Thông tin

MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC CHU

VÀ CÔNG NGHIỆP MỞ MANG BỜ CÕI,

PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG

 

TẠ QUỐC KHÁNH*

 

MỞ ĐẦU

Ngày Bính Thân, tháng Giêng năm Tân Mùi (1691) Nguyễn Phúc Chu - con trưởng của chúa Nghĩa, Nguyễn Phúc Trăn (Thái) lên kế nghiệp ở Đàng Trong[1]. Khi đó Ngài mới 17 tuổi nhưng đã có đức tính tốt, biết chiêu hiền đãi sĩ, biết nghe lời can gián, bỏ xa hoa, nhẹ thuế má sưu dịch cho dân, được dân chúng yêu quý, thường gọi Ngài là Quốc chúa hay chúa Minh. Noi gương các Tiên chúa, chúa Minh đã chú trọng mở rộng bờ cõi về phương Nam đến tận Hà Tiên và kể từ đầu thế kỷ 18, đất nước ta có một hình thể gần như ngày nay, trở thành một quốc gia lớn trong khu vực. Không những thế, Minh vương còn là vị chúa có sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển Phật giáo. Dưới thời tại vị của ông, rất nhiều chùa, tháp ở Đàng Trong được xây dựng, trùng tu, ban sắc tứ mà điển hình nhất là việc trùng tu Quốc tự Thiên Mụ. Đây là thời kỳ mà ở Thuận Hóa “chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn[2], nhiều sư tăng Trung Quốc cũng sang hoằng pháp, tạo nên một diện mạo mới cho Phật giáo Đàng Trong…

I. CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN, MỞ MANG BỜ CÕI:

Trong số chín đời chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa nhiều tài ba. Ông sinh năm Ất Mão (1675); là con trưởng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái, mẹ là Hiếu nghĩa hoàng hậu họ Tống. Sách Đại Nam thực lục (tiền biên) ghi lại rằng: “năm Giáp Dần[3], mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà. Lớn lên học chăm, chữ tốt, đủ tài lược văn võ. Đầu được phong Tả bính dinh phó tướng Tô Trường hầu, làm phủ đệ ở cơ Tả bính[4]

Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có tư chất thông minh từ thuở nhỏ với tài kiêm văn võ. Thích Đại Sán đã có những dòng nhận xét đầu tiên về ông như sau: “xuân thu chưa mấy mà phú tính thông minh, độ lượng khoan hòa, dung mạo đoan chính[5]. Năm 17 tuổi (năm 1691), ông được bầy tôi (vâng di mệnh) tôn lên làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự thái bảo Tộ quận công[6]. Lên nối nghiệp chúa, ông đã áp dụng nhiều chính sách “chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, ít chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai là không vui mừng [7]. Năm Kỷ Sửu (1709), Chúa sai đúc Quốc bảo. Đó là chiếc ấn khắc chữ “ĐẠI VIỆT NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO”[8].

Ngay năm đầu nối nghiệp ông đã “miễn nửa thuế ruộng năm ấy[9] và chính sách đó kéo dài 12 năm, tới tận năm Quý Mùi (1703) mới trở lại thu như cũ. Đó là việc làm thiết thực, đem lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân… Không chỉ vậy, chúa Minh cũng thường khuyên nhủ các tướng lĩnh phải biết chăm lo, thương yêu nhân dân trong xứ mình cai quản, chứ không nên chỉ mưu lợi cho bản thân… Chúa cũng hạ lệnh tra xét lại các tội nhân còn bị giam trong ngục, nếu tội nhẹ thì phóng thích, tội nặng thì được giảm án nên khắp xứ mọi người dân đều ca tụng. Là vị chúa ở ngôi cao nhưng ông vẫn tỏ ra là người bình dị, sẵn sàng gánh vác những công việc nặng nhọc, thậm chí là nguy hiểm. Sách Hải ngoại kỷ sự có ghi sự kiện khi Minh chúa đang ngồi tiếp chuyện hòa thượng Thạch Liêm khi có tin báo cháy, ông vội vàng chạy đi chữa cháy mà không nghĩ đến sự an nguy của bản thân bởi như lời chúa nói “mỗi lần cháy lan đến mấy dặm, nếu chẳng cứu, nhà dân sẽ ra tro hết[10].

