Thông tin

MÓN QUÀ TẾT CỦA SƯ CÔ

 

NGUYỄN THANH VŨ

 

Ảnh minh họa

 

Dãy nhà trọ cuối tháng Chạp trở nên thưa dần rồi lặng ngắt. Đơn giản là người lao động lũ lượt về quê ăn Tết, dù họ có ở xa tận Trung hay miền Bắc. Duy chỉ còn một phòng thì cửa vẫn mở, đèn vẫn sáng mỗi khi phố thị về đêm. “Tiền đâu mà về quê ăn Tết chứ chị” - chủ nhân của căn phòng này tâm sự với người quản lý nhà trọ như thế. Mặc dù chị quản lý nhà trọ thương tình cho thiếu một tháng tiền phòng, để hai vợ chồng có tiền về quê nhưng họ vẫn không đủ xoay xở. Thế là hai người người nằm chèo queo trong phòng với vẻ mặt ủ rũ từ cái ngày nghỉ Tết 27 tháng Chạp. Tết đến rồi mà hai người không chút mùa xuân, trông thê thảm ra mặt. Cứ mỗi lần nghĩ về quê nhà là anh chị lại chực trào nước mắt vì nhớ quê, nhớ ba mẹ, nhớ con.

Vợ chồng chị Điệp là công nhân xí nghiệp may. Do khó khăn, lại thiếu nợ nên từ một tiểu thương sạp trái cây có tiếng ở quê nhà, chị phải cùng chồng bôn ba xứ người mưu sinh để lo cho cha mẹ già, cho con cái ăn học. Nhiều lần nghĩ đến thời có đồng ra đồng vào của gia đình là chị lại khóc. Chị không muốn xa quê chút nào, nhưng ở sao được khi mà người ta giật nợ của chị hơn trăm triệu đồng. Không khả năng trả số tiền cho các nhà vườn, chị đành lén lút bỏ xứ ra đi trong đêm, khi mà hai đứa con thơ vẫn còn ngái ngủ.Dù vậy, khi đã có công ăn việc làm trên đất Sài Gòn, chị có điện về thương lượng với các chủ nợ là sẽ trả tiền từ từ mỗi tháng. Do là người theo đạo Phật nên chị hiểu luật nhân quả, chị không muốn con cái phải nhận quả báo thay mình. Chị hay thủ thỉ cùng người quản lý nhà trọ: “Ai không trả nợ mình thì kệ họ. Chứ em thì khác, cố gắng làm trả nợ để cho nó nhẹ lòng”.

Gần nhà trọ chị có một ngôi chùa nhỏ do các sư cô lập nên. Không cần đến ngày rằm hay lễ lạt, hễ thấy lòng phiền muộn, trắc trở, bế tắc là chị tìm đến chùa để niệm Phật, đọc kinh và khấn cầu cho mọi điều may mắn đến với gia đình mình. Sau khi đốt nhang xong, chị không về vội, mà nán lại chùa phụ giúp ít chuyện lặt vặt và tâm sự với các sư cô. Lâu ngày thành quen, các sư đều quen mặt và rõ tường tận cuộc đời của chị. Họ cảm thông và luôn chia sẻ những khi thấy chị khóc. Lúc nào vào chùa chị cũng khóc. Dường tạo hóa sinh ra chị dư nước mắt, cứ nói vài câu là hai mắt chị đỏ hoe. Chị cũng hay mang trái cây cúng chùa và biếu chút ít cho các sư cô ăn lấy thảo. Nhiều lần trụ trì khuyên:

- Con đang gặp khó khăn, mua làm gì cho tốn kém. Chùa có gì ăn nấy quen rồi. Nghe lời cô, từ nay đừng có mua nữa, để dành tiền lo cho mấy cháu dưới quê ăn học nên người. Thấy hoàn cảnh của con, cô thương quá, mà không giúp được gì hơn…

Nói rồi trụ trì thở dài rồi khóc. Chị cũng khóc. Hai người ôm nhau khóc như hai mẹ con. Đã từ lâu chị xem trụ trì như người mẹ thứ hai của mình. Sư cô dáng người thanh thoát, đôn hậu, gương mặt toát lên vẻ từ bi bác ái. Ngoài ra, sư cô còn là người tâm sự với chị nhiều nhất. Lúc nào chị đến chùa với gương mặt sầu não là sư cô hiểu ngay nhà có chuyện, và rồi “hai mẹ con” ngồi tâm sự cả buổi và khóc như mưa.

