Thông tin

MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC CHU

VỚI TƯ TƯỞNG SÙNG BÁI ĐẠO PHẬT

 

NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH*

 

Thế kỷ XVI – 17I là một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc ta. Cùng với sự tồn tại của chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, trong giai đoạn lịch sử này, chúng ta được chứng kiến ngày càng rõ nét sự định hình, phát triển của một chính quyền mới: chính quyền của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nếu như chính quyền phong kiến Đàng Ngoài xem Nho giáo là bệ đỡ tư tưởng cho mình, thì Phật giáo với những đặc trưng của nó lại thích hợp với vùng đất mới - Đàng Trong. Từ Nguyễn Hoàng – vị chúa đầu tiên đến Nguyễn Phúc Thuần – vị chúa cuối cùng trong 9 đời chúa Nguyễn, ai cũng mang trong mình tư tưởng sùng bái đạo Phật. Nhưng có thể nói chưa bao giờ Phật giáo xứ Đàng Trong lại được chính quyền đặc biệt quan tâm hộ trì và phát triển như thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu. Điều gì đã hun đúc nên sự sùng bái đạo Phật ở Chúa Nguyễn Phúc Chu? Tư tưởng sùng bái đạo Phật ấy ở người được thể hiện cụ thể như thế nào?

1. Những nhân tố xây đắp nên tư tưởng sùng bái đạo Phật ở Minh vương Nguyễn Phúc Chu

Trong cuộc hành trình chinh phục xứ Đàng Trong, người Việt đã có điều kiện tiếp xúc chặt chẽ với các dân tộc địa phương thuộc những nền văn hóa khác nhau. Và đứng đầu trong số các dân tộc này là người Chăm. Trong quá trình tiếp nhận và thích nghi với những yếu tố văn hóa mới, ý thức về bản sắc Việt đã ra đời, cắm rễ sâu trong môi trường xã hội, văn hóa và tự nhiên ở nơi đây.

Khi đặt chân đến xứ Đàng Trong, các di dân Việt đã bỏ lại sau lưng nơi chôn rau cắt rốn của mình và sống trên vùng đất Chămpa cũ. Ắt hẳn những vẻ đẹp của nền văn hóa Champa còn hiện hữu qua âm nhạc, trang phục, kiến trúc, điêu khắc… sẽ khiến họ phải thán phục, nhưng đồng thời cũng khiến họ cảm thấy xa lạ và có phần e dè. Lúc này, những di dân Việt sẽ vừa bị lôi cuốn nhưng cũng vừa cố gắng làm sao thoát khỏi nền văn hóa xa lạ đã có trước khi họ đặt chân đến miền đất này. Âu đó cũng là diễn biến tâm lý bình thường. Trong hoàn cảnh đó, với tư cách là người lãnh đạo vùng đất mới, các chúa Nguyễn từ vị chúa đầu tiên đến vị chúa cuối cùng đều nhận thấy phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng vốn có của người Chăm để củng cố về mặt tinh thần và tâm lý đang “bất ổn” của những di dân Việt. Bấy giờ, Khổng giáo không thể là sự lựa chọn bởi “Những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẩn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình” [1, 4]. Hơn thế, bản thân họ Nguyễn cũng không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn xa lạ, khác biệt với truyền thống vốn có của người Việt ở phía Bắc. Chính trong hoàn cảnh đầy khó khăn như vậy, Phật giáo Đại thừa[1] đã cung cấp một giải pháp đáp ứng được nhu cầu đang đặt ra cho dòng họ Nguyễn. Nó không chỉ đẩy mạnh được bản sắc dân tộc vốn có của người Việt, làm dịu đi những mối lo âu của những di dân mà còn rất phù hợp với tư tưởng của họ Nguyễn khi mà nó không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của người cai trị.

Nhưng nói như thế vẫn là chưa đủ để giải thích tại sao các chúa Nguyễn lại chọn Phật giáo làm bệ đỡ tư tưởng cho mình. Thực tế còn cho thấy, để cho chính thể của họ Nguyễn mang những sắc thái riêng, trong quá trình lãnh đạo xứ Đàng  Trong, các chúa Nguyễn luôn có ý thức vạch ra một con đường phân ranh ngày càng đậm nét giữa họ với họ Trịnh ở phía Bắc. Nếu như họ Trịnh vẫn chấp nhận quan niệm của Khổng giáo cho rằng: vua chỉ là con trời chứ không phải là trời[2], thì đây các chúa Nguyễn đã đồng nhất quyền tôn giáo với quyền bính trong tay mình để nhấn mạnh nguồn gốc thánh thiêng của quyền bính ấy. Theo đó, họ đã đẩy mình lên địa vị cao nhất và duy nhất. Qủa đúng như nhận xét của Wolters khi cho rằng: tại Đông Nam Á “địa vị vua có tính cách duy nhất chỉ bởi vì đó là một địa vị có tính cách tôn giáo”[3]. Hành động tự xưng mình là Chúa Tiên hay Thiên Vương[4] của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát phải chăng chính là nhằm khẳng định gốc gác này?

