Thông tin

LÝ NHÂN QUẢ VÀ ẢNH HƯỞNG “VĂN HÓA” (t.t)

 

TUỆ LẠC

 


 

Từ ngữ Hán Việt "văn hóa", trên một phương diện nào đó, cũng ám chỉ lý nhân duyên quả: "Văn" tức là học hiểu (nghe thấy), bằng chữ nghĩa, lý thuyết, và bằng tập sự, rồi áp dụng. "Hóa" là thuần thục, "lột xác", từ cái cũ hóa ra cái mới, tiến bộ hơn (hay cũng có thể tệ hơn), không còn tình trạng trước nữa. Như vậy, văn hóa là bàn tay "nặn đúc" ra toàn bộ cuộc sống hiện tại của một con người, với vật liệu là nhân, quả, và nghiệp.

Và tôn giáo sở dĩ được xem như tượng trưng của văn hóa, vì tôn giáo, xuyên qua niềm tin và hành đạo, có thể biến con người trở thành thanh cao hay thấp hèn, nhu mì hay hung bạo, cởi mở hay khép kín, bảo thủ hay cải tiến, gương xấu hay gương tốt v.v…

Tuy nhiên, cũng xin lưu ý một điều, về phương diện "sinh hoạt theo Phật giáo", ba pháp học, hành, và thành, khi suy chiếu vào "lý nhân duyên quả", nếu chẳng phân tích một cách tinh tế, thì ba giai đoạn ấy (học, hành, thành) không khéo lại có thể làm cho người ta lầm lẫn trong pháp thành. Nhóm từ nầy (học, hành, và thành) tự nó đã nói lên khá rõ ràng: Đó là tiến trình hiểu đúng, hành đúng, và chứng đạt đúng (thành công mỹ mãn). Nghĩa là trong chiều sâu, và dưới một dạng khác, tiến trình ấy vốn cũng là biểu hiện của lý nhân duyên quả.

Nhưng vì quan niệm chủ quan câu: "Ai nắm vững được triết lý, kẻ ấy là triết nhân" (?), nên một số người có thể hiểu lầm qua nhận thức suông rằng: Nghiên cứu hay theo dõi đầy đủ và chăm chỉ, các chương trình giáo lý là học. Rồi tụng giáo lý hằng ngày cho "nhập tâm", xem như hành. Kết quả nhớ giáo lý thuộc lòng, và có thể cắt nghĩa rành mạch đến thính giả, để phổ biến, "hoằng pháp", là thành (?).

Từ đó, có một số "nhà lý luận Phật giáo" (hay còn gọi là giảng sư), dường như coi thường hiệu lực trì giới tu thân, sống đạo khiêm nhượng, hy sinh vì người khác. Khi thuyết giảng, họ thường không nhấn mạnh, hay chỉ đề cao lấy lệ sự nghiêm chỉnh trong gìn giữ giới hạnh, và nhất là không tán dương vai trò then chốt của sự hành thiền (một trong ba nền tảng hổ tương của Giới Định Tuệ).

Phải chăng đối với họ, sống qua hình thức "đạo sĩ" và hiểu biết một cách "sâu sắc" giáo điển nhà Phật, rồi đem "truyền bá", là tâm tánh đương nhiên đã "đắc đạo" (?). Nó sẽ tự động được trong sạch, tự tại trong Thánh pháp, dẫn đến thanh tịnh giải thoát (?).

Nhưng theo các bài kinh nói về thánh lưu: "Đắc đạo" khác với "đắc quả" rất nhiều. Nhất là "đắc đạo" hiểu theo nghĩa thông thường, chứ không phải đắc “thánh đạo Tu Đà Hườn”, bậc thánh khởi đầu.

Người đắc đạo kiểu "hiểu thấu ẩn lý" ấy còn lâu mới đắc quả, và còn cách Thánh Đạo giải thoát rất xa. Sau khi chết, họ vẫn chịu sinh tử luân hồi như thường, không khéo họ còn bị duyên xấu kiếp mới (văn hóa nuôi dưỡng tham, sân, tà kiến, cố chấp), ảnh hưởng, đưa đẩy họ lạc đường, vào vô lượng sa đọa là đằng khác.

Các "lý thuyết gia" nói trên, chủ trương bôn ba thuyết pháp, như một đức hạnh "vị tha" nhập thế, rồi bỏ qua công phu trì giới và hành thiền, có lẽ đã quên rằng: Sống vắng lặng, để giữ đúng giới luật, song song với sự thanh tịnh nội tâm (đòi hỏi kẻ khác nghe ít, mà để họ thấy rõ mình thực hành nhiều), thì ấy cũng là một cách nhập thế độ đời, hoằng pháp rất tích cực? Bằng thân giáo chứ không bằng khẩu giáo.

Cách hoằng pháp (hay truyền bá Phật giáo), đầy tính hành đạo nầy, tuy không có biện thuyết hùng hồn, nhưng lại có gương sáng thực tế. Gương sáng đó chắc chắn sẽ chinh phục được nhân tâm, tạo bình an xã hội, khiến người đời kính phục, tình nguyện xu hướng theo, rồi rủ nhau bắt chước, làm lành lánh dữ, nhiều hơn là họ chỉ nghe say sưa những giảng lý rồi sau đó quên lãng.

