Thông tin

MỐI QUAN HỆ GIỮA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

VỚI PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER CAMPUCHIA

TRÊN CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

 

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH THÚY(*)

 

1. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER VÙNG NAM BỘ

Đối với đồng bào Khmer, mỗi người từ nhỏ cho đến lớn, từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi đều gắn bó với Phật giáo Nam tông, với ngôi chùa. Khi cất tiếng khóc chào đời được đưa vào chùa ghi sổ đặt tên, đến tuổi trưởng thành vào chùa tu 3 năm nghĩa vụ, khi lập gia đình vào chùa làm lễ “Choong đay” (buộc chỉ cổ tay) và khi chết, hoả táng để trong chùa. Ảnh hưởng to lớn của tư tưởng Phật giáo Nam tông không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ mà còn tác động to lớn, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến tất cả các lễ Tết lớn của người Khmer. Hầu hết các sinh hoạt tâm linh, sinh hoạt văn hoá đều xuất phát từ giáo lý, sự tích, những câu chuyện răn dạy làm người của Đức Phật. Phật giáo Nam tông Khmer vùng Nam bộ trải qua quá trình phát triển lâu dài cùng với những thăng trầm của tộc người Khmer.

Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XI, người Khmer theo đạo Bà-la-môn. Khoảng đầu thế kỷ XII, Phật giáo Nam tông đã chiếm ưu thế và thay thế hẳn vị trí, vai trò của Bà La Môn giáo trong đời sống vật chất, tinh thần của xã hội người Khmer. Từ đó đến nay, Phật giáo Nam tông đã đồng hành và gắn kết với dân tộc Khmer, trở thành yếu tố tư tưởng - văn hoá liên kết cộng đồng dân tộc Khmer với nhau, tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù. Ngoài sinh hoạt văn hóa truyền thống, ngôi chùa còn là trung tâm giáo dục, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Hầu hết đồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ đều theo Phật giáo Nam tông Khmer, là tôn giáo truyền thống mang tính biệt truyền trong cộng đồng dân tộc Khmer ở Nam bộ.

Bảng 01: Số liệu về Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn Nam bộ

 

 

Tỉnh, thành

Cơ sở thờ tự

 

Chư tăng

Chức sắc

Ban quản
trị chùa

 

Phật tử

 

Chùa

 

Salatel

Hòa thượng

Thượng toạ

Đại đức

Trà Vinh

141

0

3.218

35

46

220

1.692

304.845

Sóc Trăng

92

37

1.782

14

22

523

1.222

340.823

Kiên Giang

 76

 0

 1.197

 7

 14

 555

 1.654

 210.899

An Giang

 65

 0

 900

 5

 8

 60

 508

 62.903

Bạc Liêu

22

4

315

2

5

15

208

52.816

Hậu Giang

 15

 0

 64

 0

 0

 33

 105

 25.634

Vĩnh Long

 13

 17

 250

 1

 2

 161

 91

 7.625

Cần Thơ

12

0

69

2

3

7

55

22.294

Cà Mau

7

2

32

0

2

10

166

25.056

TP.HCM

2

0

10

0

0

2

8

3.000,0

Đồng Nai

 2

 0

 4

 0

 0

 2

 4

 1.000,0

Bà Rịa-Vũng Tàu

 1

 0

 2

 0

 0

 1

 3

 1.000,0

Bình Phước

 3

 0

 26

 0

 1

 2

 10

 10.000,0

Tây Ninh

6

0

18

0

0

6

21

4.000,0

Tổng cộng

457

 60

 7.887

 66

 103

 1.597

 5.747

 1.071.895

Nguồn: Sở Nội vụ Thành phố Cần Thơ, Ban Tôn giáo: Tài liệu Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công tác tôn giáo năm 2011

Cho đến nay, Phật giáo Nam tông Khmer vùng Nam bộ có vị trí, vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Trong đó, nổi bật nhất là việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hoá dân tộc, đào tạo đội ngũ trí thức, tạo ra các hoạt động xã hội thiết thực, phát huy tốt truyền thống đoàn kết. Phật giáo Nam tông Khmer cũng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

2. PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER CAMPUCHIA

Thứ nhất, quan hệ tộc người giữa người Khmer vùng Nam bộ Việt Nam với người Khmer ở Campuchia