Hơn thế nữa, cùng với quá trình không ngừng mở rộng lãnh thổ về phía Nam mà việc di chuyển địa điểm cư trú từ nơi này sang nơi khác đã trở nên bình thường đối với các gia đình hay dòng họ Việt. Mối quan hệ với đất đai của họ theo đó khó có thể là mối quan hệ khăng khít và cố định. Chính điều này đã góp phần định hình nên tính cách “di động” của vùng đất và con người xứ Đàng Trong. Tính cách này lại xung khắc trực tiếp với tính cách ưu tiên tập thể - một khái niệm cơ bản của Khổng giáo về đời sống cộng đồng, nhấn mạnh đến cái hiện hữu của nhóm hơn là cá nhân[5]. Như vậy là từ người lãnh đạo cho đến những di dân Việt ở xứ Đàng Trong đều đã không thể chọn Khổng giáo làm bệ đỡ tư tưởng cho mình.

Trong bối cảnh chung ấy, Nguyễn Phúc Chu khi lên ngôi, nối tiếp chí lớn của các bậc cha anh đi trước cũng đã tiếp tục chọn Phật giáo làm nền tảng tư tưởng. Lên nối ngôi từ năm 1691 đến năm 1725, trong bối cảnh lịch sử khi họ Nguyễn luôn phải đương đầu với họ Trịnh ở phía Bắc và sự dòm ngó, xâm lược của các nước ở phía Nam, ngay từ đầu Minh vương Nguyễn Phúc Chu đã nhận thức tầm quan trọng của việc an dân. Làm sao cho dân lưu tán ở xứ Đàng Trong yên tâm với cuộc sống ở vùng đất mới luôn là một mối trăn trở trong lòng Quốc Chúa. Trên thực tế, dù thuộc nhiều thành phần khác nhau, nhưng những lưu dân Việt khi đến Nam Bộ chủ yếu vẫn là những người nghèo khổ, phiêu tán. Họ cần có chùa, có thầy cầu an, giúp đỡ khi hoạn nạn, đau ốm ở xứ lạ hoặc cầu siêu khi mất… Hiểu được nhu cầu bức bách và chính đáng đó của người dân, Nguyễn Phúc Chu đã ra sức chấn hưng Phật giáo và đưa Phật giáo đến gần với mỗi người dân Việt nơi đây bằng chính tư tưởng từ bi của một bậc chân chúa.

2. Biểu hiện của tư tưởng sùng Đạo Phật ở Minh Vương Nguyễn Phúc Chu

Suốt 34 năm trị vì vùng đất mới phía Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu luôn trăn trở tìm ra đường lối trị nước cốt sao nhằm an dân. Với người, dân có an thì đất nước mới ổn định, thái bình. Và Người đã tìm đến với đạo Phật, mượn đạo Phật làm phương tiện để giáo hóa dân chúng.

