Thông tin

MẠCH NGUỒN VĂN HÓA BẾN TRE

 

NGUYỄN THANH LỢI

 

Bến Tre là đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất cho đất nước. Họ đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương ở trên nhiều lĩnh vực, qua các thời đại.

Là một tỉnh châu thổ nằm sát biển, Bến Tre có địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ven biển và ở các cửa sông. Tỉnh có một hệ thống đường thuỷ gồm những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông, lên tận biên giới Campuchia và một hệ thống kinh rạch chằng chịt đan xen như những huyết mạch suốt khắp ba dải cù lao.

Nguồn gốc dân cư ở Bến Tre đến từ miền Trung, chủ yếu là người Việt vùng Ngũ Quảng từ thế kỷ XVIII. Gia phả của các dòng họ xưa ở Bến Tre cho biết, nhiều trường hợp di chuyển thẳng từ miền Trung vào đây, như gia đình ông Thái Hữu Xưa từ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào Ba Tri, gia đình ông Nguyễn Văn Vạn ở Mỏ Cày có nguồn gốc từ Hòa Vang (Đà Nẵng), hay ông tổ của ông Bùi Quang Đảnh ở thị trấn Mỏ Cày vốn ở Bình Sơn (Quảng Ngãi)…

Họ di chuyển đến đây theo những chuyến ghe bầu, đến định cư ở các cửa sông lớn như cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, dần dần tiến sâu vào nội địa, chọn những giồng đất cao ráo có nước ngọt hai bên bờ để sinh sống. Phương thức mưu sinh của những người đi khai phá là nghề nông, kết hợp với đánh bắt thủy sản và khai thác lâm thổ sản.

Bức tranh khẩn hoang của Bến Tre lúc bấy giờ cũng là phương thức khai phá ở Nam Bộ, đặc biệt với vị thế của những tỉnh giáp biển và cho thấy một cách rõ nét mối quan hệ với miền Trung trên nhiều phương diện: “Đất đã tốt lại ở ven biển, lưu dân có thể đi ghe bầu từ miền Trung vào vàm mà lập nghiệp, ngoài huê lợi ruộng nương còn huê lợi cá tôm. Đánh lưới ngoài biển vốn là sở trường của dân Việt, tha hồ chọn lựa đất tốt. Nhờ đường biển, việc liên lạc về quê xứ miền Trung được thuận lợi”.

Văn hóa xứ sở cù lao

Những trang sử đầu tiên của cư dân ở vùng đất mới này là “đánh cọp, đuổi sấu”. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết đất Bến Tre có nhiều cọp, được phản ánh qua nhiều truyện kể dân gian như Truyện ông Gốc, Truyền thuyết về Cồn Tàu, Truyện nghĩa hổ, Bà mụ cọp… Không ít người đã bỏ mạng nơi vùng đất Bến Tre. Gia phả họ Đặng (xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày) cho biết vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, bà cụ tổ tên Hến dẫn hai người con vào đây lập nghiệp, đã bị cọp vồ chết một người, nên phải dời nhà qua Mỏ Cày. Gia phả họ Ngô (xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày) vào thế kỷ XVIII cũng ghi nhận ông Ngô Quang Thành đến khẩn hoang vùng này (gọi là ấp Phú), thì người con của ông là Ngô Quang Thiều “bị cọp vồ chết”. Gia phả họ Đoàn ở huyện Ba Tri có “ông cố bị cọp ăn mất xác”.

Nam Bộ có nhiều truyện tương tự về ông “ông Cọp” như Ông Cả Cọp, Ông cọp cả Mỹ Điền… Ở xã Châu Bình (Bến Tre) từ khi lập làng, hễ ai được cử làm Hương cả thì đều bị bệnh chết. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức Hương cả liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Dân làng phải làm lễ cử “Cả Cọp” cúng đầu heo quay và viết tờ cử cuộn tròn đặt trong ống tre, nơi cọp đã vồ ông Cả. Sáu, bảy năm liền không thấy cọp về, mới có người tên Non nhận chức Hương cả trở lại. Ở xã Hưng Nhơn (huyện Bình Đại, Bến Tre), ông Cả Cọp ở đây rất hung dữ. Mỗi năm, dân làng phải nộp một mạng người. Về sau, khấn vái mãi mới xin được cúng heo, rồi giảm xuống còn đầu heo.

Xã Tân Hưng (huyện Ba Tri) đến nay vẫn còn đền thờ ông Trần Văn Én (Ông Yến), nhân vật có võ nghệ cao cường, đã từng “đả hổ”, thuần hóa được cọp dữ, cưỡi chúng đi ăn giỗ, chỉ mới xảy ra vào đầu thế kỷX IX đây thôi.

