Thông tin

MỘT BUỔI CHIỀU

MỘT BUỔI CHIỀU

HÀNG CHÂU


Tượng Phật ở dốc 47 được tổ chức lễ an vị vào đầu năm 1970

Dốc 47 – người bạn dặn, nhân vật mà Quyên muốn tìm gặp, ở Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai gần dốc 47. Cái dốc này dễ nhớ vì phía tay phải từ thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu trên đồi cao có một tượng Phật. Trời mưa tháng Giêng còn trong tiết xuân mà nắng chói chang như bắt đầu sang tháng hạ. Sau lưng áo lấm tấm giọt mồ hôi. Chiếc xe máy xuất phát từ phía núi Dinh - Bà Rịa từ từ chuẩn bị lên dốc, một tượng Phật qua năm tháng gió mưa mà vẫn trắng tinh khôi, ẩn hiện sau chòm cây rừng. Chú ý nhìn từng căn phố bên phía phải, bên trái, anh Ba Vì, người bạn điều khiển chiếc xe mừng rỡ:

- Kìa! Tấm bảng ghi tên Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai chỉ mũi tên rẽ vào con lộ rãi đá xanh mới được tráng nhựa.

Ánh  mắt người phụ nữ ngồi phía sau lấp lánh như reo lên, rồi tim chị nhịp thở ra nhẹ nhõm. Con đường tiếp theo sau hai cây số, chưa hoàn thành nên từng đoạn thỉnh thoảng bụi bay lên. Chiếc xe chầm chậm, tiếng sỏi đá lạo xạo trên quãng đường dài, độ vài cây số, đôi ba căn nhà lưa thưa, rẽ hướng trái, hướng phải, uốn lượn quanh co, rồi hướng trái, đàng xa sau bức tường rào, hiện ra dãy phố hai tầng như trường trung học, màu vàng nhạt như mới quét sơn, thật khang trang. Chiếc xe ngừng trước cổng mái cong với chữ “Chùa Phật Hiện”. Qua khỏi cổng, phía tay phải, một bia đá ghi sự hình thành ngôi trường với tên người phụ trách.

Thu Quyên từng bước nhẹ nhàng hướng về ngôi chánh điện, bên trong trên bục cao, tượng Phật uy nghi. Vị tu sĩ  đứng cạnh bàn thờ, độ 20 người Phật tử, áo dài lam, quỳ lễ theo từng nhịp chuông ngân vang. Bỗng từ phía sau phòng tiếp khách, đàn chó 5 con ùa ra, gầm gừ sủa vang bao quanh người khách lạ, có con chồm ngước mắt nhìn, con chó nhỏ ngửi chân, cố phân biệt mùi người quen hay khách mới đến lần  đầu. Quyên đứng im đôi phút, “bọn” canh giữ nhà, lánh ra phía cổng, đúng là “kẻ” trung thành bảo vệ trường.

Nơi chánh điện, buổi lễ chấm dứt, người tu sĩ ra cửa, bước chậm về hướng phòng khách ở cạnh bên, thấy Quyên đang phân vân ngơ ngác, khẽ hỏi:

- Cô tìm ai?

Thu Quyên nhỏ nhẹ:

- Dạ! Tôi muốn gặp thầy Minh Khai.

Vị tu sĩ khẽ gật đầu:

- Tôi đây!

Quyên thoáng nhìn, đó là người có dáng thanh nhã, độ tuổi qua 40, gương mặt hiền hòa dễ đồng cảm. Cả hai bước  vào phòng khách, gian phòng rộng rãi thoáng mát. Ngôi Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai cùng trong khuôn viên mảnh đất có chùa Phật Hiện, cạnh khu rừng tràm xanh ngát. Nơi đây, xưa kia là đồi trọc khô cằn sỏi đá, vắng vẻ thưa dân, mới được khai phá. Nhìn quanh bát ngát bầu trời xanh lơ.

