Thông tin

MINH VƯƠNG - NGUYỄN PHÚC CHU VỚI ĐẠO PHẬT

 

ĐẶNG VINH DỰ*

 

Minh Vương - Nguyễn Phúc Chu ngoài công việc trị quốc, bình thiên hạ giúp đất nước hưng vượng mà chính sử đã ghi, còn là một Phật tử thuần thành. Trong đời, chúa đã thực hiện được hai Phật sự lớn là mời được ngài Thạch Liêm sang Thuận Hóa mở giới đàn tại chùa Thiền Lâm, truyền giới cho hơn 4.000 giới tử trong đó có cả hoàng gia nội phủ đều quy y Phật giáo (1695) và việc làm lại chùa Thiên Mụ (1714), đúc đại hồng chung, dựng bia đá lớn tại ngôi tự này[1]. Bên cạnh đó, với lòng mộ đạo nhiệt thành, Minh Vương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi, ngoại hộ tối đa để đạo Phật có được chỗ đứng và ăn sâu vào quần chúng nhân dân bằng những việc làm thành tâm và rất cụ thể. Chính những việc làm ấy đã thúc đẩy đạo pháp đi lên và quốc gia được bền vững trong giai đoạn có nhiều biến cố về chính trị, cụ thể:

1. Giúp đạo Phật được truyền bá rộng rãi trong dân chúng

Vào các thế kỷ 17 – 17I, cả một vùng rộng lớn thuộc mạn nam sông Hương của xứ Thuận Hóa, phía trước mặt kinh thành cho đến núi Thiên Thai toàn là núi non, gò đồi, được gọi là vùng Lâm Lộc với các ngọn núi như Hàm Long, Hoàng Long, Phú Xuân, Dương Xuân đều chưa có bóng dáng một ngôi thảo am nào. Chỉ đến cuối thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) và đặc biệt là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mới ghi nhận sự hiện diện các ngôi thảo am của các vị danh tăng nổi tiếng từ Trung Hoa cắm tích trượng hoằng quang đạo pháp. Từ Giác Phong lão tổ (? - 1714) lập thảo am trên núi Hàm Long (tiền thân của chùa Báo Quốc) đến tổ Từ Lâm (cùng thời với Thạch Liêm Hòa thượng) dựng chùa Từ Lâm, tổ Khắc Huyền (?-1706) khai sơn chùa Thiền Lâm (nơi mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời Thạch Liêm Hòa thượng từ Trung Quốc sang và mở đại giới đàn đầu tiên ở xứ Nam Hà). Rồi đến tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch[2] (1648 – 1728) dựng chùa Vĩnh Ân (Quốc Ân ngày nay) ở núi Phú Xuân - Thuận Hóa, tổ Minh Hoằng - Tử Dung (?-?) vị sơ tổ của Thiền phái Tử Dung - Liễu Quán ở Huế và tổ Liễu Quán (người Việt),... Các vị thiền sư lập thảo am, truyền bá đạo Phật đã giúp người dân có một nơi nương nhờ về tinh thần trên mảnh đất vốn còn in đậm di sản, di tích văn hóa Chămpa với đền tháp, cơ sở tín ngưỡng mang tính cách Ấn Độ với Shiva, Vishnu, Brahma,... xa lạ và những yếu tố văn hóa Indonesien của người Thượng Trường Sơn huyền bí. Với ngôi thảo am cùng đức Thế Tôn từ bi cùng tiếng kinh cầu nguyện hôm sớm như tiếp thêm nghị lực sinh tồn cho những tâm hồn khi đã lìa xứ. Có được sự xuất hiện này một phần do những yếu tố khách quan về chính trị từ Trung Hoa[3] trong xu thế vượt biển tránh lộn xộn xã hội nhưng không thể phủ nhận sự mến mộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá đạo Phật của các chúa đặc biệt là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Chính sự hiện diện của các vị thiền sư đã đặt những nền tảng đầu tiên cho mạch sống dồi dào của đạo pháp để đến ngày nay tinh hoa ấy đã hoà vào văn hóa, lối sống và tính cách của con người xứ sở.