Nhiều địa danh trong tỉnh còn lưu lại dấu ấn này như: đìa Cứt Cọp (ấp 4, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm), giồng Ông Hổ (xã Thới Lai, huyện Bình Đại), Sân Ngự (thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại), đồn Cọp (xã Phú Nghĩa, huyện Chợ Lách), rạch Gầm (huyện Châu Thành).

Gia Định thành thông chí chép về nạn cá sấu ở Bến Tre: “Sông Tiên Thủy (tục gọi Sóc Sãi Hạ) ở về phía đông sông Hàm Luông, cách trấn về phía đông 96 dặm. Sông rộng 4 tầm, sâu 1 tầm, làng xóm chợ búa rất đông đúc, ghe thuyền tụ tập... Ngoài cửa sông có nhiều cá sấu, có con to bằng chiếc xuồng, tính rất hung dữ, người đi qua phải coi chừng. Dân trong vùng phàm có những ngòi nhỏ, dùng chở gạo củi, hay tưới rửa, thì ở miệng ngòi phải trồng cọc dày kín, để ngăn dòng nước cho khỏi nạn cá sấu”.

Theo Aubaret trong Gia Định thông chí thì: “Rạch Tiên Thủy, năm trước có một con sấu thật to, mình dài đến 60 pieds, cái thân của nó năm người ôm mà không giáp, gọi nó là ông rồng, và sức nó mạnh đến nỗi nó dùng đuôi quất một cái đủ văng người xuống nước để ăn tươi nuốt sống, và ghe xuồng gì đều bị nó quất bể tan tành”.

Chợ Lương Quới trước năm 1930 gọi là chợ Bàu Sấu. Còn rạch Cái Sấu ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc) được đặt tên là do ngày xưa có con cá sấu lớn vào trong rạch này. Đầm Lạc Địa ở huyện Ba Tri sau năm 1975 người ta còn đào được xương đầu cá sấu khá lớn.

Trong hành trang của mình ở vùng đất mới, cư dân Bến Tre mang trong mình truyền thống văn hóa Việt Nam, không chỉ mang theo vật lực, nhân lực mà còn cả vốn văn hóa từ miền ngoài. Vào đến vùng đất Bến Tre, với những điều kiện tự nhiên, lịch sử -xã hội, vốn văn hóa ấy được tái tạo và sáng tạo theo cách riêng, tạo nên những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn đặc trưng hài hòa với không gian văn hóa nơi đây.

Khi vườn và nghề làm vườn xuất hiện thì không gian kinh tế Bến Tre đã có sự thay đổi đáng kể trong nông nghiệp và giao thương, biến đổi bộ mặt nơi đây. Miệt vườn tạo ra sự khác biệt về văn hóa so với nghề trồng lúa nước thuần túy với vùng chuyên canh như ở huyện Chợ Lách. Những sáng tạo của lớp lưu dân khi đến vùng đất này là kỹ thuật “đào mương, lên liếp”. Muốn lập vườn thì phải đào mương, vừa để dẫn nước vào vườn; đồng thời đưa phù sa vào vườn, lắng chua mặn dưới lòng kinh. Và đào mương cũng là để lên những liếp vườn đầy cây ăn trái. Đó là một thái độ ứng xử thông minh trước thiên nhiên vùng đất này, mà nói như nhà văn Sơn Nam là đã tạo ra một “văn minh miệt vườn”.

Ghe ai mũi đỏ trảng lườn,

Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.

Bến Tre là nơi có nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng lâu đời và nổi tiếng. Cây giống và hoa kiểng được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh như huyện Châu Thành, huyện Mỏ Cày Bắc,… nhưng huyện Chợ Lách là cái nôi và cũng là nơi sản xuất lớn nhất cả nước về nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng, được vinh danh là “vương quốc cây trái và hoa kiểng” của cả Nam Bộ.

Cuối thế kỷ XIX, linh mục Gernot, cha sở nhà thờ Cái Mơn (huyện Chợ Lách) là người có công lớn trong việc mang một số giống cây ăn trái du nhập vào Bến Tre, như măng cụt, bòn bon, sầu riêng, chôm chôm từ Thái Lan qua, trong đó có giống dừa Xiêm.

Người đặt nền móng cho nghề sản xuất cây giống huyện Chợ Lách là Phan Văn Minh và Trương Vĩnh Ký ở xã Vĩnh Thành. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong thời gian du học, công du, mỗi lần về thăm nhà hai ông đều mang một số giống cây mới từ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia Lai về trồng. Người dân Cái Mơn không chỉ có nghề ươm cây mà còn biết chiết ghép cây, như ghép cây bình bát vào cây mãng cầu dai để cho nhiều trái và có sức chịu đựng.