Quyên tự giới thiệu:

- Tôi có người bạn mới tốt nghiệp cử nhân Phật học, chị giới thiệu vị tu sĩ nhiệt tâm với đạo và thấm đẫm tấm lòng nhân ái hiếm có. Chị cho tôi mượn quyển “Hương Tràm” của Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai. Bài viết nào trong quyển nội san này cũng toát lên tâm tư tình cảm của thầy cô và học trò. Tôi chú ý đọc nhiều lần bài cảm nghĩ khóa học của Đại đức Thích Minh Khai với nhiều kinh nghiệm quản lý quý giá.

Người tu sĩ mỉm cười:

- Cô là người thứ 3 có cái duyên đến gặp tôi tìm hiểu ngôi trường Phật học này… À! Chắc cô ở xa mới đến?

- Thưa, tôi ở Thủ Đức. Hôm qua ra núi Dinh, bây giờ trên đường về.

- Còn tôi, trước kia ở An Khánh – Thủ Thiêm.

Ngày trước, An Khánh - Thủ Thiêm là nơi thuộc huyện Thủ Đức, cạnh sông Sài Gòn, bên kia là cảng Bạch Đằng. Vùng này ngang dọc bởi kênh rạch nhỏ, hai bên là dừa nước, sình lầy. Đa số người dân sống bằng nghề buôn bán nhỏ hoặc làm công nhân trong các hãng xưởng. Tuổi trẻ của chàng trai Minh Khai cắp sách đến trường trải dài ở nơi đây. Nhà anh có hai anh em, ba làm trong Xưởng Đóng tàu Caric, bây giờ là Xí nghiệp Ba Son. Mẹ cùng với ba lam lũ cuộc sống mưu sinh, hy vọng nuôi con nên người. Ngày qua ngày, tháng sang tháng, kiếp sống con người sao vất vả gian nan. Những ngày rỗi rảnh, anh đến chùa nghe thuyết pháp và tìm đọc sách kinh, nghiền ngẫm giáo lý.

Vào tuổi thanh niên, hầu hết các bạn trẻ đều phải trải qua giai đoạn sống trong quân ngũ, rèn luyện nếp sống kỷ cương đồng thời hiểu biết thao tác động tác quân sự đề phòng khi có cơn sóng to gió lớn, bão táp điên cuồng, Tổ quốc gọi tên mình. Minh Khai tình nguyện nhập ngũ để người em trai ở nhà phụng dưỡng cha mẹ. Hai tháng rưỡi sau, anh được trở về gia đình do không đủ sức khỏe. Rồi anh vào chùa, thời gian qua ba năm sau mới xuống tóc đúng tuổi 23.

Thầy Minh Khai tâm sự:

- Hồi đó tôi rất ham tu và tha thiết việc sanh tử. Chính điều này đã thúc giục tôi sớm bước chân ra đi tìm sư học đạo. Trải qua bao tháng năm gian khổ, tìm hiểu và lựa chọn, cuối cùng khi đầy đủ nhân duyên tôi gặp được người Thầy mà đối với tôi, đó là bậc siêu trần. Tôi tự nghiệm những điều tôi học hỏi nghiên cứu bấy lâu nay chỉ là hạt cát nhỏ bé trong cánh rừng Phật học bao la.

Cuộc sống đời thường gian nan khổ cực, có người bằng tâm trí, có người bằng lao động tay chân, hằng ngày  phải đối phó bao chuyện hỉ, nộ, ái, ố. Người giàu đầy đủ vật chất thì khổ tâm lo cưu mang giữ của. Kẻ nghèo chật vật miếng cơm manh áo. Lúc mới chào đời thì đã khóc cho cõi trần gian điên đảo mà có một thi nhân đã thốt lên lời thơ:

Thoạt mới sinh ra đã khóc chóe,

Trần có vui sao chẳng cười khì?

Thầy Minh Khai rất mãn nguyện khi chọn con đường tu Phật. Con người đó, gương mặt đó, tự trong tâm toát ra niềm vui thanh thoát. Chiếc áo màu nâu sẫm, thầy rất yêu thích; màu bình dị dân giả ấy nó chan hòa với màu đất quê hương. Nhớ những ngày chưa nhập ngũ và sau đó thầy vào Quan Âm Tu viện rồi qua cái chùa Thiền Tôn, Vĩnh Đức, Bửu Thạnh, Linh Quang Tịnh Xá. Ở chùa Long Phước Thọ thuộc xã Long Phước, thầy làm rẫy trồng rừng trên mảnh đất 40-50 hecta. Thời gian lao động cực nhọc thử thách nơi vùng đất khô cằn, quá trình trải nghiệm ấy cho thầy suy ngẫm về thân phận con người.