2. Chỉnh đốn đạo pháp

Việc ủng hộ và mời các vị thiền sư đến để giảng đạo, truyền bá đạo Phật không phải là việc làm mới trong thời các chúa Nguyễn, nhưng chủ động mời và thành công là việc chỉ có chúa Phúc Chu lần đầu tiên làm. Thạch Liêm Hòa thượng (1633- 1702), hiệu Đại Sán Hán Ông, quê ở Tích Tây, Trung Quốc, tính tình thanh nhã. Ông thông tường thiên văn, luật lịch, bói toán, địa lý, xem số, viết chữ triện chữ lệ, vẽ tranh, truyền thần; một nhân cách đáng kính. Khi người Mãn Thanh vào làm vua Trung Quốc, ông không chịu làm tôi nhà Thanh bèn xuống tóc đi tu[4]. Giáo sư Trần Kinh Hoà trong bài khảo cứu về “Hải ngoại kỷ sự” in ở tác phẩm cùng tên cũng đã dẫn sách Hoa di biến thái (trong quyển 32) chép lời báo cáo của người Tàu, chủ thuyền Quảng Đông, chuyến 36 năm Ất Hợi, rằng: “Nói tóm tắt, Thạch Liêm tuy sinh quán tại Nam Kinh, nhưng cư trú Quảng Đông hơn 20 năm, trong khoảng ấy đức hạnh của ông rất thịnh sáng, bởi thế quan dân xa gần quy y rất đông. Trong bọn thương khách thuyền chúng tôi cũng có người đã từng đến Trường Thọ am lạy Phật[5],[6].

Nguyễn Phúc Chu đã phái hai chuyên sứ là Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan, tức hai vị thuyền trưởng lớn buôn bán giữa Quảng Đông - Quảng Nam, làm sứ giả, đem các lễ vật, kèm một phong thư của Hưng Liên Quả Hoằng Quốc sư, đệ tử của Thạch Liêm Hòa thượng, một phong thư của Minh Vương, qua tận am Trường Thọ thỉnh mời Hòa thượng Thạch Liêm. Chính Thạch Liêm Hòa thượng cảm nhận được sự chân thành ấy rằng: “Kể từ Tiên Vương có thư mời, đến nay cả thảy ba lần, mời đến ba lần tưởng cũng đã thành tâm lắm vậy[7].

Theo lễ, vời kẻ hiền chẳng vượt ra ngoài quốc cảnh, mà Trung Hoa - Đại Việt nơi ở lại cách xa nhau, nếu chẳng phải kẻ có kiến thức siêu phàm, chẳng bị lưới đời ràng buộc, thì làm sao mời được. Than ôi, cầu được kẻ hiền đã khó, cầu được bậc thầy lại càng khó hơn. Trường Thọ Bổn sư Lão Hòa thượng ta từ ngày làm thế tử đã nhiều năm ngưỡng mộ. Tiên Vương đưa thư rước mời hai lần không qua. Mùa thu năm Giáp Tuất, ta muốn thọ Bồ tát giới pháp, nối chí Tiên Vương sai người qua rước, may được Hòa thượng nhận lời[8] như minh chứng cho chữ hiếu của Nguyễn Phúc Chu khi hoàn thành di nguyện của Tiên Vương nhưng sâu xa hơn sự xuất hiện của Thạch Liêm Hòa thượng, một danh tăng được chúa Phúc Chu đánh giá cao, là một cú hích thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Thuận Hóa. Nếu biết rằng Phật sự trước khi Thạch Liêm sang đôi lúc làm cho Minh Vương phiền lòng vì “...Phật pháp trong nước hỗn loạn, không có kẻ chân chính tu hành[9] thì những thành công trong việc tổ chức giới đàn tại chùa Thiền Lâm do Thạch Liêm làm Hòa thượng Đường đầu cũng có thể coi là sự thay đổi về chất trong nhận thức cũng như tư duy về đạo pháp không chỉ của tầng lớp vương giả mà cả những người dân cùng những Phật tử tìm đường tu học. Những ghi chép trong Hải ngoại kỷ sự về suy nghĩ của Minh Vương có thể đã được nâng lên thể hiện vai trò của Đại Sán Hán Ông nhưng có lẽ quá trình tổ chức giới đàn và tác dụng của những Phật sự năm 1695 là không thể bàn cãi.

