đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, và thân thức).
* Các dạng 5: Tiếp thọ, 6: suy đạt, 7: xác định là ba tâm câu hữu với ý thức.
* Dạng 8: Tốc hoạt gồm bảy tâm rất nhanh (Khippacittā) làm nghiệp nhân, thuộc về lục thức.
* Dạng 9: Ðồng sở duyên gồm hai tâm vương khác chậm hơn, làm nghiệp quả, cũng thuộc tâm thức.
*Dạng 10: Hữu phần nhị tiếp là 1 tâm vương khác nữa, nối giữa Ý thức và Mạt-Na thức (hay thức thứ sáu và thức thứ bảy), để khởi lại một chu kỳ tâm thức (hay lộ trình tâm ý) mới.
Kê khai thì "dài dòng" như vậy, nhưng trên thực tế 17 tâm sát na ấy nối tiếp xảy ra "10 dạng" một cách rất thần tốc, nên một lộ trình tâm thức ít khi kéo dài quá vài giây đồng hồ. Chưa kể hầu hết lộ trình luân hồi tâm thức thường xảy ra, và kết thúc trong khoảnh khắc.
Đọc qua một lộ trình tâm thức, gồm 17 chập sát-na (khaṇa), được "nêu tên chuyên môn" và tạm sắp theo thứ tự, dưới 10 "dạng", trên một chu kỳ như thế, đối với những độc giả chưa quen môn Vi Diệu Pháp, hay Phân Tích Học Tâm Linh trong Phật giáo Nguyên thủy, có lẽ khó lãnh hội.
Vậy chúng tôi xin mạn phép dùng "phương tiện" nhân cách hóa cụ thể, nêu ra một hình ảnh tiêu biểu, qua một người sống bằng xương bằng thịt, để tương đối quý vị dễ hiểu hơn:
Tỷ như một người nằm ngủ bên gốc một cây đào, tượng trưng cho tâm vật ở trạng thái "thụ động", thì lộ trình tâm thức ở "dạng 1", tạm gọi là tĩnh (gồm 1 tâm), tức là tiềm thức yên lặng, trôi chảy đều đặn, không có ngoại cảnh gì ảnh hưởng cả.
Kế đó có quả đào rơi đánh "bộp" một tiếng bên cạnh, làm cho người ấy (tâm vật) giật mình, thì lộ trình tâm thức ở "dạng 2", chao động (cũng gồm 1 tâm), là tiềm thức "gợn sóng".
Ðoạn người ấy (tâm vật) hướng về cái gì vừa xảy ra, thì nó ở "dạng 3" (gồm 1 tâm), là kích thích căn, tức là tự nhiên biểu lộ hoạt tính hướng ngoại của ý thức. (Hay nói theo Duy Thức Học, thì đó là một khía cạnh tương đương với tật hiếu động của Mạt-Na thức).
Tiếp theo, người ấy (tâm vật) biết lờ mờ cái gì đó, qua một trong năm căn thức (ngũ quan), thì nó ở "dạng 4", là ứng căn thức (do 1 tâm trong 5 tâm qua ngũ căn).
Từ biết lờ mờ đến biết rõ ngoại vật như thế nào, cũng trên lộ trình tâm thức, người ấy (tâm vật) phải vận hành xuyên qua 3 tâm đa diện, và đồng sự trong ý thức, là tiếp thâu (dạng 5), suy đạt (dạng 6), xác định (dạng 7).
Khi đã xác định màu sắc, hình dạng rồi, người ấy (tâm vật) nảy ý tham, muốn ăn, liền đưa tay tuần tự lấy quả đào để gần mũi ngửi, và bỏ vào miệng, cắn, nếm, nhai, nuốt, v. v… để biết nó cứng, mềm, mùi vị ra sao, thì lộ trình tâm ở "dạng 8" tốc hoạt (gồm 1 tâm có 6 mặt, tốc lực bằng 6 lần một chập sát-na, đồng loạt câu hữu với lục thức, làm việc tương liên một cách chớp nhoáng, nhanh vô cùng). Và hành động "ăn" diễn ra tiếp theo với tính đồng sự của tốc hoạt tâm gồm sáu mặt (xuyên qua lục căn), cho đến khi trái đào biến mất ở ngoại giới.