Để củng cố và giữ yên cương vực, chúa Minh đã có những hành động cứng rắn, cương quyết với những thế lực chống đối. Chính sử còn ghi sự kiện năm Giáp Tuất (1694) Chưởng cơ Huệ và Thông âm mưu nổi loạn bị nhà chúa dẹp yên, cả Huệ, Thông và đồng bọn gồm 7 người đều bị giết. Tiếp đó năm 1695 dẹp yên bè đảng Linh vương âm mưu nổi dậy ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, tiêu diệt toàn bộ những kẻ cầm đầu. Năm Kỷ Sửu (1709) dẹp yên âm mưu tạo phản của bè lũ Tống Phước Thiệu cùng Nguyễn Cửu Khâm, Trịnh Nghệ, Tường Vân; riêng Tống Phước Thiệu nguyên là Nội hữu phò mã bị miễn làm thường dân, 3 tên còn lại đều bị giết để làm gương. Tuy nhiên, đôi khi chỉ một bức thư của chúa mà nạn binh đao được hóa giải, nhân dân yên ổn làm ăn. Chính sử cũng ghi sự kiện năm 1713, Nặc Thu ở nước Chân Lạp âm mưu tạo phản, đưa quân quấy nhiễu vùng biên cương. Chúa viết thư cho Nặc Thu, khuyên nhủ “nên thể lòng ta, đừng quên thần phục, khiến biên cảnh nhờ đó mà tắt mối can qua, cho sinh dân nhờ đó mà yên vui đồng ruộng, trong ngoài được vô sự đời đời”; Nặc Thu nhận được thư đã từ bỏ‎ ý‎‎‎‎‎ định làm phản, hai nước tránh được một phen binh lửa.

Trong thời gian trị vì, Minh vương đã có một loại cải cách cơ chế tổ chức trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm. Những văn võ, quan viên đều được thăng trật theo thứ bậc và bắt đầu từ đời Minh vương, bầy tôi phụ trách biên khổn được cho ấn đồng và kiệu đen. Năm Quý Dậu (1693), sau khi việc quốc miếu đã xong, đình thần tổ chức lễ mừng và tấn tôn chúa làm Thái phó Quốc công và dâng tôn hiệu Quốc chúa. Từ đó, các sắc lệnh đều ghi là Quốc Chúa; cũng năm 1693 đặt trấn Thuận Thành (sau là phủ Bình Thuận); năm 1698, đặt phủ Gia Định, (tức Sài Gòn), phủ Phúc Long (tức Đồng Nai), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa); thiết lập xã thôn, phường, ấp, chia cắt giới phận... Minh vương cũng đã nhiều lần cho vẽ bản đồ những vùng đất mình cai quản: “năm Tân Tỵ (1701) sai coi khắp những hình thế đầu non, cửa biển, đường sá xa gần, núi sông hiểm dễ, vẽ đồ bản dâng trình” [11]; năm 1711 cho người vẽ bản đồ bãi Trường Sa (bãi cát dài ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị); rồi cho đặt đồng hồ trong các đường sá ở châu Bố Chính để tính khoảng cách, tiện việc giao thông…

Ở Đàng Trong thời bấy giờ, khuynh hướng “bế quan tỏa cảng” có từ đời các chúa trước vẫn còn được duy trì. Riêng  chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn rộng. Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa thường xuyên. Cũng trong thời gian này, nhiều thương cảng ở Đàng Trong như Hội An (Quảng Nam), Cù Lao Phố (Đồng Nai) hay Mỹ Tho (Tiền Giang) đã trở nên sầm uất, nhiều thương thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Mã Lai và một số tàu buôn châu Âu đã vào ra buôn bán, hình thành nên những khu phố ngoại quốc…

Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội: dùng Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật. Dùng người về thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Sử dụng các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân, Nguyễn Khoa Chiêm, Mai Công Hương, Nguyễn Đức Bảo… trong việc củng cố chính quyền, mở mang bờ cõi. Dưới thời chúa, nhờ thường xuyên thao luyện mà quân đội đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh với đầy đủ các đội kỵ binh, tượng binh, chiến thuyền và trọng pháo. Gần như năm nào cũng tổ chức các cuộc thi võ nghệ, có chúa tham dự và ban thưởng. Súng ống, quân giới được kiểm tra thường xuyên. Chính nhờ có lực lượng quân dự vững mạnh mà biên cương các vùng giáp những nước Nam Bàn, Hỏa Xá (tức những vùng Thượng như Tây Nguyên…) tuy đôi lần bị cướp bóc, quấy nhiễu nhưng đều nhanh chóng được dẹp yên.

 Minh vương cũng là một vị chúa quan tâm đến nền Nho học, thường xuyên tổ chức các khoa thi cử, tuyển dụng nhân tài. Ông là người đề ra chủ trương cư Nho mộ Thích. Năm 1692 cho sửa Văn Miếu ở Triều Sơn, năm 1715 cho dựng Văn miếu Trấn Biên. Năm 1694 tổ chức thi Nhiêu học, lấy được 133 người trúng cách về chính đồ, 92 người trúng cách về hoa văn. Năm 1695 thi lấy 5 người trúng cách về chính đồ làm giám sinh (làm Văn chức và Tri huyện), 8 người làm sinh đồ (bổ làm Huấn đạo), 15 người làm nhiêu học (bổ làm lễ sinh), 22 người trúng cách về hoa văn (bổ giữ chức tướng Thần tại ty và Lệnh sử ty), 10 người trúng cách về thám phỏng (bổ giữ chức Xá sai ty). Rồi tiếp đó là một loạt các khoa thi năm 1698, 1701, 1703, 1707; đặc biệt năm 1713 mở 2 kỳ thi, trong đó kỳ thi đệ nhị có 130 học trò thi chính đồ nhưng do quan giám khảo bất hòa nên đánh trượt hết; chúa cho rằng các quan quá khắt khe, không phản ánh trung thực chất lượng cuộc thi nên cho thi lại, chúa đích thân ra đề bài… Tuy nhiên, kỳ thi năm Nhiêu học năm Quý Mão (1723), “quan giám khảo lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò bàn tán rất sôi nổi. Chúa ra lệnh mở kỳ thi khảo hạch lại và không một sĩ tử nào làm được bài nên bị chúa phê trượt hết [12]. Có thể thấy, dù tổ chức thi nhiều, lấy được nhiều người tài giỏi nhưng chúa cũng rất nghiêm khắc trong việc thi cử để mong chọn được người thực tài. Đặc biệt, chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. 

Nhưng quan trọng hơn cả là chúa đã  thực hiện được việc mở rộng bờ cõi; bảo vệ Tổ quốc và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa. Năm Nhâm Thân (1692), có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, Minh vương đã sai cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân đi bắt. Đầu năm 1693 quân của chúa thắng trận, vua Bà Tranh phải bỏ trốn và nhân đó Minh vương đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, coi hai huyện An Phước và Hòa Đa[13]. Năm Đinh Sửu (1697), chúa đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa. Đặc biệt, sau khi thu phục phủ Bình Thuận, chúa lại phong vương cho Kế Bà Tử và giao cho cai quản vùng đất đó, hàng năm triều cống. Kế Bà Tử chính là một vị tướng người Chiêm Thành dưới trướng của vua Bà Tranh bị quân Minh vương bắt làm tù binh trong khi giao tranh. Điều đó cho thấy ân đức cũng như tài trị dân, trị nước của Minh vương…

