Thông tin

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VIỆC BẢO TỒN

VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DANH THẮNG CHÙA THẦY

 

NCV. NGUYỄN THẾ NAM*

 

Danh thắng chùa Thầy (Thiên Phúc tự) là một trong những địa điểm thu hút được nhiều sự chú ý của của người dân và giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Danh thắng này bao gồm hai cụm chùa chính (chùa dưới chân núi và chùa trên núi), sự kết hợp tài tình giữa kiến trúc với tự nhiên, cùng những bí ẩn của nó đã tạo nên một điểm hành hương quan trọng của tín đồ Phật giáo, một điểm du lịch thú vị của đông đảo người dân. Câu ca dao: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy” đã nói lên sức hấp dẫn mạnh mẽ của lễ hội chùa Thầy[1].

Tuy nhiên, sự phức tạp trong lịch sử xây dựng, cùng với sự đa dạng về loại hình di tích đã gây ra không ít băn khoăn cho giới nghiên cứu khi muốn đi sâu tìm hiểu về cụm di tích này. Theo chúng tôi, nghiên cứu về chùa Thầy cần phải đặt nó trong một chỉnh thể của cả quần thể di tích được tạo dựng xoay quanh núi Thầy (Sài Sơn). Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu để quản lý một cách hiệu quả và phát huy được những giá trị của di tích lịch sử này là cần thiết. Trên tinh thần đó, tác giả bài viết dưới góc nhìn đa chiều của một người muốn tìm hiểu Phật giáo, một người hành hương, và một khách du lịch, dựa trên những nghiên cứu đã có, mong muốn đưa ra được những nét phác thảo về diện mạo khu di tích Chùa Thầy, và những vấn đề chúng tôi còn băn khoăn khi đến với cụm di tích này.

I. CHÙA THẦY TỪ LỊCH SỬ ĐẾN HIỆN TẠI

Lịch sử của chùa Thầy gắn liền với tên tuổi thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1117)[2]. Hiện tại vẫn chưa có ai có thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh chính xác năm xây dựng chùa Thầy. Phần lớn các tài liệu ghi chép, nghiên cứu về ngôi chùa này cho thấy chùa được xây dựng vào khoảng thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127), cụ thể là trước năm 1109, năm Từ Đạo Hạnh cho đúc quả chuông chùa[3]. Theo Thần phả thờ Đỗ tướng công (đền Tam Xã), khi Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên độc của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, ông đã cưỡi ngựa chạy đến chân núi Sài thì qua đời (năm 968), có bà bán nước hàng ngày hương khói cho ông. Trước khi lên ngôi[4], Lê Hoàn đã gửi vàng bạc cho dân ba xã Đa Phúc, Sài Khê, Thụy Khê  xây dựng đền Tam Xã để thờ ông. Như vậy, có thể đoán định rằng khu vực gần núi Sài Sơn từ thế kỷ 10 đã có dân cư sinh sống, và hoàn toàn có thể đã có một ngôi chùa ở đây.

Ban đầu chùa có thể chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải Am[5] nằm dưới chân núi Sài Sơn (sau này còn gọi là núi Phật Tích, hoặc núi Thầy). Nhưng phải đợi đến khi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến đây tu hành, ngôi chùa mới được xây dựng khang trang hơn. Nơi đây cũng nổi tiếng với truyền thuyết về ba kiếp tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh, và sự huyền bí của pháp tu theo Mật tông. Trải qua nhiều lần trùng tu, xây mới chùa Thầy mới có được diện mạo như ngày nay.

Chùa Thầy hiện tại được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau. Chùa Hạ, chùa Trung thờ Phật, chùa Thượng có điện thánh và tượng thể hiện hình ảnh ba kiếp tu của thiền sư Từ Đạo Hạnh, nơi đây có thể coi là trung tâm của chùa. Có ý kiến cho rằng chùa Thầy có lối kiến trúc Tiền Phật hậu Thánh rất độc đáo của Việt Nam. Kiến trúc của chùa còn lưu giữ được nhiều dấu của các triều đại khác nhau, trong đó thậm chí còn pha trộn cả những dấu ấn của văn hoá Chămpa[6], bởi quanh khu vực này từng là nơi có đông tù binh người Chăm sinh sống.