Theo sử sách ghi chép lại, từ thế kỷ X trở đi, ở khu vực Nam Bộ xuất hiện một số giồng đất nổi lên ở Sóc Trăng, Trà Vinh… và trở thành những vùng đất đai màu mỡ thu hút khá đông cư dân đến cư trú. Từ thế kỷ XII, những người nông dân Khmer nghèo khổ, bị các thế lực phong kiến của đế chế Ăngkor bóc lột hà khắc, cùng các loại thuế khóa nặng nề, họ đã bỏ trốn, tìm đến vùng đất Nam bộ. Từ thế kỷ XV, để tránh khỏi sự đàn áp và bóc lột của các lực lượng phong kiến Thái Lan, nhiều nhóm người Khmer, trong đó có cả các sư sãi và trí thức người Khmer đã di cư đến khu vực Nam Bộ sinh sống. Tại đây, họ hoà nhập với những lớp người Khmer đến trước, tiếp tục khai phá và biến những vùng đất này thành những điểm tụ cư đông đúc. Vào đầu thế kỷ XVI, ở Nam bộ cơ bản đã hình thành các điểm dân cư tập trung của người Khmer.

Vào thời điểm này, người Khmer là thành phần dân cư chủ yếu sinh sống ở vùng Nam Bộ. Trên đại thể, người Khmer Nam bộ và người Khmer ở Campuchia là những người đồng tộc có chung ngôn ngữ, tôn giáo và về những đặc trưng tộc người. Tuy nhiên, từ khi đến khu vực Nam bộ sinh sống, nhóm người này đã sống độc lập và không có quan hệ hành chính với bất kỳ một quốc gia nào thời đó. Do sống tách biệt với người Khmer ở Campuchia trong một thời gian lâu dài, nên người Khmer ở Nam bộ đã tạo ra những đặc điểm riêng cho cộng đồng mình về cư trú, kinh tế, văn hoá và xã hội. Sau đó, cùng với quá trình cộng cư với các tộc người mới diễn ra liên tục từ những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII càng làm tăng sự khác biệt giữa cộng đồng người Khmer Nam bộ và người Khmer ở Campuchia. Đặc biệt, từ khi các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn quản lý vùng đất Nam bộ, người Khmer vùng Nam bộ đã trở thành một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Do điều kiện địa lý giáp biên giới Campuchia nên người Khmer ở đây thường xuyên tiếp xúc với người Khmer Campuchia nên ít nhiều có nét giống nhau, tuy nhiên họ vẫn giữ được bản sắc riêng của nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, trong phần cư trú, lễ nghi, tiếng nói, người Khmer ở Nam bộ cho rằng mình hoàn toàn khác với người Khmer ở Campuchia. Ngược lại, người Khmer Campuchia cũng tự cho rằng họ khác với người Khmer ở Nam bộ Việt Nam.

Tóm lại, đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam sống tập trung và xen kẽ với đồng bào Kinh, Hoa, Chăm trong các phum, sóc, ấp trên vùng đất Nam bộ. Thực tế nghiên cứu về tộc người, lịch sử phát triển, dân số và địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù vậy, đa số ý kiến vẫn thừa nhận đồng bào Khmer Nam bộ và người Khmer ở Campuchia có cùng nguồn gốc lịch sử, cùng tộc người, ngôn ngữ và nguồn gốc văn hóa, có chung tôn giáo là Bà-la-môn giáo trước kia và Phật giáo từ thế kỷ thứ XII trở lại đây và rất giống nhau về những đặc trưng văn hóa tộc người. Tuy nhiên, xét về mặt lịch đại, điều kiện lịch sử, sự cách biệt về không gian văn hóa, địa lý cư trú và hoạt động sản xuất đã hình thành nên những nét đặc trưng riêng, vừa có nét tương đồng, vừa có nét khác biệt về cư trú, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Song, trong quá trình phát triển, họ là hai bộ phận cùng một dân tộc sống ở hai quốc gia khác nhau hay nói cách khác, họ là hai nhóm người thuộc hai quốc gia riêng biệt. Do vậy, tư tưởng, tình cảm, tâm lý xã hội, phong tục tập quán, văn hoá, ngôn ngữ dân tộc cũng có nhiều điểm khác nhau trong quá trình phát triển xã hội. Việc xác định Tổ quốc, trách nhiệm công dân cũng hoàn toàn khác nhau. Những khác nhau đó, gắn liền với môi trường sống, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và chế độ chính trị của mỗi nước.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến những vấn đề lịch sử trong quan hệ tộc người, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi giao lưu tiếp xúc tộc người ngày một gia tăng cũng là lúc ý thức tự giác tộc người càng được củng cố. Và cùng với nó là quá trình tự khẳng định mình của tộc người sẽ là mảnh đất cho chủ nghĩa ly khai có cơ sở xã hội tồn tại và phát triển, nhất là những nơi vì nhiều lý do khác nhau không giải quyết tốt quan hệ tộc người sẽ tạo nên sự bất bình đẳng xã hội trong quan hệ tộc người cùng nhiều vấn đề phát sinh. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại mà trong đồng bào Khmer Nam bộ (kể cả trong một số không nhỏ cán bộ) vẫn chưa có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về quốc gia, dân tộc. Đây là rào cản vô hình nhưng có sức mạnh tác động, chi phối không nhỏ đến vấn đề đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Khmer ở Nam bộ. Từ đó, cảm nhận về sự mất mát do những thay đổi quan hệ tộc người trong lịch sử vẫn còn ảnh hưởng trong một bộ phận đồng bào Khmer.

