Thông tin

MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA

VÀ TÔN GIÁO TIÊU BIỂU Ở NGHỆ AN

 

TS. LÊ ĐỨC HẠNH*

 

1. Giới thiệu chung về Nghệ An

Nằm ở toạ độ địa lý từ 18o33'10” đến 19o24'43” vĩ độ Bắc và từ 103o52'53” đến 105o45'50” kinh độ Đông, Nghệ An[1] là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích: 16.487km². Phía bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông. Thành phố Vinh là trung tâm hành chính của tỉnh nằm cách Hà Nội khoảng 300km về phía nam. Toàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 19 huyện/thị trấn với 462 xã phường.

Dân số Nghệ An có 3.113.055 người[2]. Trên toàn tỉnh Nghệ An có nhiều dân tộc cùng sinh sống như Mường, Thái, Tày, Nùng… bên cạnh dân tộc chính là người Kinh.

Nghệ An có truyền thống hiếu học, có nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng, là cái nôi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần, nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá có tầm cỡ quốc gia và quốc tế[3].

Nghệ An cũng là nơi có nhiều lễ hội cổ truyền diễn ra trên sông nước như lễ hội Cầu Ngư, Rước hến, Đua thuyền... Lễ hội làm sống lại những kỳ tích lịch sử được nâng lên thành huyền thoại, giàu chất sử thi, đậm đà tính nhân văn như lễ hội đền Cuông, lễ hội làng Vạn Lộc, làng Sen. Miền núi có các lễ hội như Hang Bua, lễ hội Xàng Khan, lễ Mừng nhà mới, lễ uống rượu cần.

Nghệ An còn lưu giữ được nhiều di tích văn hoá lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, lễ hội văn hoá truyền thống.

Dưới đây sẽ trình bày một số những di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tiêu biểu của Nghệ An.

2. Những di tích tiêu biểu về lịch sử - văn hóa

Nhà thờ họ Nguyễn Duy, nơi Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931

Nhà thờ họ Nguyễn Du: nơi Tỉnh uỷ Nghệ An chỉ đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 là tên gọi di tích gắn với sự kiện lịch sử.

Di tích nằm ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Sau cuộc biểu tình ngày 12 tháng 9 năm 1930 thực dân Pháp đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng của nhân dân ta, tỉnh uỷ Nghệ An đã được chuyển về xã Thanh Phong và đóng trụ sở tại nhà thờ họ Nguyễn Duy. Tại đây nhiều chỉ thị, nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã ra đời để hướng dẫn phong trào  cách mạng, đồng thời đề ra những chủ trương sát thực, uốn nắm những sai lầm của  các cơ sở Đảng trong quá trình đấu tranh với thực dân phong kiến.

Di tích hiện nay có 2 ngôi nhà: thượng điện và hạ điện. Nhà được lợp ngói vảy. Kiến trúc ngôi nhà theo kiểu chữ nhị bình thường.

Các di vật trong di tích còn lưu giữ được gồm có: Yến thư làm việc, cặp táp đựng tài liệu, bàn viết và một tài liệu nông hội đỏ.

Nhà thờ họ Nguyễn Duy được công nhận di tích lịch sử theo quyết định số 1288/QĐ ngày 16 tháng11 năm 1988.[4]

- Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong

Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong là tên gọi di tích gắn với sự kiện lịch sử.

Khu lưu niệm nằm tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ngôi nhà của đ/c Lê Hồng Phong là nơi ghi dấu của một quãng đời sinh ra và lớn lên, hoạt động cách mạng của đ/c Lê Hồng Phong - Người chiến sỹ cộng sản ưu tú, người học trò trung thành và xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà thực sự là một cơ sở để móc nối các hoạt động bí mật của đ/c Lê Hồng Phong với các tổ chức cách mạng ở Vinh - Hưng Nguyên, đồng thời là địa điểm gặp gỡ thường xuyên của các đ/c hoạt động ở quê hương bằng các buổi nói chuyện để che mắt địch.

