Thông tin

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG VIỆC

BẢO VỆ, PHÁT HUY DI TÍCH CHÙA CẦN LINH

 

NGUYỄN ÁNH TUYẾT*

 

Nghệ An là vùng đất cổ, nơi đây đã tiếp nhận và phát triển nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, trong đó Đạo Phật đã hưng phát ở Nghệ An cách đây hàng ngàn năm. Đạo Phật phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân xứ Nghệ, trở thành một tôn giáo được xã hội trân trọng và gìn giữ.

Nghệ An từng có nhiều chùa chiền, xa xưa tiếng chuông chùa vang vọng ở các trấn lỵ, làng quê đã làm cho cuộc sống của người dân trở nên hướng thiện, an lành. Tuy nhiên do tác động của thời gian, thời tiết, chiến tranh và con người hệ thống chùa thờ Phật ở nhiều nơi đã bị tàn phá chỉ còn lại phế tích. Cùng với sự hoang phế của kiến trúc chùa chiền thì số lượng Tăng ni, Phật tử ở đây cũng không còn nhiều. Chùa Cần Linh ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh là một trong những ngôi chùa vẫn còn có sư trụ trì và giữ được nhiều kiến trúc, cảnh quan truyền thống.

Theo truyền thuyết dân gian, các tài liệu và các cuốn sách lịch sử, Chùa được xây dựng dưới thời Tiền Lê. Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn nói về lịch sử ngôi chùa này, kể rằng: vào thời nhà Đường, Cao Biền là tướng ở Trung Quốc, được cử sang làm Tiết Độ sứ nước ta. Ông vốn là người giỏi phong thủy, địa lí. Nên đi đến đâu cũng bỏ công đi tìm đất tốt của người Việt để trấn yểm. Khi đến đất Hoan Diễn (là Nghệ An bây giờ), nhận thấy núi Đại Huệ (từ  huyện Đô Lương, Thanh Chương ở phía Tây chạy dài về phía Đông Nam Đàn, Hưng nguyên, Nghi Lộc) là nơi có long mạch tốt, trong đó có vị trí đầu Rồng, gần sông Cồn Mộc, nằm ở vùng đất phía Đông Nam, nên cho xây một ngôi chùa ở đây để cầu may với hi vọng sẽ bám trụ, thống trị được vùng đất phương Nam, nước Việt. Chùa được đặt tên là Linh Vân Tự (nghĩa là: chùa mây thiêng).

Do tác động của thời gian và các biến cố lịch sử, nên dấu tích của chùa cổ không còn. Các công trình kiến trúc mới được xây dựng vào thời Nguyễn. Khoảng thế kỷ thứ XIX, các vua Tự Đức, Bảo Đại trong dịp ra Bắc kinh lý đã đến thăm chùa, tổ chức cúng tế, cầu phúc ở đây. Cảm nhận trước chùa thiêng, cảnh đẹp và sự linh ứng của đức Phật nên đã tặng cho chùa hai bức đại tự, trong đó có bức khắc chữ “Cầu Linh”, ngụ ý đây là ngôi chùa thiêng, người đời, Phật tử nếu thành tâm đến đây cầu phúc, cầu tài sẽ được đức Phật linh ứng, giúp đỡ. Về sau, dân gian gọi chệch chữ “Cầu linh” thành chữ “Cần Linh”. Ngoài ra, Chùa này còn được gọi là chùa Sư Nữ, bởi vì các vị sư trụ trì ngôi chùa từ trước tới nay đều là nữ giới.

 Chùa Cần Linh tọa lạc trên một vùng đất đẹp, cao ráo, thoáng đãng, thuộc làng Vang, tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang.. Trước mặt chùa là hai hồ sen giống như đôi mắt ngọc của rồng thiêng giữa phố phường. Sau lưng chùa là ruộng lúa và cư dân. Bên trái chùa là đường liên huyện. Bên phải chùa là sông Cồn Mộc uốn khúc quanh co, hiền hoà, đã đi vào ca dao xứ Nghệ:

Núi Hùng ai đắp mà cao

Sông Cồn Mộc ai đào chín khúc quanh co

Xa xa, ở phía Đông Nam có núi Phượng Hoàng, núi Hồng Lĩnh, và dòng sông Lam. Phía Tây Bắc là dãy núi Thiên Nhẫn, núi Đại Huệ, Đại Hải sừng sững, linh thiêng, đã đi vào lịch sử xứ Nghệ với nhiều sự tích, truyền thuyết.

Chùa Cần Linh có khuôn viên khoảng hơn 5.000 m², cảnh quan rất đẹp. Ở đây có các công trình kiến trúc: Tam quan, chính điện, hậu cung, nhà tả vu, nhà hữu vu, lầu quan âm, mộ tháp.

Tam quan chùa có ba cửa “không quan”, “trung quan” và “giả quan” được phân cách bằng các cột trụ, trang trí câu đối, hoa văn, tượng trưng cho con đường dẫn tới cửa Phật để mong cứu độ, giải thoát chúng sinh.

