Thông tin

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ HẠNH PHÚC

 

NGUYÊN CẨN

 


 

Đi tìm một định nghĩa về hạnh phúc

Ngày Quốc tế Hạnh Phúc hay là Ngày Hạnh Phúc (International Day of Happiness) là ngày 20 tháng 3 hàng năm, kể từ năm 2013. Ngày này là ý tưởng của chuyên gia Liên Hiệp Quốc Jayme Illien đưa ra nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu. Trong năm 2011, Illien đã đưa ra ý tưởng và khái niệm về việc tạo ra một ngày mới toàn cầu về nhận thức, Ngày Quốc tế Hạnh Phúc, cho các quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc.

Ngày lễ quốc tế này được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định chính thức khi tất cả 193 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Nghị quyết A/RES/66/281 ngày 20 tháng 6 năm 2012, chọn để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.

Những ngày xuân chúng ta thường nghe câu “Chúc mừng năm mới” hay “Chúc bạn một năm mới tràn đầy hạnh phúc”; cách chúc nghe ít khách sáo hơn “Năm mới an khang thịnh vượng; tấn tài tấn lộc”. Trong tiếng Anh, chúng ta đọc “Happy New Year”, còn sinh nhật thì là “Happy Birthday!”. Vậy thì “happiness” hạnh phúc là gì mà câu chúc nào cũng hiện diện?

Theo định nghĩa của Wikipedia thì “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí”.

Giải thích căn cơ hơn thì không phải ai cũng hiểu và cắt nghĩa được. Giáo sư Cao Huy Thuần trong một bài nói chuyện của mình1 đã phải đi tìm nguồn gốc sâu xa trong văn hóa phương Đông, cụ thể là triết học Trung Hoa. Ông tìm thấy nghĩa chữ “phúc” “dâng bình rượu lên bàn thờ”, là thờ phụng, cầu mong. Cái gì người sống muốn thì người chết cũng muốn. Trong Kinh Lễ, phúc là hanh thông, may mắn. Trang Tử nói “Ai giết đời sống thì không chết, ai dưỡng đời sống thì không sinh ra”, nghĩa là hãy vứt bỏ những câu hỏi vô ích đi. Phải sống thế này thế nọ, phải trường sinh, thì tức là chẳng sống gì cả, sống cũng như chết; cứ sống tự nhiên, không căng thẳng thì sẽ bình yên, thì sẽ vui, và thậm chí… trường sinh! Triết lý phương Đông bảo chúng ta phải quên mục đích thì triết lý phương Tây lại nhấn mạnh mục đích.

Aristote khẳng định: “Hạnh phúc là mục đích tối hậu của con người. Không ai đi tìm danh vọng vì danh vọng, tìm khoái lạc vì khoái lạc mà vì người ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại hạnh phúc”.

Trong khi đó, Socrate lại khẳng định: “Muốn có hạnh phúc phải sống đạo hạnh”. Ông còn nói rõ: “Điều quan trọng không phải là sống, mà là sống thiện”. Vivre dans le bien. Hạnh phúc của ông dựa trên một cái kiềng ba chân: biết đủ, biết trùng hợp và biết lý trí. Ở chân thứ hai đạo đức trùng hợp với hạnh phúc. Thế nên có những kẻ đủ sức khỏe, tiền bạc và sắc đẹp nhưng vẫn không hạnh phúc như Aristote nhấn mạnh: “Hạnh phúc là đức hạnh dưới mọi hình thức”.

Heraclitus nói: “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc”.

Sau này Karl Marx cũng từng nói: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất…”; hay “Chỉ có cầm thú mới quay mặt trước nỗi đau của đồng loại, mà chăm lo cho hạnh phúc riêng của mình…”.