Năm Mậu Dần (1698), chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố thành hai miền; lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Mỗi dinh đều đặt quan cai trị và quản lý. Lập làng ấp, định thuế khóa[14]

Năm Nhâm Ngọ (1702), công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn của nước ta. Chúa ra lệnh cho Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan tùy liệu đối phó. Mùa đông năm Quý Mùi (1703), Trương Phúc Phan tuyển mộ 15 người Chà Và (dân đảo Java), sai họ dùng kế trá hàng để lẻn vào đất địch. Quân Anh không lo liệu đề phòng, vì thế nửa đêm nhóm người Chà Và theo mưu của Trương Phúc Phan nổi lửa đốt trại, đâm chết những tên chỉ huy, bắt được một số thuộc hạ, số khác chạy thoát ra biển trốn, liền bị thủy binh ta truy đuổi tiêu diệt. Năm Mậu Tý (1708), bấy giờ có Mạc Cửu người Quảng Đông không phục nhà Thanh, bỏ chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha. Mạc Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, xin đem đất đó quy thuận nước ta. Quốc chúa nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên[15]. Kể từ năm đó, nước ta mở rộng bờ cõi đến Hà Tiên.

II. PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO XỨ ĐÀNG TRONG

Không chỉ là một vị chúa với những chiến công mở mang bờ cõi, giữ yên cương vực, trọng dụng nhân tài, Minh vương Nguyễn Phúc Chu còn là một người rất hâm mộ đạo Phật, đã có những hành động thiết thực trong việc xây dựng chùa tháp, phát triển Phật giáo Đàng Trong. Năm Nhâm Thân (1692), chúa cho sửa chùa núi Mỹ An (tức núi Thúy Vân) đồng thời sắc cho tổ sư Nguyên Thiều trụ trì chùa Hà Trung. Chúa Minh cũng phong thiền sư Quả Hoằng làm Quốc sư, giao trụ trì chùa Tam Thai.

Sử sách khi nhắc mối lương duyên của Minh vương với Phật giáo đều không bỏ qua sự kiện chúa thỉnh được Đại lão Hòa thượng Thích Đại Sán (là đệ tử đời thứ 29 của phái Tào Động[16]) từ Trung Hoa sang. Thực ra thì  từ năm 1689, Ngãi Vương đã cử nhà sư Nguyên Thiều sang Trung Quốc thỉnh danh tăng Thạch Liêm. Mặc dù chưa mời được Thạch Liêm sang ngay năm đó, nhưng Nguyên Thiều cũng đã mang về nhiều chuông, tượng, pháp khí, góp công lớn trong việc hoằng dương Phật pháp xứ Thuận Hóa. Nguyễn Phúc Chu nối nghiệp đã hai lần viết thư thỉnh Thạch Liêm hòa thượng và năm Ất Hợi (1695) đã đón được ngài. Minh vương đã cho thấy mình là một người rất hâm mộ Phật pháp, ngài từng nói với Thạch Liêm hòa thượng: “đệ tử từ bé nghe hai chữ “Phật pháp” đã sinh lòng kính ngưỡng, mỗi lúc gặp tu sĩ áo lam đã sinh lòng hoan hỷ…[17]. Khi hòa thượng tới vương phủ, chúa đứng đón ở thềm, dắt vào trong cung và nơi ở của chúa cũng được bài trí tượng Phật, cờ phướn, chuông mõ như một ngôi chùa. Chúa sắp xếp cho hòa thượng Thạch Liêm nghỉ tại chùa Thiền Lâm nhưng khi biết ngôi chùa này còn nhỏ hẹp, không đủ chỗ cho đoàn khách, chúa đã ngay lập tức cử hơn nghìn người đem theo nguyên vật liệu và chỉ trong 3 ngày đã dựng được một tòa phương trượng 5 gian gồm 32 cột, bốn mặt đều có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván; lại thêm một tòa hậu liêu 5 gian 20 cột[18]. Tháng 3 năm 1695, để có chỗ cho hòa thượng Thạch Liêm mở đại giới đàn, Minh vương đã phê chuẩn cho sửa chữa, mở mang chùa Thiền Lâm trở thành một đại danh lam với “Vân trù, Thiền đường, Vân Thủy đường dựng lên phía tả; Thị liêu, Trai đường, Độc Luật đường, Am chủ liêu dựng ở phía hữu. Ở giữa làm một giới đàn…”[19], công trường này huy động tới hơn 2.000 người và sau khi hoàn thành, chùa Thiền Lâm trở thành một Tổ đình của Thiền phái Tào Động, một trường hạ cho sư tăng cả hai đạo Thuận - Quảng…