Khu lưu niệm đ/c Lê Hồng Phong nằm trên khu đất rộng 3.710m2. Di tích gồm 3 ngôi nhà với vườn cây ăn quả sum sê. Hiện nay khu lưu niệm còn lưu giữ được 9 hiện vật gồm có: chiếc thùng đựng nước, chiếc ghế vuông, chiếc phản, sập vải, tráp đựng sách vở, áo 3 thân, giường, chõng tre và giá sách.

Về niên đại, các tư liệu cho biết ngôi nhà của bố đ/c Lê Hồng Phong được xây dựng khoảng trước năm 1910, còn ngôi nhà của chính đ/c được xây trước khi lấy vợ.

Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong được công nhận tại quyết định số 208/QĐ ngày 13 tháng 3 năm 1990[5].

- Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia tộc của Người là tên gọi một di tích trong quần thể di tích có liên quan đến cuộc đời Chủ tịch  Hồ Chí Minh. Di tích nằm tại quê hương của Người tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cụ Nguyễn Sinh Nhậm là ông nội của Bác Hồ. Nơi đây Nguyễn Sinh Sắc đã ra đời để rồi về sau đóng góp cho dân tộc 4 người con xứng đáng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình. Sau khi cụ Nguyễn  Sinh Nhậm qua đời, Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường mang về nuôi dạy. Ngôi nhà được giao lại cho ông Trơ - anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Sinh Sắc - trông  coi. Ông Trơ chính là ông nội của Nguyễn Sinh Diên - thường vụ tỉnh uỷ Nghệ An từ 1930 - 1931 và Nguyễn Sinh Thảm (Lý Nam Thanh) - liệt sỹ quốc tế hy sinh tại Matxcơva năm 1941. Ngôi nhà là nơi khi còn nhỏ Bác Hồ đã cùng các anh chị của mình thường qua lại để chơi với những người thân trong gia đình họ hàng. Cũng chính nơi đây, người chị và  người anh ruột của Bác Hồ đã từng hoạt động yêu nước trong hàng ngũ của Đội Phấn chống Pháp. Ngôi nhà còn là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc thường đàm đạo với cụ Phan Bội Châu cùng nhiều trí sĩ khác về việc cứu nước.

Ngôi nhà nằm trong một mảnh vườn 1 sào 5 thước, hướng về phía Tây. Ngôi nhà 3 gian có chiều dài 8,2m, chiều rộng 6,7m. Nhà được thiết kế theo kiểu tứ trụ chồng rường đầu bẩy kẻ chuyền. Chất liệu chủ yếu là gỗ mít, xoan và lim rừng. Hai đầu đốc tường xây bằng gạch nung và vôi vữa.

Ngôi nhà là di vật quan trọng còn nguyên vẹn với các hiện vật sau: Thư của cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi cháu Nguyễn Sinh Lý được khắc bằng gỗ; chứng chỉ, huân chương và bằng Tổ quốc ghi công do Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô truy tặng liệt sỹ Lý Nam Thanh; 1 rương đựng thóc; 1 rương đựng quần áo; ảnh gốc bà Thanh và ông Khiêm; liễn đựng cơm của cụ Nhậm bằng gỗ.

Ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm được công nhận là di tích trong khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quyết định số 993/QĐ ngày 28 tháng 9 năm 1990.[6]

- Nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Chùa

Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra thuộc làng Chùa, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Di tích làng Chùa là một cụm di tích với 3 ngôi nhà là nhà bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác), nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác) và nhà thờ chi họ Hoàng Xuân. Nhà bà Hoàng Thị Loan được xây dựng năm 1885 là một ngôi nhà lá 3 gian. Còn nhà cụ Hoàng Đường là nhà gỗ lợp tranh mía 5 gian. Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân xây dựng năm 1881 bằng gỗ lợp tranh lá mía. Đến năm 1930 thì xây lại bằng gạch ong. Di tích là nơi ghi dấu sự ra đời và những năm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ngôi nhà tranh đơn sơ, 3 gian với 4 vì kèo tre. Nhà ngăn làm 2 phần: gian ngoài và gian trong được ngăn cách bằng một phên nứa.  Cửa vào 2 gian nhà trong làm bằng tre nứa. Nhà quay hướng Nam.

