Thông tin

MAI NÀY, TÔI BỎ QUÊ TÔI

 

Tùy bút của HUỲNH DŨNG

 

 

Cổng lớn mở, ngôi chùa Tiêu Dao uy nghiêm, cổ kính đón tôi vào. Bảo Châu niềm nở hiện ra, ân cần mở cửa xe: “Chào thầy. Nhiều năm rồi thầy vẫn không thay đổi mấy”.

Tôi là người tin vào định số. Tối hôm nay với buổi tối xa nào... có vẻ như là sự lặp lại đầy bí ẩn. Cuộc đời lắm lúc sao y hệt giấc mơ, có phải tôi với Bảo Châu đang ngồi bên, trong cuộc trà đàm hay chỉ là khói sương mộng mị.

Hai mươi tám năm trước, trong một buổi chiều lạnh cũng như cái lạnh đêm nay của đất trời Hà Nội, ở chùa Mây - một ngôi chùa hơn 400 năm tuổi trên vùng đất Chămpa cổ - An Nhơn, có người đàn ông dắt theo đứa con gái nhỏ loạng choạng trượt chân xuống mảnh ruộng ngập úng trước chùa.

Đời tôi luôn là những buổi chiều, luôn là những cú vấp, nhưng may thay chưa ngã.

Cổng chùa mở, cũng Bảo Châu của ngày ấy đưa tôi vào chánh điện lễ Phật và xin thầy trụ trì tá túc.

***

Mới 3 giờ sáng, tôi thức giấc không phải vì tín hiệu tin nhắn từ chiếc điện thoại, mà vì âm thanh tiếng chổi tre quét lá dưới sân chùa.

Tiếng chổi tre! Tiếng chổi tre xào xạc và bầu trời đêm rạng sáng chi chít hàng vạn ngôi sao nhỏ. Biết ngôi sao nào tên gọi Thu Hoài?

Tiếng chổi ngưng lúc cơn mưa sớm mai chợt lắc rắc trên những tán lá trong tự viện chùa Tiêu Dao. Từng giọt mưa tí tách rơi như mang nỗi vắng lặng trên cao hòa cùng bao kỉ niệm thân thương kéo xuống. Trong màn mưa trắng xóa, thước phim của hai mươi tám năm trước quay lại, tôi nghe lẫn trong tiếng mưa như có tiếng ai cười mà đôi mắt u uẩn cứ ánh lên một thứ ánh sáng thao thức, bồn chồn.

...

Kính cẩn chào thầy trụ trì chùa Mây, cô ấy nói nhỏ nhẻ mà rành rọt, dứt khoát:

- Thầy biểu ảnh về đi, con không thể mất chồng.

Thầy trụ trì ôn tồn:

- Chùa này đâu phải nhà riêng của tôi, nên muốn ở thì thầy ở lại, muốn về thì thầy về với cô, chớ tui không biểu được.

Khuôn mặt tuyệt đẹp, phúc hậu với đôi mắt bồ câu như có ánh ráng chiều vụt lướt ngang, đanh lại như giọng nói:

- Con mất chồng, chùa thầy cũng sẽ không yên.

Nhà sư cười độ lượng, cảm thông:

- Hiền lành, bao dung như cô sao lại doạ người?

Bưng mặt bật khóc, hướng vào căn phòng nhỏ sau lưng thầy trụ trì – nơi người chồng khốn khổ đang ẩn nấp - cô thét lên tiếng thét tuyệt vọng của người thủy thủ trong cơn bão dữ giữa biển khơi trên con thuyền sắp đắm: “Về đi! Về với em, về với con đi anh! Em đã làm gì nên tội? Sao vợ chồng mình ra nông nổi này, hở anh!”.

Giờ nhớ lại chiều nào em lên chùa “bắt” chồng về, tôi thèm được lấy tay lau nước mắt em - những giọt nước mắt trong trẻo đã khiến tôi nhìn đời như cổ tích và đi giữa đời như kẻ mộng du!

Có nhiều cuộc chia tay lạnh lùng, đơn giản như một phép trừ, nghĩa vợ tình chồng đâu lẽ nào như thế!

Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình thác xuống tuyền đài, chưa tan!

(Truyện Kiều)

Bảo Châu nhẹ chân bước vào phòng tự lúc nào tôi không biết. Chú khều tay tôi, giọng nói từ tốn, nhẹ hơn hơi thở: “Còn nhỏ, lại sớm tu nên trò chẳng biết gì về thất tình lục dục, nhưng học Phật, trò hiểu thầy đang còn nợ cô món nợ ân tình. Nợ trả chưa xong trốn mãi được sao thầy? Về đi thầy! chừng nào trả xong nợ cho cô, thì thầy hãy trở lại chốn này. Chùa Mây vẫn đợi thầy! Trò vẫn mãi đợi thầy”.

Vậy là tôi về!

Để từ đó, tôi đi!

... chân mềm trên đá

Mộng du rừng, mộng du núi, mộng du cây

Hơn hai mươi mùa qua, loang loáng giấc mơ dài.

Để từ đó, chân lại vấp trên bao nẻo đường đời bôn ba xuôi ngược, chỉ để đáp lại nghĩa tình đa đoan với vợ.

Nợ cũ trả chưa xong, thì nợ mới lại chất chồng, bởi lối sống quên mình của cô ấy. Mỗi sáng, mỗi chiều, cơm bưng nước rót và những lời tỉ tê mộc mạc cứ xát vào lòng tôi bỏng rát như một vết thương chẳng biết tới khi nào thành sẹo: “Sao cũng được, cứ làm tội làm tình, khổ tới cỡ nào em cũng chịu, miễn đừng bỏ em, bỏ con, đừng xuống tóc vô chùa”. Tội nghiệp em, tội nghiệp tôi, chúng ta tìm nhau tự thuở xa xăm trong tiền kiếp, ảo huyền trong mộng mị chiêm bao để kiếp này gặp lại nhau, em được gì khi không ăn cùng mâm, không ngủ cùng phòng. Để mình sống cùng nhà mà cứ như kẻ đầu sông, người cuối biển. Và tôi biết nỗi cô đơn trong em cứ như vì sao khuya, đêm đêm toả sáng một mình.

Đời chỉ gặp một chuyện đau như vậy đã đủ đau cả một đời!

Với em, tôi là người có lỗi, tôi là người mắc nợ nhưng tôi đã làm gì nên tội?

Không hiểu sao tiếng chổi tre quét lá xào xạc trong đêm rạng sáng ở chùa Tiêu Dao cứ gợi lên trong tôi nỗi âu lo. Không hiểu sao hướng về miền biển Quy Nhơn hiền hòa sóng vỗ, ngày đêm tôi vẫn khắc khoải dõi theo cuộc hành trình của một số phận không may.

Để từ đó...

Dù thực tế không ngừng dạy tôi phải tin vào sức mạnh của trí khôn, đồng tiền và quyền lực. Dù biết rằng chỉ có thực làm vỡ mộng chứ không thể nào mộng biến thành thực. Dù đã sống một đời thầy thợ chẳng bằng ai, nhưng cứ mỗi lần ngoái đầu nhìn về những năm tháng đã qua, tôi không thể nào quên ngôi chùa nhỏ cạnh cái làng nhỏ nằm dưới chân núi Bụt, nhìn ra dòng sông Lại Giang bốn mùa êm ả.

***

Trong luân hồi của tâm thức, tự đâu đó tôi luôn nghe ngọn gió vô thường đang thổi. Tĩnh tâm dưới gốc cây bồ đề nơi chư vị Tổ sư tĩnh tọa, giữa những cổ tháp hàng trăm năm tuổi của chư Tổ chùa Mây, tôi thấy mình trở nên thơ dại.

Cao cao trên đỉnh ngọn núi, nhiều đêm vẫn lóe sáng ngọn đuốc tự thiêu của bậc Thần tăng tổ đình tự cúng dường toàn thân xá lợi cho Tam bảo. Ngày 30, mồng 1, ngày rằm bà con Phật tử quanh vùng đều hội tụ về chiêm bái.