 Có thể nói, kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hóa, đặc biệt từ sau khi chúa Tiên cho trùng kiến chùa Thiên Mụ (năm 1601) và tiếp đó với sự ngoại hộ của các vị chúa, Phật giáo xứ Đàng Trong đã phát triển mạnh mẽ để đến cuối thế kỷ 17 thì “thần dân trong nước thảy đều quy y Tam bảo… chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn…” đúng như nhận xét của hòa thượng Thạch Liêm. Tuy nhiên, đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật pháp xứ này có lẽ đã bị suy đồi, một phần do chính sách phu quân, bắt lính của nhà chúa, khiến “cha mẹ sợ con phải đi lính, vừa lớn lên đã cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan, do đó bọn khóac áo nhà chùa rất đông, phật pháp trở nên hỗn loạn, chẳng những “tôn phái” không hỏi đến mà các việc “Luật”, “Luận” cũng đều xếp xó, bỏ qua, đến những kẻ mão ni – áo tràng mà nết hư, tật xấu…[20]. Nhận thức được điều đó nên chúa đã hai lần thỉnh Thạch Liêm hòa thượng sang truyền giáo; chúa lại phát lệnh bài đi các phủ, triệu hồi tăng đồ đem về chịu đủ 3 đàn pháp giới mới cấp giới điệp; lại lệnh cho quyến thuộc, quan viên ai có tín tâm có thể xin làm đệ tử, chịu Bồ Tát giới; đặt pháp danh, đạo hiệu.

Khi công việc tu sửa, mở mang chùa Thiền Lâm hoàn thành, ngày mùng 1 tháng 4 năm 1695, hòa thượng Thạch Liêm tổ chức lễ truyền Sa di giới, Quốc chúa mở đàn chay dâng lễ và mời hòa thượng Đại Sán thượng đàn thuyết pháp. Ngày mùng 6 tháng 4 (năm 1695) tổ chức truyền Tỳ kheo giới, có Quốc mẫu và vương huynh đặt tiệc chay và cùng ghi chép các pháp ngữ. Cũng ngày mùng 6 đó, Phật viện trong vương cung được khánh thành, hòa thượng Thạch Liêm đã tặng cho một bức hoành phi “Giác viên nội viện” cùng đôi câu đối treo trước đại điện:

Đẳng giác địa vị Diệu giác địa, thành tâm minh tâm, đồng nhi tam ma trí tuệ chân như tạng;

Nguyễn vương cung kiến Phạm vương cung, tại thế, xuất thế, tổng thành nhất phiến nhân từ đại đạo trường

(Nơi Đẳng giác đổi làm nơi Diệu giác, lòng thành, lòng sáng đồng vào như trí tuệ chân như;

Cung Nguyễn vương xây dựng cung Phạm vương, đời tục, đời tu, hợp một trường nhân từ đại đạo)

Câu đối đó đã thấu tỏ tư tưởng “cư trần lạc đạo” của Minh vương –  tư tưởng mà ông đã kế thừa một cách sáng tạo từ Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13…