3. Sự thành tâm với đạo Phật

Trong bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự”, ngài đã đưa pháp danh mà Thạch Liêm Hòa thượng đặt cho vào câu mở đầu như một sự khẳng định vai trò Phật tử của mình: “Quốc chủ Nguyễn Phúc Chu, Tào Động Thượng Chánh Tông tam thập thế pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân trùng kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự bi ký” dựng năm Ất Mùi (1715)[10]. Trước đó 4 năm, tức vào năm Canh Dần (1710), Minh Vương chú tạo một quả đại hồng chung, pháp danh Hưng Long cũng được nhắc đến: “Đại Việt Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, Tào Động Thượng Chánh Tông, tam thập đại, pháp danh Hưng Long chú tạo hồng chung. Trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu Ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng tam bảo” (大越國主阮福周, 曹洞上正宗三十代法名興隆注造洪鐘重三千二百八十五斤, 入于御 建天姥禪寺,永遠 恭奉三寶 )[11]. Chính Thạch Liêm Hòa thượng cũng nhận thấy Minh Vương là một con người nhân từ, khoan hồng, giúp người lợi vật, “gần xa sang hèn đều thấm nhuần ân trạch, lại hay chăm gánh vác việc nhân duyên tu hành[12].

Không chỉ nhận mình là đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm[13], tình nguyện làm Phật sự, Minh Vương còn mang quan niệm ấy đến với hoàng thất và quan lại văn võ. Trong giới đàn tổ chức năm Ất Hợi (1695), chúa đã tự mình đốt hương lễ Phật và thỉnh Hòa thượng Đường Đầu thượng đàn để thuyết pháp truyền Sa-di giới[14]. Ngay sau đó, Minh Vương cho khai đàn ở nội viện, có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc, tất cả hoàng gia trong phủ chúa đều đến thọ Bồ tát giới. Riêng chúa thượng, đặt làm một đàn. Trong giới đàn này đã có một câu chuyện thể hiện rõ lòng quy y tam bảo của ông. “Ngày ấy nắng gắt. Vương mình mập quỳ lâu, mồ hôi ướt thầm cả mấy lớp áo. Người dẫn thỉnh mời Vương nghỉ một chút, lúc dâng lễ sẽ quỳ trở lại. Vương bảo: “Ta ít tuổi, vui lòng thọ giới pháp, chẳng lấy việc quỳ lâu làm mệt””[15]. Chiều cùng ngày, tại chùa Thiền Lâm tiếp tục khai đàn truyền Bồ tát giới cho Vương huynh Lệ Trung Hầu, Thiều Dương Hầu và cai bá bách quan. Đặc biệt, trong giới đàn truyền Bồ tát giới này có cả Tứ triều nguyên lão Đông Triều Hầu Trần Đình Ân và tất cả các con trai của ông hiện giữ chức rất lớn trong triều, đều xin quy y với Thạch Liêm Hòa thượng. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho việc mở giới đàn truyền Sa-di giới, Bồ tát giới cho tăng nhân, hoàng gia và bá quan, Minh Vương còn tạo điều kiện cho việc tổ chức các kỳ sám tụng cũng như truyền Bồ tát giới cho giới tử ở chùa Di Đà (Hội An), không kịp ra Thuận Hóa để dự giới đàn.

4. Quyết định cho sự hoàn hảo

Trong một thời gian ngắn, công việc chuẩn bị đã được hoàn thành nhanh chóng, tạo sự ngạc nhiên cho vị Hòa thượng đến từ Trung Hoa: “Thầm bảo, chắc chừng một vài tháng sau, sẽ được an cư”[16]. Nhưng qua ngày sau, chừng canh ba, nghe ngoài chùa có tiếng ồn ào, thì ra Minh Vương đã lo sự ngoại hộ chu đáo. Vương sai: “một viên nội giám, hai viên bộ công, dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người để xây dựng nhà cửa. Mờ sáng, người vác tre, kẻ vác gỗ, kẻ đánh tranh, người vót mây, có người lại cuốc đất đắp nền, hoặc leo lên mái nhà gọi nhau, hoặc đào hầm đất đi xuống. Từ sáng đến tối, cất xong một toà phương trượng năm gian ba mươi hai cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu năm gian, hai mươi cột, cũng đồng thời làm xong[17]. Không những vậy, Minh Vương còn nhiệt thành gặp Hòa thượng Thạch Liêm hoạch định chương trình rõ ràng: phần thiền sư thì ra thông bạch, thống suất tăng chúng tổ chức cả ba giới đàn sao cho từ mồng một đến mồng tám tháng tư là hoàn mãn; phần Vương, ông sẽ phát lệnh bài đi khắp các phủ sứ cho tăng đồ về thụ giới, để được cấp giới điệp, miễn xâu thuế. Vương lại thống suất hoàng gia, quan lại văn võ, mở giới đàn riêng tại vương phủ để quy y, xin đặt pháp danh, đạo hiệu. Ngoài ra ông sẽ ngoại hộ đầy đủ về mọi mặt vật chất[18]

