Thông tin

MỒNG MỘT ĂN CHAY

 

ĐẶNG TRUNG THÀNH

 


 

Cứ mỗi độ xuân về, ngày mồng một Tết, gia đình tôi luôn quây quần bên nhau dùng bữa cơm ngày đầu năm mới. Cốt là để "mở hàng" cho việc con cháu lúc nào cũng đoàn viên, luôn yêu thương nhau, nhớ về nhau. Đặc biệt, mâm cơm không có thịt cá.

Thông lệ ăn chay ngày mồng một Tết của gia đình tôi đã có từ lâu, hồi ông bà cố còn sống. Hai ông bà là người đã khởi xướng việc này và được duy trì cho tới ngày hôm nay. Nội tôi kể, cố là người mộ đạo Phật nhưng không ăn chay trường do sức khỏe yếu. Nên cố chỉ ăn chay ngày rằm, lễ lớn và đặc biệt là ngày Tết cổ truyền. Cố không bắt con cháu phải ăn chay theo cố, nhưng quy định ngày đầu năm mọi người nên dùng một bữa chay cho thanh tịnh. Qua đó hàm ý tránh sát sanh ngày đầu năm mới, giữ cho tâm sạch, lòng thanh thản vô ưu. Từ đó, suốt 12 tháng sẽ đem lại may mắn, yêu đời, tâm hồn phơi phới và tính khí cũng không hung hãn.

Việc bắt buộc này dường như không thành viên nào trong nhà phản đối mà ngược lại hưởng ứng nồng nhiệt. Và từ đó, mọi người thích ăn chay, cứ hễ thấy thèm là tìm các quán chay mà dùng. Có đứa cháu còn trông cho mau đến ngày mồng một để được ăn chay thoải mái, đã đời. Vì ngày này, con cháu đoàn tụ rất đông, bày biện tiệc chay rất bắt mắt. Những người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ chế biến các món ăn chay sao cho ngon miệng, lạ mắt. Sự kỳ vọng ấy đã khiến cho các món chay ngày một ngon miệng hơn, tinh tế hơn.

Cũng vẫn là rau củ quả, nhưng qua bàn tay khéo léo của mẹ, cô, chị... đã biến thành các món ăn đậm đà. Có lẽ do ngày càng hiểu rõ khẩu vị của các thành viên nên món ăn dung hòa hơn. Có hơn 20 món chay được bày biện trên bàn, mỗi thứ một ít, cốt là để mọi người ăn không bị ngán và có thể thưởng thức được nhiều món. Tuy vậy, ba tôi lúc nào cũng "bắt buộc" mẹ phải làm món đậu hủ ram thật nhiều để ba ăn cho đã thèm.

Trong bữa ăn, nội tôi thường pha trò cho con cháu vui vẻ và dùng nhiều hơn. Tuy vậy, lúc buông đũa, nội luôn trăn trở rằng: "Làm gì làm, nhưng nếp quen ăn chay ngày đầu năm đừng phá bỏ nghe các con!". Lời nói tha thiết ấy khiến ai cũng cảm thấy cần có trách nhiệm phải chung tay giữ gìn thông lệ này và tự bản thân luôn hứa không bao giờ từ bỏ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6712998