Với cách nhìn của khách du lịch, đặc biệt là với những khách du lịch trẻ, thì có vẻ như điều thu hút họ nhất lại chính là khu chùa trên núi, nơi có chùa Cao, chùa Một Mái, động Thánh Hoá, chợ Trời, hang Cắc Cớ… Nếu lấy động Thánh Hoá làm trung tâm của cụm chùa trên núi, có thể dễ dàng nhận thấy các lớp kiến trúc khác có tuổi đời vênh nhau. Chúng tôi tạm dùng chữ “chồng tầng kiến trúc” để đặt tên cho kiểu phát triển không theo quy hoạch từ trước này. Tuy nhiên, điều đó cũng không hề làm giảm đi sự bí ẩn và cuốn hút của cụm di tích này, bởi ở đây còn có nhiều truyền thuyết về việc chút xác của thiền sư Từ Đạo Hạnh, về bà Chúa Nành, sự bí ẩn về bể xương người, hay những tấm bia đã ít nhiều bị phong hoá bởi thời gian.

Trong khu vực chùa Thầy có trên 60 văn bia, do nhiều đối tượng soạn (bình dân, danh sĩ, quận công...) bằng chữ Hán và chữ Nôm. Bia đá trong khu vực chùa Thầy có ở tất cả các nơi: bên chân núi, ngang vách đá, trên đỉnh núi, trong chùa, ngoài sân, trong hang động... Nhiều bia nhất là chùa Bối Am (11 bia), chùa Thiên Phúc và am Phật Tích (cùng 9 bia)... Về niên đại, đời Trần (1225 - 1400) có 1 bia; thời Lê Sơ (1428-1527) có 2 bia; thời Mạc (1527 -1595) có 3 bia; thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788) có 18 bia; thời Tây Sơn (1788 - 1802) có 3 bia; thời Nguyễn (1802 - 1945) có 24 bia... Bia đá chùa Thầy có thể chia làm 3 loại: bia trụ, bia dẹt và bia ma nhai. Bia ma nhai chỉ có một mặt; bia dẹt có 2 mặt; bia trụ thì có 4 mặt. Nội dung văn bia rất phong phú: ghi lại việc xây dựng các công trình (đình, chùa, miếu...), dùng để đề tặng (thơ, ký...) hoặc bầu hậu (ghi công đức người được tôn làm hậu, thánh...), khắc đạo lệ (lệnh chỉ của vua cho dân miễn phu phen tạp dịch để thờ thần phật)[7].

Các bài văn bia ở khu vực chùa Thầy chính là mối dây liên hệ giữa lịch sử với hiện tại. Chúng cho ta biết về lịch sử của chùa Thầy và các chùa, am xung quanh, cũng như vị thế của khu vực này khi đã đón tiếp rất nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng đến thăm. Ngoài ra, bia đá còn lưu lại rất nhiều áng văn thơ, có thể giúp ta hình dung được rõ hơn về hành trạng của nhiều danh nhân[8] trong lịch sử dân tộc. Giá trị văn học của văn bia khu vực này càng được nâng cao khi ta nhận ra ở nơi đây đã có sự kế thừa truyền thống đáng tự hào từ lịch sử bằng một hồ sơ cách mạng cũng không kém phần ấn tượng: Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây thành lập năm 1937, tại thôn Đa Phúc nay thuộc xã Sài Sơn[9]; Hồ chủ tịch đã ba lần về thăm và khu vực núi Thầy và nói chuyện với bà con và cán bộ và bà con trong xã; đầu năm 1947, trước khi lên Việt Bắc, Bác đã nghỉ lại và làm việc một thời gian ở chùa Một Mái (tức chùa Bối Am); và sau hiệp nghị Giơnevơ, Người lại về thăm khu vực này (19-5-1959)[10]. Nhiều nhà cách mạng, nhà thơ đã có thơ về nơi mà họ đã từng qua, từng trú ẩn tại chùa Thầy, Sài Sơn[11].

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DANH THẮNG CHÙA THẦY

Danh thắng chùa Thầy có diện tích 25,2 ha, nằm cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía tây nam, đường đi lại thuận tiện. Đây là điểm du lịch thu hút hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Theo quan sát của chúng tôi thì tâm thức của người hành hương, du lịch khi đến đây thường tập trung chú ý đến hai địa điểm: khu chùa trên núi với trọng tâm là hang Cắc Cớ (để cầu duyên, hoặc để thoả trí tò mò), và điện Thánh trong chùa Thầy. Người ta thường quên mất rằng ở đây còn có đền Tam Xã (được coi là đền trình trước khi vào chùa), và chùa Long Đội (ngôi chùa khá đẹp mới được trùng tu). Phải chăng đây là một thiếu sót trong công tác hướng dẫn khác hành hương mà ban quản lý quẩn thể di tích này cần xem xét.