Sang ngày lễ Phật đản (mồng 8 tháng 4), Quốc chúa khai đàn ở Nội viện, có Quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc… đồng thọ Bồ tát giới. Quốc chúa đặt một đàn riêng và do trời nắng gắt, chúa quỳ lâu nên mồ hôi ướt thấm mấy lớp áo nhưng khi người dâng lễ bảo ngồi nghỉ thì ngài không chịu và nói “ta ít tuổi, vui lòng chịu giới phạm, chẳng lấy thế làm mệt”. Lòng thành của chúa đã cảm động tới Thạch Liêm hòa thượng, ông viết “nay mừng thấy nhà vua, thân ở ngôi vua mà linh nguyên chẳng bị mờ tối, y nhiên hành động như kẻ tu hành; ấy đều do mầm bát nhã kiếp trước bồi đắp cao dày, cho nên tuổi trẻ tột bậc giàu sang, trong trường tối lạc, vẫn giữ được niềm tin bền vững như thế. Chỉ một chữ “tín” cũng đủ diệt trừ phiền não, thẳng vào cõi Như lai…”[21].

 Ngày mùng 9 tháng 4, hòa thượng Thạch Liêm mở giới đàn để tiếp tục truyền thụ Bồ tát giới cho hơn 1.400 tăng nhân. Đến ngày 24 tháng 4, chúa cho mời hòa thượng Thạch Liêm cùng các đệ tử, tăng chúng đến mở một kỳ sám tụng Đại bi đà la ni. Nhân dịp đó, chúa có tham vấn ý kiến của hòa thượng về những việc nên làm. Hòa thượng đáp rằng: “Việc trai giới chẳng phải chỉ để giữ cho sạch miệng, sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc trai giới của nhà vua, cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết, nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yêm trệ, bãi bỏ điều cấm nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thầy. Nói tóm lại, nên đem tất cả các việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, tăng chúng y bát, vật dụng hương hao… sẽ kê đơn chế biện...”[22].

Trong suốt hơn một năm ở lại Thuận Hóa, hoạt động chính của hòa thượng Thạch Liêm là giúp chúa triệu tập tăng chúng toàn quốc, mở ba pháp đàn truyền giáo. Công việc đó đã có tác dụng chấn hưng Phật giáo, thanh trừng những phần tử truỵ lạc và cũng để đáp lại lời than phiền của chúa Nguyễn Phúc Chu nêu lên về những tệ đoan trong giới Phật giáo thời ấy. Nhân dịp đó chúa cùng mẹ và con gái quy y, thọ Bồ Tát Giới và nhận pháp danh do sư đặt ra.

Ngoài những hoạt động Phật pháp, có lẽ điều giúp ích nhất cho chúa Nguyễn Phúc Chu là những chỉ vẽ, đề nghị liên quan đến việc trị nước trong những lần đôi bên đàm đạo. Cuối quyển hai của Hải ngoại kỷ sự viết rằng “…Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, làm thành bản điều trần “Lập quốc chính ước” gồm 18 điều, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xong mừng rỡ, bảo Nội quan Chưởng Sự rằng “Pháp độ, dân tình nước ta đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão Hòa thượng đem phép lễ Trung Quốc chỉ dạy, liệt kể 18 điều, nên khắc yết lên cửa phủ, hiểu dụ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại rõ ràng. Hễ ai làm trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại cầm thẻ bài đến kêu. Bất kể là quân dân, hoàng thân quốc thích đều theo pháp luật mà trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy…”. Ngoài ra, khi mớí đặt chân đến Thuận Hóa, sư dâng lên cho chúa bản “Điều trần về việc của nước Đại Việt” có nội dung rõ ràng như sau:

1.  Nên tiến cống Trung triều để chính danh hiệu.

2.  Đặt đồn thú để củng cố biên thuỳ.