Sự ngoại hộ của Minh Vương không phải bằng lời mà nó như một sắc lệnh ban ra từ một vị chúa trị vì sơn hà và quần thần nhất nhất phải tuân theo. Thạch Liêm đã tỏ ra lo lắng khi tăng chúng đến cầu giới đã lên đến số nghìn mà vật hạng cần dùng cho giới đàn thì chưa chuẩn bị đủ. Nỗi lòng của ông đã được công chúa - chị của Minh Vương phúc đáp rằng: “Lão Hòa thượng hãy về đồ hình và kê đơn các món cần dùng. Tôi đem trình Quốc Vương, có thể biện ứng xong lập tức[19]. Điều này nói lên tinh thần Phật giáo của hoàng gia rất đỗi tín thành, nồng nhiệt. Y như lời bà công chúa đã hứa với thiền sư; ngay ngày hôm sau, Vương mời chư tăng vừa đến, vào dự tiệc chay ở Nội phủ, hỏi han sức khoẻ từng người. Công chúa đưa trình tờ “khải” của Hòa thượng, Vương “tức thì phê lệnh, truyền quan quân các dinh chia nhau dựng cất liêu xá, hạn trong ba ngày lạc thành, bàn ghế khí mãnh hạn mười ngày phải đầy đủ[20]. Qua những hành động như vậy, ta thấy sự ngoại hộ của chúa Nguyễn Phúc Chu thực quá sức nhiệt thành, đến nỗi thiền sư Thạch Liêm cũng phải thán phục: “Rồi thì, Vân trù, Thiền đường, Vân thủy đường dựng lên ở phía tả; Thi liêu, Trai đường, Độc luật đường, Am chủ liêu dựng lên ở phía hữu. Ở giữa làm một giới đàn. Suốt sáng thâu đêm, chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra khuân vác khí cụ, hàng ngày trên đường đông như kiến cỏ, hơn 2.000 vân thủy giới tử, ai lo phần việc nấy[21].

Với vị chúa đứng đầu một lãnh thổ thì việc huy động số lượng lớn nhân lực, vật lực cho một công việc nằm trong suy nghĩ hay sở thích của mình là một điều không khó. Điều đáng nói ở đây, chính là sự thành tâm của chúa Nguyễn Phúc Chu đối với Phật giáo trong việc nhiệt thành chuẩn bị cho giới đàn đã truyền sang những người trong hoàng gia, tôn thất, bá quan và cả dân chúng. Họ tham gia công việc không phải bằng sự miễn cưỡng, gò bó hay thúc ép của sức mạnh vương quyền mà là sự thành tâm thực sự của một tín đồ mộ đạo. Chính hành động tự giác, vui vẻ, hoan hỷ vì đạo pháp ấy đã được vị Hòa thượng từ phương Bắc mà chúa mời sang ghi nhận. Nếu với sức hút của giáo lý sẽ cần thử thách trước số đông trong một thời gian dài khi một vị tu sĩ đi truyền giáo. Nhưng cũng với sự truyền bá giáo lý ấy qua sự thành tâm của Minh Vương, đạo Phật đã đến với người dân nhanh nhất và rộng lớn nhất.

Giới đàn tại chùa Thiền Lâm năm Ất Hợi (1695) đã thành công trong việc chỉnh đốn lại Phật sự vốn không được thanh nghiêm ở giai đoạn trước khi mà “cha mẹ sợ con phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn việc quan; do đó bọn khoác áo nhà chùa rất đông, Phật pháp trở nên hỗn loạn[22] như nhận biết của Thạch Liêm Hòa thượng những ngày đầu mới sang Thuận Hóa, để rồi nhờ có Thạch Liêm Đại Sán tổ chức giới đàn “mới thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm đến như vậy[23] trong niềm vui của chúa Nguyễn Phúc Chu. Giới đàn cũng để lại một dấu son đặc biệt khi giữa hàng ngàn giới tử thọ Sa-di, có cả chú điệu Liễu Quán, vốn là học trò của Giác Phong lão tổ, Khắc Huyền lão tổ vừa chịu tang cha một vài tháng trước đó phát nguyện Bồ đề tâm thọ giới để sau này trở thành vị tổ của thiền phái Liễu Quán hưng vượng và tạo nên sức sống mãnh liệt cho Phật giáo xứ sở từ đó cho đến hôm nay.