Môi trường chùa Long Phước Thọ ngày xưa khô cằn sỏi đá, bây giờ có Trường Phật học Đồng Nai mà thầy trò xắn tay áo, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt cùng xây dựng thành. Nơi đây chuyên đào tạo tăng ni tài đức, là nơi trú ngụ lý tưởng của thầy trong suốt thời gian từ khi mới bước chân vào học đạo cho đến khi có trách nhiệm quản lý tăng ni tại trường.

Dù là tăng sinh khoác áo lam, đầu tròn, nhưng ở tuổi 18-20, tuổi mới lớn, thanh niên của thời cắp sách đền trường vẫn không làm sao trong phút chốc bỏ “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Sự nhẫn nại chịu đựng số thành phần nghịch ngợm quậy phá này đã cho thầy kiểm nghiệm sức tu của mình đến đâu, mặc dầu có đôi phút thầy cảm thấy gần như bất lực để cho giọt nước mắt thấm đẫm trong lòng mình.

Thầy nhẹ nhàng thổ lộ:

- Tôi quyết giúp đỡ các tăng sinh trẻ, tìm đủ mọi cách để họ hồi tâm tiến bước trên bước đường tâm linh… và họ đã chuyển biến, ý thức được đời sống thánh thiện.

Gương mặt trong hiền hòa lắng đọng thâm trầm ấy, ánh mắt thoáng hiện nét cương quyết lạ kỳ. Quyên nhớ những ngày là nữ sinh áo trắng của Trường Nữ Trung học Gia Long, giờ giáo dục công dân thầy cô có nhắc nhở: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Ý muốn nói, con người ta, cái bề ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong thì còn tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen. Sự rộng lượng, lòng nhân ái thì khép kín. Cho đến bây giờ đã trưởng thành, có chút ít kinh nghiệm sống, nhưng bất cứ ở vào lứa tuổi nào cũng có cái khôn ngoan và dại khờ của  nó. Thầy Minh Khai luôn giữ mình, ngoài sạch và trong cũng sạch, cố gắng lo tu hành cho thâm tâm mình tỏa ngát mùi hương đức hạnh để được mọi người gần gũi quý mến, không bị lạc lõng cô đơn. Thầy học chữ nhẫn qua hình ảnh các tăng sinh của ngôi trường mà thầy có trách nhiệm quản lý.

Thầy rất vui khi thấy sự tiến bộ của học trò mình. Đó là người kế thừa mạng mạch Phật pháp, là tấm gương sáng cho những người ở thế gian gian nhìn đó mà noi theo.

Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai đã qua 6 khóa học. Biết bao nhiêu tăng ni sinh ra trường tỏa ra những tấm gương sáng về nhân cách, sẽ cảm hóa được nhiều người, làm phủ mờ xóa đi những điều xấu mà qua mạng, tin tức tiêu cực đang chi phối một thành phần lứa tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

Quyên khẽ nhìn vị tu sĩ đối diện, người có đôi mắt lắng sâu như ẩn chứa một sự chịu đựng khôn lường, đồng thời cũng tỏa ra một nghị lực phi thường.

Ngoài sân, ánh nắng dìu dịu lùi xa. Mặt trời đã nghiêng bóng, cánh rừng tràm như sẫm lại. Những chiếc lá đong đưa trong không gian thật yên ắng.

Người lái đò đưa khách sang sông, ngày đêm âm thầm vui với những niềm vui nhỏ bé, giúp ích xây dựng cuộc đời. Một con người rất đổi bình dị, vang xa gương đức hạnh, được nhiều người cảm phục mến thương.

Quyên dịu dàng khẽ chào từ giã người tu sĩ, lặng lẽ tạm biệt rời ngôi trường lần đầu tiên mới đặt chân đến. Chiều chủ nhật cuối tuần hôm nay, với chị, một buổi chiều thật hạnh phúc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 42
    • Số lượt truy cập : 6951838