Thông tin

MÔ HÌNH TRẠI RUỘNG ĐỘC ĐÁO Ở VÙNG THẤT SƠN

 

VĨNH THÔNG

 

 

Trong công cuộc khai phá Nam Bộ của người Việt, vùng đồi núi Thất Sơn (nay thuộc tỉnh An Giang) luôn được xem là vùng đất “dữ”, cực kỳ khó khăn để chinh phục. Ấy vậy mà việc khai phá miền biên viễn phía Tây Nam đất nước này lại được khởi đầu và có hiệu quả từ hoạt động của một tôn giáo thông qua nhãn quan sâu sắc của vị giáo chủ. Đó chính là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Thất Sơn - vùng đất “dữ”

Thất Sơn là vùng đất bán sơn địa, địa hình đồi núi lỏm chỏm xen giữa đồng bằng, ngày nay nằm trên địa bàn hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. Gọi là Thất Sơn nhưng kỳ thực có đến hàng chục ngọn núi. Con số bảy chỉ là biểu trưng mang tính tâm linh và đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận với nhiều lý giải khác nhau.

Thế kỷ XVIII - XIX, trong quá trình lưu dân vào Nam khai phá, vùng đất An Giang không phải là lựa chọn ưu tiên của họ. Bởi An Giang có hai địa hình chính: Một là đồng bằng trũng thấp thường xuyên ngập úng (nê địa) nên khó canh tác, hai là vùng bán sơn địa rừng thiêng nước độc cũng không phải là nơi thích hợp để lập nghiệp. Trong khi đó, khu vực hạ châu thổ Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đất đai màu mỡ, trồng lúa hay cây trái đều hiệu quả, những lưu dân đến sớm đã chọn vùng này.

Những lưu dân đến trễ hơn, đành phải dạt về những vùng khó khăn như An Giang. Nhưng đặc biệt, hiếm ai dám bén mảng đến Thất Sơn. Mãi đến nửa cuối thế kỷ XIX, Thất Sơn vẫn là vùng sơn lam chướng khí. Thiên nhiên không ưu đãi con người khi mọi phương diện trong đời sống sinh hoạt đều rất khó khăn: Hạn hán, thiếu nước, thiếu lương thực, thú dữ… Đây cũng là khu vực biên giới, nhiều lần bị quân Xiêm tấn công vào thời chúa Nguyễn và đầu triều Nguyễn, nhìn chung tình hình rất bất ổn.

Vì vậy, đưa người nông dân đến khẩn hoang Thất Sơn trong hoàn cảnh đó là việc làm táo bạo. Việc làm ấy lại bắt nguồn từ tôn giáo: Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Vị giáo chủ của tôn giáo này là một trong số ít ỏi những người đầu tiên có tầm nhìn sâu sắc về giá trị của vùng Thất Sơn. Trong buổi đầu truyền đạo, Bửu Sơn Kỳ Hương đã đẩy mạnh việc khai khẩn vùng núi non này. Các tín đồ đã tổ chức những cuộc khai khẩn với quy mô lớn đầu tiên ở đây, lập thành làng xóm và quy tụ dân cư đến sinh sống đông đúc.

Tầm nhìn của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là tôn giáo nội sinh đầu tiên ở Nam Kỳ, ra đời năm 1849. Người sáng lập đạo là ông Đoàn Văn Huyên (1807 - 1856), sau xuất gia với pháp danh Minh Huyên - Pháp Tạng (theo bài kệ truyền thừa của chi phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Nguơn) nên người đời sau gọi là Đoàn Minh Huyên.

 


 

Khoảng năm 1847 - 1849, quanh vùng Hậu Giang xảy ra dịch bệnh, ông đi nhiều nơi trị bệnh và khuyên mọi người tu hành. Bị chính quyền tỉnh An Giang nghi là “gian đạo sĩ”, ông bị họ buộc phải đến tu ở chùa Tây An ở núi Sam (nay thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Tại đây, ông tiếp tục trị bệnh và phổ truyền giáo lý, được dân chúng tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An.

Dưới lá cờ tôn giáo, ông đạo Đoàn Minh Huyên rao giảng thuyết Tận thế, vùng Thất Sơn là thánh địa tổ chức hội Long Hoa để lập đời mới Thượng nguơn, kêu gọi tín đồ quy tụ về thánh địa sinh sống và tu hành chờ ngày “đổi đời”. Không chỉ truyền bá lời tiên tri, ông còn cụ thể hóa thông qua hành động thực tế. Năm 1851, ông cùng các đệ tử đến khai phá dưới chân núi Két, biến rừng hoang thành đồng ruộng, gom tín đồ về sống quây quần cùng nhau để phát triển thành làng xóm.

Điều đó, phần nào chứng tỏ tầm nhìn của vị giáo chủ về vùng “linh địa” này. Mặt khác, vào thời điểm bấy giờ có lẽ chỉ có sức mạnh tâm linh của tôn giáo và mô hình tổ chức đặc thù tôn giáo, mới đủ tạo cho người nông dân nội lực đương đầu với mọi khó khăn trong hành trình chinh phục vùng đất “dữ”. Đó là mô hình tổ chức cộng đồng kết hợp giữa đạo và đời mang tên: Trại ruộng.

Trong bối cảnh thế kỷ XIX, An Giang còn là nơi hoang hóa, vị tu sĩ họ Đoàn đã không chỉ thể hiện vai trò là nhà truyền giáo có sức ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần, mà còn là nhà dinh điền có đôi mắt nhạy bén, có khả năng tổ chức công tác khẩn hoang bằng một mô hình đặc biệt mang lại hai tác dụng lớn.