Trong mối quan hệ với tộc người Khmer ở Cămpuchia, các thế lực thù địch hiện nay luôn lợi dụng vấn đề lịch sử, vấn đề lãnh thổ để kích động hận thù, chia rẽ dân tộc, gây tâm lý mặc cảm, thiếu lòng tin của một bộ phận đồng bào Khmer đối với chính sách dân tộc của Đảng. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sự ổn định chính trị.

Cần phải làm cho các chức sắc, tu sĩ và Phật tử Khmer hiểu rằng tôn giáo truyền thống của họ và Phật giáo Nam tông Khmer ở Campuchia có cùng một tổ chức. Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam là một bộ phận cấu thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam có quan hệ với Phật giáo Nam tông Khmer ở Campuchia trên tinh thần hữu nghị theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, lịch sử mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer vùng Nam bộ với Phật giáo Nam tông Khmer Campuchia

Thời kỳ thuộc Pháp về trước, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam Bộ đều phụ thuộc vào vua sãi ở Campuchia. Tất cả những lễ nghi thuộc quy định trong giới luật nhất nhất đều phụ thuộc vào vua sãi, do vua sãi chỉ đạo thực hiện. Những người đã xuất gia vào chùa làm sư đều phải lần lượt sang Phnôm Pênh học đạo, sau khi tốt nghiệp lĩnh bằng cấp mới trở về chùa hành đạo. Việc thụ giới, tấn phong giáo phẩm cũng do vua sãi chủ trì đến việc xây cất một ngôi chùa cũng phải xin vua sãi ở Campuchia đặt tên cho, hoặc trình tên do mình đề xuất lên vua sãi và phải được vua sãi chấp nhận mới được công bố. Để giữ mối liên hệ với vua sãi ở Campuchia, ở những tỉnh có đông người xuất gia, có đông sư sãi được tổ chức một Hội đồng để trông coi về mặt giới luật trong sư sãi và thường xuyên liên lạc với vua sãi để nhận sự chỉ đạo và thỉnh cầu ý kiến. Hội đồng được sự trợ giúp của chính phủ Hoàng gia Campuchia. Sự giúp đỡ kéo dài đến thời kỳ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia bị gián đoạn thì mới chấm dứt.