5. Trùng tu hệ thống chùa trong cả xứ

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa được trùng hưng dưới thời Tiên chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613), chăm chút dưới thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) nhưng toả rạng ánh vinh quang dưới thời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) để rồi trải qua những cuộc binh đao loạn lạc lại phát triển thịnh đạt dưới thời các vua Nguyễn, đặc biệt là những vị vua đầu triều.

Năm Vĩnh Thịnh thứ 10 đời vua Dụ Tông nhà Lê, Giáp Ngọ (1714), mười tám năm sau ngày Thạch Liêm Hòa thượng về nước, chúa Nguyễn Phúc Chu, bấy giờ đã được 38 tuổi và xưng “Tào Động Chính Tông Tam Thập Thế”, đã mở cuộc đại trùng kiến chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa. Ngôi chùa “trên nương đỉnh núi, dưới gối dòng sông”[24], “xung quanh có trồng nhiều cây cổ thụ, day mặt ra bờ sông. Trước chùa ngư phủ, tiều phu, tấp nập sớm chiều qua lại[25] đã được kiến thiết thành một ngôi phạn vũ to lớn, rực rỡ. “Từ cửa chùa nhìn vào quang cảnh gồm: Điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng Bửu điện, Thuyết Pháp đường, Tàng Kinh lâu, chung cổ đường, Thập Vương điện, Vân Thủy đường, Tri Vị đường, Thiền đường, Đại Bi điện, Dược Sư điện, Tăng xá, Thiền xá. Tất cả không dưới vài mươi sở. Phía sau còn có vườn Tỳ Da, bên trong còn có Phương trượng và các nhà khác không dưới mười sở. Tất cả đều được trang hoàng lộng lẫy, ai thấy cũng phải khen ngợi. Nơi đây chẳng khác một thế giới vàng son[26]. Việc trùng kiến được chúa lý giải vì đắc pháp đã nhiều năm, muốn xây cất một ngôi chùa cho thật đẹp để thờ tam bảo. Nhận thấy khắp nơi không đâu bằng đồi Hà Khê là nơi có cảnh trí mỹ lệ, nên đã quyết định sửa chữa và làm lại ngôi chùa Thiên Mụ cho trở thành một cõi Phật ở trời Nam[27]. Sau khi trùng kiến chùa Thiên Mụ hoàn thành, Minh Vương đã vào an cư kiết hạ một tháng tại trong vườn Tỳ Da sau chùa, mở hội lạc thành, phát tiền gạo cho kẻ nghèo. Ông lại sai người đem vàng sang Chiết Tây thỉnh đại Tạng Kinh Luật Luận hơn nghìn cuốn đem về chùa[28].

Một dấu ấn đặc biệt khác của Minh Vương với chùa Thiên Mụ là việc chúa cho đúc đại hồng chung, dựng bia lớn cho đến ngày nay. Năm 1815, vua Gia Long cũng cho đại trùng kiến lại chùa Thiên Mụ, chú tạo một đại hồng chung mới treo trên gác chuông. Nhưng tiếng chuông Thiên Mụ ngân vọng sớm hôm, qua mặt nước sông Hương, đến với mỗi người dân xứ Huế có chăng từ cội nguồn vang vọng của đại hồng chung thời chúa Nguyễn Phúc Chu? Và cũng nên nhắc ra đây rằng, đại hồng chung thời Minh Vương là hồng chung lớn nhất mà Phật giáo có được tính đến thời điểm ấy. Không xuất phát từ sự thành tâm của một người con Phật e rằng khó thực hiện được Phật sự đó, dù chúa hay vua.

Nếu chúa Nguyễn Hoàng trùng kiến chùa Thiên Mụ năm 1601 “để bền long mạch” và truyền bá câu chuyện Bà mụ nhà trời tiên đoán về một vị chân chúa được nhiều người nhìn nhận là cách để an dân và quy tụ lòng người hơn là sùng mộ đạo Phật, thì công việc trùng hưng ngôi chùa này của Minh Vương là việc làm xuất phát từ tấm lòng của một Phật tử mến mộ đạo Phật thực sự. Cũng có lẽ vì vậy, bên cạnh việc trùng hưng chùa Thiên Mụ, dưới thời gian trị vì vương quốc, Minh Vương đã cho trùng tu chùa Quốc Ân, chùa Thuận An, chùa Hà Trung ở Thuận Hóa; chùa Di Đà ở Hội An, chùa Thập Tháp ở Bình Định... Không những vậy, Minh Vương còn phát tâm cúng dường trùng tu chùa Trường Thọ ở Quảng Đông Trung Quốc, nơi Thạch Liêm Hòa thượng trú trì.