Lúc bấy giờ, nhận thấy Đạo Phật ở miền Nam chưa thấm sâu vào lòng dân, chùa chiền còn ít và nhất là xứ Đàng Trong đang thiếu các vị cao tăng truyền bá giáo lý của Đức Phật, nên năm 1695, Chúa đã mời Hòa thượng Thích Đại Sán (thường gọi là Thạch Liêm) từ Trung Quốc sang Thuận Quảng hộ trì Phật giáo. Nhận lời mời, hòa thượng đặt chân đến xứ Đàng Trong, được Quốc chúa và các vị cao tăng trong nước đón tiếp rất long trọng. Theo gợi ý của hòa thượng, ngay lập tức chúa đã cho trùng tu chùa Thiền Lâm ở gần Phủ Dương Xuân – cung điện mùa đông của chúa. Hải ngoại kỷ sự ghi lại, sau khi được trùng tu, chùa Thiền Lâm từ một cái cốc ba gian lợp bạch mao trở thành một tòa phương trượng với 5 gian gồm 32 cột, bốn mặt đều có hành lang. Từ đây, chùa rộng đủ sức thu nạp hàng trăm tăng sĩ. Cũng tại Thuận Hóa, theo yêu cầu của hòa thượng, Quốc Chúa đã cho thiết lập giới đàn để hòa thượng truyền bá Bồ tát giới cho Quốc chúa cùng gia quyến, quan lại và hơn 1.000 tăng ni ở đất Phú Xuân. Trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự, Hòa thượng Thích Đại Sán đã bày tỏ lòng khâm phục trước tinh thần mộ đạo của Quốc chúa qua việc lập giới đàn này. Theo như hòa thượng thuật lại thì lúc mở đàn, chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu đã thắp hương dâng lễ và thỉnh hòa thượng lên đàn thuyết pháp một cách vô cùng cung kính. Còn việc lập giới đàn thì Quốc chúa đã lo lắng chu toàn. Đường sá lúc bấy giờ được dọn dẹp sạch sẽ. Đứng dẹp đường là một đội quân mũ đỏ chỉnh tề. Đạo quân chúa đi oai vệ, tả hữu cầm gươm sáng, giáo dài hộ vệ. Đặc biệt, Quốc chúa ngồi kiệu lớn 16 người khiêng được trang hoàng lộng lẫy. Lúc này, Quốc chúa mặc đạo bào màu đen, chân mang giày nhung, đầu đội mũ cánh chuồn, xuống kiệu cung kính vào thắp hương lễ Phật xong mới đi quanh đàn để xem xét, nhất nhất đều tỏ ra một tín đồ mộ đạo. Cũng theo hòa thượng, dù đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ ngài thấy một vị chúa nào lại có hành động và tính cách thể hiện tinh thần mộ đạo rõ nét như Minh vương Nguyễn Phúc Chu.[6] Và vị Hòa thượng này một lần nữa phải phải ngạc nhiên khi quan sát thấy cung điện của Chúa Nguyễn Phúc Chu được trang hoàng với cờ Phật giáo, trướng, cá gỗ và những quả chuông lộn ngược, tựa như là một ngôi chùa Phật giáo vậy.[7] Tất cả đã gieo vào lòng Hòa thượng Thích Đại Sán những ấn tượng đẹp, không thể nào quên về một vị chúa với tấm lòng nhiệt thành dành cho đạo Phật.

Lòng sùng mộ Phật giáo ấy đã theo Minh vương Nguyễn Phúc Chu đến suốt cuộc đời. Năm năm sau đó, vào năm Canh Dần (1710), nhân một lần viếng thăm chùa Thiên Mụ, Quốc Chúa quyết định lấy đồng trong kho đúc đại hồng chung cho nhà chùa. Chuông cao 2m5, nặng đến 2.021 kg[8]. Điều ý nghĩa là sau khi đúc chuông, chính chúa đã đích thân làm bài Minh khắc vào chuông và rồi cũng chính chúa đích thân đánh vang tiếng chuông trong trẻo đầu tiên trong ngày lễ khánh thành. Cho đến ngày nay, tiếng chuông chùa Thiên Mụ vẫn đều đặn vang lên như một minh chứng hùng hồn không bao giờ tắt cho đóng góp lớn lao của Quốc Chúa đối nền Phật giáo nước nhà.

Bốn năm sau đó (1714), chúa còn cho mua hơn ngàn quyển Kinh, Luật, Luận về chùa với mong muốn truyền bá rộng rãi và thấm nhuần giáo lý đạo Phật trong lòng dân chúng. Cũng chính trong năm này, khi thấy chùa Thiên Mụ có nhiều hiện tượng hư hỏng, Người đã ra lệnh cho Chưởng cơ Tống Đức Đạt phải đứng ra trông bổ việc trùng tu chùa. Tất cả thợ khéo ở Phú Xuân và cả nước được quy tụ về đây dồn công sức tu bổ lại ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này. Nhờ vậy, dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, ngôi chùa Thiên Mụ đã mang diện mạo mới, nguy nga, khang trang hơn bao giờ hết. Không dừng lại ở đó, từ đây người dân còn được chứng kiến sự trùng tu, tôn tạo của rất nhiều ngôi chùa khác trên mảnh đất xứ Đàng Trong dưới thời Quốc Chúa. Ví như: năm 1715, Chúa cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch hay năm 1721, chúa cho lập chùa ở Giác Hoàng… Nhờ vậy mà bộ mặt của Phật giáo xứ Đàng Trong dưới thời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thực sự khởi sắc.