Ở xứ sở “cù lao” như Bến Tre, thì sông nước là điều kiện để hình thành nên các vựa trung chuyển hàng hóa, chợ búa, mầm mống của nền kinh tế hàng hóa. Miệt vườn do có nhiều vàm kinh, vàm rạch cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long, nên số lượng chợ cũng đứng đầu trong khu vực: Tiền Giang (160), Bến Tre (175), Vĩnh Long (106), Đồng Tháp (203), Trà Vinh (110). Trong khi đó các tỉnh khác của Tây Nam Bộ số lượng chợ ít hơn nhiều: Kiên Giang (101), Hậu Giang (69), Cà Mau (100).

Bến Tre là một trong những cái nôi của dân ca người Việt Nam Bộ, vùng đất kế thừa và phát triển nhiều làn điệu dân gian từ Ngũ Quảng, của những người đi khai hoang lập nghiệp ở đất phương Nam. Đất cù lao bốn bề sông nước, nên Bến Tre có điều kiện xuất hiện những loại hình diễn xướng dân gian gắn với môi trường này, như hò, lý, nói thơ Vân Tiên, hát huê tình, hát sắc bùa. Những điệu hò trên sông nước thì có hò mái đoản, hò mái trường, hò chèo ghe

Chừng nào cho vực xa cồn

Cù lao xa biển, anh đành xa em.

Hay:

Bao giờ cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ bể thì anh xa nàng.

Hát lý là một điệu hát mà thông qua đó thể hiện được tiếng nói của nhân dân lao động, gắn bó với đông đảo quần chúng, đặc biệt là tầng lớp bình dân. Lời của lý thường là những câu lục bát, lục bát biến thể. “Trong số 75 điệu lý sưu tầm được ở Bến Tre thì có tới 65 làn điệu khác nhau. Về nội dung phản ánh, lý phản ảnh tương đối toàn diện cả tự nhiên và xã hội; sự vật, sự việc và con người”.

Nói thơ Nam Bộ xuất hiện sớm trong lối nói thơ trong hát sắc bùa, lối hô thai (bài chòi), lối nói thơ quân phường (của những người đi ăn xin) được du nhập theo những làn sóng di cư từ Nam Trung Bộ vào Nam Bộ. Nói thơ Vân Tiên là một hình thức của nói thơ Nam Bộ, cách diễn xướng rất đặc trưng truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên do nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, nó “thấm thía thâm trầm, ẩn dấu một nỗi buồn dịu nhẹ nhưng với khí sắc lạc quan vì trung, hiếu, tiết, nghĩa như các nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu”.

Một loại hình dân ca nghi lễ đã từng tồn tại ở Bến Tre, thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa hai miền Trung-Nam, đó là hát sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri). Sự kiện năm 1742, ông Thái Hữu Xưa từ phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào Ba Tri (Bến Tre) lập trang trại và đến năm 1759 lập làng An Bình Đông ở đây, phải chăng là một dấu chỉ về nguồn gốc tục hát sắc bùa Quảng Ngãi du nhập vào Phú Lễ bằng đường biển từ miền Trung.

Nghiên cứu khác cho biết: “Hát sắc bùa Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, tồn tại cho đến những năm thập kỉ 70 của thế kỷ XX, do ông Trần Văn Hậu con rể của ông Hồ Đức Quang thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát”.

Hát sắc bùa chỉ phổ biến ở một số địa phương ở huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm nhưng xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) được xem là cái nôi của hát sắc bùa ở Bến Tre. Hát sắc bùa chỉ diễn ra vào dịp tết Nguyên đán nhằm yếm quỷ trừ tà, chúc cho gia đình gia chủ một năm an khang, thịnh vượng, cầu cho gia đạo bình yên và góp vui trong những ngày tết. Nằm trong dòng chảy văn hóa từ Bắc vào Nam, đến vùng đất Bến Tre, ngoài chức năng nghi lễ, nó còn mang chức năng giải trí, góp vui. Điều đó còn cho thấy sự biến thiên của một hình thức sinh hoạt dân ca nghi lễ ở xứ Dừa này.

Nhiều vị thần được thờ ở Bến Tre như Ông Táo, Thổ Địa, Bà Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ, thần Nông, thần Hổ, thần Bạch Mã... Phổ biến nhất đối với cư dân miệt vườn Bến Tre là thờ Ông Thiên và Thành Hoàng Bổn Cảnh. Dân miệt vườn Bến Tre có ngày tết vườn “Mồng một tết nhà, mồng ba tết chuồng, mồng bốn mới ra vườn tết cây”. Còn dân miệt giồng huyện Bình Đại thì ngày mồng ba tết chuồng được đổi thành ngày tết trâu (tết Ông Chuồng, Bà Chuồng). Nay thì lại có thêm tết Đoan ngọ mồng 5/5, làm ở cồn giữa sông (huyện Chợ Lách). Hơn 200 ngôi đình với 149 sắc phong ở Bến Tre, trong đó có những ngôi đình cổ có giá trị như đình Tân Thạch (huyện Châu Thành), đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Tự, đình An Hội (thành phố Bến Tre).

