Thông tin

MẸ CÓ NGHĨA LÀ MÃI MÃI…

 

VIÊN THẮNG

 


 

Có lẽ trên đời này, không có lời nào đẹp bằng hai tiếng “Mẹ ơi”. Người ta gọi mẹ khi hạnh phúc, lúc cất tiếng nói đầu đời con gọi mẹ, hay khi sóng gió cuộc đời ập đến, con như gục ngã, chỉ cần vùi đầu vào lòng mẹ, con gọi mẹ là bao phiền muộn trong con tan biến. Hàng ngày, con có muôn ngàn lí do nên cứ gọi mẹ mãi. Ngay cả khi mẹ không còn hiện hữu trên cuộc đời này, con vẫn mãi gọi ‘Mẹ ơi!’. Bởi vì tình mẹ dành cho con bao la quá, nên ca dao có câu:

Mẹ hiền như thể trăng sao.

Một mai trăng lặn đất trời lung lay!

Thật vậy, người nào từng nếm nỗi đau mất mẹ thì mới cảm nhận được đất trời lung lay. Mẹ tôi mất cũng đã bảy năm rồi. Vậy mà mỗi mùa Vu Lan về nhìn mọi người chung quanh cài trên ngực đóa hoa hồng đỏ thắm, còn trên ngực mình cài đóa hoa hồng trắng thì nước mắt tôi cứ mãi tuôn rơi. Hình ảnh người mẹ quê mùa hiền từ chất phác lại hiện về trong con.

Mẹ tôi vẫn giống như muôn ngàn người mẹ ở miền quê, suốt cuộc đời chỉ biết quanh quẩn sau lũy tre làng. Từ công việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, nuôi gà, nuôi heo v.v… rồi đến việc đồng áng, dường như suốt cả ngày, cả tháng, cả năm mẹ làm quần quật không bao giờ nghỉ ngơi. Mẹ làm hết việc này thì moi việc khác ra làm. Còn đối với chồng, con, cháu thì bao giờ mẹ cũng thầm lặng hi sinh lo cho mọi người được đầy đủ ấm no hạnh phúc còn mình luôn chịu phần thua thiệt.

Điều tôi nhớ nhất, đó là hình ảnh mẹ tôi cũng như muôn ngàn người mẹ khác ở thế giới này là ‘lời nói dối dễ thương’. Tôi còn nhớ rõ thời bao cấp kinh tế còn khó khăn, nên phần đông là mọi người hay ăn cơm độn với khoai lang, khoai mì, bắp v.v… Ban đầu, lũ trẻ chúng tôi còn háo hức ăn, lâu ngày ngán đến tận cổ. Cho nên mỗi bữa ăn, mẹ thường bới cơm trắng cho các con ăn trước, còn các thứ độn như khoai củ, bắp để lại phần mình. Hiếm khi nhà có thức ăn ngon, nên mỗi khi có cá, thịt thì tôi nhớ mãi câu mẹ nói: “Mấy đứa con cứ ăn cho no đi, mẹ ngán thịt cá lắm, thích ăn rau thôi!”. Nhưng rồi mẹ cũng phải thích ăn thịt cá, vì khi đám con ăn ngán rồi, mẹ mới ăn sau cùng.

Tôi vẫn còn nhớ ở nhà chú hàng xóm rất đông con tới bảy đứa mà đang tuổi ăn, tuổi lớn; cho nên bữa nào cũng vậy, khi vừa dọn cơm ra, lũ con nhao nhao đưa chén bới vì sợ hết. Thằng Tí hơi ma lanh nên nó cố tình chan mắm vào cơm cho mặn, ăn chưa được nửa chén, nó lại đòi bới cơm thêm vào lý do bị mặn. Mẹ nó biết đàn con háu ăn nên thường nói dối: “Mẹ no rồi, mấy đứa ăn cho no đi!”.

Thật sự lúc ấy, lũ chúng tôi còn ngây thơ, đâu hiểu được nỗi lòng hi sinh của mẹ nhường cho con, nên cứ vô tư ăn cho đầy bao tử mình, mà không biết cái bụng mẹ xẹp lép. Đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu “Mẹ no rồi!” không chỉ là lời nói dối kinh điển nhất, có lẽ bất kỳ đứa con nào cũng từng nghe mà còn là hình ảnh người mẹ hạnh phúc ngồi lặng lẽ nhìn các con ăn ngon lành, đến khi vét sạch nồi cơm mà vẫn nghe câu mẹ nói: “Mẹ no rồi, các con ăn đi!” đã khiến bao người xúc động. Ai cũng nhìn thấy mình trong hình ảnh đứa con của ngày xưa và kỷ niệm ùa về... Thật đúng là:

“Mẹ! Có nghĩa là mãi mãi, là cho đi không đòi lại bao giờ!”