Nếu “sự thăng trầm của một hệ tư tưởng hay một tôn giáo trong từng thời kỳ có thể do nhiều yếu tố thể hiện cái mạnh, cái yếu, hay dở của mình. Nhưng cái không bị những điều ấy tác động chính là những tinh hoa đã nhập vào văn hóa dân tộc[29], thì đạo Phật trên đất Thuận Hóa xưa và xứ Huế ngày nay đã hoà lẫn và tạo nên một phần tính cách của người dân nơi đây bắt đầu bằng những việc làm mộ đạo xa xưa của các chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn và về sau là vua nhà Nguyễn đã biết “tôn sùng đạo Nho, mà lại kính trọng đạo Phật. Lẽ đương nhiên con đường chánh trị, ắt phải lấy nhân nghĩa mà cưu mang sự nghiệp. Tín mộ đạo pháp, thờ trọng chơn sư nên phải gieo trồng phước đức “và dạy cho dân gieo trồng phước đức” bằng đạo lý nhân quả. Nhờ vậy đất nước thái bình, thân tâm an lạc[30]. Biết xiển dương cái thiện trong đạo Phật để duy trì nền tảng đạo đức, trật tự xã hội tạo ra những yếu tố có lợi cho việc củng cố tư tưởng Nho giáo và thể chế phong kiến đó là phương châm, cách an dân trị nước mà dòng họ Nguyễn đã áp dụng.

Huế, tháng 4 năm 2011.



* Thạc sĩ, Đại học Phú Xuân, Huế.

[1] Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. TPHCM, 2001, tr. 97-98.

[2] Ngài đã được Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (1687 - 1691) cử đi Trung Quốc để mời Thạch Liêm Hòa thượng nhưng không thành công.

[3] Đã có nhiều Thiền sư trong phái Lâm Tế, Tào Động đi theo tàu buôn Quảng Đông sang Nam Hà hoằng hóa Phật giáo để tránh những tai họa do sự suy vong của nhà Minh  [Xem thêm Lịch sử Phật giáo xứ Huế, sđd, tr.102-103].

[4] Đại Nam liệt truyện, tập 1, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.206.

[5] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr.244. (Nguyễn Phương, Hải Tiên Nguyễn Duy Bột dịch)

[6] GS Trần Kinh Hoà cũng đã viện dẫn nhiều tài liệu với những nhận xét khác nhau về thân thế và con người Hòa thượng Thạch Liêm [Xem thêm Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr.270-271]. Tuy nhiên, những Phật sự và tính cách của ông trong lần đến An Nam thực sự là những công việc đáng kính.

[7] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr.19.

[8] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.9-10.

[9] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.9-10.

[10] Giới Hương (Phỏng dịch), Văn bia chùa Huế (tài liệu lưu hành nội bộ), Huế, tr.10.

[11] Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. TPHCM, 2001, tr. 168.

[12] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.88.

[13] Các giới tử thọ giới tại giới đàn Thiền Lâm năm 1695 cũng như đệ tử của Thạch Liêm tại chùa Trường Thọ (Trung Hoa) đều được đặt pháp danh gắn với chữ “Hưng” như Hưng Liên tức Quả Hoằng quốc sư; Hưng Triệt tức Hậu Đường Khánh Ngu mà Hòa thượng Thạch Liêm đã để lại giúp Minh Vương ở Giác Vương Nội Viện,... và Minh Vương có pháp danh là Hưng Long, Quốc mẫu Tống Thị có pháp danh là Hưng Tín,...

[14] Lịch sử Phật giáo xứ Huế, sđd, tr.158.

[15] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.87.

[16] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.42.

[17] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.42-43.

[18] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.50.

[19] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.72.

[20] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.72.

[21] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.73.

[22] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.43.

[23] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.82.

[24] Dương Văn An, Ô châu cận lục, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.95.

[25] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr.199.

[26] Văn bia chùa Huế (tài liệu lưu hành nội bộ), sđd, tr.19.

[27] Lịch sử Phật giáo xứ Huế, sđd, tr. 165.

[28] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, tập 1, NXB. Khoa học Xã hội, H, 1977, tr.65.

[29] Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách, Danh lam xứ Huế, NXB. Hội Nhà văn, H, 1993, tr.12.

[30] Văn bia chùa Huế (tài liệu lưu hành nội bộ), sđd, tr.15.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 54
    • Số lượt truy cập : 6951852