***

Hoa quỳnh chỉ sống được có một đêm: khuya mới nở, gần sáng đã tàn... Liệu có bao người kiên nhẫn chờ? Loài hoa ấy tượng trưng cho tình yêu hay tình thương? Tình yêu luôn ngắn ngủi, thất thường. Chỉ tình thương mới là vĩnh cửu.

Cuộc sống cứ dửng dưng trôi, day dứt làm gì? Bao năm rồi tôi đã để nó cuốn trôi đi, vậy sao tôi không chấp nhận mình là chiếc lá?

Đêm trăng mười bốn...

Thiền viện Nguyên Thiều

Lang thang bên ngọn Tháp Chàm hoang vắng. Lại chập chờn mơ tỉnh. Cuộc đời sao y hệt giấc chiêm bao. Sướng, khổ, buồn, vui... mọi thứ dường như đều do mình lại dường như không còn thuộc về mình nữa.

Cái chết rõ ràng quá, nào ai thoát mà phải sợ. Chuyện đáng nói là cái chết thì hiển nhiên mà có khi suốt cả đời, ta chưa một ngày được sống.

Thầy trụ trì mời vào...

- Bạch thầy, liệu khi nào đệ tử thành toàn được đại nguyện của đời mình?

Sư ông trầm ngâm:

- “Đại mộng thùy tiên giác. Bình sinh ngã tự tri”! Đời người phù du chớp thoáng chỉ là sự tiếp nối của những cơn mơ dài. Và “sông có khúc, người có lúc”, khi không gặp “lúc”, ta nên sống sao cho trọn với đời. Đã “ngã tự tri” rồi, thầy hãy “nhập thế”. Hãy sống có ý nghĩa cho hiện tại! Bởi cống hiến hết mình cho cộng đồng cũng là một “pháp môn” và hãy nuôi dưỡng giấc mộng lớn của đời mình, dẫu phải đợi tới... vô lượng kiếp!

***

Khi đi xa, không phải ai cũng quay về chốn cũ. Có phải tiếng chổi tre Tiêu Dao đêm nay, có phải ánh trăng xưa gọi tôi về lại hay tiếng chuông, tiếng mỏ quyện trong làn khói hương trầm suốt một thời trai trẻ, réo gọi tôi về!

Không ai bắt tôi phải đắm mình trong kỉ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết ngôi chùa nhỏ mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng mơ thấy bóng trăng thuở nào treo lơ lửng trên đường quê An Phước và rơi từng giọt vàng xuống chỗ Bảo Châu ngồi. Những điều đó đã đến một cách tự nhiên, cũng giống như hồi ấy hễ cứ về chùa Mây, tôi lại thấy lòng mình lặng sóng.

Xin gởi Bảo Châu lời dặn bình thường ngày nào mà sao tôi nghe cứ như lời ước hẹn “...trả xong món nợ ân tình cho cô, thầy hãy trở lại. Chùa Mây vẫn mãi đợi thầy!”.

Đời người ngắn hay dài, ở hay đi, rốt cùng cũng đều như con tàu về đến đích. Khi tàu vào ga, trăm người tỏa ra trăm hướng, cuộc gặp gỡ bất chợt, thoáng qua âu cũng là duyên phận...

Vạn vật vô thường; cái gì cũng có thời điểm. Duyên phận cũng vậy! Bởi thế nên phải nắm thật chắc, giữ thật chặt, hết lòng trân quý. Đó là món quà chư Phật ban tặng, lắm khi chỉ trong một giây, một khắc, một đoạn, một năm, chứ chắc gì được cả đời. Nhân duyên đáng quý là thế! Ngắn ngủi là thế! Vậy khi có được, sao ta không gìn giữ, chỉ đến khi mất rồi mới hối tiếc thì quá muộn! Tất cả đã một đi không trở lại, vĩnh viễn thành quá khứ!

Thế sự luôn đổi thay, lòng người cũng có thể đổi khác, nhưng từng ấy năm, tôi vẫn hằng mơ ngày trở về chùa Mây như mơ ngày thuyền về với bến, dẫu chưa kịp chuẩn bị chút tư lương cho cuộc hành trình.