Khi Thực dân Pháp chiếm hoàn toàn miền Nam với thủ đoạn xảo quyệt hơn bằng cách sau khi toàn quyền Pháp ký với quốc vương Campuchia một hiệp định phân định ranh giới và từ đó, chúng đưa ra những quy định qua lại biên giới rất chặt chẽ, nhằm ngăn cấm sư sãi là người Khmer ở Nam Bộ sang Campuchia tu học, thụ giới.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đối với dân tộc Khmer, thực dân Pháp ra sức nắm chặt hệ thống giáo dục, đào tạo những trí thức, sư sãi chịu phục tùng. Trong “Les Cambodgiens de Cochichine” ấn hành năm 1927, Barrault có cho biết một số chi tiết về vấn đề này như: Pháp cho lập chi nhánh “viện Phật học Phnôm Pênh” ở Ba Xuyên, lập “Liên đoàn cải thiện đức dục, trí dục và thể dục người Miên ở Nam kỳ”(1). Phục vụ cho ý đồ tách dân tộc Khmer ra khỏi cộng đồng các dân tộc Việt Nam, gắn họ với người Khmer Campuchia, thực dân Pháp đã cố gán ghép hệ thống chùa chiền, sư sãi và thậm chí cả tín đồ Phật giáo người Khmer vùng Nam Bộ vào hệ thống chùa chiền, sư sãi ở Campuchia, khuyến khích việc thỉnh kinh Phật Theraveda, rước các vị sư sãi từ Campuchia sang hoằng pháp trong các chùa Khmer vùng Tây Nam bộ. Thực dân Pháp thông qua Campuchia, đưa sách giáo khoa mà chúng đã kiểm soát vào vùng Khmer vùng Tây Nam bộ; những sách viết về lịch sử Campuchia với nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, bóp méo các sự kiện, tạo dựng tâm lý cho người Khmer và sư sãi coi nguồn gốc của mình là Chân Lạp, phải gắn bó với Campuchia.

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ trực tiếp xâm lược Việt Nam. Với người Khmer ở Nam bộ, chúng tạo dựng mâu thuẫn, kích động tư tưởng hẹp hòi, chia rẽ dân tộc, phủ nhận sự tồn tại của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, gọi người Khmer là “người Việt gốc Miên”; bài xích Phật giáo Nam tông Khmer, cấm dạy chữ Pali. Dưới chế độ Mỹ nguỵ, kể từ năm 1955, để thống nhất quản lý toàn diện, chính quyền Sài Gòn đã cắt đứt mối quan hệ của Phật giáo Khmer ở Nam Bộ với Giáo hội Phật giáo Vương quốc Campuchia, thành lập Trung ương Giáo hội Phật giáo Khmer ở trong nước, duy trì các tổ chức truyền thống trong Phật giáo Khmer. Ngoài hai hệ phái nguyên thuỷ là Maha Nikai (chiếm đa số) và hệ phái Thom Ma Dut (chiếm thiểu số), Mỹ Nguỵ còn lập ra hai tổ chức mới là Khemara Nikai và Thêravađa. Do đó, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cho phép thành lập đến 3 tổ chức bộ máy trong Phật giáo Khmer từ Trung ương đến cơ sở, đó là tổ chức Maha Nikai, Khemara Nikai và Thêravađa (tổ chức Khemara Nikai và Thêravađa không phải là hệ phái mà chỉ là hình thức tổ chức do Mỹ nguỵ hình thành nhằm thực hiện ý đồ chính trị của chúng).

Sau năm 1975, tổ chức Khemara Nikai và Thêravađa do Mỹ Nguỵ thành lập đã giải thể do không phù hợp với thực tiễn. Riêng tổ chức Maha Nikai truyền thống ta chủ trương đưa vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, đối với hoạt động của sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, phần lớn chức sắc lãnh đạo giáo hội các cấp nhận thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho chức sắc, nhà tu hành và đồng bào Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, sư sãi, đồng bào Phật tử Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer là thành viên, trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, độc lập với Phật giáo Nam tông Khmer ở Campuchia, luôn giữ mối quan hệ với tư cách là tổ chức, cá nhân chức sắc, nhà tu hành của tôn giáo ở một quốc gia độc lập, không phụ thuộc Phật giáo ở Campuchia. Trong hoạt động quốc tế nói chung và quan hệ với Phật giáo Campuchia nói riêng, Phật giáo Nam tông Khmer luôn tích cực tham gia vào hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để trao đổi công việc Phật sự. Mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer với Phật giáo Nam tông Khmer Campuchia hiện nay được biểu hiện trên một số hoạt động tôn giáo như: tham dự đối thoại về Hợp tác giữa các tôn giáo vì hòa bình và hòa hợp lần thứ IV tại Campuchia tháng 4/2008; thỉnh từ Campuchia về Bộ Đại tạng Kinh bằng tiếng Khmer, hầu hết tủ sách các chùa đã có Bộ Đại tạng Kinh này; đặc biệt là hoạt động du học của các chư tăng sang Campuchia. Đây là vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay trong mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer với Phật giáo Nam tông Khmer Campuchia.