3.  Thương yêu quân sĩ để cỗ vũ lòng trung dũng.

4.  Mở mang trường học để giáo dục nhân tài.

Xem bài Tựa chúa viết trong Hải ngoại kỷ sự: “Từ lúc đến vào mùa xuân năm Ất Hợi cho tới mùa hạ năm Bính Tý, được gần gũi cung dưỡng. Ngoài chuyện ngày đêm giảng dạy đạo lý, còn chỉ bảo cương kỷ luân thường. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ đều vạch lối chỉ đường, phân tích rõ ràng mạch lạc, khác nào dẫn dắt người từ nơi tối tăm ra nơi ánh sáng, giúp ích cho ta trong công việc chính cương trị nước biết chừng nào…”, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của hòa thượng đối với hoạt động an dân, trị quốc của chúa Nguyễn Phúc Chu như thế nào. Khi Thạch Liêm – Thích Đại Sán về nước, chúa Minh tự nhận mình là đệ tử đời thứ 30 của phái Tào Động, tiếp tục có nhiều hành động thiết thực góp phần xiển dương Phật giáo Đàng Trong.

Năm 1715, chúa lại cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, đồng thời ban cho hoành phi, câu đối ngự chế. Năm 1721, lập chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (huyện Phong Điền – Thừa Thiên Huế). Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đạo Phật đã truyền bá vào đất Nam Kỳ với nhiều ngôi chùa được xây dựng, trùng tu như: chùa Vạn An, ở Phước Tuy, kiến tạo năm 1711; chùa Tam Bảo, ở Hà Tiên, do Mạc Cửu lập khoảng những năm 1708 - 1725...

Nhưng ngôi chùa quan trọng nhất được Minh vương quan tâm trùng tu, mở mang chính là Quốc tự Thiên Mụ. Năm 1710, nhân lễ Phật đản, chúa cho đúc đại hồng chung tại chùa Thiên Mụ, đồng thời làm một bài minh khắc vào chuông với tâm nguyện: “Chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Động thượng chánh tông đời thứ 30, pháp danh Hưng Long đúc chuông lớn này nặng 3.285 cân, để vào chùa Thiên Mụ, cúng Tam Bảo lâu dài. Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sanh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ”. Tháng 6, năm 1714 chúa cho trùng tu chùa Thiên Mụ. Sự kiện đó được ghi lại trong nhiều bộ chính sử đương thời như Đại Nam thực lục hay Đại Nam nhất thống chí: “Hiển Tông năm Canh Dần thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ thứ 23 (1714) lại sửa lại. Quy chế từ cửa chùa vào là điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, bảo điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, điện Thập Vương, nhà Thủy Vân, nhà Tri Vị, điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà Tăng, nhà Thiền vài mươi sở, phía sau chùa dựng các sở Tỉ da viên và Phương Trượng cũng đến vài mươi sở. Năm Ất Mùi thứ 24 (1715) chúa thượng thân làm văn bia khắc vào đá dựng ở trước chùa, bờ sông thì dựng đài cầu, chúa thượng thân đến chơi xem phong cảnh[23]. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng ghi: “Năm thứ 10 Giáp Ngọ (1714) sửa lại chùa Thiên Mụ rất là rộng đẹp, qua một năm mới xong, chúa tự làm bài minh khắc chuông, chúa tự xưng là Đại Việt quốc vương, ở vườn Côn Gia trong chùa một tháng, sai người đem vàng bạc sang phủ Chiết Giang - Trung Quốc mua kinh Đại tạng, cùng Luật và Luận hơn mười nghìn bộ đem về để ở trong chùa[24]. Tháng 7 (năm 1714) công việc trùng tu hoàn thành và để đánh dấu sự kiện quan trọng đó, chúa làm văn bia, mở đại trai đàn và phát chẩn cho người nghèo suốt cả tháng. Vua Chiêm là Kế Bà Tử cùng hoàng gia Chiêm cũng được mời dự, được chúa phong tước hầu cho cả ba người con[25]