Nhà cụ Hoàng Đường là nhà gỗ 5 gian, 2 chái. Kiểu nhà 7 vì gồm 4 vì đủ 4 hàng cột, 3 vì trốn mặt cột cái. Nhà nhìn về hướng Nam. Ba gian nhà ngoài là nơi tiếp khách, làm lớp học và nghỉ ngơi của cụ. Ngăn cách 2 gian buồng 2 đầu hồi là phên nứa.

Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân là nhà 3 gian, 4 vì, kiểu tứ trụ, tường xây 3 mặt bằng đá ong, lợp ngói.

Hiện nay di tích còn lưu giữ một số hiện vật như phản gỗ, ấn thư, giá sách, đèn thắp dầu thực vật, giường gỗ của bà Nguyễn Thị Loan, võng, khung cửu và rất nhiều hiện vật khác có liên quan đến quãng đời thơ ấu của Hồ Chủ tịch.

Nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Chùa được công nhận là di tích lưu niệm danh nhân tại quyết định số 993/QĐ ngày 28 tháng 9 năm 1990.[7]

- Nhà thờ Họ Nguyễn Sinh

Nhà thờ họ Nguyễn Sinh nằm ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Nhà thờ là nơi thờ phụng tổ tiên dòng họ Nguyễn Sinh, đồng thời còn là nơi thờ phụng cha mẹ, anh chị Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 16/6/1957 Bác Hồ về thăm quê và đã ra nhà thờ họ thắp hương tưởng niệm tổ tiên. Tại đây Bác đã nói với bà con trong họ rằng: “Công việc bận, Bác không về thăm được từng gia đình trong họ. Bác đến nhà thờ tức là đã đến bà con trong họ. Mong bà con thông cảm”.

Nhà thờ họ Nguyễn Sinh được xây dựng theo kiến trúc tứ trụ trồng rường, đầu bẩy kẻ chuyển nhất gian, nhị hạ, nhị hồi văn. Nhà thờ  có 4 bộ vì, các hàng cột làm bằng gỗ lim, mít kê trên đá tròn. Mặt sau nhà thờ xây gạch, phía trước dùng cửa ván đóng.

Nhà thờ hiện nay đang lưu giữ một số hiện vật tế lễ như khảm đặt trên giá, 4 mục chủ, 1 bao sắc phong, hương án, cột đèn sáp, nồi hương.

Về niên đại, một số tư liệu cho biết nhà thờ họ được xây dựng vào năm 1843.

Di tích là nơi ghi dấu về lịch sử của một dòng họ, việc nghiên  cứu nhà thờ họ Nguyễn Sinh giúp ta hiểu rõ hơn về thân thế và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà thờ họ Nguyễn Sinh được công nhận là di tích lịch sử tại quyết định số 680/QĐ ngày 19 tháng 4 năm 1991.[8]

- Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay thường gọi là Nhà quê nội Bác Hồ hoặc Nhà cụ Sắc, nhà cụ Hy, nằm ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm Tân Sửu (1901) Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh- đỗ phó bảng khoa thi hội. Trong lần “vinh quy bái tổ' dân làng và người anh Nguyễn Sinh Trợ đã dựng nhà tranh để mừng Nguyễn Sinh Sắc đỗ đạt. Nguyễn Sinh Sắc cùng gia đình sống ở đây cho đến năm 1906 rồi vào nhận chức ở Huế. Ngôi nhà và ruộng vườn được giao lại cho bà Nguyễn Thị Thanh trông coi. Có thể nói đây là nơi đã ghi lại dấu ấn quan trọng về những năm tháng thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi ghi nhận những tình cảm của Người trong 2 lần về thăm quê hương.

Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gồm 2 ngôi nhà: 1 nhà lớn và 1 nhà nhỏ. Nhà lớn 5 gian 2 hồi kiểu tứ trụ, lợp tranh lá mía. Nhà nhỏ 3 gian 4vì kèo, cũng lợp tranh lá mía. Nhìn chung 2 ngôi nhà được xây dựng với nguyên liệu chủ yếu bằng tre, lá mía, vách nứa.