Thân giáo quý hơn thuyết giáo là như thế!

Và ảnh hưởng (kết quả) của gương sáng đó bao giờ cũng hài hòa, tốt đẹp, vì đức hạnh luôn luôn có khả năng thuyết phục con người (kể cả các nhà cầm quyền khác tín ngưỡng). Sau cùng, giới hạnh cũng là giải pháp cảm hóa những kẻ lầm lạc rất hiệu lực.

Như vậy, người đã hay đang học, và hiểu đúng giáo lý nhà Phật, mà tự thân chưa công phu tu chứng giới, định, tuệ đến nơi đến chốn, chưa đoạn diệt được ngã chấp, hoài nghi, và mê tín, và chưa thể nhập vững chắc vào thánh lưu, bắt đầu từ Tu Đà Hườn (Sotāpatti), mà họ tự mãn với "đắc đạo" qua "kiến thức" ấy, thì thật là đáng tiếc.

Ai nghe một câu kệ, hay một bài pháp, rồi tâm trí chợt bừng sáng, "chứng ngộ" được "chân lý", có thể tạm gọi kẻ ấy là "đắc đạo" (chỉ với nghĩa hiểu thấu lẽ sâu xa). Nhưng họ chắc chắn không phải là đắc quả, vì hiểu pháp và sống đúng theo pháp (hành đạo) một cách thuần thục, tự nhiên, đạt thành tích viên mãn, là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Ví như người đọc sách dạy bơi lội, và hiểu được "kỹ thuật" vùng vẫy dưới nước một cách rành mạch, chẳng có đoạn nào trong sách làm cho nghi ngờ cả, không có nghĩa là người đã biết lội. Nói cách khác, người ấy tuy thông suốt nội dung cuốn sách dạy bơi lội, nhưng chưa bao giờ tự thực tập thành thạo dưới nước, thì khi rơi xuống sông, người ấy vẫn chết đuối như thường.

Lại nữa, theo hầu hết kinh sách Phật giáo, tiến trình hành đạo và độ thế của chư Bồ tát lẫn của chư Phật, vẫn là tự giác rồi mới giác tha, để sau cùng đạt tới giác hạnh viên mãn. Nếu một người chưa đủ sức bơi lội, mà vì "lòng từ bi" nhảy xuống nước cứu người chới với, thì trên lý thuyết, đó là một hình ảnh quên mình rất đẹp, nhưng trong thực tế cả hai sẽ chết chìm, vô ích.

Tương tự như thế, một người "tu" Phật, khi thân tâm chưa thực sự thuần thiện, chưa trong sạch (tức chưa chứng được giải thoát vững chắc), mà vị ngã, tự kỷ ám thị, chạy theo thị hiếu của ca ngợi thế gian, của suy luận lý thuyết, rồi bất chấp trình độ miễn nhiễm của chính mình, bỏ qua những công phu căn bản, như nghiêm trì giới hạnh, như rèn luyện thanh tịnh, để… "nhập thế độ đời", thì chắc chắn người ấy sẽ không đạt được mục đích, mà tâm hồn sẽ bị các pháp thế gian lôi kéo, nhận chìm trong tài lộc, danh vị. Nghĩa là nếu đối chiếu, so sánh ba pháp học, hành, và thành với lý nhân-duyên-quả, thì tự giác là NHÂN, giác tha là DUYÊN, và giác hạnh viên mãn là QUẢ.

Bàn sâu vào phẩm cách giải thoát cũng vậy. Kết quả của pháp học chỉ cho con người một kiến thức tương đối đầy đủ, và sâu sắc về lý thuyết giải thoát mà thôi. Và do đó, hiệu lực của phút chốc "bừng sáng" (đốn ngộ) cũng chỉ cho người ta sự hiểu ra chân lý thâm diệu, mà trước đó họ chưa hiểu, chứ không là cái gì cả.

Nhưng chung kết của sự thực hành thành tựu pháp giải thoát (tức là viên mãn công phu qua giới hạnh tinh khiết và qua thuần thục trong chánh định, lẫn minh sát tuệ), thì đạo quả, thành tích sẽ tuyệt vời, vượt hẳn pháp học lý thuyết, hay bừng tỉnh "đốn ngộ" rất nhiều.

Ví như vị trí của người đứng trên chiếc thuyền cá nhân, còn lênh đênh giữa biển cả, may mắn thấy được ánh hải đăng le lói (tương đương với hiểu thấu lý đạo, hay "đốn ngộ"), đem so sánh với vị trí của người đã hoàn toàn bước chân lên bờ giải thoát. Hai bên khác nhau rất xa: Một đàng chỉ thoáng thấy được điểm chuẩn (ánh hải đăng), báo hiệu là hướng đi đúng, song còn muôn vạn chướng ngại hiểm nguy, trùng vây tứ phía, còn đàng kia đã đến nơi an toàn, tự tại (hay nói theo nhà Phật, là "viên tròn đạo hạnh ba la mật, đáo bỉ ngạn").