Nếu ai đã đến chùa Thầy cách đây vài năm để so sánh với tình hình hiện tại, sẽ thấy có những mặt tích cực nhất định, và cũng có những tồn đọng trong việc quản lý di tích này. Đó là đường đi (đặc biệt là đoạn đường trên núi) đã bớt bóng dáng của rác, nhưng vẫn còn đó tình trạng “hướng dẫn viên du lịch” chèo kéo khách, tình trạng bán hàng rong, hoặc cảnh vật liệu xây dựng ngổn ngang đây đó. Việc người dân lên chùa bán hàng, hoặc hướng dẫn du lịch cũng là cách để họ (phần lớn còn nghèo) tăng thêm thu nhập. Nhưng với một di tích lớn và một chốn trang nghiêm như chùa Thầy thì thiết nghĩ mọi thứ cũng cần có trật tự và được chuyên nghiệp hoá[12], việc bán hàng cần phải được quy hoạch.

Việc tu bổ tôn tạo tại khu vực chùa Thầy diễn ra rất thường xuyên, thậm chí là với tần xuất trên dưới 30 năm một lần[13] như các năm 1499, 1538, 1570, 1602, 1630, 1656… Chúng tôi nhận thấy ở đây việc tu sửa hoặc xây dưng các hạng mục mới thường theo nguyên tắc tận dụng những cái đã có nhưng vẫn còn tốt, thay mới những chỗ cũ hỏng. Đây là cách làm đúng trong bối cảnh chùa lớn, kinh phí không đủ; và cũng là một điều đặc biệt giúp cho chùa Thầy còn giữ được nhiều nét kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Còn riêng với các khối kiến trúc nhỏ thì việc tu bổ như vậy có thể không phải là giải pháp tối ưu khi người ta muốn giữ được những yếu tố gốc. Và trong trường hợp này, theo chúng tôi hợp lý nhất là nên áp dụng cách bảo tồn, tôn tạo đã được kiểm chứng tại di tích đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hà Nội).

Từ năm 1957 đến nay, nhà nước ta cũng đã nhiều lần quan tâm trùng tu, tôn tạo các công trình trong khu vực này. Dù chỉ là người ngoài cuộc, chúng tôi cũng rất mong muốn cụm di tích này sẽ được phát triển để xứng đáng với vị thế nó đáng được có, những hạn chế trong quản lý sớm được khắc phục. Sẽ thật khó có thể tưởng tượng nổi sẽ như thế nào, nếu ở ngay đường lên hang Cắc Cớ, chùa Một Mái lại có một dãy nhà hiện đại nằm chênh vênh, khiến người ta hình dung đến một dãy quán ăn, nơi mua sắm (điều mà ta có thể nghĩ tới khi chứng kiến một công trình dở dang đang nằm ở đây).

Hang Cắc Cớ (có biển đề là Thần Quang động, năm Bính Tý, niên hiệu Bảo Đại, tức năm 1936). Nơi đây còn được biết đến qua bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương; bể đựng sương người, và những lời truyền về sự linh nghiệm trong việc cầu duyên. Tuy nhiên, để đến được với hang động này người ta phải đi qua một đoạn đường khá hiểm trở và nguy hiểm. Không những vậy, nhiều du khách còn bị bất ngờ, sau đó là có ấn tượng rất không tốt về cách “thu tiền công đức” của những người ngồi trước bể xương người dưới đáy hang động nay. Thiết nghĩ, Ban quản lý di tích cũng nên nghiên cứu để đường xuống hang được trùng tu cho bớt gập ghềnh, và những du khách xuống đáy hang thoát khỏi cảnh bị “móc túi”  bất ngờ.

Văn bia trong cụm di tích này có tuổi đời khác nhau, trải dài theo suốt lịch sử của di tích, chúng có những giá trị lịch sử, giá trị ngôn ngữ, giá trị văn học, giá trị mỹ thuật... nhất định. Theo thời gian những văn bia này sẽ bị phong hoá. Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải có giải pháp bảo tồn những văn bia này. Việc dập bia, in lại hình ảnh của thác bản, phiên âm và dịch ra tiếng Việt cần phải được làm song song với nhau. Với hàng chục tấm bia khác nhau, ta hoàn toàn có thể cho ra đời một cuốn sách chỉ bàn riêng về văn bia Chùa Thầy (tức cả cụm di tích). Việc làm này trước hết có thể là tăng sức hấp dẫn về lịch sử di tích này, và cũng có thể góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng Hán văn Việt Nam.

Với những người còn bỡ ngỡ khi đến đây thì việc có một có một bảng chỉ dẫn, sơ đồ cụ thể về cụm di tích sẽ giúp ích rất nhiều cho họ trong việc tìm hiểu di tích. Do vậy, để tiện cho du khách, người hành hương theo chúng tôi cần có một bản đồ chi tiết về di tích này, cũng như những quy định (có thể là bắt buộc) đối với du khách khi đi chùa. Vì theo chúng tôi, khi đến một chốn linh thêng và tôn nghiêm, mỗi người cũng cần phải chuẩn bị cho mình một sự tôn nghiêm cần thiết.