Hiện nay ở đây còn lưu giữ một số hiện vật như bàn thờ, 2 bộ phản, đồ  tế khí bằng gỗ, cọc đèn thờ, khay để ấm chén, be đựng rượu, hộp đựng sách, án thư, sập đựng thóc gạo, võng gai, nồi nấu cơm và nhiều thứ khác  nữa.

Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được  công nhận là di tích lịch sử tại quyết định số 933/QĐ ngày 28 tháng 9 năm 1990.[9]

3. Những di tích tiêu biểu về tôn giáo

a. Chùa Phổ Nghiêm

Chùa còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa  lạc ở làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Chùa được dựng vào cuối thế kỷ XVII (1690), đã được trùng tu nhiều lần. Đặc biệt ở chánh điện đã từ lâu có một phiến đá cao 107cm, có hình dáng giống một vị sư, dân gian quen gọi là tượng sư đá. Chùa còn bảo tồn một số tượng, bia cổ, giếng cổ. Lễ hội chùa hằng năm vào ngày 15 tháng 7 âm lịch.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

b. Chùa Đại Tuệ

Ngôi chùa cổ này nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Theo sách Nghệ An cổ lục: “Thời cổ có một ngôi sao sa xuống đỉnh núi, sắc sao sáng láo, hình như sao chổi, sao hoá đá, đá ấy rất thiêng”. Hiện nay ở sau lưng chùa là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ tiên bằng đá (Tương truyền đỉnh Thăng Thiên là nơi người hạ giới lên trời và nơi người trời xuống hạ giới). Cách chuông 100m về phía Tây có tảng đá lớn khoảng 5m3, khi dùng đá gõ vào phát ra âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là đá Mõ). Phía Đông chếch Bắc có tảng đá lớn tương tự nhưng khi gõ vào nghe như tiếng chuông đồng (nhân dân gọi là đá Chuông). Phía trước chùa có một tảng đá lớn giống như ngai vàng (nhân dân ta gọi là Thạch ngai, không ai dám ngồi vì tương truyền Thạch ngai này là nơi xưa kia Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Quang Trung Nguyễn Huệ từng ngồi chỉ huy tập trận). Phía trước chùa khoảng 400m có hai trụ đá lớn dựng đứng như cổng chùa thiên tạo. Cạnh chùa có một giếng nước cổ sâu chỉ hơn 2m, tuy giếng ở trên đỉnh núi nhưng không bao giờ cạn. Sườn núi hai bên chùa có khe Trúc, khe Mai, cạnh chùa còn có ao sen cổ... Trong nhân gian còn truyền tụng bài thơ cổ: “Ngai thạch vững chãi. Chuông đá ngân vang. Mõ đá vọng sang. Bàn tiên thượng đỉnh. Ao sen hương phảng phất. Giếng nước thánh tràn đầy. Ngôi chùa tận trên mây. Người xây, thiên tạo hoá”.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại thì nguồn nước trên đỉnh núi Đại Huệ chảy ra là một trong sáu nguồn nước thiêng của nước Việt mà từ thời Minh Thái Tổ (Trung Quốc) thế kỷ thứ 14 hàng năm đều sai sứ thần sang tận nơi để tế lễ.

Chùa có tên là chùa Đại Tuệ, thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Ngôi chùa này là nơi đại giác, đại trí, đại dũng, vô ngã, vị tha, hy sinh tất cả để đem lòng bác ái từ bi vô hạn, cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Theo tài liệu Phật của giáo hội Phật giáo Việt Nam đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ.

Chùa Đại Tuệ tương truyền có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thể kỷ thứ XV, ngôi chùa này được Hồ Vương Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ, bởi Phật Bà Đại Tuệ đã giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy Hồ Vương cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, dân phu vất vả nhiều mà không xây được thành. Đêm nằm mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành bao quanh? Từ đó, việc xây thành đắp luỹ rất thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, Hồ Vương giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo, tu bổ thường xuyên, hương khói phụng thờ, đặng cầu cho quốc thái dân an...