Khi chúng ta học Triết học Tây phương, người ta đã phân biệt khoái lạc (pleasure), niềm vui (joy) và hạnh phúc (happiness) rất rõ; và nhấn mạnh tính chất trường cửu của hạnh phúc so với hai cảm xúc kia. Thậm chí, có triết gia cho rằng con người chỉ có thể tìm hạnh phúc trên “thiên giới” hay “cõi bên kia”. Nói như Schopenhauer thì đau khổ là bản chất của đời sống và hạnh phúc và những giây phút hạnh phúc không gì khác hơn là những khoảnh khắc hết đau khổ trước khi bước qua đau khổ khác. Kant thì cho rằng “Hạnh phúc là lý tưởng của tưởng tượng”, như người Anh thường cho rằng “Hạnh phúc là con chim mắc cỡ, hễ ta tìm tới, nó sẽ bay đi” và con người suốt đời chơi trốn tìm với nó. Phật giáo có bi quan như Schopenhauer không khi cho rằng “đời là bể khổ”?

Để tiến đến “quốc gia hạnh phúc”

Có phải chăng hạnh phúc quốc gia là tổng hạnh phúc của tất cả công dân nước ấy gộp lại hay là dựa trên đa số?

Cả hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa kỳ (1776) và Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam (1945) đều nêu rõ “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Thomas Jefferson đã thay quyền tư hữu của John Locke bằng quyền mưu cầu hạnh phúc (pursuit of happiness). Vì sao? Chúng ta cần hiểu rằng “hạnh phúc chung” là “hạnh phúc của toàn cộng đồng” theo Hiến pháp 1793 của người Pháp. Theo J.J Rousseau, nhà nước phải thực hiện công bằng, loại trừ những bất bình đẳng trong xã hội, nguồn gốc của tai họa và chia rẽ, xây dựng trên đạo đức của mỗi công dân. Một nhà nước dân chủ, theo Rousseau phải biết giáo dục công dân, dung hợp tự do và đạo đức, sống tương thân tương ái như trong một đoàn thể bền vững. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, trong điều kiện nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ. “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”2.

Theo báo cáo 2022 thì Phần Lan đã trở thành đất nước hạnh phúc nhất, tiếp theo là Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Điển, Na Uy, Israel và Neew Zealand. Phần Lan là quốc gia với 5.5 triệu dân có dịch vụ công tốt, người dân tin tưởng vào chính quyền, mức độ tội phạm và bất bình đằng thấp. Việt Nam xếp thứ 77 so với thứ 83 năm 2020, có tiến bộ. Một điểm sáng của Việt Nam trong báo cáo hạnh phúc 2022 là chỉ số căng thẳng giảm. Cụ thể năm 2020 chỉ số này tăng 8%, trong khi năm 2021 chỉ tăng 4% so với trước đại dịch. “Một điểm tích cực trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tăng lên là lòng nhân ái giữa con người với con người. Những hoạt động thiện nguyện xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới, so với trước đại dịch và năm 2020”, Giáo sư John Helliwell, nhà kinh tế tại Đại học British Columbia (Canada), tác giả chính của báo cáo, nói với CNN.

Yếu tố nào tạo nên hạnh phúc

Từ bảng xếp hạng trên, kết luận dễ thấy nhất là hễ nghèo thì khó có hạnh phúc; như thể hiện ở các nước cuối bảng, chỉ số hạnh phúc đều rất thấp do nghèo khó, chiến tranh, loạn lạc. Nhưng sự giàu có chưa hẳn đã đem lại hạnh phúc vì như một số nhà phân tích, GNH (Gross National Happiness) đối với dân chúng quan trọng hơn GNP (Gross National Products).

GS John Helliwell đặt câu hỏi: “Con người mới là vấn đề. Nếu giàu có làm cho quan hệ giữa người với người trở nên ít thường xuyên hơn, kém tin cậy hơn thì có đáng không?”. Bốn quốc gia có thứ hạng cao nhất đều đạt các chỉ tiêu cao về những yếu tố tạo nên hạnh phúc: sự quan tâm, tự do, tính trung thực, lòng hào hiệp, thu nhập cao và nền hành chính quản trị tốt. Để làm được điều này, người ta cần phải có sự tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ mục đích, đồng lòng trong việc quản trị xã hội chung. Tất cả các quốc gia trong nhóm 10 nước cao nhất đều đạt được chỉ số có giá trị cao trong sáu biến số thường dùng để giải thích sự khác biệt về hạnh phúc mỗi nước - thu nhập, đời sống tốt và tuổi thọ cao, khả năng tương trợ trong thời kỳ khủng hoảng, lòng hào hiệp, tự do và tin cậy, nghĩa là giảm thiểu ở mức thấp nhất hoặc không có tình trạng tham nhũng trong kinh doanh và hệ thống công quyền.