Xây dựng đời sống vật chất

Bắt nguồn từ chủ trương của Phật Thầy Tây An là tu hành không phải suốt ngày chỉ biết gõ mõ tụng kinh mà còn phải lao động, kết hợp với thực tế tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương là cư sĩ tại gia có lập gia đình và phải làm ăn để phục vụ đời sống, từ đó mô hình trại ruộng đã được tổ chức phù hợp để tín đồ có thể tu hành, nhưng cũng không vì lợi ích bản thân mà quên đi cộng đồng xã hội.

Dĩ nhiên, tu hành là điều cốt yếu mà tôn giáo nào cũng xem trọng, nhưng đối với Bửu Sơn Kỳ Hương thì làm lụng không được tách rời khỏi tu hành. Trong các tác phẩm sấm giảng còn truyền lại, ta thấy chủ trương của đạo vẫn là: “Việc chẳng làm than thân rằng khó / Của ở đời ai có cho không”. Nói cách khác, Bửu Sơn Kỳ Hương không dung dưỡng cho sự biếng nhác trong lao động.

Ý thức được có an cư mới lạc nghiệp, như ông bà ta xưa nay luôn dạy thế, nên sau khi tiến hành khai khẩn đất hoang, tín đồ tiếp tục bắt tay vào canh tác ruộng rẫy, với mong mỏi xây dựng cuộc sống mới ổn định và ấm no. Mặt khác, vùng Thất Sơn buổi đó xung quanh là rừng núi hoang sơ, được mô tả là nơi: “Huê tươi trước mặt thơm tho nực / Thú dữ bên mình nhã nhớn chơi”. Nơi con người phải đối mặt với muôn vàn trắc trở như thế, nếu không tự canh tác thì họ sẽ không có gì ngoài hai bàn tay trắng.

Ở trại ruộng, những tín đồ sống quây quần với nhau, ban ngày cùng ra đồng cày cấy, ban đêm về lo tu hành. Đứng trước cả một vùng rừng rậm hoang vu, con người lại phải đối phó với khí hậu khắc nghiệt, thú dữ, bệnh tật… vậy mà chỉ với công cụ thô sơ và quan trọng hơn hết là sức mạnh chính đôi tay mình, họ đã phấn đấu không ngừng. Kết quả là sau một năm khai khẩn, năm 1852, hai ngôi làng chính thức hình thành với tên Xuân Sơn và Hưng Thới (năm 1890 sáp nhập thành Thới Sơn, nay thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Xây dựng đời sống tinh thần

Không chỉ kiến trí vùng đất mới, giáo chủ họ Đoàn còn chú ý đến việc xây dựng con người mới trên vùng đất đó. Việc lao động ở chốn hiểm trở như sự thử thách người tín đồ trong quá trình tu tập - đem lửa thử vàng. Bởi từ thực tiễn cuộc sống lạ lẫm ở nơi vừa khai phá, buộc người tín đồ phải chuẩn bị cho mình một tâm thế mới.

 


 

Trước hết, với tư cách là người nông dân đi khai phá, lối sống ở trại ruộng phải đề cao cộng đồng, tập thể. Để tồn tại và tu tập ở vùng đất lạ, họ phải đoàn kết giúp đỡ nhau: “Dìu dẫn nhau điểm tô công quả / Phải thật tình với cả chung quanh”. Nhưng với tư cách là tín đồ tôn giáo, họ còn phải buông bỏ tham sân si: “Không ham những chuyện mênh mông / Vừa no, đủ ấm, đèo bòng mà chi”. Nếu Trần Nhân Tông từng dạy “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” (Sống đời vui đạo phải tùy duyên), thì tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cũng thế, giữa lao động và tu hành phải được kết hợp hài hòa trong tinh thần tiêu dao.

Quan niệm sống vô vi, thuận tự nhiên của triết học Lão – Trang bàng bạc trong tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương. Đứng trước thiên nhiên khắc nghiệt, tín đồ không nản lòng mà vẫn có thể ung dung: “Giày cỏ tới lui trời đất rộng / Áo sen xài xạt núi sông dài”. Được như thế, tâm hồn người tu hành phải thoát khỏi những tác động của ngoại cảnh: “Một tấm lòng nhàn mây sắc trắng / Trăm đường tục lợi nước màu xanh”.

Tâm thế đó, ta còn nhiều lần bắt gặp trong các tác phẩm sấm giảng của Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhưng đáng chú ý hơn cả, là nó đã vượt ra khỏi kinh giảng và giáo lý một tôn giáo, nâng thành lối sống cộng đồng. Đình làng là thiết chế văn hóa cộng đồng mang đậm dấu ấn Nho giáo, vậy mà ở mặt tiền đình Thới Sơn lại có đôi liễn đối vượt thoát tư tưởng Khổng - Mạnh: “Quân phi quân, thần phi thần, quân thần giai cộng lạc / Phụ phi phụ, tử phi tử, phụ tử thị đồng hoan”.

***

Tóm lại, rao giảng thuyết Tận thế, vùng Thất Sơn là thánh địa diễn ra hội Long Hoa, lập đời mới Thượng nguơn… đều là những tiền đề để trở thành động lực chấn hưng Phật giáo, một sự sáng tạo của Phật Thầy Tây An. Gom dân về vùng xa xôi hẻo lánh, khai phá đất hoang để canh tác và sinh sống, là một kiểu dinh điền của thời đại mới, hết sức khéo léo. Chủ trương khuyến khích định cư và canh tác trên vùng đất khắc nghiệt, không chỉ làm thay đổi đời sống ở nơi đó, mà còn buộc tín đồ rèn luyện sức khỏe, biết chịu đựng khó khăn, thích nghi để tồn tại, nhưng trên hết vẫn là rèn luyện tâm hồn, nuôi dưỡng đạo đức của người tu hành.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6793276