Cho đến thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, khi trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh (1789) đã dừng chân ở đây chiêu tập mười vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa, nên bãi đất phẳng trước chùa hiện nay vẫn gọi là Bãi Tập. Vua được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh trước dự định hai ngày.

Chiến thắng trở về, Hoàng Đế chiếu xuống cắt cho chùa 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm. Hiện nay cánh đồng dưới chân núi vẫn có tên là ruộng Chùa.

Tại khuôn viên chùa, cách trung tâm khoảng 40m về hướng Đông Nam có 2 ngôi mộ lớn được ghép bằng đá.

Chùa Đại Tuệ là không gian tâm linh thiêng liêng, hướng tới sẽ là một khu Di tích Lịch sử Văn hoá có tầm vóc tương xứng với giá trị lịch sử của chùa - Một khu du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn làm thoả lòng đồng bào và du khách thập phương.[10]

c. Chùa Cần Linh

Chùa Cần Linh thường được gọi là chùa Sư Nữ, tọa lạc ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Chùa được dựng vào thời Hậu Lê. Năm 1942, Sư bà Diệu Viên đã tổ chức đại tu ngôi chùa, bảo tồn được nhiều tượng cổ. Kế tiếp là Ni sư Diệu Niệm trong 20 năm trụ trì đã trùng hưng ngôi chùa thành một danh lam xứ Nghệ ngày nay.

Chùa Cần Linh được xây dựng trên một khuôn viên rộng, đẹp, là nơi thờ Phật. Trong chùa có gần 100 pho tượng, trong đó bức tượng Phật Thích Ca làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng đặt ở trung tâm thượng điện có giá trị nhất cả về nghệ thuật điêu khắc và niên đại ra đời. Đặc biệt bức tượng đã thể hiện được lòng từ bi, nhân ái của Đức Phật.

Chùa Cần Linh không chỉ là nơi thờ Phật, sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân quanh vùng, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Năm 1992 Chùa Cần Linh đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.[11]

d. Chùa Cổ Am

Lèn Hố Lĩnh thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai. Xen giữa muôn hình của những phiến đá lô nhô xô chồng chéo lên nhau, một cảnh đẹp đẽ như có bàn tay ai sắp đặt là những sắc, hương của muôn loài thảo mộc và những hang động với những hình thù kì dị. Lèn có rừng cây rậm rạp với nhiều loài chim, thú sinh sống. Núi đá, rừng cây, mái chùa, hang động tạo thành một quần thể thiên nhiên đẹp đẽ.

Ở giữa lưng chừng núi, nép mình dưới những rặng cây là một ngôi chùa cổ kính gọi là Cổ Am. Theo những hàng chữ nho khắc trên cột đá trước chính điện thì chùa được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thứ 11, đến nay đã hơn 600 năm. Theo trí nhớ của các cụ già: Chùa trước đây có bậc lên xuống bằng đá chẻ (ngày nay vẫn còn sót lại 1 số viên), thượng điện và bái đường tọa lạc ở lưng chừng núi, xung quanh có núi và cây bao bọc tạo thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ” là vị trí lý tưởng của phong thủy. Chùa làm bằng gỗ, mái lợp ngói vảy, trong chùa trước đây có rất nhiều tượng Phật bằng gỗ rất đẹp và một số sắc phong.

Trải qua nhiều năm, hiện nay chùa đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại những dấu tích nguyên trạng của phần móng, các bộ phận kiến trúc đổ vỡ và một số hiện vật như: bia đá, lư hương đá, chuông đồng…thậm chí đường lên xuống cũng bị xói lở và cây che phủ. Mặc dù, cán bộ và nhân dân trong vùng đã sửa chữa 2 lần vào năm 1998 và 2008, nhưng do kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể phục dựng được chùa đúng quy mô vốn có.

Chùa đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định sô 3211/QĐ/BT ngày 12/12/1994. Năm 2010, Chùa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng theo quyết định số 2802/QĐ.UBND-NC ngày 30/6/2010. Đồng thời, đến ngày 08/9/2011 chùa Cổ Am đã được UBND tỉnh chấp thuận sư trụ trì bằng văn bản số 5255/UBND-NC: Đại đức Thích Tâm Thành, hiện là Phó trụ trì Chùa Hoằng Pháp, Tp Hồ Chí Minh đã được đông đảo phật tử và nhân dân huyện Diễn Châu thỉnh về trụ trì Chùa Cổ Am.

