Thông tin

MỘT SỐ BÀI THƠ VỀ CHÙA PHẬT TÍCH

 

NGUYỄN HỮU MINH*

 

Phật tích nghĩa là nơi có dấu tích Phật. Nhiều bậc quân vương và danh nhân nước ta thời phong kiến hâm mộ hoặc sùng kính đạo Phật, một số vị lại có tài thơ ca nên đã có những bài thơ hay về chùa Phật Tích.

Dưới đây xin giới thiệu bốn bài thơ nói về chùa Phật Tích của một số bậc quân vương và danh nhân từ thế kỷ 15 - 181.

Đề chùa Phật Tích

Sân chùa lá đỏ đang rơi,

Chiều hôm lên núi nghỉ ngơi sao buồn.

Rêu phong gạch ngói xanh rờn,

Ở bên tượng hỏng may còn bát nhang.

Thời bình nay đã bước sang,

Lòng người thì vẫn nước làng năm xưa.

Thương thay cảnh vật hoang sơ,

Nhà Trần công chúa phụng thờ có thiêng.

Phò cho một xứ linh thiêng,

Chấn hưng cơ nghiệp tiền nhân dựng nền.

Tháng 11 năm Canh Tuất, 1430, vua Lê Thái Tổ (1428-1433) người khai sáng vương triều Lê, cầm quân đi đánh Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên. Thuyền ngự dừng nơi Kẽm Trống, vua lên núi Trinh Tiết vãng cảnh và để lại bài thơ này.

Câu thơ thứ 8: Nhà Trần công chúa phụng thờ có thiêng cho chúng ta biết chùa do một công chúa thời Trần2 sáng lập. Chùa toạ lạc ở lưng chừng núi Trinh Tiết, nằm bờ trái sông Đáy, thôn Đông Xuyên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Chùa được dựng từ cuối thời Trần, trùng tu thời Lê Trung Hưng, có tên chữ “Phật Tích tự”, tên Nôm “Trinh Tiết Sơn tự”, nhân dân trong vùng quen gọi là chùa Trinh Tiết hoặc chùa Kẽm Trống - Trinh Tiết.

Chùa núi Phật Tích

Ngước mắt trông lên Phật Tích san

Non cao vòi vọi khách phàm gian

Chim bay rặng liễu đường thôi dệt

Nước chảy ao sen tựa suối đàn

Thông bảy, tám hàng che kiểu tán

Mây bay ba thức phủ thay màu

Thi nhân rằng có đâu hơn nữa

Cho khách xin làm một bức đoan.

Tác giả bài thơ Chùa núi Phật Tíchlà vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) một vị vua có võ công văn trị lừng lẫy thời Lê sơ. Ngài làm bài thơ này trong dịp đi tuần thú vùng Yên Sơn, phủ Quốc Oai, Sơn Tây thừa tuyên (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Núi Sài Sơn ở cách huyện Yên Sơn 6 dặm về phía Bắc, lại có tên nữa là núi Phật Tích. Phía trước là đất bằng, phía sau là sông, đỉnh núi có chỗ bằng phẳng tục gọi “Chợ Trời”. Trên núi có động, phiến đá trong động có vết chân người to lớn (dân gian cho rằng đó là dấu chân Phật); có chùa Tư Phúc và các am Biện Tài và Cực Lạc3. Chân núi có Ao Rồng (Long Trì) chu vi 3 dặm, có chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một cao tăng thời Lý. Chùa được dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072-1127).

Bài thơ có lời chú: Chùa núi Phật Tích tức chùa Thầy ở núi Sài Sơn.

Chùa Phật Tích

Kiền khôn vẹn thiểu một bầu đông,

Nẩy nẩy siêu nhiên chỉn lạ lung.

Hương vũ giăng thiền soi vặc vặc,

Vân song tiếng ngọc nặng boong boong.

Trì thanh liễu liễu ngư long hội,

Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong.

Luận thế giới nay giai cảnh ấy,

Có bể quảng đại có linh thông.

Tác giả bài thơ là Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn4. Quí vị độc giả có thể thấy đọc bài thơ này, nhiều người không biết chùa Phật Tích này nằm ở đâu? May thay, nhờ đoạn văn sau của chúa Trịnh Căn mà ta có thể đoán ra địa chỉ của chùa: “Ta nối theo vương nghiệp, giữ yên nhà vua, kính cẩn chuyên cần, thời thường cố gắng, sửa sang văn đức để trương lý kỷ cương, phấn khởi vũ công để mở mang bờ cõi. Bốn bể đều nhuần thanh giáo, muôn dân đều gội nhân ân, điềm tốt huy hoàng, sao lành rực rỡ. Vừa nay gặp hội phi bình, kính nối phép xưa đi tuần thú, trải nơi danh thắng như tranh vẽ, hết thảy phẩm đề vào ngọn bút.

