Thông tin

MẸ LÀ NGƯỜI PHỤ NỮ TUYỆT VỜI NHẤT

 

NGUYỄN THANH VŨ

 

 

Sắp đến ngày giỗ mẹ, ba ở quê gọi lên hỏi: "Năm nay, con thu xếp về được không để ba tính?". Ba hỏi thế chứ ba biết chắc là tôi trả lời "có". Dửng dưng sao được khi đó là giỗ của đấng sinh thành. Dù bận công việc cách mấy tôi cũng xin phép để về bên cha già làm bữa cơm giỗ mẹ.

Không phải lễ tết hay sự kiện gì, nhưng cứ nghĩ đến việc về quê là lòng tôi nao nao một cảm xúc khó tả. Suốt chuyến hành trình dài, ngồi trong xe, tôi cứ nghĩ về điều đó. Dù sau một ngày làm ca đêm uể oải, nhưng sao tôi vẫn không thể nào chợp mắt được. Tôi nhớ cha già, cả nhớ mẹ trong trí tưởng tượng trẻ con của tôi. Lòng nôn nóng trông cho chuyến xe nhanh chóng xịch đỗ chỉ để chạy vào nhà và ôm chằm lấy cha. Thật ra, tôi không phải là kẻ thờ ơ, bất hiếu, bỏ mặc cha già một mình nơi quê nhà. Tôi lưu lạc chốn phồn hoa cũng vì muốn kinh tế gia đình khá hơn, có tiền lo cho cha an hưởng tuổi xế chiều. Nhà nghèo, lại thiếu nợ, nợ chồng nợ, vì chuyện kinh doanh của cha thất bại. Cha buông. Mẹ cũng vì thế mà lo rầu, bệnh tật rồi ra đi. "Làm sao để trả nợ cho cha ở cái quê nghèo khó này?", câu hỏi ấy đã buộc tôi phải ra đi. Mưu sinh ở xứ người không dễ, nhưng biết dành dụm thì cũng có dư. Vì lẽ đó mà tôi đã trả nợ cho cha mình cũng gần hết. Và tôi luôn cố gắng từng ngày để xóa sổ những món nợ ngày xưa mà về phụng dưỡng cha già. Nhiều đứa bạn bảo: "Sao mày không giật cho rồi. Trả quá vốn quá lời bao nhiêu năm qua rồi còn gì". Thật ra, tôi cũng có xin chủ nợ nhưng họ không đồng ý. Chịu thôi. Nợ thì trả cho xong để nhẹ lòng cha, mà nơi phương xa mẹ cũng mãn nguyện.

Rồi xe cũng xịch đỗ trước cửa. Cha nheo mắt trông ra. Bỏ mặc các túi đồ, tôi chạy vào nhà ôm lấy cha như chưa từng được gặp. Hai cha con trò chuyện giây lát thì cha bỏ đi làm cơm. Cha bảo: "Bàn thờ mẹ bây bụi bặm nhiều quá nhưng cha không dám bắc ghế lên leo. Con lau giùm cha cho sạch để mai cúng giỗ". Cha không nhắc thì tôi cũng phải làm việc đó. Tôi nhớ mẹ và muốn ngắm nhìn di ảnh với nụ cười hồn hậu, nhân từ của bà. Lớp bụi dày minh chứng cho việc thời gian trôi đi nhanh quá. Mới đó thôi đã thêm một cái giỗ nữa rồi. Đời người thật ngắn ngủi. Trăm năm chắc có vẹn tròn? Nghĩ về mẹ, rồi nhìn về cha, tôi lại sợ. Một nỗi sợ mơ hồ.

Tối, tôi thức mãi đến tận khuya mà không sao ngủ được. Cha đã đi ngủ sớm để mai ra chợ mua đồ làm mâm cơm giỗ mẹ. Riêng tôi, cứ nằm đưa võng cùng tập album ảnh của mẹ thời con gái. Cũng chiếc võng này, mẹ đã đưa tôi ngủ ngay từ lúc còn tấm bé. Và trong buổi tối này, tôi dường như đang sống lại không gian đó. Ba thường nhắc, hồi đó, những lần tôi khó ngủ là mẹ phải cực thân bế tôi ra võng đưa suốt đêm. Qua lời ru ngọt ngào và sự dỗ dành trìu mến, tôi mới chìm vào giấc ngủ sâu. Chắc cũng vì thế mà tôi quen hơi mẹ, quen cánh võng đong đưa. Lên cấp II mà tôi vẫn còn bắt mẹ phải đưa võng cho tôi ngủ. Lúc mẹ bệnh, hai mẹ con vẫn nằm chung. Thực ra, không phải tôi giành võng với mẹ, với người bệnh héo hon, mà mẹ muốn tôi nằm chung để tìm chỗ dựa tinh thần. Rồi mẹ ra đi, cũng trên cánh võng này... Nghĩ đến, mắt tôi lại đỏ hoe, những giọt nước nóng hổi lăn dài trên má.

Từng trang ký ức về mẹ dường tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng mỗi lần nhớ lại có một cảm xúc khác nhau không tả xiết. Là bởi, mẹ đối với tôi, hay với bất kỳ đứa con nào trên khắp thế gian này, luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6794763