Với nhiều năm tu học ở một ngôi chùa lớn, có ảnh hưởng đến Phật Giáo Việt Nam và tham gia hoạt động phật sự trên thế giới, Đại đức Thích Tâm Thành phát tâm cùng nhân dân huyện Diễn Châu và Nghệ An xây dựng lại chùa Cổ Am để trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, học tập đạo pháp cho khu vực.

Đến nay, chùa đã được UBND tỉnh cho phép, khảo sát lập quy hoạch xây dựng trên diện tích 14ha. Công việc quy hoạch và triển khai các bước để xây dựng đang được khẩn trương tiến hành. Dự kiến việc xây dựng sẽ phân kỳ nhiều giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Gia cố lại thượng điện, xây dựng đường lên núi bằng đá; xây dựng nhà tăng, nhà bái đường, tượng phật dưới chân núi.

- Giai đoạn 2: Xây dựng tam bảo, nhà tăng, nhà giảng đường, sân lễ hội, tháp chuông, tôn tạo các hang động thành điểm thờ phụng và chiêm bái của nhân dân trong vùng và khách thập phương; xây dựng các công trình phụ trợ khác...

Công trình xây dựng xong có sức chứa hàng trăm người đến tu học và hàng ngàn người vào dịp lễ hội, chắc chắn đáp ứng được nhu cầu bức thiết của các Phật tử trong vùng và khu vực.[12]

e. Đền Cuông

Đền Cuông là tên gọi di tích theo tên một ngọn núi nằm ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Sở dĩ có tên gọi là Cuông vì ở núi đó có rất nhiều loài chim Cuông sống.

Tục truyền rằng: Sau khi bị Triệu Đà đánh bại, An Dương Vương cùng Mỵ Châu công chúa bỏ chạy. Bị giặc đuổi riết, Vua cùng đường, lên núi Mô Da sơn (tên cũ của núi Cuông) kêu thần Kim Quy lên cứu. Thần Kim Quy từ dưới biển nổi lên chỉ cho Vua biết:” Giặc ở sau lưng”. An Dương Vương chém chết Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển tự tử. Dân làng bèn lập miếu thờ. Miếu rất linh thiêng.Về sau các triều đại phong kiến Việt  Nam đều phong sắc, giao cho các xã quanh vùng trông coi và thời cúng. Đền thờ Thục An Dương vương. Duệ hiệu Đông Hải Quốc Gia thống quân đế vương. Thai sơn Mô Da đại vương, tên huý là Thục Phán.

Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam. Thượng miếu 3 gian. Bái đường 3 gian, lợp ngói xây tường, chạm trổ tứ linh tỷ mỷ. Trên bờ nóc đường giao mái xây lưỡng long chầu nguyệt. Ngoại công có tam quan đi ra các tam cấp xuống sân rộng xây thành 2 bên ra tận cột trụ to cao ngoài cổng.

Về niên đại theo như bia đá còn lại trước cổng Tam quan thì di tích được xây dựng vào thời Nguyễn nhưng không rõ năm nào.

Đền Cuông được công nhận là di tích lịch sử tại quyết định số 9/QĐ ngày 21 tháng 2 năm 1975.[13]

f. Đình Hoành Sơn

Đình Hoành Sơn là tên gọi theo địa danh xã trước cách mạng tháng Tám. Hiện nay Đình thuộc về xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đình thờ Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của Lý Công Uẩn. Ông đã có công chiêu dân lập ấp thành lập nên vùng đất này. Ngoài ra Đình còn thờ Tam toà và Tứ vị.

Đình mở lễ hội vào ngày 15/6 hằng năm. Vào ngày hội dân làng rước các Đức Thánh Cả, Thánh  Nhì, Thánh Ba, Thánh Tư và Thánh Năm về Đình. Trong lễ hội có tổ chức bơi thuyền, đu quay, cõng người. Hiện nay lễ hội không còn được tổ chức như xưa nữa.