Mến thay chùa Thiên Phúc núi Phật Tích! Trông như ngọc thiều ngọc vũ, chon von đá ruộng, xuân nghiên một cảnh, xanh tốt quanh năm. Động Tiên y như chốn thanh hư, bên vách không mây khói; ao rồng (long trì) soi suốt bến siêu độ; trên cầu đôi vừng nhật nguyệt; núi mọc chập chùng như bình phong dựng; nước sông trôi phẳng như tấm lụa phô.

Xem tảng đá kỳ dị, đủ biết phép thần diệu lưu truyền mãi mãi. Sắc đẹp giát vàng, rờ rỡ sáng sủa. Tiếng Phật pháp đã vời được huyền khách tiến hoa, đạo Đại thừa đã dắt được khách quê dâng quả.

Đó là vườn xanh núi Thứu, giời đến cõi nhân gian. Sau khi ngoạn thưởng, cảnh hợp với người, giời đất thư hoà, thơ nghĩ mênh mông ngâm thành một luật quốc âm, sai khắc lên sườn núi, dùng chép sự thực”.

Đây là bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của chùa Phật Tích ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội bởi các ý sau:

Một là, chùa có tên là Thiên Phúc (Mến thay chùa Thiên Phúc núi Phật Tích)

Hai là, cảnh chùa có cầu (trên cầu đôi vừng nhật nguyệt5).

Ba là, trên núi có tảng đá kỳ dị (in dấu chân rất to, dân gian cho rằng đó là dấu chân Phật).

Bốn là chúa sai khắc bài thơ trên lên sườn núi (thơ nghĩ mênh mông ngâm thành một luật quốc âm, sai khắc lên sườn núi, dùng chép sự thực).

Vịnh cảnh chùa Phật Tích

Bóng xế thuyền con buộc

Vội lên lễ Phật đài

Mây về giường sãi lạnh

Hoa rụng suối hương trôi

Chiều tối vượn kêu rộn

Núi quang, trúc bóng dài

Ở trong dường có ý

Muốn nói bỗng quên rồi.

Bài thơ trên được đăng trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi (1380 – 1442) một bậc khai quốc công thần thời Lê Sơ.

Có lẽ Nguyễn Trãi làm bài này khi đã về trí sĩ tại Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, bởi lúc đó ông mới có thời gian rảnh dỗi đi thăm thú các nơi và làm thơ, viết sách.

Qua bài thơ ta có thể mường tượng ra hành trình của Nguyễn Trãi đến vãng cảnh chùa Phật Tích như sau: Buổi sáng từ Côn Sơn, ông ra sông Phả Lại (hoặc sông Kinh Thầy) đi thuyền, đến chỗ sông này giao sông Đuống, ông tiếp tục ngược dòng sông Đuống. Đến đoạn nhìn thấy núi Lạn Kha, Nguyễn Trãi xuống thuyền, bấy giờ thấy trời đã xế bóng (Bóng xế thuyền con buộc) ông vội rảo bước lên chùa để kịp lễ Phật đài. (Phật đài ở đây có lẽ là tượng đức Phật A di đà bằng đá xanh ngồi trên toà sen). Núi Lạn Kha lúc đó là một núi quang với những khóm trúc đổ bóng dài.Cảnh chùa thật vắng vẻ (mây về giường sãi lạnh), chiều vừa buông đã nghe tiếng vượn hót (Chiều tối vượn kêu rộn). Tới cõi Phật hư không, Nguyễn Trãi như ngộ ra điều gì Ở trong dường có ý nhưng “Muốn nói bỗng quên rồi.

Theo sử liệu, chùa Phật Tích toạ lạc trên núi Lạn Kha (còn gọi là núi Phật Tích), huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được dựng vào khoảng từ thế kỷ VII - X. Đến thời Lý, chùa được trùng tu lớn, trở thành một trung tâm Phật giáo Đại Việt lúc bấy giờ. Sang thời Trần, Phật Tích vẫn là một ngôi chùa lớn, một trung tâm văn hoá giáo dục, một đại danh thắng. Phật hoàng Trần Nhân Tông (1279-1293) đã cho xây tại chùa một thư viện lớn và cung Bảo Hòa. Mùa đông, tháng 12 năm Quý Hợi 1383, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) ở cung Bảo Hoa, sai Thiêm tri nội mật viện sự là Nguyễn Mậu Tiên, Lang trung Lễ bộ là Phan Nghĩa và gia thần của Vũ Hiến hầu ở Tiên Du hàng ngày ghi chép, biên thành 8 quyển, đề là “Bảo Hoa dư bút”. Sai Đào Sư Tích đề tựa ở đầu tập để dạy bảo quan gia. Năm Giáp Tý, (1384), mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chọn chùa Phật Tích làm nơi tổ chức cuộc thi Thái học sinh (thi Tiến sĩ). Cho “bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh 30 người đỗ. Tháng 5 năm đó, Ngài chọn số Thái học sinh còn thừa lại cho làm Thư sử ở cung Bảo Hoà”6

Trải qua năm tháng dãi dầu mưa nắng và bao cơn binh lửa chùa bị xuống cấp nghiêm trọng như Nguyễn Trãi đã miêu tả ở bài thơ trên.

Năm 1686 bà Trần Thị Am, đệ nhất cung tần của chúa Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng (1623-1652) xây dựng lại với quy mô rất lớn và đổi tên là “Vạn Phúc tự”. Bia Vạn Phúc Đại Thiền tự bi năm Chính Hoà thứ bảy (1686) ghi lại cảnh chùa thật hoành tráng mỹ lệ: “Trên đỉnh núi mở ra một toà nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu lấp lánh, đầu rồng và tay rồng với tới trời sao”.

Năm 1846, vua Thiệu Trị triều Nguyễn cho trùng tu chùa.

Trong kháng chiến chống Pháp chùa bị tiêu thổ kháng chiến và đạn pháo quân pháp phá huỷ chỉ còn lại tượng Phật A di đà, một số tượng thú.

Từ 1954 đến nay chùa từng bước được khôi phục. Cuối năm 2005, Trung tâm tu tập Phật Tích và Quan Âm viện đi vào hoạt động.

Từ tháng 10 năm 2008, UBND tỉnh Bắc Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chùa Phật Tích bắt đầu tiến hành đại trùng tu chùa theo nguyên mẫu thời Lê..

Tin rằng, trong tương lai, núi Lạn Kha - chùa Phật Tích sẽ trở thành một đại danh lam - danh thắng của đất nước, luôn mở rộng cửa đón muôn khách, Phật tử trong và ngoài nước về chiêm bái, đỉnh lễ, tu tập trong sự an lạc của thân tâm.



* Nhà Nghiên cứu, Hà Nội.

1 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh chú giải, Nxb Văn hoá Thông tin, 2007, cho biết trong thời gian ở cung Bảo Hoà, chùa Phật Tích, Bắc Ninh, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông có sai người hàng ngày ghi chép, biên thành 8 quyển, đề là “Bảo Hoa dư bút”. Sai Đào Sư Tích đề tựa ở đầu tập để dạy bảo quan gia. Không rõ trong tập sách này có những bài nói về chùa Phật Tích hay không để chúng ta biết thêm cảnh và người chùa lúc bấy giờ. 

2 Theo Thần phả: tháng 8 năm Mậu Dần 1398, Hồ Quý Ly bắt ép vua Trần Thuận Tông phải đi tu ở cung Bảo Thanh và nhường ngôi cho Thái tử Trần An mới 3 tuổi. Trần Thị Bạch Hoa, chị của Thái tử, lúc đó mới 17 tuổi phản đối, được Hồ Nguyên Trừng (con cả của Hồ Quý Ly) thương tình cho người đem thuyền chở đi lánh nạn. Tới Kẽm Trống thấy phong cảnh sông núi hữu tình, công chúa cho thuyền dừng lại, chọn đất dựng chùa, dốc lòng thờ Phật, làm việc công đức cho dân. Bà mất tại đây.

3 Đại Nam Nhất Thống Chí (quyển XXI, tỉnh Sơn Tây), Nxb Thuận Hoá, 2006.

4 Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn sinh năm 1622, làm Chúa từ năm 1682, mất năm 1709. Ông là vị chúa “về chính trị thưởng phạt rõ ràng, mối rường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc” biết trọng dụng nhân tài, đời tư không có gì đáng chê, lại là một người giỏi thơ ca.

5 Trước cửa chùa có hồ nước rộng gọi là Long Trì (ao rồng), giữa hồ có nhà thủy đình là nơi biểu diễn rối nước trong những ngày hội. Hai bên cầu bắc ra thuỷ đình có hai chiếc cầu lợp mái theo kiểu "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà dưới là cầu). Bên trái là Nhật Tiêu Kiều thông ra tam phủ trên một đảo nhỏ giữa ao Rồng (Long Trì). Bên phải là Nguyệt Tiêu Kiều bắc qua ao lên núi

6 Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh chú giải, Nxb Văn hoá Thông tin, 2007. Nhân đây cũng nói rõ: Nhiều bài viết về chùa Phật Tích, Bắc Ninh trên mang và Từ điển bách khoa mở wikipedia đều viết là sau khi khánh thành thư viện và cung Bảo Hoa ở chùa Phật Tích, vua Trần Nhân Tông sáng tác tập thơ “Bảo Hoa dư bút” là không đúng với sử liệu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952540