Theo chúng tôi được biết, vào tháng 3/2007 Dự án Khu Du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây được cấp phép thực hiện trên địa bàn xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (bên cạnh di tích núi Thầy và chùa Thầy) do Công ty Tuần Châu Hà Tây (thuộc tập đoàn Tuần Châu) làm chủ đầu tư. Tháng 2/2008 dự án được khởi công, nhưng lại phải điều chỉnh quy hoạch do còn có những vấn đề gây lo ngại. Chúng tôi cho rằng với một dự án lớn và nằm gần di tích chùa Thầy đến vậy, thì Ban quản lý chùa cũng cần có những xem xét, để kịp phản ứng với những thay đổi đã, và sẽ đến trong thời gian sắp tới. 

III. THAY LỜI KẾT

Ngày nay, khi mà đời sống của người dân không ngừng được nâng cao thì nhu cầu vật chất, nhu cầu giải trí, nhu cầu về các hoạt động tâm linh của người dân cũng tăng lên. Việc người dân đi chùa lễ Phật, hoặc đơn giản chỉ là để ngắm cảnh cũng theo đó mà nhiều hơn. Do đó, số lượng người đến những quần thể di tích nổi tiếng, với một lễ hội lợ như chùa Thầy chắc hẳn sẽ còn tiếp tục tăng. Đây là cơ hội để chùa Thầy được biết đến nhiều hơn, những điều tốt đẹp trong giáo lý nhà Phật được quảng bá sâu rộng hơn; đồng thời cũng có thể là thách thức bởi một loạt mối đe doạ cả vô hình lẫn hữu hình: từ ô nhiễm môi trường (trong đó có cả môi trường tu hành của người tu sĩ), đến nguy cơ những trò mê tín dị đoan len lỏi, hoặc những nguy cơ khác có thể phá đi tính chỉnh thể trong kiến trúc di tích. Những vấn đề này cũng chính là những trăn trở của một người mến mộ cảnh chùa mà tìm hiểu lịch sử của chùa như tác giả bài viết này.



*  Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Lễ hội Chùa Thầy được tổ chức từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm.

[2] Thiền sư Từ Đạo Hạnh tên huý là Từ Lộ, cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan, quê ở hương Yên Lãng, nay thuộc phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội). Ban đầu, ngài tu ở chùa Láng, sau lên chùa Thầy. Sự tích về ông được chép lại trong khá nhiều cuốn sách như Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh... Vẫn còn có những bất đồng xung quanh việc xác định năm ông qua đời, nhưng nếu dựa vào năm sinh của vua Lý Thần Tông (người mà theo truyền thuyết là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh) thì đó phải là năm 1116.

[3] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy: Thiên Phúc Tự,tr 45.

[4] Tức là trước năm 980.

[5] Đây là ý kiến doán định của một số nhà nghiên cứu, bằng chứng ít ỏi còn lại là tấm hoành phi còn lưu lại trong chùa, đề bốn chữ  Hương Hải lưu phương.

[6] L. Bezacier,  Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam và nghệ thuật Việt Nam, 1955.

[8] Vì phần lớn văn bia ma nhai bị mờ, khó đọc được một cách hoàn chỉnh bằng mắt thường, nên chúng tôi chưa thể khảo sát kỹ nội dung của chúng. Nhưng qua cuốn Chùa Thầy: Tập thơ, có thể nhận ra tên tuổi của các nhân vật rất nổi tiếng như: Nguyễn Trực, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Ích, Hồ Xuân Hương…

[9] Chùa Thầy: Tập thơ, Tr. 27.

[10] Chùa Thầy: Tập thơ, Tr. 28.

[11] Có thể kể ra tên tuổi của các nhà các mạng, nhà thơ như: Xuân Thuỷ, Xuân Diệu, Quang Dũng, Vũ Quần Phương…

[12] Nói về vấn đề này, Hoà thượng Thích Đàm Vĩnh - trụ trì chùa Thiên Phúc tự cho biết: “Việc bán hàng rong là do người dân tự tổ chức nên nhà chùa không thể can thiệp được. Có rất nhiều khách thập phương đã kêu ca về nạn lừa đảo, chặt chém tại chùa. Những bức xúc của Phật tử, nhà chùa đều kiến nghị lên chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”. Dẫn theo: cand.com.vn

[13] Nguyễn Văn Tiến, Chùa Thầy: Thiên Phúc Tự, tr 56.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6449913