Tư tưởng sùng bái đạo Phật của Quốc Chúa không chỉ được biểu hiện qua những nỗ lực của Người trong việc truyền bá rộng rãi giáo lý đạo Phật, trùng tu, kiến tạo chùa chiền kiên cố, vững chắc làm cho tăng ni Phật tử yên tâm hành đạo mà tư tưởng ấy còn được thể hiện qua chính tấc lòng yêu dân, muốn cứu độ dân chúng thoát khỏi tai ương của cuộc sống. Bởi thế, chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi suốt 34 năm trị vì của mình, chúa Nguyễn Phúc Chu luôn được nhân dân biết ơn và nể trọng. Từ những quan tâm cụ thể đến người dân ở từng vùng như cho quân quét sạch lũ trộm cướp thường xuyên quấy nhiễu nhân dân ở Hồ Xá, Quảng Trị[9] hay tỉ mẫn cho người nghiên cứu nguyên nhân tạo sóng dữ để tìm cách phá tan nạn sóng thần trên phá Tam Giang, cho nhân dân an tâm đi lại… đến những chủ trương chung dành cho nhân dân trong cả xứ Đàng Trong như hằng năm mở rộng kho lúa để phát chẩn cho dân nghèo, phàm dân lưu tán mới về thì chia ruộng đất để thiết lập thôn phường hay miễn binh dịch, tô thuế trong ba năm để dân yên nghiệp làm ăn… Tất cả đã góp phần hiện thực hóa tư tưởng từ bi hỉ xả, cứu độ chúng sinh – một tư tưởng cốt lõi tồn tại bao đời nay của Phật giáo.

Vậy là bằng những hành động cụ thể thiết thực, tư tưởng sùng bái đạo Phật của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thực sự đi vào cuộc sống và gieo vào lòng hậu thế niềm cảm kích khôn nguôi về tinh thần nhập thế tích cực hiếm có ở một bậc chân chúa.



* Thạc sĩ, Khoa Việt Nam học, ĐH Sư phạm Hà Nội.

[1] Đại thừa (大乘, sa. mahāyāna), dịch âm Hán-Việt là Ma-ha-diễn-na (摩訶衍那) hay Ma-ha-diễn (摩訶衍), tức là "cỗ xe lớn" hay còn gọi là Đại Thặng tức là "bánh xe lớn" là một trong hai trường phái lớn của đạo Phật- phái kia là Tiều thừa hay Tiểu thăng, nghĩa là "cỗ xe nhỏ" hay "bánh xe nhỏ" (sa. hīnayāna). Xuất hiện trong thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, phái này tự nhận là cỗ xe lớn nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ. Cả hai Tiểu thừa và Đại thừa đều bắt nguồn từ vị Phật lịch sử Thích-ca Màu-ni, nhưng khác nhau nơi sự quan tâm về thực hành giáo pháp và tư tưởng. Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì các đại biểu của Đại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ tất cả chúng sinh (sa. sarvasattva).

[2] Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, NXB. Văn hóa Thông tin, H, 2006, tr. 220 – 223.

[3] Wolters. O. W, History, Culture, and Religion in Southeast Asian Perspectives, Singapore, 1982, tr.19

[4] Việt Nam Khai Quốc Chí Truyện, trong bộ Tiểu thuyết và truyện kể của Việt Nam được viết bằng Hán Văn, tập 4, 1986, tr.300.

[5] Theo Khổng giáo, cá nhân chỉ đáng kể trong mối quan hệ cố định ở bên trong cộng đồng.

[6] Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự, trong Thập thất thế kỷ Quảng Nam chi tân sử liệu, do Trần Kính Hòa xuất bản, Trung Hoa Tùng thư Biên tỉnh ủy viên Hội, Đài Bắc, 1960, tr.15.

[7] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr.15.

[8] Thi Long, Nhà Nguyễn – chín chúa, mười ba vua, NXB. Đà Nẵng, 1998, tr, 49.

[9] Muốn vào Phú Xuân, dân chúng phải đi qua một Trảng Cát rộng vắng vẻ ở địa phận Hồ Xá, Quảng Trị. Đây là một cánh rừng thưa, bọn trộm cướp thường tụ tập để cướp đoạt tài sản của khách thương.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6794899