Đình có kiến trúc theo kiểu chuôi vồ. Đình chính gồm 5 gian 2 chái rộng. Sau đình là hậu cung. Vì kèo làm theo lối trồng rường. Hậu cung lại kiến trúc theo kiểu trồng diêm. Về nghệ thuật, đình được trang trí các đề tài rồng, phượng, mây lá và các tích cổ Trung Quốc. Mái đình được lợp ngói mũi hài với độ dày và kích thước vừa phải.

Về niên đại hiện nay chưa có tài liệu nào chắc chắn. Theo tài liệu của Breton trong cuốn Le Vieuse An Tĩnh Le Lieuse et Moniuments - remarquables du Vieux An Tĩnh thì đình được xây dựng vào tháng 2 năm 1763 dương lịch. Còn theo các cụ già trong làng thì đình được xây dựng khoảng 1740 - 1746 do đốc công Đặng Thạc (1705-1740) xây dựng.

Đình Hoành Sơn đã được công nhận là di tích và danh thắng tại quyết định số 92VH/QĐ ngày 10 tháng 10 năm 1980.[14]

g. Đền Cờn

Đền có tên chữ là: Đền thờ Tứ vị Thánh nương. Tên thường gọi là Đền Cờn Trong hay Đền Càn.

Đền nằm ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Đền thờ 3 mẹ con Dương Thái Hậu nhà Tống là Dương Nguyệt Qua và 2 con là Triệu Nguyệt Khiếu và Triệu Nguyệt Nương và bà nhũ mẫu. Đền là nơi chứng kiến nhiều nghi lễ của vua Lê trên đường Nam chinh.

Đền được sắc phong của các triều Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh. Hiện nay Đền có quy mô: bến Đền gồm nghi môn và sân Đền, đường lên, nhà bái đường. Nhà bái đường được làm năm 1663, sửa lại năm 1769. Nhà 6 vì, 3 gian 2 hồi văn được làm bằng gỗ lim. Kết cấu vì kèo theo kiểu chồng rường giá chiêng. Các đầu dư chạm bong đầu rồng ngậm ngọc. Ở những vị trí khác cũng được chạm bong các đề tài: cá vượt vũ môn, cá hoá rồng, tứ quý, tứ linh. Ở các vì kèo chạm lưỡng long chầu nguyệt hoặc chầu hổ phù, các xà chạm rồng, mây.

Hiện nay Đền còn bảo lưu được 142 hiện vật, trong đó đặc biệt là hệ thống tượng như tượng văn, võ, nữ tỳ; hệ thống con giống (voi, sư tử, hổ, ngựa); bia đá; lư hương, cột cờ. Các hiện vật khác bằng đồng gồm có 1 quả chuông thời Cảnh Hưng, vạc đồng, bát hương hình quả bưởi...

Về niêm đại, Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII nhưng không biết năm cụ thể.

Đền Cờn được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại quyết định số 68/QĐ ngày 29 tháng 1 năm 1993.[15]

h. Đền Hồng Long

Đền Hồng Long còn gọi là đền Nhạn Tháp. Đây là tên gọi theo địa danh làng hiện nay.

Đền nằm ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đền thờ Lý Nhật Quang và tam toà thánh mẫu. Lý Nhật Quang là con  trai thứ 8 của Lý Thái Tổ, được Lý Thánh Tông cử đi trấn trị ở xứ Nghệ, làm tri châu Nghệ An (11/1044). Lý Nhật Quang đã ổn định tình hình rối loạn ở địa phương, ban hành một số chính sách để mở rộng đất đai, phát triển kinh tế, xã hội, giao thông vận tải v.v....

Đền được xây dựng trên một khu đất có diện tích là 1925m2, gồm 2 nhà bái đường và hậu cung được bố trí theo kiểu chữ đinh. Bái đường là một nhà 3 gian 2 hồi, 4 vì. Chất liệu chủ yếu là gỗ, gạch và lợp ngói âm dương. Kết cấu vì kèo theo kiểu kẻ chuyền giá chiêng, nâng đỡ thượng lương là đấu vòi và hệ thống con rường, con đấu chồng nhau. Sau bái đường là hậu cung. Hậu cung là một nhà 2 gian lợp ngói, 3 mặt ốp ván kín, kết cấu vì kèo theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền.

Đến nay Đền còn lưu giữ một số hiện vật như 1 kiệu rồng, 2 bức đại tự, 1 âm biểu, 1 đại đao, 1 mã tấu, 1 trống lớn, 2 hạc đứng trên lưng rùa, 2 bức hoạ Đức Thánh mẫu cỡ 40 x 60cm, hương án, long ngai và nhiều đồ thờ tự khác.

Về niên đại không có tài liệu nào ghi cụ thể Đền được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng sau khi Lý Nhật Quang mất nhân dân lập đền thờ.

Đền Hồng Long được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật tại quyết định số  68/QĐ ngày 29/1/1993.[16]

Tóm lại, có thể thấy, Nghệ An là vùng đất đậm chất cách mạng, đa dạng và phong phú về văn hóa nói chung, các di tích tôn giáo nói riêng. Trên đây, chúng tôi chỉ trình bày một số di các di tích tiêu biểu đã được các cấp từ tỉnh đến trung ương công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Trong khuôn khổ một bài tham luận hội thảo không thể trình bày nhiều những di sản văn hóa khác của đất Nghệ An. Qua việc trình bày những di tích trên cho thấy sự đa dạng và phong phú về các loại hình di sản ở vùng đất xứ Nghệ này. Tất nhiên, còn nhiều loại hình di sản văn hóa khác như lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, âm nhạc, ngôn ngữ, tộc người… chưa được đề cập tới trong bài viết này.

Việc tìm hiểu nghiên cứu về vùng đất Nghệ An giàu truyền thống cách mạng, đa dạng về nét văn hóa là điều cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, khơi dậy những truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với sự quan tâm của các bộ, ngành từ trung ương đến tỉnh các di sản văn hóa ở Nghệ An ngày càng được sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn không chỉ có giá trị lưu giữ những dấu tích lịch sử, những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây mà nó còn là sự thể hiện trách nhiệm của mọi thế hệ đối đối với các di sản văn hóa, các di tích lịch sử.



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1]  Trước đây, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh có cùng một tên chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc), Nghệ An châu (đời nhà Lý, Trần), xứ Nghệ (năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông), rồi trấn Nghệ An. Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (bắc sông Lam) và Hà Tĩnh (nam sông Lam). Năm 1976 đến 1991, Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành một tỉnh- Nghệ Tĩnh. Từ năm 1991, lại tách ra thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh.

[2] Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương: Tổng điều tra dân số và  nhà  ở Việt Nam năm 2009. Nxb Thống kê, Hn, 2010.

[3] Chỉ riêng làng Quỳnh Đôi, dưới thời phong kiến đã có 13 người đậu đại khoa (Phó bảng trở lên), còn cử nhân dưới triều Nguyễn (1807 - 1918) đã có 47 người. Khoa thi hương năm Tânb Mão (1891), trường Nghệ lấy đậu 20 cử nhân, thì huyện Nam Đàn đã có 6 người đậu; khoa thi năm Giáp Ngọ (1894), trường Nghệ lấy đậu 20 cử nhân, Nam Đàn có 8 người đậu; khoa thi hội năm Tân Sửu (1901), cả nước có 22 người đậu tiến sĩ và Phó bảng thì Nam Đàn có 3 người là tiến sĩ Nguyễn Đình Điển, phó bảng nguyễn Xuân Thưởng và Nguyễn Sinh Sắc.

Dẫn theo: Từ điển mở wikipedia.org/wiki/Nghệ_An

[4]. Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[5]. Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[6]. Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[7] Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[8] Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[9]. Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[10]. Nguồn: huongsenxunghe.com

[11] Nguồn: dichvudulich.net.vn

[12] Nguồn: chuacoam.com.vn

[13] Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[14] Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[15] Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

[16]. Tư liệu lưu trữ tại Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 315
    • Số lượt truy cập : 6948402