Theo Báo cáo, nếu bạn muốn sống hạnh phúc thì bạn cần nhiều thứ hơn là tiền bạc. Ý thức cộng đồng, sự trợ giúp và chia sẻ giữa người và người mới là điều dễ mang lại hạnh phúc. Một số ghi nhận chính về những nét đặc trưng trong đời sống của những nước có chỉ số cao là:

- Không có sự phân biệt về địa vị trong xã hội: Trong xã hội, mọi người đều như nhau. “Bạn không hề tốt hơn những người khác” là một câu nói nổi tiếng của những người dân Bắc Âu. Người dân không chọn công việc dựa trên thu nhập hay địa vị xã hội.

- Lòng tin: Họ rất tin nhau, và tin cả chính phủ do mình bầu ra. Biểu hiện cụ thể nhất là rau quả được bày bán không cần giám sát; xe đạp không cần phải khóa…

- Chính sách phúc lợi hào phóng: Dù thuế rất cao, nhưng đóng góp vào hệ thống phúc lợi chung. Mọi người đều hưởng chế độ y tế và giáo dục miễn phí. Trợ cấp thất nghiệp và các chương trình hỗ trợ thất nghiệp đều rất hào phóng. Đúng như Thomas Jefferson từng nói: “Việc chăm lo đời sống con người và hạnh phúc… là mục đích hợp pháp duy nhất của mọi chính quyền”.

Chúng ta cũng cần biết Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) vốn được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý, mức sống và chất lượng sống của người dân.

Theo GS Cao Huy Thuần trong một bài viết của mình3 thì hạnh phúc, như ông cảm nhận qua Nhật ký Đặng Thùy Trâm, gồm 3 điểm khiến những người chiến sĩ trong chiến tranh vẫn cảm thấy hạnh phúc, vượt qua mưa bom bão đạn: Thứ nhất, hạnh phúc là được sống trong hạnh phúc của người khác; thứ hai, hạnh phúc là sống vì hạnh phúc của người khác; thứ ba hạnh phúc là dâng hiến… “Ôi! Cuộc đời đổi bằng máu xương tươi trẻ của bao người. Biết bao cuộc đời đã chấm dứt để cuộc đời khác được tươi xanh”. Tất cả những điều ấy khiến người ta có thể hy sinh mà không nghĩ đến quyền lợi bản thân mình. Còn khi hòa bình lập lại, người ta do thiếu tu dưỡng hay do nhiều yếu tố ngoại tại của xã hội, lại trở nên ích kỷ và chỉ lo vun vén quyền lợi của mình, nhiều khi sinh ra ganh ghét tị hiềm, đố kỵ, và tranh chấp nhỏ nhen!

Những rào cản hạnh phúc

Ngoài hố ngăn cách giàu nghèo ngày một nới rộng, tình trạng tham nhũng chưa được cải thiện, dù có cố gắng, và nền hành chính quản trị còn nhiều bất cập do “lợi ích nhóm” hay do trình độ, thì theo tin từ trang “baomoi.com”, lượng người tự tử đang ở mức báo động. Theo thống kê từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ hai sau nguyên nhân gây chết người do tai nạn giao thông… Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự tử được đưa vào bệnh viện để được cấp cứu. Người tự tử chủ yếu đều là những người trẻ tuổi, chỉ một số ít ở trẻ em và người cao tuổi; đặc biệt nữ giới nhiều hơn nam giới. Căn nguyên phổ biến nhất dẫn tới tự tử là do stress, trầm cảm… Đa số đều có dấu hiệu căng thẳng, xung đột tâm lý, dẫn tới buồn chán, bỏ ăn, bỏ ngủ, vì nợ nần, và có thể là cả người có tiền sử bệnh tâm thần.