***

Rằm tháng Chạp, chị đi chùa. Chị lại mang trái cây đến cúng dường. Trụ trì bảo:

- Con có lòng đến với cửa Phật là sư cô vui rồi. Đừng mang lễ vật tới nữa, đã khó khăn rồi còn bày vẽ làm gì.

Chị cười gượng gạo:

- Khổ thì khổ, chứ bao nhiêu đây có là đâu sư cô.

Thấy mặt chị buồn xo, sư cô hỏi han:

- Sao nay sắc mặt con xanh xao vậy? Lại nghĩ đến quê nhà à? Sắp đến Tết rồi, cả nhà sẽ được đoàn viên thôi mà.

- Chắc Tết này con không về được rồi sư cô ơi - chị thở dài ngao ngán.

- Sao vậy? - sư cô thảng thốt - con sợ về quê người ta đòi nợ sao?

- Dạ, cái đó thì con không sợ. Tết nhất người ta cũng tế nhị lắm, không ai đến nhà đòi nợ đâu. Vả lại, con đã chuẩn bị trả cho mỗi người chút ít trong năm rồi nên đầu năm chẳng ai dám đến nhà làm phiền. Con buồn là năm nay công ty chồng con trả lương chỉ phân nửa, còn công ty con thì lại nợ tiền thưởng Tết, lấy tiền đâu mà về. Số lương ít ỏi của hai vợ chồng cộng lại chỉ đủ mua một ít quà ngày Tết trong nhà, vài bộ đồ mới cho hai đứa con, với trả nợ cho người ta thôi. Vì vậy, vợ chồng con quyết định ở lại đây ăn Tết. Mấy ngày Tết ngắn ngủi rồi cũng qua thôi!

- Thấy con như vậy ta cũng đau lắm, mà không biết giúp gì hơn. Thôi, nếu ở lại thì hai vợ chồng sang đây dùng cơm chay với cô thường xuyên. Nhưng mà nhớ, phải có phụ giúp gì đó mới được ăn - sư cô đùa.

Chị Điệp cũng liến thoắng:

- Tết nhất người ta cúng chùa đông nghịt, nên con biết có nhiều việc phải làm mà. Vậy là con qua ăn cơm chùa dài dài rồi.

***

Chiều cuối năm, hai vợ chồng chị đang nằm nghe radio thì có tiếng gõ cửa:

- A, sư cô! - chị Điệp thảng thốt - Hôm nay, cô ghé phòng thăm tụi con nữa, vinh hạnh quá! Mà có việc gì không cô?

- Cô ghé xem tổ ấm của hai con ra sao, sẵn tiện có một việc muốn nói.

- Chuyện gì vậy cô?

- Cô biết hai con muốn về quê với gia đình nhiều lắm, nên đến đây tặng hai đứa một món quà.

- Quà gì vậy sư cô?

Sư cô rút trong túi áo một phong bao lì xì rồi đưa cho chị Điệp:

- Đây, con cầm lấy mà về quê. Tuy chỉ đủ tiền xe lên xuống nhưng ít ra nó cũng giúp hai con đoàn viên với gia đình, dòng họ.

- Sư cô, tiền đâu mà sư cô đưa cho con vậy? Con không nhận đâu! Chùa còn nhiều việc phải cần đến tiền, sư cô để đó mà trang trải chứ.

- Không sao đâu, con đừng lo. Số tiền này của một Phật tử lì xì cho cô, cô quyết không nhận, nhưng họ cứ đưa mãi. Rồi chợt nghĩ đến hai con đang cần tiền, nên cô nhận và đem đến đây. Cầm lấy đi mà về quê, chứ Tết xa nhà buồn lắm.

- Nhưng… con thấy áy náy quá!

- Cầm đi cho sư cô vui. Nếu con thấy áy náy thì coi như cô cho con mượn, sau này có tiền, cô nói sau này nhé, thì đem đến tặng nhà chùa vài ký gạo, vài ký hoa quả là cô vui rồi. Thôi cô về đây, chúc hai con về quê ăn Tết vui vẻ.

- Dạ, hai con cảm ơn sư cô nhiều lắm!

Cầm phong bao lì xì trên tay, chị thầm cảm ơn sư cô ngàn lần, ngàn lần hơn. Ngay lúc đó, hai vợ chồng chị thu xếp đồ đạc về trong chiều ba mươi Tết.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6795198