Tôi bảo đảm chắc rằng, cho dù là thời đại ngày nay, cuộc sống vật chất quá đầy đủ, nhưng vẫn còn rất nhiều người mẹ chưa bao giờ ngừng chịu thiệt thòi, họ dành hết mọi điều tốt đẹp cho con, gom hết khó khăn thiếu thốn về mình. Suy nghĩ ‘làm mẹ phải biết hy sinh vì con’ ăn sâu vào đầu, khiến các bà mẹ mỗi ngày thêm nhường nhịn, chỉ biết ‘vì chồng vì con’. Thế nên thành ngữ Việt Nam ta hay nói: “Nước mắt chảy xuôi”. Chỉ có cha mẹ cứ mãi lo cho con cái mà không bao giờ nghĩ tới bản thân mình. Vì vậy, ca dao cũng nói:

“Chim trời ai dễ đếm lông

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày”

Thật sự mỗi lần nghe câu ca dao này, tôi đều cảm thấy mắt mình ươn ướt. Trên đời này, hiếm có tình yêu nào là bao la và vĩ đại như của cha mẹ dành cho chúng ta. Họ cho đi và hạnh phúc vì điều đó, họ cho đi mà không cần nhận lại gì. Tôi biết, cho dù có bứt hết lá rừng cũng không thể đếm hết công lao người mẹ. Nếu phải tìm một từ ngữ nào đó để ca ngợi tình mẹ, tôi đành bất lực vì ngôn từ không tải hết tình thương.

Vậy mà, những đứa con ấy khi còn nhỏ luôn được mẹ bảo bọc chở che, hi sinh tất cả vì con, nhưng đến khi trưởng thành chúng nó như những cánh chim tung bay khắp phương trời. Ngày nay, chúng ta thấy bất cứ ở đâu nơi miền quê, phần đông các con đi vào thành phố làm ăn, lập nghiệp, ở chốn quê nhà chỉ có cha mẹ già mòn mỏi chờ mong con. Thậm chí, cha mẹ già có gọi điện hỏi thăm, con chỉ trả lời qua loa với lý do vì bận. Thậm chí, có người chẳng hỏi thăm sức khỏe cha mẹ ra sao? Ăn uống, ngủ nghỉ có được không?

Trước đây, có em Phật tử lên chùa tâm sự với tôi. Ba em mất sớm, mẹ em vẫn ở vậy làm tất cả mọi việc; từ việc đồng áng cho đến đi phụ hồ v.v… miễn có tiền để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Khi các con trưởng thành đi làm rồi lập nghiệp ở xa, mẹ em sống một mình. Bình thường, em ghé về nhà thăm mẹ, mua ít sữa bánh, thuốc bổ để đó rồi lại đi, chẳng kịp ăn cùng mẹ một bữa cơm. Cho đến một ngày, em về vào lúc chập choạng tối, thấy mẹ già lọ mọ ăn cơm dưới bếp. Bữa cơm chỉ có một ít cơm nguội và một cá rô kho đầy kiến. Nhìn bát cơm mẹ đang ăn dở mà nước mắt em trào ra, cổ họng đắng ngắt. Từ đó, mấy anh em của em mới nhắc nhở nhau về thăm và ở lại với mẹ thường xuyên hơn.

Buồn hơn nữa là có những gia đình vì tranh giành đất đai, hay cha mẹ không có tài sản để lại nên con cái bỏ bê, không chịu nuôi cha mẹ già. Ở tuổi gần đất xa trời, họ phải chịu sống trong cảnh thiếu thốn mà con cái chẳng quan tâm. Ở gần chùa tôi có cụ bà hơn 90 tuổi mắt mù, tai điếc bị con cái bỏ mặc; vì cụ không có tài sản để lại cho chúng nó. Tình cảnh của bà cụ thật giống như bài thơ Con Cò đã nói lên giùm cho tất cả những bà mẹ bị con cái bỏ rơi:

Con cò lặn lội bờ sông

Cò ơi sao lại quên công mẹ già

Hỏi rằng ai đẻ cò ra

Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi…

… Nhớ khi còn bé cỏn con

Bây giờ cò lớn, có còn nhớ không?

Vì đâu có cánh có lông

Mà cò đã vội quên công mẹ già1

Mùa Vu Lan lại về, như nhắc nhở đến những người con ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Dẫu biết rằng cha mẹ già như bóng đèn trước gió, rồi sẽ có lúc có bao nhiêu tiền bạc và thời gian cũng chẳng thể còn được ăn một bữa cơm cùng cha mẹ nữa. Thế nhưng không mấy ai gạt bỏ và sắp xếp được công việc bộn bề để trở về bên cha mẹ. Vì thế, tôi mong rằng tất cả người con trên thế gian này hạnh phúc nhất khi còn cha mẹ, tùy theo hoàn cảnh mà chúng ta cố gắng báo đáp thâm ân cha mẹ, đừng để một ngày cha mẹ không còn rồi mình cứ mãi hối tiếc hai từ ‘giá như’ thì lúc đó đã muộn màng rồi.

 


1. Bài thơ Con Cò , tác giả Dương Văn Cường.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6704611