Theo các bác sĩ, nhằm giảm thiểu số ca tử vong do tự tử, điều cần thiết nhất vào lúc này là việc điều trị tâm lý, cần phải kiểm tra, đánh giá sức khỏe tâm thần ngay khi cảm thấy gặp nhiều áp lực trong cuộc sống và thăm khám điều trị về thể chất khi cơ thể có dấu hiệu của bệnh tật. Có nguồn tin cho biết 85% bệnh nhân ung thư hiện nay bị trầm cảm. Với người mắc đái tháo đường chưa kiểm soát, tỷ lệ này cũng tương tự. Bệnh nhân đang được điều trị ổn định về đường huyết tỷ lệ trầm cảm điển hình là 25%. Trầm cảm làm tăng gấp đôi nguy cơ chết ở người mắc đái tháo đường và ngược lại. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%. (Số liệu này theo Bệnh viện Bạch Mai, 10/4/2021). Theo ý chúng tôi cần kiểm chứng vì có tài liệu khác nói chỉ khoảng 4% dân số thôi, cũng đã là nhiều lắm rồi! Chúng ta cũng nên biết tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 13 ở mọi lứa tuổi trên thế giới. Việc phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa hiện tượng thanh thiếu niên tự tử thì nhà trường và gia đình đóng vai trò then chốt cùng với sự góp sức của xã hội.

Chúng ta cần làm gì?

Tiếp tục cải thiện môi trường sống và làm việc. Phải tạo niềm tin cho người dân vào cộng đồng, và các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở. Tiếp tục việc chống tham nhũng triệt để, rốt ráo và không nhân nhượng. Cải cách hành chính một cách sâu rộng, đều khắp.

Trong hệ thống giáo dục hướng nghiệp, phải thay đổi quan niệm “lao động tay chân” và “lao động trí óc”, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và chạy theo danh vọng hão, không cần thực lực. Tình trạng đua đòi ăn mặc xa hoa, mua bằng cấp, chạy tuyên dương… cần phải thay đổi tận gốc! Văn hóa phải đi kèm với phẩm giá và danh dự. Gia đình chính là nơi tuổi trẻ học tập theo gương cha anh. Không chạy theo thành tích, ép buộc con trẻ học căng thẳng, dẫn đến những âu lo, sinh tự ti và trầm cảm! Nếu cha mẹ thực sự yêu thương con cái, họ sẽ nhận ra nỗi buồn trong mắt của con, hay những hành vi bất thường của trẻ. Cha mẹ là người bạn lớn của các em, chia sẻ và đồng cảm với con cái trong những lúc khó khăn, cần tư vấn.

Nhà trường không chỉ dạy chữ, mà cả kỹ năng sống và ứng xử cho học sinh. Cần có thầy “khải đạo” hay tư vấn cho các em, nếu không, thầy cô chủ nhiệm phải hướng dẫn các em cách giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, tình yêu và tình bạn. Chúng ta sẽ không phải chứng kiến những cái chết vô nghĩa. Các tổ chức đoàn thể, xã hội trong nhà trường phải kết nối được các em, tạo ra những sân chơi lành mạnh, những sinh hoạt chuyên đề giúp các em bộc lộ tính cách và tháo gỡ những băn khoăn của mình.

Còn về những người lớn tuổi, cũng phải cần đến vai trò gia đình và cộng đồng. Đừng để ai có cảm giác cô đơn bị bỏ rơi trong đói nghèo, bệnh tật. Ở đây trở lại với quan niệm “đời là bể khổ” của nhà Phật từ “sinh, lão, bệnh, tử cho đến ngũ ấm xí thạnh khổ…”. Nghĩa là no đủ vẫn khổ!

Hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo là gì? Đó là sự chấm dứt khổ đau (dukkha) được giải thích như là Diệt đế trong Tứ diệu đế; hay nói một cách rốt ráo, hạnh phúc thực sự là sự tự tại trong khổ đau, sầu muộn và sợ hãi. Chữ khổ hay dukkha nghĩa là không được thỏa mãn (unsatisfactory). Vì sao không được thỏa mãn? Vì bản chất của ngũ uẩn hay cuộc đời là vô thường, nhưng ước muốn của con người là thường, do vậy khổ. Khổ do không được toại ý, vốn thường trực chi phối đời sống con người, nên nhà Phật dạy con người phải biết sống trong chánh niệm, nghĩa là “tỉnh thức”.

Nếp sống tỉnh thức - nói cách khác là nếp sống trung đạo - giảm thiểu ái dục, không bị chi phối bởi tham, sân, si, luôn tích cực hành động phụng sự mà không bám víu vào ước muốn sở hữu. Vì như đã nói ở trên, hạnh phúc không chỉ là những tiện nghi vật chất hay tiền tài danh vọng, những thứ khêu gợi và kích thích lòng tham khiến bao nhiêu quan chức có địa vị ra tòa gần đây hay những kẻ thâm hiểm khác đưa thế giới vào vòng chiến tranh chỉ vì đam mê lãnh thổ, lãnh hải, quyền lực, xâm lược nước khác vì tham vọng mở rộng quyền uy, bờ cõi hay ảnh hưởng mà không quan tâm đến tổn thất nhân mạng và những hủy hoại gây ra trên đất nước khác. Phải hiểu nguyên lý nhân quả vì anh không thể yên ổn khi tâm anh không an…

Làm sao để đoạn trừ khổ đau, sợ hãi, lo âu và sầu muộn; hay nói cách khác, làm sao để đạt được hạnh phúc thực sự trong cuộc sống? Phương pháp mà Phật đã dạy là phát triển Giới, Định và Tuệ. Cụ thể hơn, đức Phật đã dạy cho Dighajanu đến với đức Phật trong kinh Hạnh phúc người tại gia. Khi đó đức Phật dạy cho Dighajanu 4 điều cần phải làm để tạo cuộc sống hiện tại được hạnh phúc:

1. Phải có một nghề nghiệp giỏi, phải siêng năng và nhiệt thành trong nghề nghiệp của mình.

2. Phải bảo vệ nguồn thu nhập của mình đừng để bị thiên tai làm tổn hại, và trộm cắp lường gạt. Nguồn thu nhập phải hợp pháp.

3. Tránh xa bạn ác. Luôn cẩn thận và học hỏi với những người có đức hạnh và trí tuệ.

4. Chi tiêu phải phù hợp với thu nhập của mình, không tiêu pha lãng phí tiền bạc trong cờ bạc và tửu sắc.

Để tạo cho đời sống tương lai được hạnh phúc, đức Phật khuyên Dighajanu phải thực hiện 4 điều sau đây:

a. Có niềm tin trọn vẹn về giá trị đạo đức và tâm linh (tức là có đức tin Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng và tin luật nhân quả).

b. Thực hành 5 điều đạo đức bằng cách không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng những chất làm não loạn tâm trí như rượu và ma túy.

c. Bố thí và làm những công việc từ thiện.

d. Phát triển trí tuệ để thấy được bản chất vô thường của cuộc đời, và giúp đoạn tận khổ đau.

Chúng ta thấy hạnh phúc theo quan điểm nhà Phật thật đơn giản nhưng không dễ thực hiện nếu không có quyết tâm tinh tấn, chuyên cần, mật hạnh và kiên định.

Hạnh phúc của một người sẽ lan tỏa ra cộng đồng và đáng yêu biết mấy cuộc sống, khi ta luôn tỉnh thức với những con người quanh ta cũng luôn luôn hướng thiện. Chừng ấy, chúng ta không cần Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì ngày nào cũng thế!

Mong sao!

 


1. Cao Huy Thuần, Khi tựa gối khi cúi đầu, Nxb Tri Thức 2017, Hạnh phúc trong thơ, tr.63.

2. Hồ Chí Minh, Hồ Chi Minh toàn tập, tập 4, tr. 283.

3. Cao Huy Thuần, Khi tựa gối khi cúi đầu, Nxb Tri Thức 2017, Hạnh phúc, tr.247.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6703994