Thông tin

MỘT MÙA XUÂN THẬT SỰ CỦA CHÚNG TA

MỘT MÙA XUÂN THẬT SỰ CỦA CHÚNG TA

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 


 

Không nói thì ai cũng rõ về thời tiết và khí hậu Miền Nam, đặc biệt Sài gòn. Nhiều người nói vui ở đây chỉ có hai mùa mưa nắng, điều đó chẳng có gì sai nhưng nếu cứ vin vào đó mà nghĩ theo lối suy diễn thực dụng thì e rằng chưa đúng lắm. Trên thực tế, với người sinh ra và lớn lên nơi đây, ai cũng đều nhận rõ sự thay đổi theo từng bước chuyển mùa của thời tiết. Một chút se lạnh, cái se lạnh dù so với người nơi xứ lạnh chẳng thấm vào đâu, cũng đủ làm cho họ nhận ra có sự chuyển mùa. Người có cơ địa yếu  ớt thì sẽ cảm thấy một chút sổ mũi, ho hen. Mùa nắng chuyển sang mùa hạ cũng thế, người Miền Nam rất dễ nhận biết qua nhiều điều kiện sinh học, và môi trường chung quanh. Thí dụ tiếng cóc kêu trong hang khô khan, dân gian gọi là “cóc chậc lưỡi” thì đó là báo hiệu của những trận mưa rào. Tiếng chim cu kêu cũng làm lòng người nôn nao rộn rã khi biết mùa xuân đã vừa về bên mái hiên nhà.

Những tín hiệu thời tiết đó, những  thanh âm chung quanh, hằng bao nhiêu thời gian tích tụ được để ông bà ta đúc kết nên và xem đó là sự chuyển mùa  được báo trước.

Nhưng, vẫn có những tín hiệu báo trước tương tự như thế mà sự chỉ định lại rộng nghĩa trong bao la, không hẳn chỉ dừng lại hay gói gọn  trong một mùa cô đọng. Vì nội hàm mang nghĩa rộng bao la nên người ta mang  ý nghĩa  đi khắp muôn nơi, ghé lại bất kỳ bờ bến của cuộc  trần gian nào. Dù ngay giữa mùa hạ khô cằn nắng cháy mà đi nói về mùa xuân; đang lúc có chuyện không vui mà nói về mùa xuân, nói về hoa mai, thậm chí trên giường bệnh mà nói lời của mùa xuân..v.v… thì khi đó mùa xuân, mùa hạ sẽ không còn là mùa xuân mùa hạ nữa.

Nhắc đến đây trong chúng ta ai lại chẳng nhớ về Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096). Ngài đã làm được những điều trái khuấy ấy nhưng lại được muôn đời sau ca tụng, thậm chí mỗi độ xuân về còn trích  bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng” ấy ra làm câu chúc!

Vấn đề ở đây là chuyện con người tự tạo ra khái niệm, rồi vin vào đấy đặt tên cho từng cái vốn không thật có, rồi gọi đó là mùa xuân, kia là mùa hạ, mùa thu, mùa đông, để rồi cũng tự chính mình gieo sầu chuốc thảm hoặc giả bộ cười tươi hân hoan trên trên chính tác phẩm của mình! Mùa xuân - hoa mai của Mãn Giác Thiền Sư đâu có nằm trong phạm trù nhỏ hẹp đó! Mùa xuân của Ngài nằm ở những lời dạy về sanh lão bệnh tử, về những chân lý vi diệu  mà xưa kia đức Thế Tôn đã từng khuyến hóa. Mùa xuân của Ngài được bay đến từ thân xác vô thường này, từ nơi giường bệnh, từ  những lời  khuyên dạy chúng đệ tử noi theo chân lý Phật Đà mà hãnh tiến. Có hay không những mùa xuân kỳ lạ như thế? Sao lại không! Đó mới chính là mùa xuân thực thụ và miên viễn, mang đầy đủ ý nghĩa nhất mà lâu nay trên các văn đàn về chủ đề mùa xuân chưa từng được  thấy nhắc đến.

Mang những ý nghĩa thâm sâu lời dạy về mùa xuân ấy vào trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy nơi nào, lúc nào cũng là mùa xuân rạo rực, đáng sống và hân hoan biết bao. Chư Tổ sư ngày trước cũng từng khắc chữ TỬ trên trán để  luôn nhắc nhở chính mình về một cuộc đi về tất yếu khi còn sống trên đời. Sống hết mình, lạc quan, yêu đời và sống sao cho đáng sống. Một mùa xuân trên giường bệnh, một cành mai lấp ló ngoài sân của Mãn Giác Thiền Sư  há chẳng là một viễn cảnh tươi sắc, rực rỡ của một mùa xuân bất di dịch ngay từ trong  nội tâm trần tục này?

Thú thật, người viết và gia đình từng trải qua những giai đoạn thiếu hụt tư bề, trong đó có những mùa xuân không áo mới, không  hoa khoe với sắc với chung quanh. Để rồi trong những lúc ấm no sum vầy, xuân về tết đến  tràn ngập niềm vui, hình ảnh những mùa xuân không vui ấy lại cứ hiện về. Phải chăng có cái không vui đó  mình mới thấm thía được trọn vẹn niềm vui hôm nay? Vậy thì  mùa xuân trong nghèo túng có khác gì với mùa xuân lúc áo mũ xênh xang hay đó cũng chỉ là lớp màng sương của ngoại cảnh bôi phớt nhẹ vào mảnh đời ta một chút nhợt phai? Chính  ngoại cảnh chung quanh và những thôi thúc của cuộc sống thực dụng đã thúc đẩy lòng tham chúng ta  phải đi tìm cái gọi là  một mùa xuân trọn vẹn, hân hoan và hạnh phúc nhất. Nhưng để trả lời  mùa xuân hạnh phúc, trọn vẹn là như thế nào thì không phải ai cũng  lý giải được.

Trong cuộc sống. Ngày nay, ngay trong những ngày xuân vẫn còn đó đây bao cảnh đời cơ nhỡ, lang thang không nhà giữa trời sương. Với họ mùa xuân  không có - nếu có thì đó chỉ là một mùa xuân cơ hàn, một mùa xuân không trọn vẹn. Có thể với họ, sẽ trách “tết nhứt mà làm chi, ai bày tết nhứt làm chi” như lời ca hài hước của ban tam ca AVT ngày trước.

Vậy thì mùa xuân của chúng ta có thực sự có hay không và sẽ làm gì  khi mùa xuân ấy đến?

Đơn giản thôi, trong lòng của chúng ta, những người con Phật  đã có sẵn những mùa xuân bất tận. Khi bộc lộ ra ngòai ấy là để chúng ta tùy thuận với thế nhân, chấp nhận mùa xuân một chiều với những lời chúc có cánh, bỏ qua những sinh già bệnh chết một bên, những yếu tố làm nên cuộc sống và làm nên mùa xuân!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 36
    • Số lượt truy cập : 6784697