Ăn xong, cũng trên cùng một lộ trình tâm thức, người ấy (tâm vật) tự nhiên còn lại trong ý thức cái dư vị (kết quả của tiêu thụ) vừa rồi. Và cái dư vị ấy cũng là nền tảng mới (hay nhân mới) để bổ túc và phản chiếu lên những lần ăn trái tương tự khác trước và sau nầy, thì lộ trình tâm khi ấy ở "dạng 9", đồng sở duyên hành, để mắc dính nghiệp quả tích lũy.
Sau cùng, vì người ấy còn sống, nên tiềm năng trong nghiệp quả tích lũy đó, lại khởi lên một chu kỳ luân hồi tâm thức mới, mà nó đương nhiên nằm giữa, nên chu kỳ tâm thức ở "dạng 10", là hữu phần nhị tiếp (gồm 1 tâm gạch nối). Hữu phần nhị tiếp cũng là đầu mối của tất cả chuỗi lộ trình tâm thức nối đuôi nhau, duy trì, cho đến hết một đời người, rồi kéo dài qua kiếp khác…
Chu kỳ luân hồi tâm thức "hoạt động" tích cực kể từ khi con người thành hình trong bụng mẹ, bắt đầu cảm giác, rồi tự phản chiếu qua cảm giác ấy, để có những cảm giác khác, hầu cô đọng thành sơ tính ngây thơ của sự suy nghĩ. Nhờ nó mà những tế bào cũ tự sinh những tế bào mới, và "nhường chỗ" cho những tế bào mới tiến triển, trước khi đóng vai phụ, hay tự đào thải. Bào thai nhờ vậy dần dần lớn lên thành người, trải qua các thời kỳ ấu nhi, thanh xuân, lão thọ. Rồi chu kỳ luân hồi tâm thức cuối cùng của một đời người, còn cộng với tâm thức thứ 17, tên là cận tử (Cuticitta Patisandhi), để đóng luôn vai trò "chuyển kiếp", khi cuộc đời người ấy chấm dứt, tắt thở.
Tuy nhiên, toàn thể những chu kỳ luân hồi tâm thức, nằm giữa hai điểm sinh và tử, là những chu kỳ luân hồi tâm thức, tạo ra mạch sống liên tục hiện tại của một con người. Không có những chu kỳ luân hồi tâm thức ấy, thì tất cả động vật là gỗ đá, vô cử chỉ, vô hành vi.
Ðiều mà chúng ta thường nói "Tôi nghe, tôi thấy, tôi ngửi, tôi nếm, tôi sờ, tôi nghĩ, và tôi biết", thực ra, theo nhà Phật, không gì khác hơn là hiệu lực của những chu kỳ luân hồi tâm thức, hay chu kỳ nhân duyên quả phát ra hành động có trợ duyên.
Ví dụ như liên quan tới con mắt: Nhân là khả năng thấy (nhờ hiệu lực của chu kỳ tâm thức cũ tích lũy, nảy ra chuyển ý bắt đầu chu kỳ tâm thức mới); Quả là sự thấy, hiệu lực của tổng hợp đủ 3 yếu tố (căn thức, ý thức, và đối tượng). Duyên là nhãn căn ở cách đối tượng (ngoại cảnh) vừa phải, hay đối tượng nằm chẳng xa chẳng gần, đúng trong tầm mắt, không bị che, và thuận duyên đủ ánh sáng, v. v…
Như vậy, không ai có thể sống từng giây từng phút lọt ra ngoài lý nhân duyên quả, hay ngoài chu kỳ luân hồi tâm thức, xuyên qua lục căn cả. Anh A gặp chị B, nghe chị nói chuyện một lần. Sau đó, anh A tuy không đứng đối diện chị B, nhưng nghe giọng nói bên cạnh, anh liền nhớ ra chị là ai. Ðó là nhờ tác dụng của lý nhân duyên quả, hay nhờ hiệu lực của những liên hoàn chu kỳ luân hồi tâm thức, qua nhãn căn và nhĩ căn liên kết chặt chẽ với tâm ý.
Nghĩa là lý nhân duyên quả vốn là mạch sống của tất cả mọi người. Từ hiểu biết những chuyện đơn sơ nhỏ nhặt, đến học hành phức tạp, thông thấu những vấn đề sâu xa vi diệu, hay tập tành rèn luyện thành những thói quen kỳ tài, v. v… Tất cả đều nằm trong lý nhân duyên quả, đều thuộc về hiệu lực của chu kỳ luân hồi tâm thức.
(Còn tiếp)
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết