Thông tin

MỘT SỐ GIẢI NGHI VỀ CÕI CỰC LẠC TỊNH ĐỘ

 

MINH NGỌC (soạn)

 

 

1. Có cõi Cực Lạc hay không? Có Phật A Di Đà hay không?

Về Sự: Theo kinh A Di Đà, Phật Thích Ca thuyết, có cõi Cực Lạc cách đây 10 muôn ức cõi, và có Phật A Di Đà đang ở đó giáo hóa, thuyết pháp độ sanh.

Về Lý: Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Bản tánh sáng suốt, tịch lặng tức là Phật A Di Đà hiện hữu, tâm thanh tịnh không còn phiền não, thì tâm ta tức Tịnh độ. Và chính ngay tại đây, chỗ ta ở đó chính là Tịnh độ, chứ không phải ở đâu xa.

Cách 10 muôn ức cõi tức biểu trưng cho 10 triền sử: Ngũ độn sử + Ngũ lợi sử. Vượt qua được 10 sự trói buộc này tức thấy Tịnh độ.

Nếu chấp Sự cho rằng Có mà bỏ Lý, thì dẫn đến hành giả chỉ có TÍN và NGUYỆN mà không có HÀNH. Nghĩa là chỉ tin có một cõi Cực Lạc, rồi cầu nguyện sanh về nơi đó, mà không nỗ lực tu hành đoạn trừ phiền não, thanh tịnh tâm hồn.

Nếu chấp Lý cho rằng không có cõi Tịnh Độ bên ngoài tâm, thì hành giả chỉ có HÀNH mà thiếu TÍN và NGUYỆN. Như vậy, với cõi đời 5 trược, nghiệp chướng đeo đuổi, vay trả nhân quả, v.v... dễ làm hành giả thoái bước và mất hướng. Có Tín và Nguyện như là mục đích hướng đến, định vị, khiến cho mình nỗ lực đạt được.

Chấp Không thì rơi vào Đoạn kiến.

Chấp Có thì rơi vào Thường kiến.

Phật dạy đây không phải Chánh kiến. Người tu học Phật phải thoát khỏi 2 cực đoan này, để khỏi rơi vào Thiên kiến, Biên kiến.

Như thế, người chấp Lý luôn luôn cho Tịnh độ chính là ngay hiện tại, không chờ đến kiếp sau, mạng chung mới được vãng sanh. Tuy nhiên, việc thực hiện Tịnh độ nhân gian không phải chuyện đơn giản một kiếp có thể làm xong, cho nên cần phải có nguyện về một thế giới đầy đủ điều kiện tốt, nhiều duyên tốt để tiếp tục tu hành.

2. Muốn vãng sanh cõi Tịnh, phải tu nghiệp Tịnh. Nhưng tại sao hàng phàm phu, nghịch ác khi lâm chung cũng có thể vãng sanh?

Đây trong Quán Kinh gọi là hạng Hạ phẩm (hạng 9, hạng bét) trong 9 hạng.

Đúng như kinh A Di Đà nói: “Không thể đem chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà có thể sinh sang nước Cực Lạc”. Tuy nhiên, trong trường hợp này được vãng sanh là do 3 lý do sau:

1/ Tâm lực rất mạnh: Hành giả chỉ niệm Phật trong thời gian ngắn ngủi mà có thể thắng nổi nghiệp ác trọn đời, là do tâm lực chí thành, ý chí quyết định tha thiết. Đó gọi là đại tâm.

Như người bị giặc vây khốn, cùng đường mà liều chết không kể thân mạng, phát lực dũng mãnh phá vòng vây.

Như người sắp chết đuối chân tay quơ quào, bấu víu vào vật gì thì ôm cứng chẳng buông. Nhờ ôm lấy hình tượng Phật, tiếng danh hiệu Phật mà nghiệp lực dẫn dắt đi trong chánh niệm.

2/ Tuy có tạo ác, nhưng hiện đời có tu tam muội, thiền định, nên khi lâm chung được thiện tri thức nhắc bảo trợ niệm, hoặc nhiều kiếp cũng đã từng huân tu niệm Phật, nhưng vì bị dòng đời nghiệp báo lôi cuốn, nên không có duyên để hạt giống niệm Phật hiện hành. Nay sắp lâm chung, chợt được bạn tốt tạo duyên lành, nên định tâm phát khởi, định lực vững vàng ra đi trong chánh niệm.

3/ Không do đời trước đã huân tu, mà do chính giây phút cuối cùng này, người ấy phát tâm sám hối tha thiết, cùng cực, do đó hướng tâm về cõi Tịnh, mà theo nghiệp lực dẫn đi về cõi Thiện.

3. Sống trong đời ai cũng có tội, không tội nặng cũng tội nhẹ. Nếu không sám hối, hoặc sám hối chưa chí thành, tội chưa trừ hết, mà bình thời và lúc lâm chung đều chí tâm niệm Phật, có được vãng sanh không?

Đều được vãng sanh. Đó là nhờ tự lực và tha lực. Trong kinh Na Tiên viết: Đem tảng đá thật to để trên thuyền, do nhờ sức thuyền nên đá không bị chìm và được chuyển sang bờ bên kia. Nếu không có thuyền thì dù là hạt cát, hạt sỏi nhỏ vẫn bị chìm xuống nước.

Tảng đá nặng ví như người tạo nghiệp ác nặng.

Thuyền ví như niệm Phật (tự lực cũng là tha lực), mà trong kinh thường nói đó là Nguyện lực của Phật A Di Đà.

Kẻ nghiệp ác tuy nhỏ như hạt cát, hạt sỏi, nhưng không niệm Phật, thì vẫn bị chìm. Còn nếu chí tâm niệm Phật, thì đây là ý nghĩa “Đới nghiệp vãng sinh”.

Câu niệm Phật, hình tượng Phật mang tính nhắc nhở, động viên, khuyến thiện diệt ác (đó chính là tha lực).

4. Kẻ một đời tạo ác, khi lâm chung chỉ niệm Phật đã được Đới nghiệp vãng sinh, vậy thì bây giờ tôi cứ tha hồ tạo ác, đợi khi sắp chết rồi sẽ niệm Phật?

Thật là một lời nói suy luận cực đoan! Cổ đức có câu: “Nhiễm tâm dị xí, tịnh đức nan thành”, một khi đã quen làm ác, đâu dễ thay đổi, mà bảo rằng chờ. Như kẻ say, nghiện ma túy, cho đến chết cũng không thể bỏ; kẻ tay quen vấy máu, đâu dễ buông đao, v.v...

Nên biết, hạng “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, chỉ là số hiếm mà thôi, trên thực tế gần như không có. Nếu có, thì thật ra họ cũng có căn lành, phước đức, nhân duyên từ nhiều kiếp, mới đến phút cuối còn được gặp bạn lành chỉ dẫn niệm Phật hoặc trợ niệm.

Phải biết có 10 hạng người (Luận Quần Nghi) khi lâm chung không niệm Phật được:

1/ Không gặp bạn lành, nên chẳng ai khuyên niệm.

2/ Nghiệp khổ bức bách, không yên ổn thân tâm để niệm Phật.

3/ Trúng gió, cứng họng không thể xưng danh Phật.

4/ Cuồng loạn, mất trí, không thể chú tâm niệm Phật.

5/ Bất chợt gặp tai nạn nước, lửa, mất điềm tĩnh.

6/ Bị thú dữ sát hại.

7/ Khi lâm chung bị bạn xấu phá hoại lòng tin.

8/ Gặp bạo bệnh hôn mê bất tỉnh qua đời.

9/ Bị trúng thương chết giữa chiến trận.

10/ Từ trên cao té xuống tử vong.

Bạn tha hồ tạo ác lúc khỏe mạnh, nhưng có biết trước khi chết có lọt trong 10 hạng nêu trên hay không mà bảo chờ lúc ấy mới niệm Phật?

Đối với người bình thường có niệm Phật, mà lúc lâm chung, tứ đại rã rời đau đớn, tâm trí còn bị nghiệp duyên trần gian níu kéo đó là tình cảm gia đình, sự nghiệp dở dang, hạnh phúc tan vỡ, không nỡ xa lìa, mà còn không giữ được chánh niệm, huống là bình thời không niệm, làm ác ư?

Cười thương kẻ giàu sang

Lo giàu thêm rộn ràng

Hủ gạo sanh sâu mọt

Kho tiền đầy ngổn ngang

Ngày cầm cân suy nghĩ

Đêm đốt đuốc tính toan

Hình hài trơ lẩn thẩn

Tâm trí rối bàng hoàng

Vô thường khi chợt đến

Biển nghiệp sóng mênh mang.

5. Đại khái pháp môn Tịnh Độ như thế nào?

1/ Niệm: Nhớ nghĩ

a/ Lý niệm: Niệm bản tính thanh tịnh sáng suốt ngay tại tâm mình. Luôn luôn giữ tâm mình trong chánh niệm, trong các oai nghi tế hạnh, tâm định tỉnh sáng suốt.

b/ Sự niệm: Niệm danh hiệu Phật A Di Đà nhất tâm bấn loạn, không gián cách, không tạp niệm. Ngày đêm 6 thời, như trong kinh Lăng Nghiêm:

“Nhớ Phật, niệm Phật, hiện đời hoặc đương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa...”, như người nhiễm hương, thân có mùi hương, v.v...

Hoặc như các kinh khác đã chỉ dạy: suốt đời, hoặc 49, hoặc 7 ngày, 1 ngày 1 đêm nhất tâm bấn loạn, hoặc khi lâm chung cho dù tạo ác nghiệp, nếu chí thành nhất tâm xưng danh hiệu Phật 10 niệm cũng được vãng sinh.

Niệm có 4 cách:

1/ Quán tưởng niệm Phật (công đức, 48 nguyện)

2/ Quán tượng niệm Phật (tranh tượng)

3/ Trì danh niệm Phật (niệm thầm, niệm ra tiếng)

4/ Thật tướng niệm Phật: (Niệm mà như vô niệm).

2. Chúng hạnh: Thực hành các hạnh lành, thiện nghiệp:

* Như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: Muốn sanh về Cực Lạc, phải tu 3 loại phước.

1/ Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ (hầu hạ) sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu 10 nghiệp thiện.

2/ Thọ trì tam quy, giữ trọn các giới, không phạm oai nghi.

3/ Phát tâm bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh pháp Đại thừa, khuyến tấn người khác tu hành.

* Hoặc như trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền khuyến tấn Thiện Tài đồng tử và đại chúng dùng 10 đại nguyện cầu sanh Tịnh độ.

1/ Lễ kính chư Phật 2/ Xưng tán Như Lai 3/ Rộng tu cúng dường 4/ Sám hối nghiệp chướng 5/ Tùy hỷ công đức 6/ Thỉnh chuyển pháp luân 7/ Thỉnh Phật trụ thế 8/ Thường tùy Phật học 9/ Hằng thuận chúng sanh 10/ Khắp đều hồi hướng.

* Trong kinh A Di Đà cũng nói: “Không thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sinh sang Cực Lạc”, tức phải hướng đến thiện căn Bồ tát, phước đức lục độ, nhân duyên hóa độ chúng sanh hướng đến hạnh lợi tha của Bồ tát đạo.

3. Hồi hướng: Nguyện mọi công đức của trì niệm, và các hạnh đã làm, mong được về cảnh giới an lành (cực lạc) để tiếp tục tu hành, thành tựu và sau đó hóa độ cho mọi chúng sanh, chứ không phải để cầu phước báo an vui ở cõi Trời, Người.

6. Niệm Phật để vãng sinh, tức sau khi chết mới thấy lợi ích, hiện tại chỉ thấy nhọc nhằn không lợi ích thiết thực chi cả. Phải chăng đó cũng là duyên cớ thích đáng cho sự thoái tâm, biếng lười của người tu?

Đầu tiên, phải xác định niệm Phật không phải cầu xin Phật (bất cứ Phật, hay Bồ tát) ban cho lợi dưỡng, tài lộc vật chất, hay những quả báo tốt đẹp, mà niệm Phật là nghĩ đến Phật, công hạnh vĩ đại của Phật, trí tuệ của Phật, mà để theo đó tu hành, chuyển hóa tâm hồn từ phàm phu lên Thánh Hiền. Và niệm Phật tức là để diệt trừ những vọng niệm khác, khiến cho tâm được yên định, thanh tịnh. Từ đó, tâm được chánh niệm, sáng suốt cho đến khi sắp lâm chung, sẽ được hướng theo nghiệp lành dẫn đến cảnh giới tái sinh mới thích ứng với nhân đã gieo trồng trong hiện tại.

Vả lại, trong kinh có nói: Người nào chí tâm thọ trì danh hiệu Phật hiện đời sẽ được 10 điều lợi ích:

1/ Ngày đêm thường được thiên thần bát bộ ủng hộ.

2/ Thường được 25 vị đại Bồ tát như Quán Thế Âm, v.v... theo hộ vệ bên mình.

3/ Được chư Phật hộ niệm, Phật A Di Đà phóng quang, v.v...

4/ Tất cả quỷ dạ xoa, rồng độc, rắn độc, v.v... không thể hại.

5/ Không bị những tai nạn: nước, lửa, giặc, v.v...

6/ Các oan gia trái chủ nhiều đời kiếp không còn theo đòi.

7/ Đêm ngủ an ổn, hoặc mơ thấy điềm lành, sắc thân Phật A Di Đà.

8/ Thường được mọi người kính trọng, giúp đỡ hoặc hoan hỷ lễ bái cũng như kính Phật.

9/ Tâm thường an vui, nhan sắc sáng bóng, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt.

10/ Khi lâm chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền thấy Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn.

7. Về mặt Lý, phải hiểu hóa sanh trong hoa sen là như thế nào?

Hoa sen được sanh ra từ bùn. Suy ra Cực Lạc sanh ra từ Sa Bà. Hay nói khác hơn, sen không tách rời bùn mà tồn tại, Cực Lạc không tách rời Sa Bà.

Hạnh phúc sanh ra từ khổ đau.

Bồ đề sanh ra từ phiền não.

Cũng vậy, ngay trong phòng này, nếu ta để hình Phật, kinh sách, và cùng ngồi đọc tụng, học hỏi... thì đây là đạo tràng thanh tịnh. Nếu như chúng ta để dàn karaoke, vài thùng bia, vài người ăn nhậu... thì đây trở thành cảnh trần tục, viễn cảnh, hiện cảnh của cõi Dục giới, A tu la, ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh v.v... cõi Sa Bà đầy 5 trược.

Như thế, nếu tâm ta thanh tịnh được phần nào thì tức là chúng ta đang hóa sanh trong hoa sen thanh tịnh. Dù hằng ngày sống trong cảnh phiền não, nhơ uế mà tâm ta bất động trước những cảnh đó, thì chính là chúng ta đã, đang hóa sanh trong hoa sen. Tịnh độ và hoa sen nở ngay, hay phải chờ đợi ấy là do sự cố gắng, tinh tấn thanh lọc những nhơ uế trong tâm hồn của chúng ta.

8. Người niệm Phật, để cầu vãng sanh, phải chăng cũng giống như một số tôn giáo khác để lên thiên đàng?

Người niệm Phật khác hoàn toàn với tín đồ những tôn giáo khác.

1/ Niệm Phật không phải là cầu xin một vị có đầy quyền năng sáng tạo, có quyền ban phước giáng họa. Vì Phật chỉ là bậc đã giác ngộ, còn chúng sinh là Phật chưa giác ngộ. Tính bình đẳng như nhau.

Với đạo Phật, cõi Tịnh Độ, khi sanh qua thì Bồ tát đều là bạn lữ, chứ không phải thần dân.

2/ Ngoài ra, niệm Phật đây còn là trở về với tính giác ngộ sáng suốt ở trong tâm mọi người, một khi tâm ta hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, lúc ấy Phật ở trong tâm chúng ta chứ không phải một vị Phật nào ở ngoài cả.

3/ Thiên đàng là nơi sung sướng hưởng lạc, còn Cực Lạc là nơi tiếp tục tu tập, là môi trường tốt để tu tập tiếp chứ không phải để hưởng lạc. Sau khi tu tập xong, quay lại cõi Sa Bà để thực hành hạnh độ sanh.

9. Hiểu câu này như thế nào? Muốn thanh tịnh quốc độ (môi trường), trước phải thanh tịnh tâm mình, khi tâm mình tịnh rồi thì quốc độ tự tịnh.

Ví dụ, nơi cấm vứt rác, cấm đại tiện bừa bãi. Vấn đề ở chỗ ý thức, nếu ý thức tốt thì tự nhiên nơi đó không cần ngăn cấm mà trở thành thanh tịnh.

Cũng vậy, khi tâm ta thanh tịnh, không còn phiền não, thì ngay tại nơi ở của ta cũng trang nghiêm đẹp đẽ. Trang nghiêm đẹp đẽ ở đây không phải bằng những vật liệu đắt giá, mà bằng những chất liệu của thất chánh tài: Tín, Tấn, Tàm Quý, Giới, Văn, Xả, và Định Tuệ.

Chỗ ở không phải sang trọng, không phải nhà cao tầng, phòng máy lạnh, mà chỉ là nhà tranh vách lá, đất cằn, khô khốc chung quanh, nhưng tất cả đó là cảnh Tịnh độ.

Khi ấy, chúng ta nghe tiếng chim hót buổi sớm mai, nhìn những lá cỏ, những bông hoa dại còn đọng lại hạt sương lóng lánh, như đó là những tiếng thuyết pháp của pháp thân chư Phật, hoặc tiếng nói của chính chân tâm thanh tịnh của mình.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6920742