LỜI KẾT

Tư tưởng trị nước, an dân của Minh vương Nguyễn Phúc Chu được ông thể hiện rõ trong bài minh Ngự chế khắc trên bia đá chùa Thiên Mụ năm 1714 “Ôm tính thiện để làm tông, lấy lòng lành mà xử sự. Ở Nho, chuộng Thích, vì chính trị chẳng thể không làm nhân. Tin đạo, trọng tăng, góp nhân quả mà nghĩ điều trồng phúc. Đất nước thái bình, thân tâm an lạc[26]. Với 34 năm cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đóng góp được nhiều công lao vào việc mở mang đất nước cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Chu, cuộc Nam – Bắc phân tranh đã chấm dứt, trong cõi yên ổn, nhân dân quy tụ đông đúc, cảnh tượng thật thái bình. Ngoài ra, chúa còn có sự lưu tâm đặc biệt đến việc phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Bên cạnh những thiền phái có từ trước, đến này này đã có thêm thiền phái Tào Động. Có thể nói, kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm phương Nam, chưa bao giờ Phật giáo Đàng Trong được lưu tâm hộ trì đến thế.



* Thạc sĩ, Viện Bảo tồn Di tích, Bộ VHTT&DL.

[1] Khâm định Việt sử thông giám cương mục – (chính biên, quyển 34), NXB. KHXH, H, 1998.

[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện ĐH Huế xuất bản 1963, tr. 46.

[3] Tức năm 1674

[4] Đại Nam thực lục (Tiền biên),  Tập 1, NXB. Giáo dục, H, 2004, tr. 105.

[5] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 35

[6] Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, NXB. Giáo dục, H,  2004, tr. 105.

[7] Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, sđd, tr. 106.

[8] Chiếc ấn này đã được lưu truyền cho đến các vua nhà Nguyễn sau này.

[9] Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, sđd, tr. 105.

[10] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 99.

[11] Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, sđd, tr. Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, sđd, tr. 114.

[12] Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, sđd, tr. 137 – 138.

[13] Xem thêm, Nguyễn Đình Đầu – Cương vực nước ta dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn – in trong Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta – T/c Xưa và nay; Nxb. VHSG 2008, trang 253

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục (Tiền biên) -  Tập 1 – Nxb. Giáo dục 2004 – trang 111

[15] Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục (Tiền biên) -  Tập 1 – Nxb. Giáo dục 2004 – trang 122

[16] Tào Động tông là một tông phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc được hai vị Thiền sư sáng lập, là Động Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch. Người ta ghép hai chữ đầu của tên hai vị này và gọi là Tào Động. Mặc dù mục đích tu tập trong hai trường phái Lâm Tế và Tào Động như nhau nhưng phương pháp tu tập cụ thể thì có khác biệt. Tào Động tông chú trọng đến phương pháp Mặc chiếu thiền, tức là Chỉ quản đả tọa, “chỉ an nhiên Tọa thiền là đủ”, Lâm Tế tông chủ trương phương pháp Khán thoại thiền, là quán Công án. Thiền Tào Động được Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Nam giữa thế kỷ thứ 17, Thông Giác truyền giáo cho Chân Dung Tông Diễn và phái này hoạt động ở Đàng Ngoài, rất thịnh hành cuối thế kỷ 17 và đầu 18.

[17] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 83.

[18] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 42, 43.

[19] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 72 – 73.

[20] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 43.

[21] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 89.

[22] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 100.

[23] Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 83.

[24] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB. KHXH, H, 1977, tr. 65. Ở đây có sự nhầm lẫn giữa vườn Côn Gia  và vườn Tỳ Da…

[25] Đại Nam thực lục (Tiền biên), Tập 1, sđd, tr. 130.

[26] Tuyển dịch văn bia chùa Huế - Chùa Thiên Mụ, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 1-2 (49 – 50) /2005, tr. 149.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6705171