Ở “Trung quan” gọi là “Linh tự môn” có đôi câu đối:

Đuốc trí tuệ soi đường bác ái

Cửa từ bi đón khách thập phương

Vườn chùa rộng, có nhiều cây xanh, bóng mát và cây hoa thiêng như bồ đề, hoa đại, hoa cúc, hoa sen… Bên phải sân chùa, đặt Pho tượng Quan Âm trong lầu khá đẹp. Tượng phật được tạc trong tư thế đứng, khuôn mặt thanh tú, hiền từ như đang lắng nghe, sẵn sàng cứu độ chúng sinh.

Bên trái vườn chùa là mộ của các vị sư tổ đã từng có công xây dựng, trụ trì ở chùa Cần Linh và ngôi tháp gợi mở về đạo đức, trí tuệ của đức Phật.

Sân chùa phía trước là nơi hành lễ, có khung che nắng mưa và đặt một pho tượng Phật bằng đồng. Đây là pho tượng Phật bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt, được đặt trang trọng trên toà sen, cao 3m, rộng 2,5m được đúc bằng 8 tấn đồng đỏ nguyên chất. Pho tượng Phật bà được hoàn thành mừng ngày Đại lễ Phật đản 2550 năm Phật Lịch.

Quý giá nhất là kiến trúc nhà chính điện. Kiến trúc này đặt dọc, khung làm bằng gỗ, mái lợp ngói, xây tường. Nội thất nhà chính điện bài trí nhiều đồ thờ là cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Đặc biệt là trong số gần một trăm pho tượng cổ, có bức tượng Phật Thích Ca làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, có giá trị về nghệ thuật điêu khắc, từng đường nét tạo hình của pho tượng thể hiện lòng từ bi, nhân ái của Đức Phật. Thông qua việc chế tạo tượng Phật Tam thế, Cửu long, Thích ca, Quan âm, Kim cương…, chuông đồng chúng ta cảm phục về bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân dân gian trong việc tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa về vật chất, tinh thần để phục vụ việc phụng thờ chư Phật.

Vào cuối thế kỷ thứ XIX, khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, chùa Cần Linh là địa điểm ẩn náu của nghĩa quân Cần Vương, trong các cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An. Khi được nhà sư trụ trì và phật tử giúp đỡ, nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ Cách mạng đã lấy chùa Cần Linh làm cơ sở gặp gỡ, hội họp, bàn tính hoạt động đấu tranh chống thực dân, dành độc lập dân tộc. Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, khu vực chùa Cần Linh là nơi xây dựng trận địa pháo; chùa còn là trường học cho các giáo viên, học sinh về đây sơ tán.

Với tấm lòng nhân ái, từ bi, hỉ, xả, trong hàng chục năm qua, các sư ni và phật tử ở chùa Cần Linh đã có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện như cưu mang, chăm sóc trẻ em mồ côi, giúp đỡ người gặp hoạn nạn, khó khăn…Những đóng góp của tăng ni, phật tử đã tích cực góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cảnh đẹp, chùa thiêng, hàng trăm năm qua chùa Cần Linh là một địa chỉ gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh ở thành phố Vinh và các vùng phụ cận. Thường ngày du khách và phật tử hay đến chùa để vãn cảnh, dâng lễ, cúng Phật. Vào các ngày sóc vọng, du khách thường đến đây để cầu phúc, cầu yên, chiêm ngưỡng phong cảnh thanh tĩnh, hài hòa của ngôi chùa cổ giữa phố phường tấp nập.

Năm 1992 Chùa Cần Linh đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo quyết định số 97/QĐ-VH, ngày 21/1/1992.

Bên cạnh những giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đã nêu, hiện nay ở chùa Cần Linh vẫn còn những khó khăn lớn. Nhiều công trình, kiến trúc làm bằng gỗ, thời gian xây dựng đã lâu, dưới tác động của mưa gió nên đã bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Những ngày lễ trọng, du khách, phật tử tụ hội về chùa rất đông, nhưng khuôn viên của chùa chật hẹp làm cho việc hành lễ chưa được trang trọng, tôn nghiêm. Vẫn còn hiện tượng ăn xin, đốt vàng mã, xả rác làm ô nhiễm môi trường và gây phản cảm trong dư luận cộng đồng…

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, nhu cầu về du lịch tâm linh cũng tăng lên. Chùa Cần Linh được xem như là một điểm đến hấp dẫn du khách trong nhiều tour du lịch về xứ Nghệ. Vì vậy, chùa Cần Linh cần một dự án trùng tu lớn để gìn giữ, bảo tồn kiến trúc cổ, cần có sự quản lý chặt chẽ, phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức hành lễ trang nghiêm, không còn sự lộn xộn. Để khi hành hương về với cõi Phật, mọi người đến đây đều có chung cảm nhận về sự uy nghi và thanh tĩnh của ngôi chùa thiêng.

 

Vinh, tháng 6/2012



* Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Nghệ An

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 294
    • Số lượt truy cập : 6948290