Thứ ba, thực trạng việc du học của các chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer sang Campuchia

Thực trạng chư tăng du học Campuchia hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp. Mối quan hệ giữa đồng bào và chư tăng Khmer ở vùng Nam bộ Việt Nam với người dân và chư tăng Khmer ở Campuchia diễn ra từ lâu đời, bởi yếu tố đồng tộc, đồng tôn, trong đó có việc một bộ phận chư tăng Khmer vùng Nam Bộ Việt Nam lần lượt sang Cam- puchia học tập, mang kiến thức về phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị Phật giáo Nam tông và bản sắc dân tộc Khmer. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Maha Huỳnh Cương du học tại Campuchia, sau khi tốt nghiệp về nước, ông đã cùng với các vị cao tăng, giáo phẩm, trí thức Khmer tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác Phật sự, nhất là việc giảng dạy tiếng Khmer, tiếng Pali và chương trình Phật học, tạo ra phong trào học hành rộng khắp trong vùng dân tộc Khmer. Khi được giác ngộ lý tưởng của Đảng và Bác Hồ cùng với uy tín của mình, ông đã vận động được nhiều chư tăng, trí thức, đồng bào Khmer nối tiếp nhau tham gia phong trào cách mạng. Việc chư tăng sang Campuchia du học diễn ra bình thường từ trước thời kỳ Pháp thuộc, nhưng đáng quan tâm nhất là kể năm 2000 đến nay. Do đó, trong vòng 10 năm qua(2), số lượng chư tăng sang các nước lân cận để đi học ngày càng tăng. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, toàn vùng có 630 chư tăng Khmer du học ở nước ngoài trong vòng 10 năm qua , nhiều nhất là tỉnh Trà Vinh với 493 vị, chiếm 78,25%. Quốc gia mà chư tăng du học là Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ …, nhiều nhất là Campuchia với 371 người, chiếm 58,88%. Có 137 chư tăng thực hiện đầy đủ thủ tục du học, chiếm 21,75%; còn lại 493 chư tăng du học trái phép, chiếm 78,25% so với tổng số chư tăng du học. Đến nay, có 15 chư tăng đã học xong chương trình trở về nước, 115 chư tăng đã hoàn tục ở lại nước ngoài sinh sống, 500 chư tăng còn đang học.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2011) cho thấy: đánh giá về mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer với Phật giáo Nam tông Khmer Campuchia: có 9,6% tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer sang Campuchia cho rằng họ đi thăm họ hàng, bạn bè và người thân; có 9,1% cho rằng họ đi thăm quan du lịch; có 4,7% cho rằng họ đi làm ăn buôn bán và có 6,5% cho rằng họ đi sang Campuchia để học giáo lý hoặc học chữ Khmer.

Trong thời gian qua, sự phối hợp chỉ đạo giữa các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ hơn trong công tác nắm tình hình, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của bọn phản động, nên cơ bản tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Nam Bộ ổn định. Mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng tốt hơn. Về việc cấp giấy thông hành qua biên giới giữa Việt Nam - Campuchia là một chủ trương được đông đảo đồng bào Khmer và sư sãi đồng tình ủng hộ. Việc tu học nâng trình độ về giáo lý, văn hoá của các vị sư sãi Khmer được quan tâm thực hiện.

Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 18 tháng 4 năm 1991 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer chỉ rõ: “Tổ chức và giúp đỡ đồng bào Khơme Nam Bộ có nguyện vọng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia thăm viếng bà con và người thân quen đúng pháp luật của Nhà nước và quy chế qua lại đường biên giới giữa hai bên, vừa thuận tiện cho đồng bào vừa bảo vệ được an ninh quốc gia và an ninh của nước láng giềng”(3). Thực hiện chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với một số bộ, ban ngành Trung ương và địa phương nghiên cứu những vấn đề đã và đang vướng mắc, kiến nghị với Trung ương giải quyết có kết quả, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc và các vị sư sãi như: việc tu bổ chùa chiền cho đồng bào dân tộc Khmer, thủ tục cấp giấy thông hành cho đồng bào Khmer và sư sãi qua lại Campuchia, tạo điều kiện cho các chùa nhập kinh Phật từ Campuchia, in kinh sách cấp cho các chùa Khmer trong khu vực(4).

3. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP GIỮA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER NAM BỘ VÀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER CAMPUCHIA

Để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào và sư sãi Khmer giao lưu tôn giáo với Phật giáo Nam tông Khmer Campuchia, trong thời gian tới cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, địa bàn Nam bộ có một số tỉnh có đường biên giới với Campuchia, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhân dân hai bên biên giới có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời, vào các lễ hội hay hoạt động tôn giáo theo truyền thống thường xuyên mời qua lại, trong đó có sư sãi. Các hoạt động này theo thủ tục, thẩm quyền do Ban Tôn giáo Chính phủ chấp thuận. Do điều kiện làm các thủ tục đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ quyết định đòi hỏi phải có thời gian dài, qua nhiều cấp; các tôn giáo cơ sở ngại về thủ tục, dẫn đến đôi lúc hoạt động không xin phép, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương. Đề nghị giao thẩm quyền xem xét cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với một số hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký có sự tham gia của tín đồ, chức sắc là người Campuchia nhằm tạo thuận lợi cho đồng bào và sư sãi Khmer giao lưu tôn giáo. Nghiên cứu hình thành đơn vị có tư cách pháp nhân (giao đơn vị sự nghiệp Nhà nước hoặc tạo điều kiện pháp lý cho các đơn vị tư nhân) để nhập kinh sách Phật giáo từ Campuchia dưới dạng kinh doanh, nhưng được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.

Thứ hai, trong điều kiện chương trình giảng dạy tiếng Pali và kiến thức Phật học trong nước còn nhiều khó khăn bất cập, thì việc chư tăng Khmer ra nước ngoài du học để nâng cao trình độ ở bậc cao hơn là điều tất yếu và cần thiết. Song về lâu dài, cần tập trung đào tạo trong nước qua hệ thống trường chùa, Trường Bổ túc văn hóa - trung cấp Pali Nam Bộ, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer hiện có. Do đó, vấn đề đặt ra là, Nhà nước cần hỗ trợ trong việc cải cách phương thức giảng dạy, biên soạn chương trình giảng dạy, hỗ trợ trang thiết bị, nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Ban Tôn giáo Chính phủ cùng với Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cơ chế xây dựng, biên soạn chương trình giảng dạy và chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer, Pali và Vini các cấp, kèm theo đó là quy chế giảng dạy, học tập, thi cử, cấp giấy chứng nhận, văn bằng tốt nghiệp, áp dụng thống nhất trong khu vực Nam bộ.

Thứ ba, ngoài số chư tăng được tổ chức tôn giáo ở địa phương cử đi học và số chư tăng du học tự túc có phép, thì số chư tăng còn lại sang Campuchia đều trái phép, tại đây một số chư tăng được một số tổ chức, nhất là tổ chức “Liên đoàn Khmer Campuchia Krôm” và “Cộng đồng Khmer Campuchia Krôm” đưa sang nước thứ ba để tiếp tục học tập. Việc du học ở nước ngoài ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng hướng ngoại của một bộ phận chư tăng Khmer. Tổ chức phản động “Liên đoàn Khmer Kampuchia Krôm” và “Cộng đồng Khmer Campuchia Krôm” đã và đang tiếp cận các chư tăng đang du học để kích động, lôi kéo và xây dựng họ thành lực lượng nòng cốt phục vụ chiến lược “Hành trình hướng về tổ quốc”, thực hiện ý đồ chống phá Việt Nam lâu dài. Do đó, cần ban hành văn bản riêng để xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo nhằm ngăn chặn những hành vi trái pháp luật.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên): Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

2. Hà Giao: Cách mạng Campuchia và nghĩa vụ quốc tế của quân đội ta, nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982.

3. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ: Nam bộ dân tộc và tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.

4. Viện Văn hóa: Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, năm 1988.

5. Viện Văn hóa: Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long: Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1993.

 


(*). Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực IV, số 06 đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

1. PGS.TS. Võ Văn Sen (Chủ biên): Một số vấn đề cấp bách trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr. 183

2. Sở Nội vụ Thành phố Cần Thơ, Ban Tôn giáo: Tài liệu Lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công tác tôn giáo năm 2011 (Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer), Cần Thơ ngày 12 tháng 7 năm 2011, tr.9.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.50, tr.574-582.

4. Ban Dân vận: Báo cáo số 03-BC/BDVTW ngày 20/12/2006 Tổng kết việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá VI) về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, tr. 3.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 51
    • Số lượt truy cập : 6450153