Bảo Châu ơi! Chú đâu biết cái giọng nói bao giờ cũng từ tốn, nhẹ hơn hơi thở, phảng phất mùi trầm hương cửa Phật đầy sức ám ảnh thuở ấy của chú, đã xua đi bao nhọc nhằn để dẫu tôi lại cứ vấp, nhưng chưa ngã một lần.

***

Đời tôi luôn là những buổi chiều, luôn là những chuyến đi, luôn là những lần trượt, vấp.

Lại một buổi chiều trên sông nước Tràng An!

Hạnh phúc là điều nhiều lúc chẳng dễ nhận ra. Để khi mất rồi, người ta mới biết.

Tôi đã đắm mình trong một buổi chiều hạnh phúc.

Bồng bềnh, chấp chới giữa mộng và thực trên chiếc xuồng con với cô nhạc sĩ có cái tên gợi nhớ về một mùa thu xa: Thu Hoài...

Đẹp quá! Những dãy núi đá chập chùng khắc lên giữa đất trời lồng lộng dáng thế Phật nhập Niết bàn.

Đẹp quá! Những thạch nhũ âu yếm trên đầu như bàn tay nào chực vuốt tóc ai.

Đẹp quá! Dáng vẻ kiêu sa, điệu đà của Thu Hoài ngồi tựa mạn xuồng. Quanh em, vô vàn giọt nước li ti long lanh hất ngược từ lòng sông lên theo mái chèo khua...

Không kiềm nổi cảm xúc, tôi thì thầm đọc:

Ai làm núi đứng ngẩn ngơ

Ai làm nước chảy lơ thơ dưới cầu

Nào ai đã nói gì đâu

...

Tôi hốt hoảng dừng lại khi chợt nhận ra cánh cò trắng chao nghiêng trong đôi mắt ươn ướt của Thu Hoài.

Ở phía chân trời xa, hình như có vài cánh chim bay ngơ ngác. Chúng đang bay về đâu, mà sao đằng sau những đôi cánh chấp chới kia, dãy ráng đỏ trời chiều cứ cháy lên thảng thốt?

Chiều xuống, lúc chia tay, tôi trượt chân ở bậc thềm đá khi bước lên bờ.

Tại ai?

Tại trời chiều trên sông nước Tràng An đẹp quá! Tại tôi mãi lãng đãng nghĩ về những điều không được phép nghĩ và mơ giấc mơ cổ tích của một thuở xa xôi, dẫu còn đâu bàn tay nuột nà của Thu Hoài lướt nhanh trên phím chiếc dương cầm du dương trong vườn thu xưa với những mùa vàng rực nắng...

Hay tại cánh cò chao nghiêng trong mắt cô nhạc sĩ làm lòng tôi sóng sánh như bát nước đầy?

***

Về lại Quy Nhơn...

Biển vẫn hiền hòa ngân nga khúc nhạc ngàn năm

Dòng sông Lại giang vẫn êm ả chảy xuôi về những cánh đồng lúa mạ xanh mướt của miền quê Hoài Nhơn trù phú.

Và chùa Mây vẫn như tách trà trong sương ướp bằng bao chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa...”

“Mai này tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! Bỏ chùa.”

(Quê tôi – Nguyễn Bính)

Sao lại bỏ? Có ai bỏ ai đâu, mà câu thơ Nguyễn Bính cứ ấm ức, dằn dỗi như tiếng khóc của cô gái nhỏ lần đầu trong đời khóc một cuộc tình.

Đắm chìm trong sự tĩnh lặng muôn đời của vườn chùa đang thơm dịu hương sen, tôi bắt đầu suy cảm về số phận loài lá vàng chết rụng mỗi độ thu về và những con cuốc kêu rỉ rả suốt mấy tháng hè oi ả. Để rồi, nếu ai có hỏi tại sao tôi cứ cố níu từ cái cầu ao chênh vênh đến túp lều tranh xơ xác, cố níu tiếng chuông ngân nga; cố níu tấm áo nâu sồng ố màu bùn, cố níu những giọt mưa bay bay trong ánh hoàng hôn như tơ trời giăng mắc; cố níu tất cả hình ảnh xưa cũ đã lùi xa vào miền kí ức;... thì tôi sẽ trả lời sao đây?

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6920761