Chưa kể cái thấy biết (chứng đạt) của các bậc nhập vào thánh lưu, hướng đến Niết bàn (cập bờ giải thoát), cũng khác hẳn với "cái thấy biết đốn ngộ" của "thức giả" còn mang nhiều lớp bụi trần nơi tâm thức. Và ngôn ngữ chế định (hữu hạn) của chúng ta vốn lại không thể nào phản ánh trung thực được. (Nhân đây, xin thành tâm yêu cầu quý vị hãy "tương đối hóa" những diễn tả nào về thánh nhân của chúng tôi. Vì nhiệt thành, vô tình chúng tôi có thể diễn tả "quá xác định" trong bài viết.

Tóm lại, lý nhân duyên quả là một pháp toàn diện, chi phối mọi vận hành của muôn loài vạn vật nói chung, và bao gồm tất cả sinh động của nhân loại nói riêng. Nó chẳng những hiển lộng trên bề mặt, mà còn tác dụng cùng khắp chiều sâu, nhất là tiềm tàng trong ý thức của con người, nối liền tâm và vật. Xét lại trong chúng ta, ai mà chẳng đã từng thầm ngạc nhiên trước một cảnh tượng. Tuy mới thấy lần đầu, nhưng chúng ta có cảm tưởng đã "biết qua" tự hồi nào, mơ hồ như trong quá khứ, mà không định rõ được. Hoặc giả, khi chúng ta chiêm ngưỡng một khung cảnh hữu tình, hay một kỳ quan nào đó, thì những hình ảnh đẹp đẽ, đáng lẽ về sau phải trở thành tầm thường, nhàm chán… như bao nhiêu hình ảnh đặc biệt khác. Nhưng chúng cứ ở mãi cái địa vị tuyệt mỹ, độc đáo trong ký ức của chúng ta.

Rồi những cảm giác rung cảm ấy, lắm khi chúng ta dùng chữ nghĩa hay lời lẽ, dù chính xác, sắc bén đến đâu, chúng ta cũng không thể nào diễn tả hết được, thì… đó là gì, nếu không phải là "dư âm" của tác dụng nhân duyên quả theo nhà Phật? Rốt cuộc, tất cả vẫn không ngoài chu kỳ luân hồi tâm thức, hay hiện thân của lý nhân quả.

Nói theo khoa học lý hóa, thì đó là chu kỳ di tồn nhiên lực (cycle de conservation d’énergie) dưới dạng tâm linh (siêu vật chất). Chu kỳ ấy không là gì hết, và là lý lẽ của tất cả.

Nó vừa là nguyên tắc của duy vật, vừa là siêu lý của duy tâm, vừa là biện chứng của khoa học vật chất (vi tế lẫn hữu hình), vừa là biến hóa của khoa học tâm linh (vô hình).

Lại nữa, Phật giáo không xem chu kỳ nhân duyên quả như một lý thuyết luân lý "tương đối" (chỉ để răn đời), sinh ra từ sáng kiến lập tiêu chuẩn bình an cho xã hội. Nghĩa là trong sự sống chung, vốn đa dạng và đầy xung đột, con người tuy cần có quy luật thưởng phạt "công minh", hay oan trái báo ứng, qua dạng một trọng tài là "đấng thiêng liêng" điều động, để ngăn chặn (hoặc hạn chế) những cá nhân có khuynh hướng hành động xấu.

"Luật thưởng phạt" ấy, dĩ nhiên có cái giá trị xây dựng, nhập thế của nó, nhưng đối với Phật giáo, ngoài giá trị nhập thế ấy ra, lý nhân duyên quả còn là một chân đế khoa học. Loài người nếu biết duy trì, phát triển ý thức đó, tức là giác tính khoa học tự nhiên trong tư tưởng không để bị che mờ. Đã gọi là giác tính khoa học (hay chân đế), thì nó không nằm trong tư duy mù quáng, không có vấn đề "Ai tin lý nhân quả thì mới nghiệm đúng. Còn ai không tin thì nó vô hiệu lực".

Hay như Dịch lý Á Đông, một khám phá xa xưa tuyệt vời khác, của nền văn minh nhân loại, chúng ta cũng có một câu nói đầy sấm nghĩa: "Cùng tắc biến, biến tắc thông". Cùng ở đây tương đương với nhân, biến tương đương với duyên, và thông tương đương với quả, tức là gián tiếp ám chỉ: Khi những cái không toại nguyện, trước hai cảnh khổ lẫn vui, chồng chất đến cực điểm, thì giác linh con người sẽ tự động phản ứng, tìm giải pháp để vượt qua bằng mọi cách, hầu có lối thoát.

Tóm lại, theo nhà Phật, lý nhân duyên quả hằng chi phối tất cả. Nó bao gồm mọi tình trạng tư tưởng “tin” hay “không tin”, và luôn luôn nghiệm đúng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 58
    • Số lượt truy cập : 6712043