Ảnh hưởng từ tín ngưỡng biển của Nam Trung Bộ, cư dân ven biển Bến Tre duy trì tục thờ cá Ông nơi đây, được lưu hành với nhiều truyền thuyết: “Ở quận Ba Tri, dân chài lưới có lập một cái miếu thờ cá Ông. Mỗi khi ra khơi, họ thường cúng vái. Nhiều lần họ được cá Ông giúp đỡ trong lúc biển động mạnh, ghe đánh cá của họ suýt chìm. Họ cầu cứu cá Ông thì ít phút sau cá Ông hiện đến. Cá Ông kê lưng đỡ thuyền họ lướt qua sóng gió hãi hùng. Mỗi lần cá Ông hiện trên mặt biển che chở thuyền chài thì y như có một cá đao theo bên” và “dân chài vùng Bãi Ngao (Ba Tri) cũng thuật rằng cũng có lần thuyền của vua Gia Long đến đây gặp sóng to gió lớn và cũng được cá Ông hộ tống vào đến Bãi Ngao”.

Dọc duyên hải Bến Tre có nhiều lăng Ông vẫn thực hành tín ngưỡng của người dân miền biển: An Thủy, Bảo Thạnh, Tân Thủy (huyện Ba Tri), Thới Thuận, Thừa Đức, Bình Thắng, Vang Quới Tây (huyện Bình Đại); Thạnh Phong, An Thuận, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú).

Tất cả những điều đó cho thấy những giá trị truyền thống đã bám rễ trong đời sống của cộng đồng dân cư Bến Tre từ lâu đời và có sức sống cho đến tận ngày nay.

Bến Tre là đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất cho đất nước. Họ đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương ở trên nhiều lĩnh vực, qua các thời đại.

Một ông Gốc (Võ Hữu Vai) khí khái, ngang tàng, dám chống trả lại bọn Tây ngăn cản tự do đi lại. Giỏi võ nghệ, ông đã từng đâm chết sấu, nay còn lưu lại địa danh rạch Sấu của thời khai hoang.

Hay như ông Ó ít chữ nghĩa, nhưng sáng dạ, can trường, có tài ứng đối đã sáng tạo nên những truyện trạng nổi tiếng, xếp vào hàng những truyện kể dân gian cả nước như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai, Tú Xuất, Thủ Thiệm, Bộ Lữ…

Ông già Ba Tri lại được xem như là biểu tượng cho đạo lý sống cao đẹp, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Bến Tre.

Phan Thanh Giản là Tiến sĩ “khai hoa” của đất Nam kỳ. Trương Vĩnh Ký được xếp trong bảng vàng các nhà bác học trên thế giới vào thế kỷ XIX. Nguyễn Đình Chiểu về cuối đời đã gắn bó với mảnh đất này, để lại những trang thơ, bài văn tế, thơ điếu… lắng đọng lòng người. Lương Khắc Ninh chủ bút tờ Nông cổ mín đàm. Sương Nguyệt Anh, Chủ bút tờ Nữ giới chung. Lê Hoằng Mưu, Chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn. Đó là những Lê Long Vân (cải lương), Diệp Minh Châu (điêu khắc), Lê Văn Đệ, Nguyễn Phi Hoanh (mỹ thuật), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Định là những nhà chính trị, quân sự tài ba. Và còn nhiều những tên tuổi khác nữa.

Lời kết

Xứ sở cù lao này với bối cảnh địa lý, lịch sử xã hội đã sản sinh ra những nét văn hóa đặc thù, hòa mình trong dòng chảy văn hóa văn hóa cả nước, làm nên một sắc thái riêng biệt. Trong đó những hạt giống văn hóa Trung Bộ đã có điều kiện phát triển trên thổ ngơi này bằng quá trình tái tạo và sáng tạo. Đó là những sắc thái văn hóa miệt vườn, văn hóa biển, đã hòa trộn, phối hợp với nhau một cách hài hòa, để làm nên một diện mạo văn hóa mới, đậm chất sông nước Tây Nam Bộ. Những mạch nguồn văn hóa dân gian ấy luôn không ngừng tuôn chảy, hòa điệu vào trong đời sống văn hóa đương đại trên quê hương Bến Tre ngày nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6952418